Hoa sen trong biển lửa? Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc?

01 Tháng Hai 20221:53 SA(Xem: 887)
Hoa sen trong biển lửa?
Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc?
image014
Trần Anh Tuấn

Thiền sư Nhất Hạnh là người Việt Nam được thế giới biết đến nhiều nhất.
Khi Thiền Sư mất ngày 22.1.2022, nhiều nhân vật quốc tế lên tiếng phân ưu, như Đức Đạt Lai Lạt Ma, ái nữ mục sư Martin Luther King Jr. …, nhiều hãng thông tấn quốc tế loan tin, như AP của Mỹ, Reuters của Anh, AFP của Pháp..., nhiều báo chí quốc tế thông báo, như New York Times của Mỹ, Le Figaro của Pháp..., cũng như nhiều đài truyền hình và phát thanh quốc tế lên tiếng, như VOA của Mỹ, BBC của Anh, RFI của Pháp...
Về phương diện hoằng dương Phật Pháp tại hải ngoại, công trạng của Thiền Sư Nhất Hạnh rất lớn, nhất là từ năm 1982 khi Thiền Sư lập ra Làng Mai ở Pháp.
Nhờ Thiền Sư, Phật Giáo Việt Nam được thế giới biết đến với sự tôn vinh và thán phục. Bài viết ngắn gọn của Chân Văn đăng trong Văn Hóa Online-California ngày 22.1.2022 tựa đề “Đóng góp của Thiền sư Nhất Hạnh” đã ghi nhận đầy đủ về kết quả sâu rộng trên thế giới về phép tu do Thiền Sư xướng xuất.
Tôi từng đến Tu viện Kim Sơn miền Bắc California và nghe Thiền Sư giảng về Phật Pháp. Kinh nghiệm cụ thể và thực tế đó giúp tôi hiểu được sự thành công và ảnh hưởng sâu xa của Thiền Sư trong quần chúng nhiều nơi trên thế giới, gồm Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Hòa Lan, Tân Tây Lan, Thái Lan, Nhật Bản, Đại Hàn... hơn là ở Việt Nam và trong các cộng đồng gốc Việt tại hải ngoại.
Lý do là chỉ người Việt mới biết cả hai mặt của một con người. Một, là thiền sư Phật Giáo. Hai, là người hoạt động phản chiến.
Là thiền sư, Thích Nhất Hạnh giảng giải sinh hoạt của nhân loại trong đời sống thường nhật. Thiền Sư tạo ra những câu kệ cho đệ tử thực tập “khi rửa chén, quét nhà, ăn cơm, uống trà, lái xe, dùng điện thoại hay computer, hoặc đánh răng, đi cầu...”
Thiền Sư giảng giải với ngôn từ dễ dàng, đơn giản, và cụ thể nên thấm ngay vào lòng người. Kinh nghiệm nghe Thiền Sư giảng Pháp cũng giúp tôi biết Thiền Sư là một trong hai người Việt cực kỳ thông minh mà tôi gặp được trong đời. Vị kia là giáo sư Nguyễn Thế Anh tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trong thập niên 1960-70 thời Việt Nam Cộng Hòa.  
Nhưng ngoài việc tu hành, Thích Nhất Hạnh còn là người hoạt động chinh trị rất tích cực.
Nguyên năm 1965, một nhóm phản chiến Mỹ sang Việt Nam và tiếp xúc với ba lãnh tụ Phật Giáo lúc bấy giờ là Thích Trí Quang, Thích Tâm Châu, và Thích Nhất Hạnh. Sau đó, họ có ý tổ chức cho một trong ba người sang Hoa Kỳ tuyên truyền để mục đích phản chiến của họ thêm hữu hiệu. Họ nhắm Thích Nhất Hạnh vì trước đó, Thích Nhất Hạnh đã viết thư làm quen với mục sư Martin Luther King, Jr.
Picture1Hoa sen trong biển lửa (Thư viện TAT)

