Các bài Phỏng vấn của báo Văn Hóa về Biển Đông

21 Tháng Tám 20209:20 SA(Xem: 2835)

VĂN HÓA ONLINE - TÀI LIỆU - THỨ SÁU 21 AUG 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Nha Trang 2016: Hội thảo Quốc tế về Biển Đông


25 Tháng Tám 20166:57 CH(Xem: 4117)


Các bài Phỏng vấn của báo Văn Hóa về Biển Đông


image026

Diễn giả và quan khách chụp ảnh kỷ niệm trong ngày hội thảo 16/8/2016. Ành VH


image027

Một góc trong cuộc họp báo ngày 16/8/2016. Ngồi góc phải là Giáo sư Ngô Vĩnh Long đến từ Đại học Maine miền Đông Hoa Kỳ. Ảnh VH


image029

Bổn báo Lý Kiến Trúc.


Phỏng vấn Ts Phạm Đăng Phước


image031

(từ trái) Nhà báo lý Kiến Trúc và Ts Phạm Đăng Phước.


- LKT: Kính chào Tiến sĩ Phạm Đăng Phước, tôi đại diện cho báo Văn Hóa tại California, qua bài phát biểu khai mạc của ông trong buổi họp báo, ông có thể tóm tắt các nội dung chính về hội thảo được không?


- Ts PHẠM ĐĂNG PHƯỚC: Vâng, trong cuộc họp báo hôm nay, ban tổ chức thông cáo cho các phóng viên báo chí chương trình hoạt động của hội thảo trong hai ngày 17 và 18 tháng 8, 2016; trong đó chúng tôi nêu các mục đích hội thảo, số lượng hội thảo tham gia, cũng như các hội đồng chủ trì để các phóng viên báo chí nắm được.   


- LKT: Thưa ông, chủ đề chính của hội thảo năm nay là gì?


- Ts. PĐP: Chủ đề chính của hội thảo chúng tôi đặt ra là "Quy chế Pháp lý của Đảo, Đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông". 


- LKT: Đây là cuộc hội thảo do tường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức? 


- PĐP: Các hội thảo quốc tế về Biển Đông là các hội thảo thường niên do trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức, đây là lần hội thảo thứ ba; lần đầu tiên tổ chức tại Quảng Ngãi năm 2013, năm 2014 chúng tôi phối hợp với Đại học Đà Nẵng tổ chức hội thảo tại thành phố Đà Nẵng, và lần này tổ chức tại thành phố Nha Trang phối hợp với trường Đại học Nha Trang.


- LKT: Đại diện cho báo Văn Hóa tại California, xin chúc ông thành công.


- PĐP: Vâng, rất mong ông tham dự hội thảo và đưa tin./


++++++++++++++++++++++++++++++++


Phỏng vấn Ts Trang Sĩ Trung


image033 


- LKT: Kính chào Ts Trang Sĩ Trung, tôi là Lý Kiến Trúc đại diện cho tờ Văn Hóa Online-California, trong cuộc họp báo hôm nay, nội dung chính là gì?


- Ts TRANG SĨ TRUNG: Hôm nay chúng tôi tổ chức hội thảo liên quan tới "Quy chế Pháp lý của các Đảo và Đá trong luật pháp quốc tế và thực tiễn Biển Đông" được phối hợp tổ chức với trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức tại Nha Trang từ ngày 17 đến 19 tháng 8, 2016.


- LKT: Nội dung chính hội thảo là gì?


- TST: Nội dung chính sẽ tập trung vào thứ nhứt: Quy chế pháp lý của các đảo và đá trong luật pháp quốc tế; thứ hai tập trung vào thảo luận về chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và thứ ba là thảo luận về Phán quyết của tòa Trong tài Quốc tế và ảnh hưởng phán quyết của tòa đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. 


- LKT: Theo như lời tuyên bố của Ts Phạm Đăng Phước thì đây là cuộc hội thảo mang tính khoa học, theo Ts thì 3 chủ đề ông đưa ra, ông đặt trọng tâm và chủ đề nào?


- TST: Trong ba chủ đề chúng tôi đặt ra, 3 chủ đề đều có tính thời sự và đều là trọng tâm của hội thảo.


- LKT: Tương lai của 3 chủ đề này nó sẽ tiến tới được những điểm nào?


- TST: Chúng tôi mong rằng qua hội thảo sẽ mở rộng sự hợp tác của các học giả quốc tế, học giả trong nước để nghiên cứu về vấn đề Biển Đông và đề xuất các giải pháp hòa bình cũng như duy trì ổn định an ninh hòa bình ở khu vực Biển Đông.


- LKT: Điều mong muốn của Ts đối với các học giả trong nước và học giả ngoại quốc là điều gì?


- TST: Điều mong muốn của chúng tôi là các học giả quốc tế đến để thảo luận cũng như đưa ra các chi tiết về luật pháp quốc tế đối với các tranh chấp theo công ước Liên hiệp quốc và Luật biển năm 1982.


- LKT: Ts có biết nhiều về các học giả VN ở ngoại quốc không?


- TST: Thực tình thì chúng tôi chưa biết nhiều lắm các học giả VN ở ngoại quốc, nhưng chúng tôi mong rằng càng ngày sẽ có nhiều sự phối hợp với các học giả VN và các học giả VN ngoại quốc.


- LKT: Tiếng MC thông báo đã đến giờ làm việc. Xin tạm ngưng cuộc phỏng vấn và cám ơn Ts Trang Sĩ Trung, xin hẹn gặp lại./ 


++++++++++++++++++++++++++++++++


Phỏng vấn Ts Trần Công Trục


image035

Ts Trần Công Trục phát biểu tại Hội thảo Quốc tế ở Nha Trang. Ảnh LKT


- LKT: Trong cuộc hội thảo Quốc tế về Biển Đông, qua bài tham luận của Tiến sĩ Trần Công Trục, ông có nêu lên những điểm pháp lý về phán quyết của phiên tòa PCA ở La Hayer, nhưng theo chủ đề của ban tổ chức đưa ra nói về "Quy chế pháp lý", trong khi Ts có đề cập đến từ ngữ "Cơ chế pháp lý", nó có sự khác biệt nào không?


image037

(từ trái) Ts Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ VN, nhà báo Lý Kiến Trúc.


