Phỏng vấn Gs. Hideshi Tokuchi: Nhật sẽ tăng cường hiện diện ở South China Sea

25 Tháng Mười Một 20212:01 CH(Xem: 1240)

VĂN HÓA ONLINE – CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG - THỨ NĂM 25 NOV 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Phỏng vấn Gs. Hideshi Tokuchi: Nhật sẽ tăng cường hiện diện ở South China Sea


ĐĂNG KHOA


25/11/2021


(PLO)- Có ý kiến rằng việc Nhật tăng hiện diện ở Biển Đông là “bước tiến hợp lý” nhằm hỗ trợ an ninh vùng biển này. GS người Nhật Hideshi Tokuchi đã đưa ý kiến về vấn đề này.


Thời gian gần đây nhiều nước có sự gia tăng hiện diện ở Biển Đông, trong đó có Nhật. Báo Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn chuyên gia người Nhật Hideshi Tokuchi - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Hòa bình và An ninh (RIPS - Nhật), Giáo sư thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia (GRIPS - Nhật) xung quanh vấn đề này.

image023

 Biển Đông rất quan trọng với Nhật


. Phóng viên: Nhật thời gian qua có nhiều động thái tăng hiện diện ở Biển Đông, riêng trong tháng 11 đã có hai cuộc tập trận chung với Mỹ ở vùng biển này. Có ý kiến cho rằng các cuộc tập trận này là “bước tiến hợp lý” của Nhật hướng tới tăng hiện diện ở Biển Đông nhằm hỗ trợ an ninh vùng biển này. Ông nhận định về vấn đề này thế nào?


+ GS Hideshi Tokuchi: Nhật có lợi ích tối quan trọng đối với an ninh của Biển Đông, vì ba lý do.


Thứ nhất, về góc độ kinh tế. Khoảng 1/3 thương mại hàng hải toàn cầu đi qua Biển Đông. Khoảng 1/4 lượng dầu thô đi qua Biển Đông được chuyển đến Nhật. Hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên đi qua Biển Đông cũng hướng tới Nhật.


image025Tàu khu trục tên lửa USS Milius của Mỹ và tàu ngầm của Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật tập trận chống tàu ngầm ở Biển Đông, ngày 16/11/2021. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG NHẬT


image027Tàu ngầm Nhật ở quân cảng Cam Ranh ngày 10/10/2020.


Thứ hai, về quan điểm cân bằng sức mạnh. Sự bành trướng trên biển thu hẹp vùng đệm an ninh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng cán cân sức mạnh trong khu vực. Về mặt địa lý, tất cả các hoạt động mở rộng hàng hải của Trung Quốc (TQ) đều ảnh hưởng đến khu vực Đông Á, và Nhật là một trong số các quốc gia chịu tác động trực tiếp từ sự bành trướng này. TQ tuyên bố rằng quần đảo Senkaku của Nhật ở biển Hoa Đông và quần đảo Trường Sa ở Biển Đông thuộc về mình, nên cả hai vùng biển này phải được coi cùng một chiến tuyến, và do đó Nhật phải quan tâm đến hòa bình và ổn định của Biển Đông.


Thứ ba, gìn giữ an ninh Biển Đông cũng rất quan trọng để đảm bảo sự di chuyển tự do của Mỹ giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Điều này đặc biệt quan trọng bởi vì sự hiện diện của Mỹ là một yếu tố quan trọng không thể thiếu đối với an ninh khu vực.


. Phóng viên: Theo ông, thời gian tới Nhật sẽ có các động thái hỗ trợ an ninh Biển Đông thế nào?


+ GS Hideshi Tokuchi: Trong ngắn hạn, Nhật sẽ có thể giúp Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác gìn giữ hòa bình và ổn định của Biển Đông bằng cách tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông. Các hoạt động mà lực lượng phòng vệ Nhật tính tới có thể là: tăng cường ghé cảng, tập trận chung, và triển khai các chiến dịch hiện diện khác ở khu vực Biển Đông. Về lâu dài, Nhật sẽ tiếp tục đóng góp vào việc nâng cao năng lực an ninh hàng hải của Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh vùng biển này.