Lời bạt nơi cuối sách Vietnam Lotus in a Sea of Fire do Alfred Hassler, Giám Đốc Điều Hành tổ chức The International Committee of Conscience on Vietnam (Ủy Ban Lương Tri Quốc Tế về Việt Nam) viết, tiết lộ đầy đủ và rất chi tiết những hoạt động phản chiến trong ba tháng 5-8.1966 của Thích Nhất Hạnh tại Mỹ và các nước Âu Châu do Ủy Ban sắp xếp, vận động, bảo trợ, và tài trợ.
Đầu tiên, giáo sư George Kahin tại đại học Cornell gửi giấy mời Thích Nhất Hạnh sang Cornell diễn thuyết về đề tài The Renaissance of Vietnamese Buddhism, hay Sự Hồi Sinh của Phật Giáo Việt Nam. Nhờ đó, Thích Nhất Hạnh được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho phép xuất ngoại sang Hoa Kỳ trong ba tuần.
Nhưng đến Mỹ, Thích Nhất Hạnh cùng nhóm của ông đã ở sẵn Hoa Kỳ được Ủy Ban, một tổ chức phản chiến, bảo trợ và tài trợ để cả nhóm Thiền Sư đi khắp thế giới tuyên truyền phản đối chiến tranh Việt Nam.
Tại Hoa Kỳ, Ủy Ban tổ chức cho Thích Nhất Hạnh đến nhiều tiểu bang, xuất hiện liên tục trên các đài truyền hình và truyền thanh địa phương, cùng trả lời phỏng vấn của các phóng viên báo chí.  
Ủy Ban còn tổ chức cho Thích Nhất Hạnh gặp gỡ giới trí thức Mỹ và các viên chức quốc tế cao cấp tại Liên Hiệp Quốc, cùng tiếp xúc với giới dân biểu Hạ Viện và nghị sĩ Thượng Viện Hoa Kỳ. Cuối cùng là gặp Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara. Riêng việc vận động để Thích Nhất Hạnh được Tổng Thống Johnson tiếp kiến bất thành vì đến ngày hẹn thì Thích Nhất Hạnh chỉ được gặp một viên chức nhỏ vô danh thuộc Bộ Ngoại Giao, còn Tổng Thống Johnson thì bận hướng dẫn khách du lịch viếng thăm Tòa Bạch Ốc!
Sau Hoa Kỳ, Ủy Ban tiếp tục bảo trợ và tài trợ cho nhóm Thích Nhất Hạnh sang Âu Châu, lần lượt đến Thụy Điển, Đan Mạch, Anh, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Đức, Hòa Lan, và Bỉ. Tại Ý, Thích Nhất Hạnh được vận động để gặp Đức Giáo Hoàng Paul Đệ Lục.
Hành trình kết thức, Thích Nhất Hạnh và nhóm của ông dừng chân tại Paris để viết Vietnam Lotus in a Sea of Fire. Do đó, tôi tin rằng chi phí in ấn sách này cũng do Ủy Ban xuất túi.  
Sách được in tại New York năm 1967 do công ty Hill and Wang Inc. sản xuất, khổ nhỏ, dầy 115 trang. Giá bán rất rẻ $1.25 cốt để sách được nhiều người mua đọc.   
Sách là những trang thông tin tuyên truyền bất kể sự thật về chính quyền VNCH trong hai thập niên 1950-60. Hai chính phủ bị Thích Nhất Hạnh lên án nặng nề nhất là chính phủ Ngô Đình Diệm và chính phủ Nguyễn Cao Kỳ.
Sách ca tụng Hồ Chí Minh tại miền Bắc đồng thời kết án Ngô Đình Diệm tại miền Nam.
Có khi nội dung sách chỉ là một nửa của sự thật. Như cuộc điều tra của Ủy Ban Liên Hiệp Quốc, tác giả Thích Nhất Hạnh đề cập đến những tố cáo của các tỉnh hội Phật Giáo mà không ghi lại sự thật về công cuộc điều tra của Ủy Ban.
Nguyên đầu tháng 9.1963, 16 quốc gia trong Liên Hiệp Quốc đệ trình một tuyên cáo lên án chính phủ Ngô Đình Diệm vi phạm nhân quyền trong vụ Phật Giáo. Để trả lời, chính phủ Ngô Đình Diệm đã mời Liên Hiệp Quốc gửi một Ủy Ban đến Việt Nam tìm hiểu sự thật và cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Ủy Ban. Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chấp thuận lời mời và ngày 11.10.1963 một Ủy Ban được thành lập để sang Việt Nam Cộng Hòa điều tra, gồm đại diện của bẩy quốc gia, là Afghanistan, Brazil, Costa Rica, Dahomey, Morocco, Ceylan, và Nepal. Ngày 9.12.1963 phúc trình của Ủy Ban hoàn tất và chỉ lưu hành nội bộ tại Liên Hiệp Quốc.
