'Đổi mới" hết di sản di tích văn hóa Tổ Tiên

01 Tháng Giêng 201512:00 SA(Xem: 10173)
“NHẬT BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ NĂM 01 JAN 2015

Đề nghị GHPGVN xem lại các vụ trùng tu

'đổi mới" hết di sản di tích văn hóa Tổ Tiên

(tựa của báo Văn Hóa-California)

Trùng tu, xây mới ở di tích Yên Tử

TT - Am Dược, chùa Một Mái là hai trong số những di tích nằm trong khu di tích quốc gia Yên Tử (Quảng Ninh) đang được trùng tu, tôn tạo.

image050
Toàn bộ phần mái, cột gỗ của chùa Một Mái đã bị thay bằng ngói, gỗ mới - Ảnh: Đ.Hiếu

Điều làm du khách không khỏi ngạc nhiên là nhiều hạng mục cổ của các di tích này bị phá đi và xây mới lại.
Không gian đỉnh Yên Tử những ngày này trở nên ồn ào bởi hàng loạt công trình dở dang cùng tiếng máy xây dựng vang vọng khắp vùng núi.

Non thiêng ngổn ngang sắt thép

Am Dược là nơi đức Điều Ngự trồng thảo dược để luyện chế thuốc, cứu độ chúng sinh, chữa bệnh cho các tăng sĩ và nhân dân quanh vùng.

Còn chùa Một Mái vốn là am Ly Trần - nơi vua Trần Nhân Tông thường sang đọc sách, soạn kinh.

Các kinh văn, thư tịch của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được biên soạn và tàng trữ ở đây, người sau lập chùa ở am này.

Chùa trải qua nhiều tên gọi: am Ly Trần, động Thanh Long, chùa Bồ Đà, Bán Thiên tự. Đây là ngôi chùa duy nhất ở Yên Tử có hệ thống tượng thờ hoàn toàn bằng đá trắng.

Am Dược (còn có tên là am Thuốc) ở trên sườn dãy núi Thanh Long phía đông chùa Hoa Yên, được vua Trần Nhân Tông dựng lên trước khi về Yên Tử.

Dựa vào kết cấu kiến trúc và các loại hình vật liệu, di vật đồ gốm sứ, am được xác định có niên đại từ thời Lê Trung Hưng và kéo dài đến thời Nguyễn.

Trước đây, di tích của am còn sót lại là phần móng được bó bằng đá gạo còn tương đối nguyên vẹn và phần tường hai đầu hồi.

Tuy nhiên những ngày gần đây, nền cũ hoang sơ đã bị lật lên hoàn toàn, đất cũ cũng được gạt đi để thay vào đó là phần nền nhà bằng bêtông cốt thép.

Công trường xây am Dược những ngày này diễn ra rất nhộn nhịp. Đến ngày 25-12, ở đây vẫn có hơn chục công nhân miệt mài trộn vữa, xây móng trên nền cốt thép đã được đổ xong từ trước.

Toàn bộ phần móng cũ bằng đá gạo được bật lên xếp vào một góc, những tảng đá vuông xưa kia được xếp vào một chỗ không bạt che, không được bảo quản, trân mình chịu nắng mưa của trời.

Những phiến đá cổ chạm khắc tinh xảo cũng nằm ngổn ngang ven lối đi, chung bãi với khu xếp ximăng bên cạnh.

Anh Nguyễn Văn Chung, công nhân xây dựng khu am Dược, cho biết:

“Đội thợ của chúng tôi có hơn chục người đến từ nhiều tỉnh thành như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nam Định... Chúng tôi không thuộc công ty nào và cũng không có chuyên môn gì về xây dựng di tích. Các thầy trong chùa bảo làm hạng mục nào thì làm hạng mục đó”.

Chung số phận được làm mới với am Dược là chùa Một Mái (Bán Thiên tự). Trên nền nhà ẩm ướt, những bao ximăng chất thành đống để chuẩn bị phục vụ việc xây dựng chùa, trong khi đó phần khung chùa đã được phục dựng bằng gỗ và ngói mới hoàn toàn.

