Bí mật tài cầm quân xuất chúng, chưa từng thua một trận nào của Alexander Đại đế

03 Tháng Mười 20177:21 CH(Xem: 7273)

VĂN HÓA ONLINE - TRANG CỦA LÍNH  - THỨ  TƯ  04  OCT  2017


Bí mật tài cầm quân xuất chúng, chưa từng thua một trận nào của Alexander Đại đế


 03/10/2017


Alexander Đại đế là một vị thống soái kiệt xuất trong lịch sử nhân loại với tài cầm quân của mình, ông chưa từng để thua một trận nào trong suốt sự nghiệp của mình.


image044


Alexander sinh ra ở Pella, thủ đô cổ đại của Macedonia vào tháng 7/356 trước Công nguyên (TCN). Ông là con của Vua Philip đệ nhị của Macedonia và công chúa Olympias xứ Ipiros. Alexander lớn lên dưới sự dạy dỗ của nhà triết học Aristotle. Năm 336 TCN, vua Philip bị ám sát và ông kế thừa một vương quốc hùng mạnh nhưng đầy bất ổn. Ông nhanh chóng giải quyết hết kẻ thù ở trong nước và xác lập lại quyền lực của người Macedonia tại Hy Lạp. Sau đó ông lên đường chinh phạt khắp nơi và chưa một lần bại trận. 


Sở dĩ, ông có thể bách chiến bách thắng là do khả năng cầm quân thiên bẩm của mình, điều này phần nào được thể hiện qua trận chiến lừng danh Gaugamela. 


Trận Gaugamela


image045

Trận Gaugamela qua nét vẽ của Jan Brueghel Lớn (1602).


Còn gọi là trận Arbela, diễn ra vào ngày 1/10/331 TCN, giữa liên quân Hy Lạp do vua xứ Macedonia, Alexander III chỉ huy với quân đội Ba Tư do hoàng đế Darius III chỉ huy. 


Trong trận này,  Darius III đã triển khai quân theo một thế trận bậc thang, thành 3 tuyến, có dáng hình chữ nhật, chiều ngang (chính diện) không cân đối (rộng quá) với chiều dọc (chiều sâu). Với thế trận này cùng với địa hình thuận lợi cho voi chiến và xe chiến cơ động, ông đinh ninh rằng Alexander buộc phải giao chiến với quân Ba Tư trên thế bất lợi tất sẽ bị tiêu diệt.


Alexander Đại đế đã quan sát kỹ thế trận của quân Ba Tư và thấy rằng một lần nữa có thể giành được chiến thắng bằng chiến thuật sở trường là đội hình nghiêng, hay chiến thuật phân bố lực lượng không đồng đều. Alexandros Đại đế sẽ đích thân thống lĩnh cánh quân tinh nhuệ nhất của quân đội Hy Lạp để đảm trách nhiệm vụ chủ yếu của cuộc tấn công. Còn lão tướng Parmenion chỉ huy cánh tả quân làm nhiệm vụ phòng ngự. Đội hình phalanx người Macedonia, được tổ chức thành 6 cụm, đứng ở vị chí trung quân, một vị trí gần như thường xuyên dành cho họ, người nào cũng được trang bị đầy đủ: kiếm, mộc, áo giáp da có đệm thêm những mảnh sắt, nhưng vũ khí của họ chủ yếu là cây thương sarissa nặng dài tới 7m. 


Đội hình phalanx là đội hình của quân đội Hy Lạp cổ đại, bố trí thành khối dày đặc, gồm nhiều hàng quân. Các chiến binh đứng sát nhau, khoảng 2 người trong 1m; trong tấn công, mỗi hàng cách nhau 1m; trong phòng ngự mỗi hàng cách nhau 0,5m. Khi tấn công hay phòng ngự, cả khối người đó đều tiến hay lùi đều nhau, giữ vững cự ly giãn cách quy định.