- Tiến sĩ TRẦN CÔNG TRỤC: Tôi xin nhắc lại các bài tham luận và quan điểm của tôi; trước hết tôi đánh giá rất cao về chủ đề hội thảo này. Về "Quy chế pháp lý các thực thể, xác định phạm vi các vùng biển của chúng đối với các quốc gia trên biển, thế thì đó là một chủ đề hết sức thiết thực. Như các bạn đã biết, sau phán quyết của PCA, có rất nhiều ý kiến, bình luận, thậm chí có ý kiến phản đối rất nặng về biển, mà ta quan tâm nhất đến cái "Quy chế pháp lý" của các thực thể; Hiện nay vẫn có nhiều quan điểm khác nhau đánh giá về phán quyết của trọng tài, người ta không đồng ý về "tất cả các thực thể đó" không có quyền mở rộng vùng biển, trong đó có vùng EEZ 200 hải lý; tôi xin muốn nói rằng, từ ngữ pháp luật mà chúng ta cần phải nói chính xác là cái "Quy chế pháp lý của các cấu trúc" hay còn gọi là các 'thực thể địa lý" (lands feature) trong việc xác định phạm vi các vùng biển, chủ quyền , quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia, đó là điều tôi muốn nói chứ không phải nói về cái "cơ chế", đây là cái "quy chế", cái hiệp ước pháp lý của các thực thể hay là các cấu trúc trong quần đảo Trường Sa, vì vậy đây là một đề tài hết sức đứng đắn và nó cũng là câu chuyện chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ càng để nhận thức được ý kiến nào đúng, ý kiến nào sai.


- LKT: Có hai điểm xin ý kiến tiến sĩ: Thứ nhất, trong luồng dư luận của đồng bào ở trong nước và hải ngoại, qua phán quyết của tòa PCA gần như phủ nhận các "thực thể đảo" hiện tại tôi cho có lẽ quan trọng nhất là 5 hòn đảo lớn của Việt Nam là Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa lớn; thứ hai, phán quyết PCA có tính chất "biểu tượng" hơn là "cưỡng chế" về mặt pháp lý, theo ý của Ts ra sao?


image039

Đảo Song Tử Tây nhìn từ ngoài khơi, nằm ở tọa độ 11 độ 25'54'' N và 114 độ 19'48" E, cách Cam Ranh khoảng 500km, cách đảo Song Tử Đông hiện do Philippines chiếm giữ 1,5 hải lý (chưa tới 3 km); Nhìn từ ngoài khơi, đảo Song Tử Tây như một khu rừng giữa đại dương, đảo có giếng nước lợ ngọt, cây trái gốc ở đất liền, có đông đảo cư dân Việt sinh sống, sinh đẻ. Theo phán quyết của tòa PCA thì đảo Song Tử Tây chi được hưởng 12 hải lý, như vậy đảo Song Tử Đông của Philippines cũng chỉ hưởng 12 hải lý. Hai phạm vi vùng biển của hai đảo chồng lấn lẫn nhau.   Ảnh LKT, tài liệu của Văn Hóa.   


image041

Bia chủ quyền bằng đá ở đảo Song Tử Đông do Hải quân VNCH xây từ năm 1963; năm 1970 quân Philippines chiếm đảo Song Tử Đông nhưng quân chính phủ VNCH không giao chiến chiếm lại đảo. Hình ảnh và tài liệu trên chưa kiểm chứng độ chính xác. Tư liệu của Thiềm Thừ. (Văn Hóa Online trích dẫn).


- Ts TCT: Tôi xin khẳng định rằng, phán quyết không phủ nhận vai trò của các đảo trong quần đảo Trường Sa, rõ ràng các đảo đúng nghĩa theo điều 121 thì nó là đảo, chỉ có điều là nó, đảo đó nó có thích hợp với con người, với sự sống lâu dài không, một cộng đồng dân tộc lâu dài không, hay là nó có đời sống kinh tế không, thì nó mới tính đến việc mở rộng vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, chứ còn tất cả các đảo của VN hiện nay chúng ta đang làm chủ cũng như một số đảo khác các nước khác đang đóng quân tranh chấp với chúng ta thì vẫn là đảo, chỉ có điều theo "Quy chế pháp lý" của nó thì những đảo này quá nhỏ, chưa - không đủ, về bản chất nguyên gốc tự nhiên của nó là không đủ điều kiện để con người sinh sống cho nên nó không có đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.


- LKT: Quan điểm về "đảo" của tiến sĩ có sự khác biệt về các các quan điểm về "đảo" của PCA?   


- Ts TCT: Không khác tí nào cả, tôi cho rằng quan điểm của tôi hoàn toàn trên cơ sở phân tích của PCA, cho nên vì chúng ta có sự nhầm lẫn trong khái niệm "đảo" về mặt tự nhiên, mặt địa chất, diện mạo với khái niệm về mặt pháp lý. Trong điều 121, "đảo" là vùng đất luôn luôn nổi lên mặt nước khi thủy triều lên cao nhất, "đất" ở đây nhiều khi người ta tưởng tượng là "đất", đất có thể bao gồm là đá, là san hô, là cát... nhưng miễn là luôn luôn nổi khi thủy triều lên thì được gọi là "đảo", chỉ có điều là đảo nhỏ, hay đảo to có thích hợp với đời sống kinh tế riêng hay không.


- LKT: Trong bài tham luận của Ts, hầu như Ts có khuynh hướng cổ vũ, ca ngợi phán quyết của PCA là công bằng, công minh và bình đẳng, điều đó nó có đi ngược lại với quan điểm của Trung Quốc hay không?


image043

Giếng và bể chứa nước lợ ngọt dùng để uống, tắm giặt trên đảo Song Tử Đông. Ảnh LKT, tư liệu Văn Hóa Online.


image045

Cây trái đủ đủ và các loại rau cỏ trên đảo Song Tử Tây . Ảnh LKT, tư liệu Văn Hóa.


image047

Cây phong ba bão tố, một loại thực vật đặc sắc trên đảo. Ảnh tư liệu Văn Hóa.


image049

Cây bàng vuông, một loài thảo mộc hiếm có chỉ sinh sôi này nở trên đảo Việt Nam - trái của nó hình vuông, tới mùa ra hoa đẹp và hương thơm bát ngát. Ảnh LKT, tư liệu của Văn Hóa.


image051

Bổn báo Lý Kiến Trúc trong dịp ra thăm quan sát quần đảo Trường Sa tháng Tư năm 2014 đã tìm đến bia chủ quyền bằng đá do Hải quân VNCH xây từ năm 1956 - hiện vẫn còn nguyên vẹn.


image053

Tháng Tư năm 1975, Hải quân quân đội VNDCCH tiếp thu đảo Song Tử Tây hiện đang do quân đồn trú chính phủ VNCH trấn giữ - không có tiếng súng hay viên đạn nào trong cuộc tiếp thu.


-  Ts TCT: Tôi nghĩ rằng, tôi hoàn toàn cổ vũ, ca ngợi, thậm chí đánh giá rất cao về phán quyết, bởi vì 5 thẩm phán được lựa chọn vào hội đồng trọng tài họ làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, họ chịu một sức ép rất lớn với rất nhiều ý kiến khác nhau, với các nước, như chúng ta đã biết với cái sự vận động của Trung Quốc, nhưng với bản lĩnh của các vị thẩm phán đó tôi nghĩ rằng họ đã đưa phán quyết đầy đủ trên 5 vấn đề mà Philippines kiện. Với tư cách là một chuyên gia về luật pháp, tôi phân tích các dữ kiện khoa học, tôi cho rằng phán quyết có giá trị pháp lý, nó là cơ sở cho các bên có thể dựa vào đó để tiếp tục các cuộc đấu tranh pháp lý này, tất nhiên nó sẽ trái với quan điểm của Trung Quốc.