Phúc trình bao gồm những lời khai và tài liệu thu thập ở Việt Nam mà không hề có nhận xét hay kết luận của Ủy Ban. Nhưng người đọc sẽ hiểu công cuộc điều tra của Ủy Ban chỉ thấy những cáo buộc Phật Giáo bị đàn áp thật ra là sự thổi phổng đầy ác ý và tuyên truyền gian trá. Nói như đại sứ Fernando Volio Jimerez của Costa Rica trong Ủy Ban, là “... không hề có chính sách kỳ thị, đàn áp, ngược đãi đối với Phật giáo... Những sự việc mà các nhân chứng viện dẫn chỉ có tính cách cá thể, chứ không phải là chính sách của chính phủ đối với Phật Giáo trên căn bản tôn giáo.”
Sách ca tụng những người Công Giáo “cấp tiến” chống chính phủ Ngô Đình Diệm, như tuyên cáo ngày 1.1.1966 của 11 linh mục đòi hỏi chấm dứt chiến tranh đem lại hòa bình cho đất nước. Tác giả Thích Nhất Hạnh không cho biết chi tiết về  tuyên cáo đó,  nhưng tác giả vô tình cho biết hàng giáo phẩm Công Giáo đã kết án nhóm 11 linh mục là ủng hộ và tạo thêm sức mạnh cho chủ nghĩa Cộng Sản (supporting and strengthening communism, trang 31).
Điều quan trọng nhất của sách Vietnam Lotus in a Sea of Fire là tuyên truyền cho Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) trên trường quốc tế, nhất là trong chính quyền, trí thức và dân chúng Hoa Kỳ.
Nơi trang 31, tác giả viết nguyên văn: “In fact, the people of Vietnam generally are fed up with the whole absurd war, and if there are those who still fight valiantly in the National Liberation Front, it is because they are convinced it is the only way to secure their independence, and not because of any ideological alignment.  (Thật ra, người dân Việt nói chung đã chán ngấy cuộc chiến tranh phi lý, và nếu có những ai còn chiến đấu oai hùng trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, thì chỉ vì họ được thuyết phục đó là phương cách duy nhất để nắm giữ nền độc lập của họ, mà không liên hệ gì đến một ý thức hệ nào.)
Phần Phụ Lục của sách cho biết thêm chủ trương thiên Cộng của Thích Nhất Hạnh.
Thứ nhất, trong Phụ Lục Comments by Thich Nhat Hanh on some frequently asked questions about Vietnam, Thích Nhất Hạnh tuyên bố nhiều điều lộ rõ mục đích của ông, là tiếp tay cho Cộng Sản Bắc Việt. Bản tuyên bố có 13 điều.
Điều thứ 8 ghi nơi trang 103: Anticommunism has become a business in Vietnam. (Chống Cộng đã trở thành một thương vụ tại Việt Nam.)
Điều thứ 11 ghi nơi trang 104: Honor has been greatly harmed by the failure of South Vietnam to honor the Geneva Agreements. (Danh dự (của miền Nam) đã bị tổn hại rất lớn vì miền Nam không tôn trọng Hiệp Định Geneve.)  
Điều thứ 13 ghi nơi trang 105: ... North Vietnam justifies the presence of its troops in South Vietnam by two things: the violation of the Geneva Agreements provision for elections to unify the country, and the presence of the U.S. troops. (Miền Bắc biện minh được cho sự hiện diện của binh đội tại miền Nam là vi hai điều: sự vi phạm (của miền Nam) về điều khoản bầu cử để thống nhất đất nước theo Hiệp Định Geneve, và sự hiện diện của quân đội Mỹ.)  
Thứ hai, trong Phụ Lục Remarks to His Holiness, Paul VI, July 16, 1966, Thích Nhất Hạnh thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng sang Việt Nam để giúp chấm dứt việc Mỹ ném bom miền Bắc. Nguyên văn nơi trang 109: His high presence, first in Hanoi and then in Saigon, might lead to a pause in the bombings. (Sự hiện diện cao quý của Ngài, đầu tiên ở Hà Nội rồi ở Sài Gòn, rất có thể sẽ đưa đến việc ngưng ném bom.)
Viết sách còn là dịp tác giả Thích Nhất Hạnh sử dụng ngôn từ bất xứng, gọi tục danh của Tổng Thống Ngô Đình Diệm miền Nam, như nguyên văn nơi trang 50: “The last-named of  these (tức Nguyễn Tường Tam, TAT chú thích)... committed suicide during the Diem regime when he was called to trial by Diem.”(Người có tên cuối cùng... đã tự tử trong chế độ Diệm khi ông bị Diệm đưa ra tòa.)
Nhưng ngay sau đó, Thích Nhất Hạnh trịnh trọng đặt tiểu tựa, nguyên văn nơi trang 52 về Hồ Chí Minh ở miền Bắc: HO CHI MINH, A NATIONAL HERO. (Hồ Chí Minh, một anh hùng dân tộc.)

