Tiếng gọi của trẻ em nghèo ở Campuchia

23 Tháng Tư 201511:38 CH(Xem: 9344)
"NHẬT BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ SÁU 24 APRIL 2015

Nguyễn Công Bằng (VDF)

Nỗi lo cho đám trẻ dốt chữ...

Nhà văn Tưởng Năng Tiến hoàn tất ba tháng trải nghiệm vất vả ở Cambodia và tạm về Hoa Kỳ vào cuối tháng 2/2015, tôi trở lại Cambodia tiếp nối các nỗ lực xây dựng chương trình trợ giúp giáo dục của ViDan Foundation (VDF) cho hơn 500 trẻ thơ Việt Nam kém may mắn sinh ra ở Xứ Chùa Tháp.

Chặng đầu của hành trình là trường Samaki ở làng Kandal (tỉnh Kampong Chhnang)
blank
Một kỷ niệm với giáo viên Việt ngữ và một số học sinh trường Samaki. (Ảnh: VDF)

Khác với làng nổi ở tỉnh Siem Reap, một nơi nằm sát địa điểm du lịch Angkor Wat nổi tiếng thế giới và được khá nhiều đoàn ghé thăm, giúp đỡ, các làng nổi ở tỉnh Kampong Chhnang (phía cực Nam Biển Hồ) thiệt thòi hơn nhiều. Nhưng bù lại, mấy ngàn đồng bào kém may mắn ở đây có một món quà quý giá, hiếm hoi là ngôi trường khang trang do cộng đồng người Việt ở Tây Úc quyên góp xây dựng nên vào năm 2013. Hiện nay, đây là địa điểm dạy chữ Khmer và Việt Nam cho hơn 120 trẻ nghèo.

Khởi đầu từ tháng 7/2014, qua sự phối hợp với Minority Rights Organization (MIRO), một tổ chức NGO gốc Cambodia, ViDan Foundation đã có cơ hội bảo trợ chi phí tổ chức dạy học cho 95 trẻ thơ thuộc các gia đình nghèo khó ở làng Kandal và Chong Sok. Thời gian gần đây có thêm 30 em đang theo học lớp “mầm”, chuẩn bị học lớp 1 trong niên học tới, nâng sĩ số học sinh lên 125 em. Hiện tại, buổi sáng các em học tiếng Khmer, buổi chiều học tiếng Việt; với ba Thầy Cô giáo dạy tiếng Khmer, và hai Thầy giáo dạy tiếng Việt.

Lần này đến thăm trường rất vui vì từ các Thầy Cô đến một số viên chức bản xứ ở địa phương đều đã gặp mặt ở các chuyến trước, và đám học trò cũng đã quen mặt “Thầy”. Tôi chấp nhận cho đám học trò gọi bằng “Thầy” để tránh bị gọi là “Bác”.

Đoàn đến trường vào buổi trưa, lúc các lớp Miên ngữ đang dạy; và phát quà ngay cho các em. Quà chuyến này là cái cặp đựng tập vở loại đeo lưng (drawstring backpack) và một ít kẹo mang qua từ Hoa kỳ. Món quà thật nhỏ bé song các em đều vui mừng đón nhận, vì rất nhiều em đang phải tạm dùng bao nhựa để đựng tập viết.

Khác với thời gian đầu tiên, bây giờ các em đã có nước lọc uống, có thùng thuốc khẩn cấp (emergency first aid kit), và nhà vệ sinh có nước rất sạch sẻ. Đây là sự đóng góp riêng và âm thầm từ tấm lòng nhân hậu của nhà văn Tưởng Năng Tiến (một thành viên HĐQT của ViDan Foundation). Thiết nghĩ cũng cần chia sẻ thêm là trong suốt thời gian 3 tháng sinh hoạt ở Cambodia, anh TNT đã dốc toàn bộ khoản tiền nhuận bút có được (qua việc viết Blog cho RFA) và một phần lương hưu để giúp cải thiện sinh hoạt cho học sinh và các Thầy Cô giáo. Anh cũng đã trở thành ông “Thần Tài” của nhiều gia đình người Việt và Khmer nghèo khổ chung quanh các trường học do ViDan Foundation bảo trợ (ở hai tỉnh Kampong Chhnang và Prey Veng) qua những sự trợ giúp rất thiết thực.