Theo sư cô trụ trì Thích Nữ Diệu Nương:

“Chùa Một Mái từng được xây dựng lại từ cách đây hơn 30 năm bằng gỗ tùng. Đến nay gỗ và mái chùa bị mục nát hết nên phải xây dựng lại bằng công đức của khách đến chùa. Còn những pho tượng cổ từ đời Trần đang được bảo quản tại chùa Hoa Yên”.

Tuy nhiên, khi được hỏi những vật liệu cũ ở đâu, sư cô cũng không biết rõ và nói “có thể những người thợ làm ở đây đã mang đi”.

image047
Đội thi công làm móng và chuẩn bị xây tường cho am Dược. Phần móng bằng đá gạo được dỡ và xếp cạnh khu xây dựng - Ảnh: Đ.Hiếu

“Phải phá đi vì có lý do”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2012 Ban quản lý di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - tổng dự toán công trình “Phục hồi, tôn tạo di tích chùa Một Mái - am Dược, khu di tích danh thắng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh”.

Trong quyết định nêu rõ: “Giữ nguyên mặt bằng cũ và tường đá cũ còn sót lại, dựng lại am Dược theo kích thước mặt bằng hiện trạng, hệ tường bao che xây thêm vào tường hiện trạng, gia cố nền móng bằng cách ốp đá nguyên khối vào bệ móng”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc dự án “phục hồi, tôn tạo” này đã bị biến thành công trường phá bỏ toàn bộ bờ tường, nền móng và nhiều hạng mục di tích cổ, ông Nguyễn Trung Hải - trưởng ban quản lý khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử - nói:

“Các thầy trong ban trị sự chùa không cố tình đào phá nền móng cũ mà do các hạng mục đều sụp đổ sẵn rồi”.

Theo ông Hải, việc trùng tu, tôn tạo được tiến hành từ cách đây một tháng.

“Phải phá đi vì có lý do. Thực tế khi làm thì hai bức tường đầu hồi đã gần đổ rồi, chỉ còn giữ lại với nhau bằng những rễ cây, dây leo. Khi trùng tu chặt các dây leo thì bức tường bị sụp đổ xuống” - ông Hải nói.

Ông Hải cho biết thêm nền móng của am Dược theo phê duyệt trùng tu phải giữ nguyên nền mặt, nhưng trên thực tế khi phạt hết cỏ để gia cố thì thấy sân đá tảng đã bị trộm đào bới, xới tung lên để tìm đồ cổ từ trước, nền móng sụt lún nên không thể xây trên nền này được.

Về di tích chùa Một Mái, theo ông Hải, chùa đã được ốp gỗ lại từ năm 1985 và đến nay đều mọt hết, không sử dụng được tiếp.

Ông Đào Lê Trung, chánh thanh tra Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Quảng Ninh, cho biết trong hôm qua (25-12), một đoàn kiểm tra của thanh tra sở phối hợp cùng phòng nghiệp vụ đã đến Yên Tử rà soát quá trình tôn tạo di tích chùa Một Mái - am Dược.

“Những việc liên quan đến tôn tạo, bảo quản di tích, xây dựng đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt hay không chúng tôi đang kiểm tra lại và chưa có kết quả.

Chúng tôi sẽ làm chặt chẽ và nhanh nhất để không ảnh hưởng đến việc tôn tạo, bảo quản di tích và sẽ thông tin đầy đủ” - ông Trung nói.

THÂN HOÀNG - ĐỨC HIẾU

(theo Tuổi Trẻ 26/12/2014)

+++++++++++++++++++++++

'Sai lầm' trong tu bổ chùa Trăm Gian

Một trong những khối kiến trúc cổ hiếm hoi còn lại của Việt Nam, nay bị chính những người coi sóc mình phá hủy bằng dự án trùng tu cấp tốc.

Chùa Trăm Gian được tái dựng từ thời Mạc‎, và mang giá trị lịch sử, tôn giáo, kiến trúc và nghệ thuật vô cùng quan trọng, theo giáo sư Trần Lâm Biền, chuyên gia nghiên cứu về tín ngưỡng Việt Nam.