- LKT: Có hai ý kiến phản hồi sau phán quyết PCA: ý kiến thứ nhất của ông Tập Cận Bình, ông Tập cho rằng, phán quyết PCA chẳng ảnh hưởng gì đến công việc của Trung Quốc đang theo đuổi (tại Trường Sa); ý kiến thứ hai là Thông cáo báo chí của tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội ngày 13 tháng 7, 2016, trong đó có lời khuyến khích các bên tuyên bố chủ quyền làm rõ yêu sách trên biển của họ phù hợp với luật pháp quốc tế ; nó có phải là khuyên các nước nên tiếp tục lập hồ sơ để khẳng định vai trò chủ quyền của mình qua các thực thể địa lý ở Biển Đông? Theo nhận định của Ts như thế nào?


- Ts TCT: Tôi cho rằng, phát biểu của Trung Quốc đặc biệt của ông TBT Tập Cận Bình, rõ ràng lập trường của họ không thay đổi so với trước đây, đây rõ ràng nó nằm trong chủ trương chiến lược của Trung Quốc trong ý đồ khống chế độc chiếm Biển Đông, nó tìm cách tranh dành vị trí siêu cường quốc tế, chắc chắn trong sắp tới họ còn có những động thái khác để phá hoại phán quyết; phán quyết đưa ra cho các bên phải chấp hành, nhưng Trung Quốc không chấp hành, bởi cơ chế thi hành án là của Liên hiệp quốc chưa có, hiện nay có ý kiến cho rằng phán quyết không "cưỡng chế", đúng như vậy, bởi vì cái cơ chế thi hành án trong cơ quan tài phán chưa có cái cơ chế cưỡng chế, (không ai có thể bắt buộc được), nhưng có thể có các biện pháp khác như  thông qua đại hội đồng Liên hiệp quốc, thông qua các tổ chức quốc tế khác để làm sao đó bắt các bên thi hành án; tuy nhiên không phải dễ với Trung Quốc vì họ là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an họ có quyền phủ quyết; tuy nhiên tôi nghĩ rằng phán quyết này nó mang tính chất tối hậu, bắt buộc, thế giới đánh giá rất cao, nhân loại có cái cách để làm sao chứ không thể nào bó tay.


Thế còn đối với Mỹ, các bạn nên nhớ rằng từ khi Philippines bắt đầu khởi kiện, thì Mỹ hoàn toàn là ... tôi nghĩ rằng về mặt pháp lý là rất đứng đắn, họ từng tuyên bố bác bỏ yêu sách 9 đoạn lưỡi bò, họ bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc trong việc xây dựng các đảo nhân tạo để tạo ra vùng lãnh hải 12 hải lý, Mỹ đã đưa các tàu chiến đi tuần tra vào các đảo nhân tạo để vô hiệu hóa các yêu sách của TQ, trong quá trình phán quyết, họ kêu gọi các bên nghiêm túc thi hành , tuy nhiên  tôi cũng nghĩ rằng khi sau khi có phán quyết, người ta có tuyên bố mà chúng ta cần lưu ý rằng Mỹ cũng muốn rằng các bên cần phải tiếp tục con đường pháp lý để đấu tranh nhưng phải kiềm chế đừng tạo ra xung đột mới tạo ra các hậu quả bất lợi cho thế giới.      


- LKT: Ts có nghĩ rằng đã có nhiều cuộc "tuần tra" (báo Văn Hóa gọi là "hành quân" ) của hải quân Mỹ tiến vào các vùng đảo nhân tạo của Trung Quốc, nhưng họ không vượt qua phạm vị 12 hải lý mà chỉ "áp sát" 12 hải lý mà thôi , tức là không vượt sâu vào vùng biển 12 hải lý của đào nhân tạo, điều đó có nói lên sự công nhận "bán chính thức" 12 hải lý đối với các đảo nhân tạo của TQ hay không?


- Ts TCT: Vâng, khi Mỹ tuyên bố muốn "vô hiệu hóa" các yêu sách muốn mở rộng lãnh hải các đảo nhân tạo đó, nhưng khi tuần tra Mỹ tính toán không đi vào thì tôi cho rằng thực tế Mỹ làm điều đó cũng là cái cách rõ ràng đã thừa nhận trên thực tế cái lãnh hải 12 hải lý, và Trung Quốc họ lợi dụng cái điều đó họ nói rằng là ... tất nhiên chúng ta cũng đặt cái bối cảnh quan hệ phức tạp Trung - Mỹ của vụ này bởi vì rõ ràng rằng Mỹ tuyên bố không chấp nhận tất cả yêu sách của TQ và muốn mọi bên phải tôn trọng luật pháp quốc tế, trong thực tế xử lý họ phải tính toán trong quan hệ quốc tế lợi ích của họ nữa, cho nên cái việc mà họ làm như vậy chúng ta cũng nên có cái sòng phẳng trong việc nói rõ, nhưng mặt khác, chúng ta cũng không nên vì lý do đó mà chúng ta phê phán bởi vì mỗi quốc gia đều tính toán theo lợi ích của mìn, hoàn cảnh của mình.


- LKT: Phán quyết của tòa Trọng tài ra đời cách đây cũng hơn một tháng và tình hình Biển Đông diễn tiến càng ngày càng sôi động do áp lực của Trung Quốc, vậy theo ý kiến của Ts chúng ta dựa trên hoàn cảnh thực tiễn hiện nay ở Biển Đông và tình hình thời sự thì Ts có thể đưa ra cái giải đáp cụ thể nào, hoặc cái bước tiến nào của VN trong những ngày sắp tới?


