Lỗi tại cô giáo trẻ hay tại khoa trồng người sư phạm?

11 Tháng Giêng 201512:00 SA(Xem: 9105)
“NHẬT BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ HAI 12 JAN 2015

 

10/01/2015

Một học sinh lớp 6 thiệt mạng sau khi bị cô giáo đánh

image077
Bàn thờ em Lê Thị Phước Hải 11 tuổi, thiệt mạng sau khi bị cô giáo đánh đòn. (Ảnh: Facebook của Khải Hoàn, mẹ em Hải).

Một học sinh cấp hai ở TP HCM thiệt mạng sau khi bị cô giáo đánh đòn hôm 6/1.

Em Lê Thị Phước Hải 11 tuổi học lớp 6/7 trường trung học Phan Bội Châu, quận Tân Phú, đã tử vong sau khi bị cô giáo dạy môn Công nghệ cặp những chiếc thước học sinh lại đánh vào mông.

Báo Tuổi Trẻ ngày 9/1 nói em bị cô giáo tên Vy phạt là vì không thuộc bài, nhưng bạn bè cùng lớp cho gia đình em biết Hải bị phạt vì nói chuyện trong giờ học.

Gia đình Hải cho hay em có bệnh sử động kinh được điều trị từ năm lớp 2 tới nay và gia đình đã thông báo bệnh trạng của Hải cho nhà trường và bạn bè biết để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra với em.

Thế nhưng, theo lời kể của các nhân chứng là bạn cùng lớp, em Hải đã bị cô Vy bắt nằm lên bàn và dùng nhiều chiếc thước đánh dù em đã van xin cô hãy đánh vào tay và các bạn cùng lớp cũng xin cô tha cho em vì Hải bị bệnh.

image078
Em Hải có bệnh sử động kinh, và gia đình đã thông báo bệnh trạng của Hải cho nhà trường và bạn bè biết để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra với em.

Sau 4 lần roi của cô Vy, em Hải ngất xỉu, rơi từ trên bàn xuống, tiểu ra quần, nhưng cô Vy không đỡ em lên vì nghi em giả vờ.

Sau đó, Hải được đưa xuống phòng y tế và chuyển đi cấp cứu nhưng tim em đã ngừng đập trước khi tới bệnh viện.

Bà Khải Hoàn, mẹ em Hải, cho VOA Việt ngữ biết gia đình không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cô giáo Vy vì không muốn hình hài nhỏ bé của em bị mổ xẻ tử thi theo quy định điều tra.

Vụ việc này một lần nữa khơi dậy làn sóng phẫn nộ trong công luận Việt Nam vốn lâu nay bức xúc trước tệ nạn đạo đức sư phạm xuống dốc, bạo lực học đường leo thang, với rất nhiều vụ giáo viên hành hạ, đánh đập học sinh bị phơi bày lên các phương tiện truyền thông xã hội.

Bà Khải Hoàn, mẹ em Hải, nói với VOA Việt ngữ:

“Gia đình tôi đã nhiều lần nói với nhà trường rằng em học được thì học, không thì thôi, không sao hết, trả em về nhà không sao hết vì em có chứng bệnh động kinh. Vậy thì tại sao cô giáo vẫn đánh? Đâu có được phép đánh học sinh, huống hồ là đối với một người bệnh. Hơn nữa, các bạn cùng lớp đã la lên ‘Cô ơi bạn Hải bị bệnh đó’ mà tại sao vẫn ngoan cố đánh? Nói là phải mổ tử thi con tôi thì tôi không bao giờ tôi thưa. Tùy theo lương tâm của bậc làm cha mẹ, của những phụ huynh có con em học trường này, tôi để cho tòa án lương tâm và dư luận xã hội muốn làm gì thì làm.”

image080

Cô giáo Vy (Ảnh: Facebook của bà Khải Hoàn, mẹ em Hải)

Bà Hoàn nói dù gia đình bà không thưa kiện cô Vy ra tòa, nhưng Bộ Giáo dục và các ban ngành hữu trách phải có biện pháp thỏa đáng để chấn chỉnh đạo đức học đường và lương tâm-trách nhiệm nghề giáo, cũng như tránh để tái diễn những thảm kịch tương tự trong tương lai.

“Không xử lý nghiêm khắc, cô giáo này sẽ tiếp tục làm chết thêm một em học sinh khác nữa. Ngành giáo dục Việt Nam phải xem lại, làm thế nào mà để tình trạng chết người xảy ra như vậy. Ngành giáo dục phải kiểm tra lại vì tôi thấy nhiều trường hợp quá.”

Sau cái chết của em Hải, cô giáo Vy đang tạm thời bị ngưng công tác. Gia đình nạn nhân cho biết họ rất bất bình trước biện pháp xử phạt đối với cô Vy, người từng đánh chảy máu tay một học sinh trước trường hợp tử vong của em Hải, theo lời bà Hoàn./

theo VOA 09.01.2015

+++++++++++++++++++++

Dạy học bằng cả yêu thương

65 tuổi về hưu vẫn đi dậy "free"

09/01/2015

image082

Cô Nguyễn Thị Liên Thọ với học trò - Ảnh: V.Minh

TT - Ở cái tuổi ngưỡng cuối cuộc đời, lẽ thường là lúc người ta an hưởng tuổi già, nhưng các nhà giáo già ở xã Tịnh Thọ (H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) lại làm điều ngược lại.

