Một chuyến đi nhiều phấn khởi

14 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 12082)
“VĂN HÓA MAGAZINE” THỨ HAI 15 SEP 2014
image033

Một chuyến đi nhiều phấn khởi


Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 10 tháng 9, 2014

http://machsong.org

Tôi vừa về lại Virginia sau chuyến đi 3 ngày ở Nam Cali, 3 ngày ở Malaysia và 10 ngày ở Thái Lan. Một chuyến đi tương đối dài nhưng thật nhiều phấn khởi.

Ở Nam Cali tôi được gặp mấy nhóm thân hữu, toàn những người có tấm lòng son sắt với quê hương và dân tộc. Tôi còn nhớ một chị thổ lộ rằng nghe Trung Cộng kéo giàn khoan vào Biển Đông mà lòng đau quặn, có đi chơi cũng không thấy vui, có đi ăn cũng chẳng thấy ngon.

Tôi lại gặp bà quả phụ của một cố trung tướng, người miền Nam nhân hậu, mà tôi cảm thấy thân quen ngay nên gọi bằng "Cô". Nghe Cô kể về tấm gương tuẫn tiết của một vị thiếu tướng gửi thư lạy mẹ về tội bất hiếu, không gìn giữ được giang sơn, rồi tự sát. Trong thư là 120 nghìn đồng tiền lương tháng chót. Nước mắt tôi chảy ròng.

Đó là những tấm gương sáng ngời trong dân tộc và cộng đồng chúng ta để trân quý, để hãnh diện, để noi theo.

Đến Malaysia, tôi gặp những bạn bè cũ và mới. Họ là người Malaysia gốc Tầu, gốc Mã, gốc Ấn Độ đều cùng một lòng vì vấn đề nhân quyền, dân chủ không riêng cho Malaysia mà cho toàn vùng. Liên Minh CAMSA mà BPSOS đồng sáng lập năm 2008 đã hoạt động lâu năm ở xứ sở này, và đã giải cứu trên 3 nghìn đồng bào bị buôn bán sang đây.

Ít ai biết rằng ở Malaysia cũng có người Việt tị nạn, ít thôi nhưng có. Hồi tháng 5 vừa rồi, khi đến Ottawa điều trần, tôi có dịp gặp lại anh Bs. Trần Bùi Đình Lộc và cậu con trai cùng cô con gái. Ngày xưa gặp ở Mã Lai thì hai cháu còn bé, bây giờ đã cao vóng. Ở Việt Nam đang làm bác sĩ, anh Lộc vào đạo Mormon rồi in thánh kinh chưa kịp phát thì bị truy bức bởi công an. Cả nhà bỏ hết gia sản để chạy thoát thân. Hai vợ chồng dắt hai con nhỏ lênh đênh tị nạn từ Singapore sang Malaysia. Tôi gặp họ ở Malaysia, vận động với Hoa Kỳ định cư tị nạn không xong bèn quay qua nhờ Liên Hội Người Việt Canada bảo lãnh theo diện tư nhân. Gia đình anh Lộc vừa được định cư ở Canada cách đây mấy tháng ở Ottawa, nghe tôi đến Quốc Hội Canada điều trần, ba bố con lặn lội xe buýt đến thăm. Cô vợ thì không đi được vì mới có việc làm.

Khi đang ở Malaysia tôi được báo cho biết là một gia đình Cồn Dầu lánh nạn ở đây cũng vừa được vào phỏng vấn định cư, sẽ đi Hoa Kỳ. Gia đình này gian truân lắm. Chồng thì đi tù vì chống lại chính sách xoá trắng Xứ Đạo Cồn Dầu của Thành Phố Đà Nẵng. Vợ bị truy nã và phải thoát thân qua con đường đi lao động sang Malaysia. Dè đâu vừa đến nơi thì bị đưa ngay vào ổ mãi dâm, may mà CAMSA cứu kịp. Hôm ấy tôi tình cờ đang có mặt ở Kuala Lumpur, thủ đô, chuẩn bị ra phi trường. Được người quen của cô ta báo động, tôi cùng với luật sư của CAMSA đến giải cứu chớp nhoáng. Rồi tôi một mạch ra phi trường về lại Hoa Kỳ. Hơn năm sau người chồng ra tù, tìm đường dẫn hai con nhỏ đi tìm vợ và cả nhà đoàn tụ ở Malaysia. Họ được xét là tị nạn đã lâu nhưng vì không có người thông dịch cho phái đoàn phỏng vấn định cư nên cứ nằm mọp ở Malaysia mấy năm liền, mãi cho đến nay.

Malaysia được 3 hôm tôi lại lên đường đi Thái Lan. Tôi đến đây để họp là chính. Đây là buổi họp 3 ngày của Liên Minh Bảo Vệ Tị Nạn Á Châu và Thái Bình Dương. Trên trăm người tham gia đến từ khắp nơi, không chỉ trong vùng Đông Nam Á mà còn cả ở Nhật, Đại Hàn, Úc, Tân Tây Lan, Canada, Thuỵ Sĩ, Pháp, Hoa Kỳ... Trong đó có cả giới chức LHQ và sứ quán của một số quốc gia. Tất cả cùng một mục đích là tranh đấu bảo vệ cho người tị nạn.

