Đối Phó Với Những Khó Khăn Trong Cuộc Sống

31 Tháng Ba 20228:13 SA(Xem: 4242)

VĂN HÓA ONLINE – CỘNG ĐỒNG - XÃ HỘI - THỨ NĂM 31 MAR 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Đối Phó Với Những Khó Khăn Trong Cuộc Sống

với Tiến Sĩ Tâm Lý Trn Mỹ Duyt

image034image036

Thoắt sinh ra là đã khóc chóe

Trần có vui, sao chẳng cười khì?

(Nguyễn Công Trứ)


Đó là câu mở đầu cho buổi nói chuyện của nhà tâm lý học, Tiến sĩ Trần Mỹ Duyệt tại trung tâm Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc vào sáng chủ nhật ngày 13 tháng 3 vừa qua.


Chúng ta, trong cuộc sống hàng ngày, lúc nào cũng mang trong mình những nỗi lo âu, căng thẳng và nhiều lúc do lo lắng quá đáng đã tạo nên những hoang mang làm ta mất ăn, mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe về tinh thần và thể chất.


Để các đồng môn Hoàng Hạc và thân hữu hiểu thêm khổ là gì, thế nào là lo âu, và từ đó ông đề nghị ra một số những phương pháp đơn giản để sống bớt khổ, bớt lo âu, và để cải thiện cuộc sống của chúng ta về mặt tinh thần lẫn thể chất


Theo Ts Duyệt, khổ, theo quan niệm từ Phật giáo: Khổ hay được gọi là Dukkha, là sự “không hoàn hảo”, “không ổn định”, “không thường hằng”, “tạm bợ”, “hư dối”, “không chắc chắn”, “không nên bám víu”, “trống không” (không có một thực thể tồn tại độc lập), v.v… Tứ đại khổ theo Đức Phật gồm có: sinh, lão, bệnh, tử. Ts Duyệt cũng nêu ra những nguyên nhân gây khổ “Hỷ, Nộ, Ái, Ố” cùng với “Tham, Sân, Si”. Ông đã phân tích tính “Tham”  (Dục, lòng ham muốn) và “Si” (lòng si mê, ham muốn và đam mê), thường xuất hiện nhiều hơn ở phái nam, chẳng hạn như lòng tham địa vị, quyền lực, lòng ham muốn làm chủ vận hành của thế giới. Nói về tính “Sân”, ông nghiêng qua phụ nữ. Ông phân tích vì các bà, các cô suy nghĩ bằng não cầu trái, nghiêng về phần phân tích, ngôn ngữ, nên  thích nói, hay giận dỗi, hờn oán, ganh ghét, cộng thêm có bộ nhớ tốt nên “tha mà không quên”, đã tạo nên nỗi khổ cho chính mình và các ông.  


Theo tinh thần Kitô giáo gọi đau khổ là thánh giá, đó là “thánh giá cuộc đời”, hay còn gọi là sức nặng  trên vai phải gánh: Khổ là do sự cao ngạo, muốn bằng thượng đế. Theo tâm lý, khổ vì không làm chủ được cảm tính và sự đam mê của mình. Những nỗi khổ có thể goi là bị chê bai, bị đời khinh mạt, bị bỏ rơi, quên lãng, bị thiếu thốn, thua thiệt, bị đối xử bất công, bị bệnh tật hành hạ v.v..


Làm sao để thoát khổ hay vượt khổ? Người Phật tử có Tứ Diệu Đế là 4 chân lý tuyệt vời. Phương pháp này gồm cả lý thuyết và thực hành, ông giải thích về Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế: hiểu được khổ là gì, tìm cách thoát khổ, diệt khổ và hành đạo. Việc thực hành Tứ Diệu Đế cộng thêm Bát Chánh Đạo để tâm mình tinh khiết, tạo niềm vui và sự trong sáng trong cuộc sống.


