Đại sứ Mỹ Ted Osius làm Văn Hóa và kêu gọi "Hòa giải Hòa hợp"

06 Tháng Hai 20163:42 CH(Xem: 7257)

Đại sứ Mỹ Ted Osius làm Văn Hóa và kêu gọi "Hòa giải Hòa hợp"

Đại sứ Mỹ đón Tết ở 'quê hương thứ hai'

image047

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam chúc Tết bằng tiếng Việt và nói về tiến trình hòa giải.

Trả lời phóng viên Nguyễn Hoàng của BBC tiếng Việt tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám nơi ông tham gia viết thư pháp đón Tết cổ truyền, ông Osius nói:

"Quê hương đầu tiên của tôi là Washington DC, quê hương thứ hai của tôi là Hà Nội. Chúng tôi sẽ ăn Tết ở quê hương thứ hai cùng gia đình và đó là điều rất may mắn.

Khi được hỏi về thông điệp cho những người Việt trên thế giới không được may mắn về Việt Nam ăn Tết do bận phải làm việc hoặc các lý do khác, Đại sứ Osius nói:

"Đã có một quá trình hòa giải giữa chính phủ hai nước chúng ta mà tôi cảm thấy kể như đã hoàn tất.

Có thể nói là nơi nào tôi đến thì lòng hiếu khách cũng hiện hữu rõ nétTed Osius, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ

"Nhưng nay đang diễn ra một quá trình hòa giải giữa người dân hai nước và quá trình này chưa hoàn tất.

"Nhưng quá trình này sẽ diễn ra tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn nếu mọi người có tới thăm Việt Nam. Và nếu họ về thăm Việt Nam của ngày hôm nay thì họ sẽ thấy là Việt Nam vào lúc này không phải là Việt Nam của 20-30 năm trước mà đã rất khác rồi.

"Việt Nam nay là nơi mọi người rất hiếu khách. Có thể nói là nơi nào tôi đến thì lòng hiếu khách cũng hiện hữu rõ nét. Ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam thì nơi nào mọi người cũng rất hiếu khách và thân thiện," Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói.

image050

Phát biểu trước báo giới tại Hồ Văn, phía trước Văn Miếu, Quốc Tử Giám, ông Osius nói bằng tiếng Việt:

"Hôm nay tại đây tôi lại được dịp thể hiện những gì tôi học được từ Tiến Sỹ Cung Khắc Lược, một trong những nghệ nhân hàng đầu về thư pháp chữ Nôm của Việt Nam.

"Tôi đã viết chữ an khang. Bình an và mạnh khỏe là những điều chúng ta trân trọng và muốn chia sẻ với gia đình và bạn bè tại thời điểm đặc biệt này.

"Chào đón năm Bính Thân, tôi chúc các bạn và gia đình một năm tràn đầy sức khỏe, hạnh phúc, an khang và thịnh vượng."/ BBC 04/2/16

Đại sứ Ted Osius và câu chuyện Văn hóa

 

Trần Hùng


Đầu năm mới 2016, có hai câu chuyện văn hóa vừa diễn ra, chứa đựng giá trị tinh thần và nhân văn mà người dân được đáp ứng, tận hưởng.
Thứ nhất, Cục nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) cấp phép cho Phương Nam phim được phổ biến ca khúc Ly rượu mừng của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929 - 1991) trên toàn quốc. Ly rượu mừng được sáng tác năm 1952 (có thông tin cho là năm 1955) chính thức được phép phổ biến sau gần 41 năm vắng bóng.

 

Ngay từ khi ra đời, ca khúc đã được lòng khán giả, là tác phẩm được trình bày và nghe nhiều nhất trong mỗi dịp Xuân về. Ly rượu mừng có âm điệu rộn ràng, tươi vui, như một thông điệp, một lời chúc Tết tốt đẹp nhất theo truyền thống dân tộc, tới nhiều thành phần, lứa tuổi trong xã hội được hạnh phúc ấm no trong cảnh đất nước thanh bình tự do.