Một sinh hoạt đáng khích lệ khác là trong buổi tiếp xúc ngày 3/4/2015, ông Huon Vorn (Đại diện chính quyền địa phương), và ông Prum Sary (Viên chức Sở Giáo dục tỉnh Kampong Chhnang) đã chính thức xác nhận là các em theo học ở đây được chính quyền địa phương cấp chứng nhận khai sinh Cambodia, và được tiếp tục học các lớp cao hơn sau này. Đây là một điều mừng vui lớn lao cho các gia đình phụ huynh học sinh, và cũng là một khích lệ cho Hiệp Hội. Thành quả này là sự vận động kiên trì và mạnh mẽ của tổ chức MIRO.

Bên cạnh những niềm vui trên là một số nhu cầu cải thiện sinh hoạt tại trường của các em. Ngay lần này, tôi đã cho xúc tiến ngay việc gắn 2 cái quạt trần lớn cho mỗi lớp học để các Thầy, trò đỡ khổ phần nào dưới cái nóng oi bức của mùa hè vùng nhiệt đới. Một nhu cầu khác là anh Út Ai, người tình nguyện nhiệm vụ “quản lý” cơ sở của trường đã khẩn khoản: Xin Hội ráng giúp tráng xi măng cái nền đất của trường để các em có sân chơi sạch sẻ!  “Dự án” này không lớn, chỉ vào khoản $1.000 mỹ kim thôi. Tuy nhiên, cho đến nay tôi chỉ dám hứa là sẽ trình bày lại với anh em quản trị Hội, vì ngân quỹ cho chương trình giáo dục vẫn đang còn thiết hụt, phải lo cho nhiều việc cùng lúc nên chưa thể quyết định ngay dù sân chơi này rất cần thiết cho những đứa trẻ mà cả cuộc đời thiếu nhi gần như không có một món đồ chơi nào cả. Chưa kể là Hội cũng đang phối hợp với hội Vietnam Compassion và HT Thích Không Tánh tiếp tục thực hiện chương trình phát quà vài lần mỗi năm cho hàng trăm trẻ thơ mắc bệnh ung bướu và người tàn tật, TPB-VNCH ở Việt Nam.
blank
“Sân chơi” ghồ ghề, đầy bụi bặm hiện nay của các em học sinh trường Samaki. (Ảnh: VDF)

Dù dân chơi này chỉ có thể sử dụng vào những tháng mùa khô thôi song đó là một nhu cầu vô cùng quan trọng cho sinh hoạt tinh thần của các em, vì đa số ở trên ghe, bè… hoàn toàn không có sân chơi nào khác ở chung quanh.

…Chặng đường kế tiếp là các trường dạy Việt ngữ ở Neak Loeung (Hố Lương).

Ở khu vực này, Hiệp Hội đang bảo trợ cho hơn 360 trẻ thơ (ở ba làng) được đi học chữ Việt miễn phí, và trợ giúp phần nào cho một trường có hơn 60 trẻ ở một làng khác. Sĩ số học sinh ở đây tăng giảm bất thường vì hoàn cảnh công ăn việc làm của phụ huynh; nhất là sau khi cây cầu Neak Loeung đã hoàn thành và bến phà nơi đây ngưng hoạt động, khiến cho nhiều gia đình làm nghề bán hàng rong phải thất nghiệp.

Chương trình dạy Việt ngữ ở Hố Lương bắt đầu năm 2014, từ việc bảo trợ học phí cho gần 200 em ở trường học tư do thầy Lê Văn Hiển giảng dạy. Từ hơn 30 năm qua Thầy đã dạy tiếng Việt cho mấy ngàn học sinh, với một học phí tượng trưng là 200 riels (5 xu mỹ kim) cho một ngày học. Dù vậy, Thầy cho biết là vẫn thường xuyên có cảnh học trò xin “thiếu chịu” học phí vì cha mẹ bị bệnh bất ngờ, không có tiền để trả học phí.
blank
Một đoạn chia sẻ trong thư của Thầy giáo Hiển gửi Hội.

….Trong gần năm qua, nhờ sự yểm trợ nhiệt tình của đồng hương ở các nơi, Hiệp Hội đã bảo trợ toàn bộ chi phí dạy chữ cho hơn 95 trẻ thơ ở trường Samaki. Kể từ niên học tới (bắt đầu vào tháng 9/2015), trường Samaki sẽ có thêm một lớp nữa. Với chiều hướng sĩ số học sinh xin ghi danh đi học miễn phí có khuynh hướng tăng nhanh ở Neak Loeung, sĩ số học sinh ở Neak Loeueng có thể sẽ tăng lên trên 450 trong một thời gian không xa.