Trước một đối phương đông hơn, ông cũng nhắc các tướng phải khiến quân sĩ hiểu rằng đây không phải là một trận đánh bình thường mà là đòn quyết định sự sụp đổ của đế quốc Ba Tư và chiến thắng của nó sẽ đem lại cho họ vinh quang bất diệt. Alexandros yêu cầu 3 quân hãy vững tâm, khi cần im lặng thì hàng ngũ không một tiếng động, không một lời xao xuyến, nhưng khi xung phong thì tiếng thét phải như thác đổ, sóng gào khiến quân thù phải kinh hồn khiếp đảm.


Darius III đã dự định tận dụng ưu thế quân số của kỵ binh Ba Tư để bọc sườn quân Hy Lạp từ 2 phía. Để đối chọi với tình huống này, Alexander cho quân di chuyển theo đội hình nghiêng, nghĩa là tập trung hết sức mạnh tấn công vào cánh phải. 


image046

Vị trí quân của 2 bên vào đầu trận đánh.


Trận đánh bắt đầu khi người Ba Tư có mặt tại chiến trường, Darius đã tuyển dụng những kỵ binh tốt nhất từ các tổng trấn phía đông của mình và từ liên minh với bộ lạc người Scythia. Darius cũng đã triển khai chiến xa mà ông đã chuẩn bị phía trước mặt, cùng 15 con voi hỗ trợ bởi chiến xa của người Ấn Độ. Trước khi trận đánh, Darius đã ra lệnh nhổ hết cây và bụi cỏ để tận dụng tối đa hiệu quả của chiến xa.


Darius đặt mình ở trung tâm cùng với đội quân bộ binh tốt nhất của mình. Bên phải là các kỵ binh Caria, lính đánh thuê Hy Lạp, và kỵ binh cận vệ Ba Tư. Ở bên phải-trung tâm ông đặt quân bộ binh cận vệ Ba Tư, kỵ binh Ấn Độ, và các cung thủ Mardian.


Quân Macedonia được chia làm 2, bên cánh phải dưới sự chỉ huy trực tiếp của Alexander Đại đế. Kỵ binh lính đánh thuê được chia thành 2 nhóm, với các chiến binh dày dạn kinh nghiệm được bố trí ở bên cánh phải, và phần còn lại được đặt ở phía trước người Agria và cung thủ Macedonia, được bố trí ở gần đội hình phalanx. Parmenion ở bên cánh trái dẫn dắt quân lính kéo giãn đội hình đối phương và tạo điều kiện cho Alexander Đại đế tung các đòn quyết định từ bên phải.


image047

Đội hình phalanx. Ảnh: whereismacedonia.org.


Ở bên phải trung tâm của đội hình là lính đánh thuê Crete. Đằng sau họ là một nhóm kỵ binh Thessaly dưới quyền Philippos và lính đánh thuê Achaia. Về phía bên phải họ là một phần của kỵ binh đồng minh Hy Lạp.


Alexandros Đại đế bắt đầu trận chiến bằng việc hạ lệnh cho bộ binh tiến về trung quân của Ba Tư theo đội hình nghiêng. Trong khi đó lực lượng ở 2 cánh trái và phải đã đứng theo một góc chéo 45 độ so với quân Ba Tư để dụ kỵ binh tấn công vào đây. Trong khi các chiến binh phalanx Macedonia tiến về trung quân Ba Tư, vua Darius III hạ lệnh cho một phần lớn kỵ binh và một vài đơn vị bộ binh mở cuộc tấn công vào cánh trái của quân Macedonia do Parmenionos chỉ huy.