Theo tinh thần Kitô giáo, hãy can đảm đón nhận, vác lấy thánh giá của chính mình, không để thánh giá đó đè bẹp mình. Ts Duyệt khẳng định rằng chúng ta không thể nào thoát khổ được, vì khổ là một phần của cuộc sống. Tuy nhiên ta có thể vượt khổ được. 


Làm thế nào để đối phó với những khó khăn trong cuộc sống? Ts Duyệt đã trình bày một phương pháp đã được nghiên cứu và giải thích bởi nhà tâm thần học Elisabeth Kubler-Ross. Phương pháp có tên là DABDA, gồm 5 giai đoạn:


  1. Denial - Phủ nhận: phủ nhận những gì xảy ra cho chúng ta, không nhận ra chúng ta đang vướng vào những khó khăn, khổ lụy.
  2. Anger - Bực bội: Khi chúng ta không  thể tìm cách phủ nhận được nữa, chúng ta trở nên giận dữ và tự hỏi tại sao sự việc lại xảy ra cho chúng ta, hoặc chúng ta đổ lỗi cho người khác. 
  3. Bargaining - Mặc cả: Khi nhận ra sự việc, hiểu được những khó khăn, đến lúc đó, chúng ta chuyển hướng, tìm cách đương đầu với khó khăn, và tìm hướng giải quyết. Ông đã nêu ra một vài thí dụ như nếu bị hiểu lầm hoặc hiểu lầm người khác, ta nên đối diện với sự hiểu lầm này, tìm hiểu sự thật, đưa ra những câu hỏi mở để tháo gỡ những khúc mắc, giải quyết và cải thiện vấn đề.
  4. Depression - Chán nản: Nếu không giải quyết được sự việc khó khăn, chúng ta có thể rơi vào trạng thái này, buồn bã, chán nản. Trong hoàn cảnh này, chúng ta thường trở nên trầm lặng, tránh tiếp xúc với mọi người và có khi nghĩ quẩn.
  5. Acceptance - Chấp nhận: nếu không thể thay đổi được vấn đề, chấp thuận thực tế của cuộc đời, đừng suy diễn nhiều, cho vơi đi nỗi buồn khổ.

Ts Duyệt khuyên chúng ta hãy nương theo đó mà sống, hãy thánh giá hóa cuộc đời. Hãy tập chấp nhận thực tế của cuộc đời, chấp nhận cuộc sống của mình và tìm cách làm cho nó hoàn hảo hơn, thăng hoa hơn.


Để tránh những ưu sầu, phiền muộn, Ts Duyệt có lời  khuyên đến chúng ta hãy sống một cuộc sống cứ như thế (as it is), có chi đâu mà phải lo lắng, bực bội. Hãy chăm lo cho đời sống tâm lý, tâm linh, cũng như chăm lo cho sức khỏe, thể lý của mình. Ông nhắn nhủ hãy đến lớp tập Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc. Ông gọi đây là Hoàng Hạc trị liệu vì với môn tập thể dục này, bao gồm Y, võ, nhạc, có cương có nhu, với những chuyển động mềm mại, nhẹ nhàng, thoải mái, phối hợp với hơi thở, mang đến cho chúng ta những giây phút sống trong hiện tại, yên bình và tự tại. Ông xem Hoàng Hạc như một gia đình, đồng tâm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong tình gia đình, anh em.


Cuối chương trình là phần góp ý, thảo luận và vấn đáp. Vòng vấn đáp có lẽ là phần sôi nổi nhất. Ts Duyệt đã phân tích rất kỹ tâm lý của phụ nữ sau khi một môn sinh đã góp ý  về tính nói nhiều, hay cằn nhằn của các bà là do chức năng làm vợ, làm mẹ (làm mẹ cả với các đấng ông chồng), sự chịu đựng, hy sinh, lo lắng cho gia đình quá nhiều mà các ông  không thể hiểu và chia sẻ được. Với cô, cằn nhằn là một nhu cầu để cho vơi bớt đi những bực bội, ưu phiền, cằn nhằn đề nhẳc đi nhắc lại những điều muốn căn dặn đến phía các ông chồng.