Làm sao có đủ ngân quỹ để duy trì và phát triển các chương trình đang có quả là nỗi lo không nhỏ cho những Thầy Cô đang giảng dạy, và những “Thầy, Cô” đang làm “nhiệm vụ xin tiền” cho các em đi học. Ngân quỹ cần thiết cho mỗi năm đã tăng lên hơn 40 ngàn mỹ kim.

Cuối cùng, do đã “lỡ” đi thăm các làng nổi và xóm nghèo ở tỉnh Pursat, lòng tôi vẫn canh cánh nỗi ưu tư là làm sao để giúp được những đồng bào ở vùng xa xôi, hẻo lánh này; đặc biệt là đám trẻ.
blank
Một góc ngôi trường nổi đang bị hư hại nặng. (Ảnh: VDF)

Hiện nay, ngôi trường dành cho 140 học sinh đang cần phải được thay bè tre (đặt dưới nước để nâng trường nổi lên) trước mùa mưa giông, nước nổi vào vài tháng tới.  Nếu không sửa chữa kịp, rất có thể là ngôi trường này sẽ phải đóng cửa vì có thể bị nghiêng, chìm một phần. Kinh phí tân trang khoảng $3.000 mỹ kim để mua 100 thùng phuy nhựa có độ bền trên 25 năm, và tiền công sửa chữa.

Những đồng bào khốn khổ ở đây chỉ xin tiền sửa trường chứ không dám xin thêm “tiền lương” cho Thầy Tâm, vốn chỉ có $120 mỹ kim một tháng.

Trong vùng này có hai ngôi trường nổi đang cùng chung hoàn cảnh đáng lo như nhau.

***

Về lại Hoa Kỳ thấy cảnh trẻ con ở đây, kể cả những đứa trẻ thuộc các gia đình người Mễ nhập cư bất hợp pháp, đi học hằng ngày với đầy đủ phương tiện giáo dục của một nước văn minh, lòng tôi thấy xót xa dùm cho những đứa trẻ Việt Nam thuộc hàng chục ngàn gia đình thuộc dạng (stateless) đang sống lưu lạc khốn khổ ở một xứ sở gần sát quê hương mình. Cùng là con người mà rõ ràng là hai thân phận, tương lai hoàn toàn khác nhau, tương phản như biểu hiện của sự may mắn đối với bất hạnh.

Hầu hết các cháu không mơ ước trở thành bác sĩ, kỹ sư… mà chỉ muốn được biết chữ để đi học một nghề mưu sinh, thoát khỏi “nghề cá” càng ngày càng “khó kiếm ăn”, hay cảnh bán sức lao động thật rẻ tiền để đổi lấy miếng cơm như cha mẹ chúng đang vất vả hằng ngày ở những khu lao động bình dân. Biết chữ cũng để không bị người bản xứ khinh thường hay lạm dụng. Ước mơ đó giản dị đến tội nghiệp nhưng vẫn đã và đang là quá lớn với hàng chục ngàn đứa trẻ ở đây.

Hy vọng sao cảnh trạng bần cùng, khổ sở của hàng trăm ngàn đồng bào đang lưu lạc ở Xứ Chùa Tháp, đặc biệt là đám trẻ bất hạnh, sẽ được nhiều đồng hương biết đến để cùng chia sẻ.

Hy vọng sao sẽ có thêm nhiều tổ chức thiện nguyện người Việt cùng chí hướng sớm đến Cambodia để thực hiện các chương trình trợ giúp thiết thực cho những đồng bào kém may mắn nhất ở đây.

Tường trình sau chuyến thăm Cambodia (Tháng 4/2015)

Nguyễn Công Bằng (VDF)

eMail: congbang@vidan.us

 Mọi ý kiến, đóng góp xin vui lòng gửi đến địa chỉ email: lienlac@vidan.us  hoặc thư đến:

ViDan Foundation: P.O. Box 842064, Houston, TX 77284-2064

Cần biết thêm thông tin về chủ trương và hoạt động của Hiệp Hội, xin vui lòng thăm mạng: www.hoamai.us 
01 Tháng Giêng 2016(Xem: 8268)
Một năm đã qua đi với rất nhiều biến động trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Trong ngày cuối năm dương lịch 2015, RFI Việt ngữ đã đề nghị tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát thời cuộc sắc sảo ở Saigon, thử đưa ra những dự báo về chính trường năm tới.
22 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6872)
17 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 7436)
06 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 7989)