Ngoài các buổi họp, tôi đi gặp các đồng bào tị nạn người Việt. Có đến cả nghìn đồng bào đang tị nạn ở Thái Lan. Cách đây một tháng đã có thêm trên 50 người vừa dắt díu nhau đến Thái Lan lánh nạn sau cả tháng vượt đường rừng.

Thật vui khi tôi gặp lại cô con gái của một cựu thiếu sinh quân. Cô mới được xét là tị nạn cách đây chục hôm, sau 8 năm rong ruổi từ Cambodia sang Thái Lan. Nhóm của họ ẩn náu ở Chiang Mai cho đến khi bị cảnh sát Thái bắt và đưa về nhà giam ở Bangkok. Tôi còn nhớ lần đầu gặp cô và 4 người trong nhóm là ở nhà giam Immigration Detention Center (IDC) ở Bangkok. Thế rồi BPSOS đã phối hợp với một tổ chức người Thái để lãnh được cả 5 người thoát khỏi IDC, và tất cả đều đã được xét quy chế tị nạn. Gặp lại tôi, cô mừng lắm, khoe mình được quy chế tị nạn. Bây giờ, ngày ngày cô đi giúp những người tị nạn khác đang bị nhốt tại IDC.

Vui mừng hơn nữa khi tôi gặp các đồng bào Khmer Krom và được biết là gần chục hồ sơ vừa được mở lại và nhiều hồ sơ được công nhận là tị nạn. Mở lại vì trước đây họ đã bị khước từ quy chế tị nạn, và hồ sơ đã bị đóng. Một gia đình vừa mới lên đường đến Hoa Kỳ định cư. Những hồ sơ của đồng bào Khmer Krom chúng tôi ôm ấp, đeo đuổi từ 6, 7 năm nay. Có đến trên 30 hồ sơ, cả trăm con người, tưởng chừng vô vọng, nay lại loé lên ánh sáng.

Chuyến đi lần này tôi không có dịp đi vào IDC để thăm đồng bào đang bị giam trong đó. Người tị nạn, dù được LHQ công nhận, vẫn bị chính quyền Thái xem là bất hợp pháp, bắt giam và có thể trục xuất. Trong số đó có blogger Đặng Chí Hùng, tên cúng cơm là Phạm Mạnh Hùng, mà nhiều người ở hải ngoại quan tâm đến. Mỗi thứ Hai toán BPSOS thường trực ở Bangkok đều vào thăm đồng bào ở IDC. Tôi rời Bangkok hôm Chủ Nhật, nên không cùng vào thăm được, mà chỉ nhắn họ gửi lời thăm người bạn trẻ Phạm Mạnh Hùng.

Về đến Virginia sáng sớm Thứ Hai, tôi lại nhận được tin mừng. Một đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nhắn qua Skype cho biết là vừa được Cao Uỷ Tị Nạn LHQ công nhận quy chế tị nạn. Cậu này trước đây đã bị từ chối quyền tị nạn và được bảo là về nước không sao đâu. Vừa đặt chân đến lãnh thổ Việt Nam cậu ta lập tức bị bắt, rồi bị giam và tra tấn trong 6 tháng. Khi được trao về cho địa phương, cậu tìm đường chạy thoát sang lại Thái Lan. Những câu chuyện như vậy không phải hiếm.

Nếu người bạn trẻ Phạm Mạnh Hùng mà bị chính phủ Thái trục xuất về nước thì chắc chắn sẽ nát thân. Nhưng chuyện đó sẽ không xẩy ra bởi vì -- và đây là điều phấn khởi nữa -- cậu ta đang trên đường bay đến Toronto, Canada. Tối hôm qua Hùng đã ra khỏi IDC và được đưa đến thẳng phi trường. Sáng hôm nay, giờ Thái Lan, Hùng đã lên máy bay, bay đến vùng đất tự do, sau 9 tháng ròng ở trong nhà giam lúc nào cũng thấp thỏm sẽ bị đưa về Việt Nam.

Tất cả những điều phấn khởi này có được là do đóng góp của nhiều người lắm, từ những luật sư trẻ đã lên đường phụng sự đồng bào đến những thiện nguyện viên thuộc mọi tuổi tác đã tham gia toán công tác của BPSOS ở Thái Lan, Malaysia và cả Đài Loan. Và biết bao nhiêu vị hảo tâm đã đóng góp tài chánh để tài trợ cho các hoạt động bảo vệ đồng bào lánh nạn cộng sản và giải cứu đồng bào bị buôn làm nô lệ. Có người hiểu lầm rằng BPSOS nhận được tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ để làm các công tác này. Không đâu, tất cả đều do chính đồng hương ký cóp đóng góp, người ba chục, nguời một trăm. Tất cả cùng một tấm lòng với đồng bào. Mỗi người góp một bàn tay cho đất nước và dân tộc.

Note:

 

Posted on Wednesday, September 10 @ 09:39:58 EDT by ngochuynh
27 Tháng Mười Một 2018(Xem: 6297)
22 Tháng Hai 2018(Xem: 8428)
10 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 6891)