Không thể thiếu nỗ lực quản lý khủng hoảng


. Phóng viên: Tình hình Biển Đông thời gian qua liên tục biến động, căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở vùng biển này. Theo ông, làm cách nào để luật pháp quốc tế, như Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), được tuân thủ tốt hơn ở vùng biển này?


+ GS Hideshi Tokuchi: Để luật pháp quốc tế được tuân thủ tốt hơn, chúng ta phải hợp tác theo nhiều cách cư xử như sau:


Thứ nhất, phải thúc đẩy sự hiểu biết chung về luật biển quốc tế đã được thiết lập. Vì mục đích này, sẽ rất hữu ích khi tạo ra thêm cơ hội để các quốc gia có liên quan có thể thảo luận về các vấn đề pháp lý liên quan.


Thứ hai, tiếp tục nâng cao sự ủng hộ của công chúng quốc tế đối với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực vào ngày 12-7-2016. Vì tòa trọng tài không có bất kỳ công cụ nào để thực thi phán quyết và vì phán quyết chỉ mang tính chất tuyên bố, nên có thể sẽ không có sự tuân thủ nếu không có tiếng nói mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế ủng hộ phán quyết lịch sử này.


Thứ ba, có thể xem xét khả năng áp dụng các biện pháp đối phó hợp pháp để buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết. Nên rút lại sự công nhận các quyền của quốc gia ven biển theo UNCLOS trong trường hợp Trung Quốc không tôn trọng các quyền có đi có lại của chúng ta trong luật pháp quốc tế.


Thứ tư, không thể thiếu nỗ lực quản lý khủng hoảng. Có một số biện pháp đáng được xem xét nghiêm túc: ví dụ, mở rộng một số yếu tố của Bộ quy tắc cho các cuộc chạm trán ngoài kế hoạch trên biển (CUES hải quân được 21 nước ký năm 2014, trong đó có Nhật, Mỹ, TQ, Việt Nam) hiện tại cho các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải, ký kết một thỏa thuận nhằm ngăn chặn các sự cố trên biển (tương tự thỏa thuận INCSEA mà Mỹ và Nga đã ký năm 1972) đa phương để ngăn chặn sự cố giữa các tàu quân sự và máy bay.


Thứ sáu, cần nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn sự xuất hiện khoảng trống quyền lực và duy trì cán cân sức mạnh ở khu vực Biển Đông. Trật tự dựa trên quy tắc chỉ ổn định và đáng tin cậy khi được sức mạnh kiểm soát. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm tăng cường sự hiện diện của các quốc gia cùng chí hướng nhằm duy trì cán cân sức mạnh sẽ rất quan trọng. Điều quan trọng nữa là giúp các quốc gia ven biển xung quanh Biển Đông cải thiện khả năng an ninh hàng hải của chính mình.


Và cuối cùng, sự phụ thuộc kinh tế quá mức của các nước Đông Nam Á vào TQ nên được cải thiện.


. Xin cảm ơn ông!


Bộ trưởng Quốc phòng hai nước thống nhất duy trì luật lệ trên biển


Gặp nhau tại Tokyo ngày 23-11, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi đã bàn về các diễn biến gần đây trên Biển Đông và biển Hoa Đông và cùng thống nhất “phản đối mạnh” các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi thực trạng trên các vùng biển khu vực, báo Japan Times dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nhật. Theo Japan Times, phát ngôn này nhằm nói đến sự bành trướng trên biển của TQ.


Hai Bộ trưởng khẳng định rằng hai nước sẽ hợp tác cùng nhau duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở các vùng biển.


Hai Bộ trưởng đánh giá sự hợp tác giữa bộ quốc phòng hai nước đã được nâng lên tầm cao mới. Hai Bộ trưởng cùng chứng kiến lễ ký hai thỏa thuận về an ninh mạng và quân y.


Các lĩnh vực hợp tác mới giữa hai bộ quốc phòng được xác lập sau khi hai Bộ trưởng ký thỏa thuận cho phép Nhật chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng sang Việt Nam, khi Bộ trưởng Nobuo Kishi sang thăm Việt Nam hồi tháng 9.


ĐĂNG KHOA