- Ts TCT: Đúng là câu hỏi này rất là khó, không phải dễ dàng ngay lập tức trả lời được, nhưng, chúng ta đặt trách nhiệm, nghĩa vụ của các quốc gia liên quan đến khu vực Biển Đông, đặc biệt liên quan trực tiếp thì chúng ta cần làm gì, bởi vì sau phán quyết thì tòa Trọng tài Quốc tế đã tạo cho chúng ta cái cơ sở pháp lý đứng đắn, chính xác, thì chúng ta nên khai thác cái lợi thế đó để khai thác cuộc đấu tranh trên phương diện pháp lý, có cơ sở pháp lý thì chúng ta dễ dàng hơn trong việc tiếp xúc với Trung Quốc, rồi tiến hành với Asean, với các nước trong việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử mà lâu này mọi người kỳ vọng... thì lần này chúng ta xác định được cái phạm vi điều chỉnh cái COC, thứ hai từ trước đến nay TQ họ nói rằng biển Nam Trung Hoa là của Trung Quốc và họ có tham vọng độc chiếm thì bây giờ với cái phán quyết này bất lợi cho họ, vậy thì chúng ta nên lưu ý rằng chúng ta tiếp tục gây ra các căng thẳng và tạo ra tâm lý cho các dân tộc cực đoan phát triển thì có thể tạo ra cái cớ cho họ làm lớn lên, cho nên trong bối cảnh hiện nay với cái hành xử của Trung Quốc thì .. thì chúng ta nên viết tiếp cái câu chuyện phán quyết bằng chính trị, lúc này chúng ta phải giải quyết bằng chính trị và ngoại giao đừng để cho xung đột lớn lên, xung đột lớn lên chắc chắn chiến tranh sẽ xẩy ra.


- LKT: Cụ thể là Việt Nam muốn khai thác các lợi điểm nào qua phán quyết? Ví dụ?   


- Ts TCT: Ví dụ, lợi thế chúng ta có thể khai thác trong việc xác định được phạm vi đâu là vùng chồng lấn, đâu là vùng thuộc chủ quyền trên biển ở hai quần đảo và đâu là vùng biển thuộc di sản chung của nhân loại mà mọi quốc gia có quyền được hưởng, và chúng ta có điều kiện bác đi cái đường lưỡi bò vô lý, điều đó nó sẽ thu hẹp các vùng tranh chấp và đồng thời nó tạo ra cái mẫu số chung cho các bên có thể ngồi lại với nhau.


- LKT: Trên thực tế phán quyết đã phủ nhận tất cả các đảo đá ở Trường Sa đều không có một cộng đồng sinh hoạt bình thường tức là các "đảo" đó không có vùng biển mở rộng nói rõ hơn là không có vùng biển EEZ?


- Ts TCT: Tôi nó rõ là các đảo đó không đủ lớn, không đủ điều kiện cho cộng đồng dân cư sinh sống lâu dài, anh ra đấy chỉ là có sự giúp sức thế thôi.


- LKT: Theo phán quyết phủ nhận các đời sống thực tế hiện nay ở đảo, nhưng sự phủ nhận đó theo thời gian lịch sử phát triển của con người - ví dụ như có cuộc di dân lớn đến đảo, ví dụ như con người ta lấn tới biển sinh sống ở các đảo ở đại dương dù đảo đó nhỏ, khi con người di dân đến nơi đó sống là một thực tế vậy thì có sự khác biệt, sự lầm lẫn, sự sai lầm của phán quyết về "quy chế đảo" hiện nay hay không?


-  Ts TCT: Theo tôi không có sự sai lẩm nào cả, chúng ta nên lưu ý rằng quay lại cái bản chất gốc của đảo với điều kiện tự nhiên mà con người không thể nào sống tự nhiên được trừ phi có sự cải tạo tiếp tế từ đất liền.


- LKT: Như vậy, các hòn đảo hiện đang có cư dân Việt Nam đang sinh sống có sự thiệt thòi?


- Ts TCT: Tôi nghĩ không có sự thiệt thòi nào cả, bởi vì chủ quyền vẫn của VN, chúng ta có chủ quyền đối với vùng lãnh hải của nó, ngoài ra theo luật quốc tế thì anh không đủ điều kiện để mở rộng. Những cư dân sinh sống trên đó nó diễn ra sau này, còn nguồn gốc nó thì các bạn cũng biết đây là một quần đảo gọi là quần đảo bão tố (ý Ts Trục nói về Hoàng Sa và Trường Sa) nằm trong vùng biển khắc nghiệt, trước đây ông cha mình ra đó từ tháng Tư đến tháng Tám về thôi và chỉ có một số viên chức ở đó làm việc và phài  có sự tiếp tế hết sức đặc biệt. Đây là sự thực khách quan chúng ta không phải vì cái cảm xúc của mình, vì cái ý muốn chủ quan của mình, nếu theo cái nghĩa đó thì chúng ta mở đường cho hươu chạy, Trung Quốc họ đang muốn điều đó và họ dư sức mạnh để làm.


image055image057

Bão tố ở Biển Đông có khi giật tới cấp 13. Hình ảnh cơn bão năm 2014 cách đảo Song Tử Tây 250km về phía tây bắc.


- LKT: Trong cuộc tranh chấp hiện nay ở Biển Đông, trực tiếp đã và đang diễn ra giữa hai anh lớn là Hoa Kỳ và Trung Quốc, ai cũng đều nói rằng họ có quyền tự do hàng hải và tự do hàng không, điều đó nó làm cho chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia Đài Loan, Brunei sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?


- Ts TCT: Hiện nay thực ra giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông đang có sự cạnh tranh về quyền lực, và chính sự tranh chấp đó nó dẫn tới hệ lụy đối với các nước nhỏ quanh khu vực; tại sao Trung Quốc chỉ muốn độc chiếm Biển Đông là vì họ dùng Biển Đông làm cái bàn đạp để vươn lên giành cái vị trí siêu cường của Hoa Kỳ, trước sức mạnh đó Hoa Kỳ rất lo cái vị trí của mình; rõ ràng đây là cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường; chúng ta là nước nhỏ chắc chắn bị ảnh hưởng, chúng ta phải tính toán đấu tranh bảo vệ các quyền hợp pháp của mình, tôi cũng xin lưu ý rằng nếu chúng ta có cái thái độ không công bằng, có cái quan hệ nó không đứng đắn thì có thể nó gây ra xung đột mà chính chúng ta sẽ là người chịu trận.


- LKT: Hiện nay, trên dư luận thế giới đang đề xuất một giải pháp về Biển Đông, đó là Biển Đông sẽ trở thành khu vực "Biển Quốc tế", ví dụ như một học giả ở hải ngoại như Giáo sư Tiến sĩ Phạm Cao Dương đã viết trên báo Văn Hóa về việc bỏ cái tên "South China Sea" đổi thành biển "Đông Nam Á", ví dụ như trên báo Văn Hóa các biên tập thường dùng danh xưng "Biển Quốc tế Đông Nam Á", ví dụ như một số các sĩ quan hải quân cao cấp Mỹ thường nói về sự hiện diện của chiến hạm Mỹ đang "đóng đô" ở vùng "Biển Quốc Tế" ... Ý kiến của Ts như thế nào?


image059

Vị trí và khoảng cách đảo Song Từ Tây và đảo Song Tử Đông cách nhau chưa đến 3km.


image061

Đảo Song Tử Tây - Song Tử Đông là hai hòn đảo nằm về phía cực bắc của quần đảo Trường Sa. Song Tử Tây cách Vũng Tàu gần ngàn cây số, Song Tử Đông cách Manila khoảng 550km. Ngày 8 tháng 6, 2014, tại đảo Song Tử Tây đã diễn ra cuộc giao lưu bóng chuyền giữa hai quân đội Việt Nam và Philippines. phía Phi do Đại tá phó Tư lệnh Hải quân miền Tây Palawan Carlito M. Barizo dẫn đầu, phía Việt Nam do Hải quân Đại tá Lê Xuân Thủy phó Tư lệnh Hải quân vùng 4 dẫn đầu. "Trận" giao lưu bóng chuyền này mở đường cho mối quan hệ Việt -Phi nồng ấm hơn trong vụ việc tranh chấp biển đảo.   