Giáo sư Trần Lâm Biền, chuyên nghiên cứu về tín ngưỡng Việt Nam, nói với BBC Việt ngữ, những người thực hiện dự án tu bổ chùa Trăm Gian là những nhà ‘tu hành không đến nơi đến chốn, không hiểu biết cả về chính đạo Phật nữa.’

Họ không giác ngộ về di tích của chính mình,” ông nói thêm.

Giáo sư cũng cho rằng, việc nhà chùa tự cho mình là ‘chủ nhân của ngôi chùa, ngôi đình, ngôi đền ấy là sai lầm.’/

(theo BBC thứ tư, 29 tháng 8, 2012)

+++++++++++++++++++++++

Đình chỉ thi công tôn tạo am Dược ở Yên Tử

TT - Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định đình chỉ thi công dự án tôn tạo am Dược tại quần thể di tích Yên Tử.

image050
Toàn bộ phần mái, cột gỗ của chùa Một Mái đã bị thay bằng ngói, gỗ mới - Ảnh tư liệu

Ngày 26-12, ông Đào Lê Trung - chánh thanh tra Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ninh - cho biết đoàn kiểm tra liên ngành gồm cán bộ thanh tra, phòng nghiệp vụ văn hóa, Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh đã có kết quả rà soát di tích chùa Một Mái - am Dược tại khu di tích rừng quốc gia Yên Tử (“Trùng tu, xây mới tại di tích Yên Tử”, Tuổi Trẻ ngày 26-12).

Theo đó, các cơ quan chức năng phát hiện đơn vị thi công có nhiều sai phạm trong quá trình tôn tạo, trùng tu như: xây dựng nền móng am Dược vượt quá diện tích thiết kế đã được phê duyệt, công tác bảo quản các di vật cổ không đúng quy định...

Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định đình chỉ thi công dự án tôn tạo am Dược tại quần thể di tích Yên Tử.

Ông Hồ Chí Đức, trưởng Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, cho biết đơn vị thi công đã không tuân thủ các quy định về trùng tu, tôn tạo vì đào toàn bộ phần nền móng bằng đá gạo cũ của am Dược lên, không đánh dấu các cấu kiện và không bảo quản tốt các di vật cổ.

“Đây là một sai sót đáng tiếc. Lẽ ra khi phát hiện nền móng sụt lún thì đơn vị thi công không được tự ý gia cố nền móng mà phải báo cơ quan quản lý văn hóa để thành lập hội đồng khoa học thẩm định, có các biện pháp xử lý hợp lý để vừa trùng tu vừa bảo tồn được di tích” - ông Đức nói.

Về hướng xử lý, theo ông Trung, sắp tới sẽ yêu cầu Giáo hội Phật giáo tỉnh có báo cáo chi tiết, làm thủ tục đề nghị điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh hồ sơ cấp phép, khi nào được cấp phép tiếp mới được xây dựng.

Ban quản lý khu rừng quốc gia Yên Tử cùng đơn vị thi công phải thực hiện phương án bảo quản các cấu kiện, di vật cổ theo đúng quy định.

T.HOÀNG

(theo Tuổi Trẻ 27/12/2014)

++++++++++++++++++++++++

Chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử

22/01/2013

AT - Nếu bạn đi du lịch Quảng Ninh, có hai nơi để cho bạn đến, đó là vịnh Hạ Long và Yên Tử. Đã viếng thăm Yên Tử, xin bạn đừng bỏ qua chùa Hoa Yên.

image051
Du khách thắp hương ở chùa Hoa Yên

Người ta thường lên Yên Tử nhiều vào mùa xuân hay mùa hạ vì thời tiết thuận lợi. Càng lên cao không khí càng loãng, du khách càng cảm nhận rõ rệt khí hậu đặc biệt của núi rừng Yên Tử.