Alexander dẫn cánh hữu quân tiến nhanh lên trước với ý định dùng sức mạnh nhất của mình để đập tan cánh trái của đối phương. Nhưng vì toàn bộ đội hình của quân Hy Lạp ngắn hơn rất nhiều so với đội hình quân Ba Tư, nên cứ theo đà ấy mà tiến thẳng thì cánh hữu quân của Alexandros sẽ chẳng những không đánh trúng cánh trái đối phương mà ngược lại sẽ lọt vào chính giữa đội hình của địch, nơi mà Darius tập trung lực lượng mạnh nhất. Alexander liền điều chỉnh hướng tiến, cho quân di chuyển chếch sang phía bên phải; làm như vậy ông vừa tránh được nguy cơ bị quân mạnh của đối phương bao vây và tấn công, lại vừa thực hiện được ý định ban đầu là đánh vào cánh trái. Cách xử trí khôn ngoan và bất ngờ ấy của Alexander Đại đế làm cho Darius lúng túng. Vì ông không chịu tiến quân vào khoảng đất mà Darius đã nhọc công cho dọn dẹp san lấp từ trước để đội chiến xa có đủ điều kiện phát huy hết sức mạnh. Tình huống này không được dự kiến từ trước nên Darius đã mất bình tĩnh, cho các "binh chủng" ra giao chiến không đúng lúc.


Trong trận chiến, Alexandros sử dụng một chiến thuật bất thường chỉ được dùng vài lần trong suốt chiều dài lịch sử quân sự: đó chính là nhử càng nhiều kỵ binh địch sang 2 cánh càng tốt. Làm như vậy đội hình địch sẽ để hở một khoảng trống và Alexandros sẽ lợi dụng khoảng trống này để mở một đòn tấn công vào trung quân Ba Tư. Điều này đòi hỏi người dùng binh phải biết canh đúng thời điểm và phải điều binh hết sức khéo léo; và chính Alexandros là người ra tay trước. Kết quả là ông đã thành công và quân Ba Tư là những người mở đợt tấn công đầu tiên trong trận đánh.


Theo lệnh vua Darius, một đội kỵ binh lao ra tấn công vào sườn quân Hy Lạp, nhưng họ đã vấp phải một đội kỵ binh nhẹ của Alexandros được tung ra nghênh chiến. Một cuộc đọ sức quyết liệt giữa 2 đội kỵ binh của đôi bên đã xảy ra. Đúng vào lúc ấy chiến trường bỗng náo động hẳn lên bởi tiếng quân reo ngựa hý. Đoàn chiến xa Ba Tư bắt đầu chuyển bánh lao về phía đối phương, cát bụi quấn theo mù mịt. Vua Darius hạ lệnh cho chiến xa tấn công vào các phương trận Macedonia. Quân Macedonia phản ứng lại bằng cách cho cung thủ và quân phóng lao bắn dữ dội vào các chiến xa Ba Tư. Đồng thời quân Macedonia dạt sang 2 bên, chừa một lối đi cho chiến xa lọt vào. Tất nhiên lũ ngựa kéo chiến xa sẽ tránh né những hàng giáo tua tủa trong các phương trận mà chạy vào lối đi được bày sẵn ấy. Quân Macedonia đã bố trí sẵn những đội quân đứng ở cuối "con đường" này để chặn các chiến xa, và ngay lúc đó quân ở 2 bên đường đổ ập vào tiêu diệt những chiến xa xấu số. Vì vậy đòn tấn công bằng chiến xa đã trở nên vô hiệu. Thế là "bảo bối" của Darius bị đập tan.


Tuy nhiên lực lượng quân Ba Tư vẫn còn rất mạnh. Nhận thấy cánh trái của mình vẫn chưa đẩy lùi được cánh hữu quân do Alexandros chỉ huy, Darius điều thêm một lực lượng lớn kỵ binh đánh bọc sườn quân Alexandros. Vì vậy mà giữa cánh trái quân Ba Tư lộ ra một khoảng trống lớn.


Đòn tấn công quyết định của Alexander Đại đế


image048

Đòn tấn công quyết định của Alexander Đại đế.