- Ts TCT: Tôi cho rằng nếu đặt nó trong bối cảnh quốc tế này thì yếu tố quốc tế cũng rất có ý nghĩa, bởi vì ngoài vùng biển thuộc chủ quyền tài phán theo công ước thì còn có các vùng biển thuộc lợi ích chung của tất cả các nước có biển hay không có biển và đặc biệt là lợi ích của việc tự do hàng hải hàng không trên vùng biển Đông cho nên nói rằng nó là vùng biển quốc tế cũng không hẳn là sai.


- LKT: Vâng, cuộc phỏng vấn cũng khá đủ, xin lỗi đã làm mất nhiều thì giờ của Ts, xin hẹn gặp lại và cám ơn Ts đã dành thì giờ cho báo Văn Hóa- California.


- Ts TCT: Xin cám ơn./  


++++++++++++++++++++++++++++++++


Phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi


- LKT: Kính chào Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, tôi đại diện cho báo Văn Hóa tại California, qua bài tham luận của ông đã làm sôi nổi hội trường, đề tài của ông đưa ra là "Môi trường Biển"; Thưa ông, đề tài của ông quả là vấn đề thời sự nhưng ít người để ý đến vì tính chất dài hạn của môi trường ở biển Đông, nhưng từ phát biểu của ông chúng tôi liên tưởng tời môi trường thời sự hiện nay đang diễn ra ở 4 tỉnh miền Trung VN điển hình qua sự kiện "Formosa", theo ông "Môi trường biển Đông" nó sẽ tác dụng như thế nào đối với vùng bờ biển thềm lục dịa VN vừa rồi?


image063

Tiến sĩ  Nguyễn Chu Hồi đọc và diễn giải ảnh minh họa qua bài tham luận. Ảnh VH


- Ts NGUYỄN CHU HỒI: Có thể nói vấn đề môi trường hiện nay - đặc biệt là môi trường biển gần đây trong bối cảnh các quốc gia gia tăng các hoạt động phát triển thì tác động không phải là tác động nhỏ mà gần đây nó đã trở thành những sự cố, thậm chí trở thành thảm họa, trong đó liên quan đến phán quyết vụ kiện của Philippines- Trung Quốc chính là sự phá hủy các cấu trúc bãi cạn để trở thành các đảo nhân tạo trong khu vực Trường Sa kể cả Hoàng Sa gần đây, kể cả các thực thể khác ngoài khơi biển Đông, chính phán quyết đã khẳng định rất rõ về mức độ nghiêm trọng về sự phá hủy môi trường do những hoạt động đó.


Ngay ở phía Việt Nam gần đây thế giới cũng đã biết việc "sự cố môi trường" gây ra do các độc tố trong vụ xả thải của Formosa, một công ty Đài Loan đang thực thi ở Vũng Áng - Hà Tĩnh, và cái diện tác động trực tiếp của nó là động đến 4 tỉnh và có thể nói đây là một sự cố hy hữu lần đầu tiên Việt Nam đối với Biển; đối với môi trường ngầm là môi trường rất là động nhất là đối với vùng biển 4 tỉnh là vùng biển hở cho nên khả năng lan truyền phân tán nhanh và lớn, và nó cũng là sự khó khăn rất lớn trong việc giải quyết các sự cố này, nhưng cho đến nay chính phủ VN đã vào cuộc, huy động lực lượng đông, các hệ thống chính trị cũng như các nhà khoa học trong ngoài nước trong đó có Mỹ, Israel, Cộng hòa Liên bang Đức, Nhật, các tổ chức phi chính phủ khác, các chuyên gia quốc tế vào tư vấn cho VN. Có thể nói cho đến nay, sự cố đã được ngăn chận, nguyên nhân và nguồn gốc của nó đã được xác định, Formosa đã nhận lỗi của mình, tuy nhiên, chính phủ cũng cần các tư vấn để trả lời các câu hỏi cụ thể như tắm được chưa? tắm ở đâu? Cá ăn được chưa? Liệu có an toàn không? Vùng biển nào là vùng biển an toàn để ngư dân có thể tiếp tục ra biển hành nghề? Tác động vừa rồi nó liên quan đến kinh tế trực tiếp cho nghề cá, kinh tế du lịch, đời sống và công ăn việc làm của bà con vùng biển. 


- LKT: Theo nghiên cứu của ông về môi trường biển, trong các phạm trù biển về kinh tế, quân sự, chính trị và văn hóa biển, trong các phạm trù đó cái nào liên quan đến Việt Nam hiện nay?


- Ts CHU HỒI: Thực ra vấn đề môi trường ban đầu nó là môi trường chung sau - nó không chỉ dừng lại mà trở thành vấn đề an ninh môi trường, tác động không chỉ đến các thực thể môi trường tự nhiên mà tác động đến xã hội thậm chí nó có thể làm rối loạn an ninh và chính trị; môi trường có có mối quan hệ với nhau tác động đến kinh tế đến chiến lược phát triển lâu dài, đến an ninh quốc phòng, chính vì như vậy nên phải tính toán sự giảm thiểu ngay từ giai đoạn sàng lọc đến các vấn đề đầu tư kinh tế, đầu tư về khoa học công nghệ về an ninh chủ quyền.


- LKT: Hiện nay trong dư luận giới học giả hải ngoại có một số người đưa ra đề án "Quốc tế hóa" biển Đông, hoặc là "Quốc tế hóa biển Đông Nam Á", vậy thì dưới cái nhìn về Biển qua môi trường nó có thể dẫn tới khả năng quốc tế hóa biển Đông, cụ thể  là phân loại, phân biệt từng vùng biển thuộc ranh giới của các nước Việt Nam. Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia ... hay không?