Muốn lên chùa Hoa Yên, bạn có hai cách là đi bộ hoặc đi cáp treo. Đi cáp treo bạn chỉ mất hơn 10 phút và 70.000 đồng vượt quãng đường hơn 1.200m là có thể lên đến chùa. Đây là chặng cáp treo thứ nhất đưa du khách đi theo tuyến chùa Giải Oan - chùa Hoa Yên. Đi cáp treo, bạn sẽ có được cái thú ngắm nhìn Yên Tử bao quát từ trên cao. Còn nếu đi bộ men theo đường đá bậc thang, bạn sẽ khá mệt bởi phải mất hơn một giờ đồng hồ.

Tuy nhiên, đi bộ lại có cái thú riêng của nó. Ngày xưa vua Trần Anh Tông mỗi khi lên vấn an vua cha Trần Nhân Tông cũng đều xuống voi đi bộ lên. Đi bộ, mất thời gian một chút nhưng bạn lại có được cái cảm giác thích thú của người chinh phục độ cao, cũng để cảm nhận được sự khó nhọc của cha ông ngày xưa khi chinh phục ngọn núi này. Và khi đi bộ du khách có thể thỏa sức ngắm cảnh núi rừng hùng vĩ ở trước mặt, sau lưng và dưới chân mình.

Chùa Hoa Yên tọa lạc ở độ cao 535m so với mực nước biển. Đây là ngôi chùa to nhất nên còn được gọi là chùa Cả. Chùa vốn được khởi dựng từ thời nhà Lý, lấy tên là Phù Vân. Trên 700 năm trước, chùa chỉ là một thảo am rất nhỏ, là nơi để Phật hoàng Trần Nhân Tông giảng đạo, lấy tên là Vân Yên. Cả ba vị sư tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đều đã trụ trì tại chùa này. Đến đời nhà Lê, khi Lê Thánh Tông đi qua chùa thấy hoa lá xanh tươi, sương khói la đà mới đổi thành Hoa Yên.

Vẻ đẹp mà Lê Thánh Tông phát hiện ra cũng đã đi vào thơ Huyền Quang: “Hơi đêm phả lạnh bức rèm lan/ Xào xạc cây sân thu đã sang/ Quên đến trúc đường hương lựu tắt/ Cành thông ngời khắp dưới trăng đan”. Nếu bạn lên Hoa Yên vào lúc bình minh sẽ cảm nhận được vẻ đẹp tinh khôi của núi rừng, cây cỏ. Chẳng thế mà Nguyễn Trãi đã viết: “Trên non Yên Tử chòm cao/ Trời mới canh năm đã sáng tinh/ Vũ trụ mắt đưa ngoài biển cả/ Nói cười người ở giữa mây xanh/ Muôn hàng giáo ngọc tre gài cửa/ Bao dải tua chân đá rủ mành/ Dấu cũ Nhân Tông vẫn còn đấy/ Mặt rồng thấy giữa ánh quang minh” (Đề chùa Hoa Yên núi Yên Tử).

Cái đầu tiên làm chúng tôi thích thú ngắm nhìn là ba cây đại cổ thụ đã hơn 700 tuổi. Người miền Nam gọi cây đại là cây hoa sứ. Tôi vẫn thích cái tên cây đại hơn bởi dáng vẻ oai phong của nó. Gốc cây sù sì như thể đã vượt qua biết bao bão táp sương gió của đất trời. Cây đứng vững chãi chẳng khác gì người anh hùng kiên cường giữa trận mạc. Vào đúng mùa, hoa đại nở trắng xóa rất đẹp tô điểm cho không gian thanh tịnh chốn thiền môn.

Nơi đây cũng là nơi đã xảy ra câu chuyện oan tình giữa Huyền Quang và cung phi Điểm Bích. Chuyện kể rằng, Huyền Quang (1254-1334) vốn là một thanh niên tài hoa, thông tuệ, nhưng lại sớm rời xa vinh hoa phú quý để trở thành trụ trì chùa Hoa Yên. Trẻ tuổi, tài hoa nhưng lại sớm tu hành, nên ông cũng tạo ra những nghi ngờ trong người đời và cả cho vua Trần Anh Tông.