Alexander Đại đế đã phát hiện ngay ra chỗ sơ hở đó và không bỏ lỡ thời cơ. Chỉ để lại một bộ phận đương đầu với các đội kỵ binh đang công kích ở bên sườn, Alexandros cho cánh hữu quân mau chóng chuyển qua đội hình mũi nhọn có chiều sâu để xung phong thẳng vào khoảng trống nói trên và từ đó đánh thốc vào sườn đạo trung quân đối phương. Alexander Đại đế đích thân dẫn đầu cuộc xung phong, bên phía chính diện, 4 trong 6 cụm quân của đội hình phalanx cũng tiến lên công kích. Quân Ba Tư phải dốc sức ra để chống chọi với cuộc tấn công như vũ bão của đối phương, nhưng chẳng được bao lâu họ bắt đầu núng thế. Ở phía trước mặt, những cây sarissa nhọn hoắt trong đội hình phalanx kết lại dày đặc như những lớp rào di động đang chĩa thẳng mũi nhọn xông vào quân Ba Tư, phá vỡ từng mảng lớn đội hình của nó; đồng thời từ bên sườn, những chiến binh tinh nhuệ của đội kỵ binh hoàng gia Macedonia cũng vung kiếm đánh thốc vào địch. Trước đòn tấn công hết sức lợi hại và mãnh liệt của đối phương, Darius III không còn đủ tâm trí để bao quát và chỉ huy toàn bộ trận đánh nữa và vội ra lệnh quay xe chạy trốn. 


Kết quả dù quân Hy Lạp có bị tổn thất và Darius chạy thoát nhưng trận này đã để lại tiếng vang lớn về tài cầm quân của Alexander Đại đế. 


Khả năng lãnh đạo và tinh thần chiến binh thiên bẩm


Sau những ngày hành quân liên tục, bị sa mạc thiêu đốt nhưng những người lính vẫn cố chắt những giọt nước cuối cùng từ những cái bi đông đựng nước của mình để cứu chủ nhân. Nhận một nắp đầy nước từ tay những người lính của mình, Alexander hắt xuống cát và nói: “Ta sẽ chia sẻ số phận với các ngươi”.


Khi nhìn thấy cảnh này, các chiến binh đã thúc ngựa lên phía trước và hét lên rằng họ muốn Alexander dẫn dắt họ. Họ nói rằng với một vị vua như thế, họ có thể vượt qua bất kỳ khó khăn nào. Và điều kỳ diệu là Alexander đã vượt qua được sa mạc cùng với rất nhiều người lính trung thành của ông.


image049

Ảnh: pinterest.


Trong các trận đánh, thay vì đứng sau binh sĩ để tránh những mũi tên tẩm độc nhắm vào mình - bao giờ ông cũng xông lên phía trước, dẫn đại quân tiên phong thiện chiến đánh trực diện vào tử cấm quân kẻ thù.


Mùa xuân năm 327 BC, trong một trận đánh ác liệt nhằm chiếm Punjab, nhận thấy binh sĩ của mình trở nên chểnh mảng sau nhiều ngày vây thành, Alexander mang theo 2 cận vệ dùng thang vượt tường nhảy xuống giữa vòng vây lính giữ thành, mặc dù bị một mũi giáo xuyên vào phổi, ông vẫn dũng cảm cùng vệ sĩ chống đỡ và đánh thắng vòng vây mở đường cho đại quân tràn vào chiếm thành.


Chính sự quả cảm và gan lì, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, Alexander Đại Đế đã cùng với đoàn quân trung thành của mình liên tiếp giành được những chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử 13 năm chinh phạt.


Mang cả thảy 22 vết thương trên người, cưỡi chiến mã Bucephalus hiên ngang dấn thân vào cõi bất tử, nhưng trước kỳ công chinh phục thế giới - Alexander Đại Đế đã chinh phục hoàn toàn lòng trung thành của đoàn quân Macedonia huyền thoại.


Có binh pháp tốt lại được lòng quân, Alexander Đại đế đã chinh phục các vùng đất rộng lớn từ Hy Lạp, đến Ai Cập, cho đến tận Tiểu Á và vương quốc Ba Tư xa xôi mà không để thua một trận nào. Ông xứng đáng là một trong những tài năng quân sự kiệt xuất trong lịch sử cổ đại.

27 Tháng Mười Một 2018(Xem: 6297)
22 Tháng Hai 2018(Xem: 8425)
10 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 6889)