- Ts CHU HỒI: Thực ra, vấn đề Quốc tế hóa để bảo vệ môi trường bản thân bản chất về vấn đề môi trường, biển nó gọi là vấn đề "xuyên biên giới" (cross the border) cho nên vấn đề tác động lan tỏa của nó rất là lớn và lợi ích nhất là biển Đông và cả khu vực Đông nam Á nó không phải chỉ cho khu vực mà cả thế giới mà thế giới đã nhận thức được đặc trưng của môi trường biển và  đại dương nên đã có những chương trình nghị sự 21, kế hoạch hành động từ 2012- 2016-2020 trong đó yêu cầu các quốc gia phối hợp với các tổ chức quốc tế xử lý các vấn đề xuyên biên giới tránh sự lan tỏa rộng các tác động xấu và đấy chính là khía cãnh quốc tế hóa, bởi lợi ích về môi trường khôgn phải lợi ích của một quốc gia mà nó còn đụng chạm đến lợi ích của các nước khác, thế cho nên động chạm đến những lợi ích cam kết toàn cầu để bảo vệ môi trường đại dương lành mạnh - môi trường đại dương xanh cho nên tôi cho rằng môi trường chính là sự quan tâm của các nước, ngay cả khu vực biển Đông và các khu vực khác vấn đề quốc tế hóa hiểu theo nghĩa môi trường thì rất tốt.


- LKT: Gần đây một số giới chức cao cấp quân sự Mỹ hay đưa ra "khái niệm" gọi là vùng biển quốc tế tại biển Đông, ông nghĩ thế nào về vùng biển quốc tế đó trong biển Đông?


- Ts CHU HỒI: Thật ra khái niệm vùng biển quốc tế hay nói khác vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia - 200 hải lý thuộc các quốc gia ven biển - theo công ước luật biển 1982 ngoài quyền tài phán 200 hải lý thì khái niệm quốc tế theo luật biển Việt Nam gọi vùng ấy là vùng biển quốc tế; trong biển Đông nếu nghiêm túc thực hiện Công ước nó có không gian nằm ngoài quyền tài phán quốc gia hay như Mỹ hay như anh gọi là vùng biển quốc tế, nhưng quyết định đơn phương về không gian đường lưỡi bò họ không thừa nhận có cái vùng biển quốc tế trong đó, trong khi đó các nước đã ký và tôn trọng Công ước luật biển đều thừa nhận trong biển Đông có một vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia đó chính là vùng biển quốc tế.


- LKT: Vậy vùng biển quốc tế có là "khắc tinh" của đường lưỡi bò không?


- Ts CHU HỒI: Đúng thế.


- LKT: Xin cám ơn Tiến sĩ Chu Hồi./ 


+++++++++++++++++++++++++++++++++  


Phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng


(Có bổ túc và sửa chữa - Văn Hóa trân trọng cảm ơn Ts Nguyễn Mạnh Hùng sửa chữa vài lỗi trong bải phỏng vấn.)


image065

Gs Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (W.DC.) phát biểu tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông tại Nha Trang. Ảnh LKT


- LKT: Kính chào Gs Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, ông có thể tóm tắt những điểm chính trong bài tham luận của ông phát biểu trong ngày hội thảo?


- Ts NGUYỄN MẠNH HÙNG: Thật sự bài tham luận có nhiều chi tiết nhưng đại cương đó là "Cái nhìn từ nước Mỹ" (American views) - tức là nước Mỹ họ không nhìn từ một góc cạnh vì mỗi người hiểu một cách. Tôi nhấn mạnh ba bốn điểm, thứ nhất là về chính sách ngoại giao người ta hay nghĩ rằng nước Mỹ chỉ nói một tiếng thôi - thât sự không phải như thế kể cả giữa hai Viện, giữa ông tổng thống và hành pháp cũng không giống nhau. Thành ra ở Mỹ nó có cái variety (sự khác biệt) - do vậy tôi muốn trình bày cho họ biệt sự khác biết của Mỹ như thế nào.


Ông chính phủ nói chung ông ấy nói dè dặt hơn, tế nhị hơn bởi vì ông nói ông phải hành động. Còn ông qốc hội có thể làm mạnh hơn bởi vì vai trò của ông ấy là advice and consent  tức là cố vấn và đồng ý, thế còn mấy ông nhà báo thì muốn nói gì thì nói, còn về học giả thì cái chuyện bất đồng ý kiến là dĩ nhiên, không những dĩ nhiên mà còn được khuyến khích nữa - đó là những điều khác nhau. Tôi giải thích về media là như thế nào; về media tôi chọn 4 tờ đại diện mà Mỹ gọi là Prestige newspapers - các tờ báo này loại độc giả nào cũng đọc, ghét hay không cũng đọc, đó là tờ Washington Post, New York Time, tờ Business Insider có thể coi như điển hình cho khuynh hướng bảo thủ (conservative) *.


Đại cương trong các tờ báo đó ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế thường trực PCA, thứ hai họ cho rằng vấn đề "tuần tra" tự do hàng hải còn yếu quá, cần phải cẩn thận hơn, và hầu như tất cả tờ báo đều nhấn mạnh sự quan trọng ở Scarborough shoal, bởi vì Scarborough shoal theo phán quyết nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Phi Luật Tân và nó còn cách Subic Bay khoảng 123 miles thôi,  mà ở đó có căn cứ quan trọng của Mỹ, nếu Scarborough được quân sự hóa, Trung Quốc có phi cơ ở đấy nó đe dọa căn cứ Subic thành ra giới media nhấn mạnh là không thể chấp nhận được.


image066

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng và nhà báo Lý Kiến Trúc trong ngày hội thảo tại Nha Trang 13/11/2016. Ảnh VH


image068

Vị trí bãi cạn Scarborough Shoal cách Luzon-Philippines 123 hải lý và đảo nhân tạo Vành Khăn. Hải đồ minh họa của Văn Hóa Online.


image069

Oanh tạc cơ Trung Quốc H-6k bay ngang bãi cạn Scarborough Shoal hồi cuối tháng 7/16. Ảnh: Xinhua.


Thì đó là về phương diện báo chí; còn về các vị học giả thuộc think tank liberal có tự do một chút thì các vị ấy cho rằng không nên tạo ra các tranh chấp nguy hiểm, phải cẩn thận, các vị ấy nhấn mạnh sự quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc; thế còn những vị học giả think tank có tính bảo thủ (conservative), những American Enterprise Institute thì nói mạnh bạo hơn, nói tóm lại các học giả đó  nhận định về  phán quyết, họ đều tán thành phán quyết đó, phán quyết được chấp nhận và phải được thi hành, đó là những điểm chung; thứ hai là Mỹ phải làm gì, có một số cảnh báo nên cẩn thận, Trung Quốc thua nặng rồi, mà nó thua nặng thì nó có thể trở thành nguy hiểm hơn bao giờ hết, thành ra mình phải có sự tế nhị đối xử, những hành động kiên quyết nhưng đôi khi phải kín đáo, ngoại giao gọi là quiet explogasive; nhưng cũng có một số think tank bảo thủ nói rằng cái hành động của Mỹ là nó dón dén quá - nó không đủ mạnh, phải vừa nhiều hơn (số lượng), vừa tăng cường lên (chất lượng); còn về phía ông quốc hội từ ngày 12 tháng 7 đề ra thông báo, phía Dân Chủ ra thông báo chung của cả Thượng lẫn Hạ viện, Ủy ban Ngoại giao và Quốc phòng; còn về phía đảng Cộng Hòa thì hai ông Chủ tịch Quốc phòng và Ngoại giao ra thông cáo ngay ngày hôm đó, hai Thượng nghị sĩ McCain và Dan Sullivan đều ra thông cáo - đại cương hoan nghênh phán quyết và phải giúp những nước nhỏ để họ có thể đi với nhau, để họ có thể thức hiện những điều căn cứ trên phán quyết, nhưng điểu quan trọng nhất họ đều đề cập đến vấn đề Scarborough shoal, họ cho rằng vấn đề quân sự hóa Scarborough shoal là không thể chấp nhận được và phải chống - phải contested.