Nhà vua bèn cử cung nữ Điểm Bích xinh đẹp đến chùa dụ dỗ ông. Vua dặn dò thêm là phải lấy bằng được Kim tử mà vua đã ban cho nhà sư để làm vật chứng chứng minh sự sa ngã của Huyền Quang. Không dụ dỗ được nhà sư, Điểm Bích nảy ra kế nói dối là cha làm quan thu thuế bị cướp sạch bạc tiền. Nếu không hoàn trả, cả nhà sẽ bị tội nặng. Giàu lòng từ bi, ông lấy Kim tử do vua ban tặng, trao cho nàng. Lập tức, Điểm Bích trốn về cung tâu dối với vua. Sau đó, vua cho mở đại lễ, thỉnh Huyền Quang đến làm chủ lễ. Đoán biết vua đang nghi ngờ sự trong sạch của mình, ông lên đàn ngửa mặt rồi niệm chú. Bỗng dưng gió thổi mạnh, mây kéo đến đầy trời, lễ vật bị gió cuốn sạch. Thấy pháp hạnh Huyền Quang mạnh quá, ai nấy đều sợ hãi. Nhà vua lạy tạ lỗi với sư và bắt phạt Điểm Bích. Câu chuyện nhuốm màu sắc huyền thoại - tôn giáo nhưng cũng tạo ra một vẻ đẹp lung linh cho chùa Hoa Yên.

Ngôi chùa hiện nay được xây vào đời nhà Nguyễn với kiến trúc 5 gian hình chữ Đinh. Người ta cho rằng theo thế núi, chùa Hoa Yên tọa lạc ở nơi đầu rồng, đôi mắt rồng là chỗ dựng tháp tổ; hai dãy núi hai bên như những cánh tay rồng ôm lấy con đường hành hương của du khách. Trong khuôn viên chùa, còn có nhiều di vật quý giá ghi dấu một thời đại hoàng kim đã qua như tượng Phật, bia đá, những viên gạch cổ, ngói mũi hài, bát hương đá... Tất cả đều mang dấu ấn thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17.

Năm 2002, chùa Hoa Yên được tôn tạo lại theo kiến trúc bên trong chữ Công bên ngoài chữ Quốc. Chùa bao gồm nhà thờ tổ, hành lang tả hữu hai bên, trống, chuông chùa đều được mô phỏng kiến trúc đời Trần. Trước tòa Tam bảo đặt một lầu hương bằng đồng cổ rất cổ kính. Phía sau chùa Hoa Yên là chùa Phổ Đà Quan Âm Bồ Tát, tuy nhiên nay chỉ còn là phế tích. Gần chùa Hoa Yên có vườn tháp Huệ Quang với 97 ngọn tháp bằng gạch hoặc đắp đất kề nhau tạo thành một quần thể. Nằm chính giữa trong lăng Quy Đức là tháp Huệ Quang, nơi an nghỉ của Điều Ngự giác hoàng Trúc lâm đệ nhất Tổ Trần Nhân Tông. Trong lăng an trí tượng Trần Nhân Tông trong tư thế tọa thiền, mình khoác áo cà sa vắt chéo, dáng vẻ an nhiên tự tại của một thiền sư đạt đạo. Quần thể tháp Huệ Quang không gợi ra ám ảnh về cái chết, về sự tịch lặng đáng sợ của thế giới bên kia mà luôn ấm áp tình đời.

Chùa Hoa Yên thể hiện sự hài hòa giữa công trình kiến trúc với thiên nhiên, sự hòa hợp giữa đạo và đời. Chùa Hoa Yên là một bộ phận không thể thiếu của quần thể kiến trúc văn hóa tâm linh Yên Tử mà mỗi du khách đều muốn viếng thăm khi hành hương về đất Phật.

XEM THÊM:

Khuyến khích dùng linh vật thuần Việt ở di tích

20/08/2014

TT - Ngày 19-8, Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm đã có văn bản gửi các địa phương về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục VN.

image052
Hình ảnh một trong các linh vật được giới thiệu: tượng con sấu bằng đá trang trí thành bậc, hiện vật thời Lý

Kèm theo công văn này là các mẫu tượng linh vật của VN để các sở VH-TT&DL, thanh tra văn hóa nghiên cứu tham khảo trong công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý.