Nghỉ hưu nhưng chẳng ai muốn rời xa bục giảng, học trò, tâm huyết và lòng yêu nghề ấy đã thôi thúc những nhà giáo già mở một lớp học tình thương, dạy con chữ cho trẻ khuyết tật, bất hạnh.

Kiên trì.

Ngày nào con tôi đến lớp học cũng với niềm vui sướng. Các thầy cô ở đây tận tình nên đứa con khuyết tật của tôi bây giờ biết đọc, biết viết, biết nghe lời. Tôi cảm ơn các nhà giáo già đã tận tâm giúp đỡ. Ông PHẠM ĐÌNH RÂN (một phụ huynh)

Cơn mưa đầu ngày như trút nước. Phòng học nhỏ, cũ kỹ ở xã Tịnh Thọ nằm lọt thỏm dưới tán cây si vang lên tiếng đánh vần của những đứa trẻ khuyết tật. Hơn một năm nay, lớp học này duy trì đều đặn mỗi tuần ba buổi do Hội cựu giáo chức địa phương mở.

Trước 7g thứ hai, tư, sáu, cha mẹ của những đứa trẻ bất hạnh vượt hàng chục kilômet đường xa đưa con tới lớp. 10 học sinh của lớp đều đặc biệt, có em bị câm, bị điếc, có em nói ngọng, có em dị tật bẩm sinh được bốn thầy cô kèm cặp.

Mỗi buổi học dài hai giờ nhưng bốn thầy cô rất vất vả để truyền đạt kiến thức cho học trò. Thầy Nguyễn Đình Sen (65 tuổi) hết bày học trò đánh vần lại quay sang chỉ em khác làm toán. Không có đầy đủ dụng cụ dạy học nên thầy Sen “sáng tạo” các que tính cộng trừ bằng 10 ngón tay.

“Dạy cho trẻ khuyết tật, mình phải kiên trì mới được. Nhiều lúc đang học có em lăn ra ngủ, rồi la ó, quậy phá, thậm chí lúc tức giận còn đánh vào lưng thầy, lưng cô. Mình phải để các em đánh cho nguôi giận rồi học tiếp. Dạy mãi rồi các em cũng biết đọc, làm các phép toán đơn giản, tôi rất mừng” - thầy Sen tâm sự.

Cô giáo Nguyễn Thị Liên Thọ (62 tuổi) kể các học trò rất ham học và yêu mến thầy cô. Dù đã về hưu nhưng được dạy, giúp đỡ các em học là niềm hạnh phúc lớn lao của một nhà giáo.

Cô Thọ bật khóc khi kể về hoàn cảnh đáng thương của từng học trò: “Thấy những trẻ bất hạnh, tôi không cầm lòng được, xót xa lắm. Các thầy cô mở ra lớp học này mong các em học được cái chữ. Như thế là vui, hạnh phúc rồi”.

Còn sức còn dạy

Sáng kiến mở ra lớp học đặc biệt từ tâm ý của thầy Trần Đình Vương, Hội cựu giáo chức xã Tịnh Thọ. Thầy Vương kể ban đầu đi vận động các thầy cô giáo về hưu bàn chuyện mở lớp học tình thương cho trẻ khuyết tật có đến 21 thầy cô giáo về hưu đăng ký tham gia, ủng hộ, hỗ trợ để lớp học được mở ra.

“Vốn liếng cả đời của họ là con chữ, còn chút sức nào là đem cái vốn ấy ra giúp các em thiếu may mắn ở quê hương học chữ, có niềm vui cắp sách đến trường” - thầy Vương nói.

Thầy giáo Từ Văn Vĩnh kể khi nêu ý định mở lớp dạy học sinh khuyết tật, lãnh đạo xã ai nấy e ngại vì sợ không duy trì được. Các thầy cô giáo vẫn giữ ý định và vận động mãi, cuối cùng xã cũng thống nhất cho mở lớp.

Một phòng học tạm bợ được tận dụng của Trường tiểu học Tịnh Thọ để mở lớp, đi xin bàn ghế cũ để học sinh có chỗ ngồi học. Những nhà giáo già tự nguyện lấy tiền túi của mình góp lại mua vở, sách, bút, phấn...

Lớp mở ra chỉ có hai học sinh học trong điều kiện thiếu thốn, phòng ốc nắng rọi, mưa dột, cứ ngỡ sẽ không duy trì được. Nhưng vượt lên trên sự khốn khó, các nhà giáo già vẫn tận tụy có mặt ở lớp học.

Tiếng thơm của lớp dạy học sinh khuyết tật lan đi, học trò nhanh tiến bộ nên từ hai học sinh nay đã có 10 em theo học.

“Lớp học mỗi ngày một đông, thầy cô rất mừng. Còn sức là chúng tôi còn dạy học cho các em” - thầy Nguyễn Duy Thành nói.

VÕ MINH

01 Tháng Tư 2022(Xem: 4359)
13 Tháng Năm 2016(Xem: 18453)
18 Tháng Tư 2016(Xem: 9198)