Quốc hội cũng nhấn mạnh cho Hành pháp là phải bằng các tín hiệu quân sự, ngoại giao, Mỹ phải cho Trung Quốc hiểu rõ đâu là quyền lợi của Mỹ, ý định của Mỹ trước khi Trung Quốc hành động, bây giờ họ sợ sắp tới ... Mỹ phải tạo thế quân bình lực lượng, thuận lợi ở vùng này thì mới thi hành phán quyết được, bởi phán quyết không có "cưỡng hành" (enforced)  thì phải có lực lượng mới tháo gỡ được, họ cũng tuyên bố Mỹ phải ủng hộ các nước nhỏ, cùng với các đồng minh, các đối tác của mình để chuẩn bị hành động nếu Trung Quốc tiếp tục xâm lấn nữa.


Còn ông Hành pháp - lời nói phải hành động hỗ trợ lẫn nhau, ngay ngày hôm đó (13/7) ông Giám đốc về Á châu sự vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia nói thứ nhất là cam kết của Mỹ đối với các đồng minh ở Á châu là rất "vững như đồng - iron class", thứ hai là Mỹ cam kết ở lại đây nhiều thế hệ (for generations); trong khi đó bà Susan Rice được cử qua Trung Quốc ngay, bà Rice nói quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là mối quan hệ quan trọng nhất, nhưng, khi nghe một tướng Trung Quốc nói nếu Mỹ cứ tiếp tục gia tăng ở Biển Đông thì Mỹ sẽ tạo ra sự nguy hiểm bất an toàn, thì bà Rice vẫn tiếp tục nói Mỹ muốn cộng tác với Trung Quốc nhưng vẫn dành quyền Tự do hàng hải - hàng không và đi đến bất cứ nơi nào mà luật pháp cho phép, ông tướng hải quân Mỹ John Richardson khi sang TQ cũng nói rằng hải quân Mỹ có quyền tự do hàng hải hàng không, như vậy ta thấy Mỹ vừa cử bà Rice vừa cử Richardson có nghĩa là hành pháp vừa nói vừa hành động, vừa kín đáo vừa kiên quyết. 


image071

Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp bà Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice. Reuters. (chú thích của VH: Thực ra bà Rice qua là để "vuốt ve" cơn tức giận của TQ).


image073

Tham mưu trưởng hải quân Mỹ John Richardson (ngoài cùng bên trái) và Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi (ngoài cùng bên phải). Reuters.


- LKT: Có mâu thuẫn nào trong lời nói và hành động của Mỹ? ví dụ như Mỹ luôn nói rằng không màng đến chuyện tranh chấp chủ quyền các bên nhưng hô hào cho quyền  tự do hàng hải-hàng không ở biển Đông? Ta biết rằng con đường hàng hải - hàng không nó xuyên qua các thực thể "đảo" "đá" ở Hoàng Sa- Trường Sa, con đường hàng hải từ eo Malacca đi tới Cao Hùng - Luzon phải xuyên qua và đi rất gần các hòn đảo có vị trí quân sự quan trọng ở Trường Sa, các đường bay từ căn cứ Guam bay tới các căn cứ Utapao ở Thái Lan và Singapore đều phải bay ngang qua không gian Hoàng Sa và Trường Sa tức là đi và bay qua biển cả và không gian biển tây Philippine. biển Quốc tế, biển Đông, đồng ý đó là một thực tế của quyền tự do hàng hải-hàng không, nhưng đó có phải là mâu thuẫn trong việc xử lý của Mỹ đối với chủ quyền các thực thể hay không?


- Ts NMH: Thật sự nói mâu thuẫn thì không đúng, ta thấy về phía Mỹ quân sự họ có thái độ cứng rắn, còn các ông ngoại giao thái độ tương đối hòa hoãn hơn, nhưng, họ đều đồng ý với nhau hai điểm; điểm một quyền lợi của Mỹ ở biển Đông, thứ hai là Mỹ muốn bảo vệ tự do lưu thông hàng hải-hàng không, thứ ba là Mỹ tiếp tục tăng cường cộng tác quân sự với các nước đồng minh và đối tác, đấy là về lập trường của Mỹ, cả hành pháp và lập pháp đều nói rằng chúng tôi không giành dật gì về chủ quyền, nhưng, chủ quyền phải căn cứ trên các luật pháp quốc tế và trên phán quyết - một cách hòa bình, ta thấy sau khi phán quyết ra cả quốc hội lẫn hành pháp đều đưa ra những tuyên bố là ủng hộ phán quyết và yêu cầu phán quyết đó trở thành một phần của luật quốc tế, như vậy, quyền thực hiện quyền tự do lưu thông nó mạnh hơn, bởi phán quyết nó giới hạn, nó làm hẹp hơn không gian pháp lý, cho nên không có mâu thuẫn đâu; nhưng Mỹ có hai cái mà các nước Á châu quan tâm tưởng là mâu thuẫn, một đằng thì như bà Susan Rice nói quan hệ Mỹ-Trung là quan hệ quan trọng nhất trên thế giới, cái đó đúng, một đằng thì họ cũng biết sự cộng tác rất là khó khăn, họ muốn TQ phải là một nước lớn có trách nhiệm đóng góp vào nền trật tự thế giới, mà nếu ông đảo lộn thế giới thì Mỹ phải lo, họ cố gắng làm chuyện đó, một đằng thì họ phải đề phòng nếu chuyện đó không xẩy ra thì phải làm sao, điều đó nói lên cái vùng biển Đông là cái vùng rất quan trọng với Mỹ cả về chiến lược lẫn kinh tế trong thế kỷ 21 cho nên Mỹ nói rằng chúng tôi có quyền ở đây và tiếp tục ở đây,  Mỹ không thể lùi được, nhưng các quốc gia Á châu không chịu để ý hay biết mà lờ đi là các ông muốn Mỹ phải làm hết thì cái chuyện đó không bao giờ xẩy ra, Mỹ chỉ làm nếu có sự đóng góp của các ông ấy mà thôi.