Picture2Hồ Chí Minh, một anh hùng dân tộc...

Chưa hết, tiếp sau trang vinh danh lãnh tụ Cộng Sản Hồ Chí Minh, tác giả Thích Nhất Hạnh đưa tên Ngô Đình Diệm vào một tiểu tựa khác, nguyên văn nơi trang 55: NGO DINH DIEM, A CATHOLIC DICTATOR. (Ngô Đình Diệm, một kẻ độc tài Thiên Chúa Giáo.)   
Vậy là bức tranh thời sự được trình bầy thật ngắn gọn khéo léo, đem mâu thuẫn tiếp nối liền nhau để làm nổi bật cái xấu với cái tốt, chính nghĩa với phi nghĩa. 
 
Picture3... Và Ngô Đình Diệm, một kẻ độc tài Thiên Chúa Giáo!

Hai tiểu tựa này có thể đưa độc giả đến kết luận. Một, là tác giả lạm dụng ngôn từ. Hai, là tác giả sùng bái ông bác Cộng Sản, và hàm hồ về tổng thống họ Ngô.
Với nội dung sách Vietnam Lotus in a Sea of Fire kể trên, chính quyền Sài Gòn đương nhiên quyết định tống xuất Thích Nhất Hạnh ra Bắc nếu ở trong nước, còn đương sự đã thoát khỏi nước thì chính quyền đương nhiên cấm cửa. Mặt khác, vì Thích Nhất Hạnh liên hệ đã quá khăng khít với người Mỹ, chính quyền Hà Nội cũng không thể tin được con người ấy!
Hoàn cảnh chính trị đó giải thích sự lưu vong bất đắc dĩ của Thiền Sư Nhất Hạnh trong hơn nửa thế kỷ!
X
X               X

Tôi từng có kinh nghiệm thế nào là bực chân tu. Nguyên thủa nhỏ, tôi thường được Bà Nội dắt theo khi đi chùa. Tại chùa Bửu Đà ở Hòa Hưng Sài Gòn, mỗi khi trông thấy Sư Cụ trụ trì từ hậu liêu tiến ra chính điện là lòng tôi tự nhiên êm ả và niềm tôn kính dâng lên. Cảm giác này lập lại mỗi lần tôi đi chùa Bửu Đà, và chỉ xảy ra với vị sư này mà thôi.
Vì kinh nghiệm cá nhân như thế, tôi không thấy hình ảnh chân tu nơi con người Thích Nhất Hạnh.
Không phải vì sách Vietnam Lotus in a Sea of Fire với nội dung thông tin tuyên truyền cho Cộng Sản mà Thiền Sư được bảo trợ và tài trợ xuất bản ở Mỹ.
Cũng không phải những tuyên bố phản lại sự thật của Thiền Sư như vụ Mỹ bỏ bom hủy hoại thị xã Bến Tre. (Tôi phải cải chính cho Thiền Sư Thích Nhất Hạnh về chuyện này. Khi thuyết giảng ở thành phố New York, Thiền Sư phát biểu: “The city of 300,000 was destroyed because seven guerrillas shot several rounds of unsuccessful anti-aircraft gunfire and then left.” Nguyên văn như thế chỉ có nghĩa là hủy hoại thị xã Bến Tre với dân số 300,000 người, chứ không phải tiêu diệt 300,000 nhân mạng!
Mà Thích Nhất Hạnh không phải là người xuất gia theo Phật vì ông còn rất VỊ NGÃ.
Chuyện nhỏ là khi về Việt Nam, ông đội mão vàng mặc hoàng bào đi dưới bốn lọng với tiền hô hậu ủng khiến tôi liên tưởng đến thơ châm biếm của Tú Xương hồi đầu thế kỷ XX, so sánh sư mô với mán mường:
Công đức tu hành sư có lọng,
Xu hào đủng đỉnh mán ngồi xe.
Ngày xưa, chỉ đường quan tức quan lớn tam phẩm trở lên xuất hành mới có bốn lọng và lính hầu như hình dưới đây.
 
Picture4Bưu thiếp thời Pháp thuộc, người Pháp chú thích: 79. Tonkin-Hanoi.
Mandarin à 4 parapluies. Tong-Doc de Hanoi. (Thiệp số 79. Bắc Kỳ-
Hà Nội. Đường quan 4 lọng. Tổng Đốc Hà Nội. Bộ sưu tập TAT)

Chuyện lớn là ông căn dặn đệ tử, nguyên văn thế này: “Đừng lấy một mớ tro từ hình hài của Thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Không có lý Thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao?
Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có Thầy, trong các vị cư sĩ quen biết đều có Thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền tọa, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng là có Thầy!”
Còn ai vị ngã hơn nữa?!

Trần Anh Tuấn
25 Tết Nhâm Dần
Kỷ niệm27.1.1973-2022)