Theo đánh giá của ông Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, các mẫu tượng, linh vật của VN hiền hòa, giản dị hơn những mẫu mã ngoại đang thịnh hành hiện nay.

Các linh vật này cũng được sử dụng trong các đền, chùa ở VN từ thế kỷ 11-19. Linh vật phổ biến nhất vẫn là nghê và sư tử trên các chất liệu đá, gốm và gỗ dùng để trang trí thành bậc, trang trí trước cổng hoặc trong khuôn viên đền chùa...

H.HƯƠNG

Phát hiện trống đồng cổ, quý hiếm

28/11/2014

TT - Ngày 27-11, bà Nguyễn Thị Thanh Hiền - phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - cho biết cơ quan này vừa hoàn chỉnh thủ tục, tiếp nhận chiếc trống đồng cổ từ gia đình ông Trương Thanh Quang.

image053
Chiếc trống đồng cổ do ông Trương Thanh Quang đào được, hiện đã bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa quản lý - Ảnh: Hà Đồng

Chiếc trống đồng này do gia đình ông Quang (xã Thành Tân, huyện Thạch Thành) đào được hồi tháng 10.

Theo kết quả giám định của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, chiếc trống đồng cổ gia đình ông Quang bàn giao còn tương đối nguyên vẹn. Kích thước đường kính mặt trống là 59cm, đường kính đáy trống là 59cm, cao 38cm, trọng lượng 20kg.

Về họa tiết hoa văn, chính giữa mặt trống là hình Mặt trời có 7 tia mảnh, 6 vòng hoa văn, 4 khối tượng con cóc quay theo chiều kim đồng hồ (đã mất một con)... Đây là trống đồng loại II Heger (nhóm D2), có niên đại từ thế kỷ 16-17.

HÀ ĐỒNG

Phát hiện hai trống đồng cổ

16/05/2010

TT - Ngày 15-5, ông Lò Đình Múi - chủ tịch UBND huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) - cho biết người dân vừa phát hiện được hai chiếc trống đồng cổ tại xã Tam Lư và xã Trung Xuân.

image054
Chiếc trống đồng cổ vừa được phát hiện ở bản Sạy, xã Tam Lư, huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) - Ảnh: Hà Đồng

Ở bản Sạy (xã Tam Lư), chiếc trống cổ có đường kính mặt trống 40cm, chiều cao thân trống 30cm, nặng 20kg. Trên mặt trống có hình ba con cóc nổi cùng nhiều hoa văn tinh xảo. Chiếc trống ở xã Trung Xuân có đường kính mặt trống 45cm, chiều cao thân trống 35cm, nặng 25kg.

Theo giám định của cơ quan chức năng, hai chiếc trống đồng này thuộc loại trống Heger II, có niên đại cách đây 2.000 năm. Hiện nay, hai chiếc trống đồng cổ này đang được bảo quản tại UBND huyện Quan Sơn.

Trước đó năm 2008, người dân bản Nà Tuồng, xã Sơn Thủy (huyện Quan Sơn) cũng đã phát hiện hai chiếc trống đồng cổ có hoa văn đặc trưng của trống đồng Đông Sơn.

HÀ ĐỒNG

Chùa Một Cột trùng tu tới đâu rồi?
image056
Chùa Một Cột đang bị bao phủ kín, dỡ từng viên ngói cũ ra thay ngói mới, trùng tu bên trong vào tháng 5, 2014, không biết đã xong chưa và hoàn tất ra sao. Chùa Một Cột là di sản, di tích văn hóa độc đáo nhất tại Hà Nội do Vua Lý Thái Tông (1000-1054) xây dựng.

image058 

01 Tháng Tư 2022(Xem: 4357)
13 Tháng Năm 2016(Xem: 18450)
18 Tháng Tư 2016(Xem: 9196)