Một câu hỏi khá thú vị nữa của một môn sinh là cô không hiểu được sự giới hạn giữa trách nhiệm và sự buông bỏ. Theo cô, để bớt khổ, rất dễ dàng khi cho một lời khuyên là nên buông bỏ, không nên đòi hỏi hoặc ước vọng quá nhiều đối với chồng con hoặc người thân.Tuy nhiên, làm sao để có thể nhận định ra trách nhiệm tới đâu được xem là đủ, để dừng, để buông? Và, khi mình tự nhận trách nhiệm vào cho mình, mình làm nhiều quá, dành hết phần làm của chồng con, hoặc người thân. Rồi đến một ngày, nhìn lại thì thấy mình đơn độc, đảm nhận hết tất cả những khó khăn của gia đình, rồi đem lòng đau khổ, oán giận chồng con hoặc người thân yêu. Nỗi khắc khoải của cô là đến một ranh giới nào để cô có thể dừng được, để có thể buông, hầu có được sự bình an cho chính mình?


Trong buổi thuyết trình và thảo luận, Ts Duyệt đã cho nhiều thí dụ cụ thể về những khó khăn trong cuộc sống của gia đình và xã hội, giữa vợ chồng, con cái, bạn bè, và những người thân yêu. Cử tọa cũng đưa những câu hỏi thực tế từ những kinh nghiệm khó khăn của bản thân trong gia đình và xã hội..


Buổi hội thảo cũng được đóng góp ý kiến bởi 2 vị cố vấn Hoàng Hạc: Gs Vũ Ngoc Mai, đắc ý với triết lý “chấp nhận” được trình bầy bởi Ts Duyệt, cô nhắn nhủ “hãy sống ‘thoáng”, biết chấp nhận và biết tha thứ để cuộc sống được an lạc. Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát cũng đã góp ý hãy sống trong “hiểu và thương”. Ông cũng nói qua về sự lợi ích của âm nhạc trong cuộc sống, giúp chúng ta có thể diễn tả, chia sé được những cảm xúc của mình, góp phần trong cuộc sống vui, phấn khởi. Trong tương lai gần, Nhạc si Nghiêm Phú Phát cũng sẽ có những buổi nói chuyện về việc sử dụng âm nhac trong Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc (Hoàng Hạc đã đưa Y Võ Nhạc vào trong những bài tập thể dục) và lợi ích của âm nhạc trong đời sống tinh thần. Được biết Ns NP Phát cũng đã phổ nhạc và viết nhiều bài nhạc thiền.


Nhận thấy đây sẽ là một nhu cầu của môn sinh TDKC Hoàng Hạc và thân hữu, nên trong tương lai, Hoàng Hạc sẽ thường xuyên tổ chức những buổi hội luận về những vấn đề liên quan đến sức khoẻ tinh thần và thể chất, chia sẻ đến cho cộng đồng chúng ta những hiểu biết để cùng sống vui, sống khỏe, sống hiểu và thương. Những sinh hoạt sau này sẽ được phổ biến rộng  rãi đến cộng đồng.


Mọi thắc mắc về chi tiết và ý kiến liên quan đến đề tài thuyết trình “Đối Phó Với Những Khó Khăn Trong Cuộc Sống”, xin điện thư về: theduckhiconghoanghac@gmail.com . Ban biên tập Hoàng Hạc sẽ chuyển đến Ts Duyệt.


Muốn biết thêm chi tiết về lớp học Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc hoặc ý kiến về đề tài cần được thuyết trình/thảo luận, xin điện thư về: theduckhiconghoanghac@gmail.com . hoặc liên lạc qua số phone: 562-242-5876


(HH Kiều Hạnh ghi chép và tường trình)
01 Tháng Giêng 2016(Xem: 8268)
Một năm đã qua đi với rất nhiều biến động trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Trong ngày cuối năm dương lịch 2015, RFI Việt ngữ đã đề nghị tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát thời cuộc sắc sảo ở Saigon, thử đưa ra những dự báo về chính trường năm tới.
22 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6872)
17 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 7440)
06 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 7990)