- LKT: Theo sự đánh giá của một số nhà quan sát đánh giá về phán quyết của tòa PCA thì phán quyết đó gần như mang lại sự thành công lớn nhất, có lợi nhất cho Mỹ, tất nhiên TQ bị thiệt hại rất nặng mặc dù phán quyết không phải là một quy chế pháp lý cưỡng chế, tuy nhiên, từ thắng lợi của Mỹ qua phán quyết có mang lại những thiệt hại cho các nước liên quan như Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Malaysia ...?


- Ts NMH: Không! Tôi không nghĩ là thiệt hại, nếu không có phán quyết, nếu không có giải pháp, một mặt giải pháp ôn hòa dựa vào áp lực quốc tế, phải có một cán cân lực lượng nào đó ủng hộ, nếu không có Mỹ thì các quốc gia Á châu sẽ bị TQ lấn át hoàn toàn, thứ hai là nói là Mỹ được lợi thì chính hành động của TQ làm cho Mỹ được lợi, hành động của TQ làm cho các quốc gia ngả về Mỹ, thứ hai là nếu không có phán quyết sẽ không hạn chế được đường lưỡi bò và TQ cứ từ từ lấn dần và các anh sẽ thua hết, thành ra các nước bé cũng được lợi nếu biết đoàn kết với nhau.


- LKT: Vậy thì xu hướng hiện nay qua thắng lợi của Mỹ, qua Phán quyết đã có một quan điểm mới sinh ra khoảng vài tháng nay qua các lời tuyên bố của các giới chức quân sự cao cấp Mỹ là đã có vùng "Biển Quốc Tế" ở biển Nam Trung Hoa thành hình ở giữa biển Đông (giữa biển nam Hoàng Sa-bắc Trường Sa), ông có nhìn thấy những điểm đó không? 


image075

Theo phán quyết PCA 12/7/2016 và trên thực tế hiện nay, vùng biển quốc tế "khắc tinh" lưỡi bò lọt thỏm giữa biển nam Hoàng Sa - biển bắc Trường Sa và sẽ lấn dần "diện tích" biển lưỡi bò 9 đoạn do Trung Quốc tự vẽ. Hải đồ minh họa của Văn Hóa Map.


- Ts NMH: Thật sự tôi không thấy những tuyên bố đó, tại vì người Mỹ gọi cái biển gọi là high sea là biển quốc tế tự do đi lại không ai cấm được, còn các vùng biển thuộc EEZ thì các anh có quyền quản lý về fishsing dưới lòng biển, còn quyền đi lại trên mặt biển các anh phải tôn trọng, high sea nó dài nó to lắm ...


- LKT: Nếu ông nhìn trên bản đồ, ta gọi là biển Đông nó tiếp giáp với biển Philippines, Malaysia, Bunei, Indonesia ông sẽ thấy ngoài vùng đặc quyền kinh tế EEZ tính từ đường cơ sở thì có một vùng biển lọt thảm gọi là vùng biển quốc tế không dính líu gì tới EEZ của các nước kia, cho nên ngay vừa mới đây trên bản thông cáo báo chí của tòa đại sứ Mỹ và bản tin nói về ông Đô đốc chỉ huy Hàng không Mẫu hạm USS Ronald Reagan tuyên bố là "chúng tôi đang hiện diện ở vùng biển quốc tế giữa Hoàng Sa và Trường Sa" ...


- Ts NMH: Thế này, quyền đi lại là có quyền đi lại trên EEZ mà không phải xin phép gì cả, thành ra khi phán quyết đưa ra nó limit rất nhiều, anh TQ và không nước nào từ cái đảo đó mà đòi EEZ 200 hải lý không anh nào có cả chỉ có 12 hải lý thôi vậy thì cái vùng high sea nó rộng ra rất nhiều, cho nên phán quyết nó có ảnh hưởng về phương diện pháp lý, vấn đề đặt ra là Mỹ có thi hành phán quyết đó không, thì có một số người hải quân, như McCain đều muốn nhân cái phán quyết này thì Mỹ phải FONOPS (Freedom of navigation operations) theo luật quốc tế chứ, đấy là áp lực là pressure, còn hành pháp có làm không thì không biết, nhưng làm thì làm kín đáo.


- LKT: Qua các cuộc tuần tra vừa rồi của Mỹ tiến vào các đảo nhân tạo do TQ bồi đắp, tiến vào đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa, hầu như các cuộc tuần tra đều không xâm phạm đến nội thủy 12 hải lý của các "đảo" đó, điều đó có nói lên việc Mỹ đã "bán công nhận" 12 hải lý của các "đảo nhân tạo" hay không?


- Ts NMH: Nói rằng "bán công nhận" cũng đúng mà không công nhận cũng đúng. Bởi vì Mỹ không muốn làm các hành động có tính cách khiêu khích, vì thế Quốc hội và một số báo chí không chịu cho rằng còn dón dén, Quốc hội muốn "gia tăng" hơn, làm mạnh hơn, trong vùng đó anh cứ đi vào, các học giả diều hâu, quân đội cũng có một số đòi như vậy, nhưng sự tính toán của hành pháp Mỹ tỏ ra rất cẩn thận, kín đáo và quyết liệt. Ta cứ chờ xem còn có nhiều diễn biến khác ở biển Đông trong những ngày sắp tới.


- LKT: Vâng , xin cám ơn Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đã dành cho báo Văn Hóa cuộc phỏng vấn đặc biệt tại cuộc hội thảo Quốc tế về Biển Đông tại Nha Trang./


Văn Hóa - Nha Trang 18/8/2016


* Chú thích bổ túc:


- Prestige newspapers chỉ cò 3 tờ báo; đó là Washington Post, New York Times và Wall Street Journal.


- Business Insider không được coi là một prestige newspaper.


- Business Insider là tờ báo có khuynh hương bảo thủ. Diễn giả trích dẫn 4 báo, 2 có khuynh hương cấp tiên, 2 bảo thù, nhưng chỉ có 3 thuộc loại prestige neswpapers.


XEM THÊM:


Đại sứ Daniel J. Kritenbrink trả lời phỏng vấn Văn Hóa Online-California

30 Tháng Giêng 2021(Xem: 2475)
01 Tháng Sáu 2020(Xem: 4345)
Quanh lời trực tuyến của bà Bonnie Glaser
06 Tháng Năm 2020(Xem: 5685)
Mưu sâu của "Chiến khu miền Nam" (Kỳ 4)
30 Tháng Tư 2020(Xem: 5319)
04 Tháng Sáu 2017(Xem: 7213)
Mỹ đã lật bài ngửa về Biển Đông tại Đối thoại An ninh Shangri-la
09 Tháng Ba 2017(Xem: 6177)
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển United Nations Convention on Law of the Sea - UNCLOS), quy định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước nằm trong phạm vi 200 hải lý, tính từ đường cơ sở lãnh hải cho quốc gia sở hữu quyền chủ quyền, quyền tài phán,và khai thác tài nguyên.