Đây là một nhạc phẩm đơn giản thuộc loại dễ hát. Ca từ dễ hiểu, âm điệu dịu dàng, đằm thắm. “Mừng Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi…”. Chỉ có mỗi chữ Xuân ở ngay câu mở đầu, còn lại toàn là lời chúc và giấc mơ hòa bình, hạnh phúc. Mà thật ra, chúc nhau có lẽ là ước nguyện của tất cả người Việt Nam, không cứ dịp Tết đến: chúc mừng sinh nhật, chúc có nhà mới, chúc có việc làm tốt, chúc thi cử thành công, chúc vụ mùa bội thu…

 

Nhưng chúc an khang thịnh vượng, gia đình hạnh phúc là lời chúc thân yêu nhất mà mọi gia đình, mọi người đều mong muốn được chia sẻ lẫn nhau trong dịp Tết đến. Ca khúc Ly rượu mừng thuần túy là những lời chúc xuân cho mọi người và đất nước. Toàn bài hát không có các hình ảnh thiên nhiên mùa xuân như hoa mai, hoa đào, bánh chưng, bánh tét, cây nêu; phố phường đông đúc... mà chỉ tập trung vào một khía cạnh duy nhất là chúc Tết.

Bài hát Ly rượu mừng là vậy nhưng gần 41 năm sau mới được cấp phép phổ biến. Nhiều người cho rằng, một số ca từ trong bài Ly rượu mừng chưa phù hợp nên đã bị “treo” suốt mấy chục năm qua. Nay bài hát được cấp phép chứng tỏ cách nhìn nhận của nhà quản lý đã đổi mới, tiến bộ hơn, đáp ứng sự hưởng thụ của người nghe nhạc.

 

Thứ hai, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi mới tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa”. Công trình có vốn đầu tư khoảng 70 tỉ đồng trên diện tích gần 2ha tại núi Thới Lới, huyện đảo Lý Sơn. Đây cũng là khu văn hóa tâm linh để đồng bào cả nước viếng thăm, tưởng nhớ những người con đất Việt quên mình bảo vệ Hoàng Sa.

Khu tưởng niệm gắn liền với chủ đề “Người mẹ thắp lửa” nhằm tri ân tổ tiên đã phát hiện và xác lập chủ quyền quần đảo Hoàng Sa từ thời chúa Nguyễn. Từ bao đời nay, nhiều nghĩa sĩ đã hi sinh tại Hoàng Sa. Đáng chú ý, vào ngày 19.1.1974, Trung Quốc đã dùng quân đội cưỡng chiếm phi pháp toàn bộ quần đảo này. 74 người con đất Việt đã chiến đấu và ngã xuống tại vùng biển Hoàng Sa trong trận chiến với quân Trung Quốc xâm lược. Cũng trên mảnh đất mẹ ở Hoàng Sa, nhiều thế hệ ngư dân đã nằm lại nơi đây.

Khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” là công trình văn hóa nhưng chứa đựng trong lòng dấu ấn lịch sử. Lịch sử đất nước sẽ không quên những người con đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hai câu chuyện văn hóa trên tuy khác nhau về nội dung, nhưng có một điểm chung - theo tôi - đó là cách nhìn về sự hòa hợp. Trong mỗi gia đình, mỗi cơ quan, mỗi đoàn thể… có thể có những tiếng nói khác nhau về quan điểm sống, phương hướng phát triển nhưng đoàn kết, ổn định vẫn là nền tảng để xây dựng những mục tiêu lớn hơn.

Năm 2016 là năm đánh dấu tròn 30 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện về kinh tế - xã hội, xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp. Tổng kết 30 năm đổi mới nhưng công cuộc đổi mới vẫn tiếp tục, trong đó cần chú trọng đổi mới về tư duy quản lý nhằm hướng đến một nước Việt Nam hoà hợp, hạnh phúc, thịnh vượng, phát triển. (Source: Thanh Niên Online)

 

Đại sứ Mỹ thả cá chép trên sông Hương tiễn ông Táo về trời

 

Đại Dương

(DanTri Online) 


Sáng nay 1/2 (ngày 23 tháng Chạp âm lịch), tại bến thuyền chùa Thiên Mụ, TP Huế, Đại sứ Mỹ Ted Osius đã thực hiện nghi thức thả cá chép vàng tiễn đưa ông Công, ông Táo về trời.
Nhà ngoại giao Mỹ Ted Osius và người bạn đời Clayton Bond đã thả chú cá chép vàng xuống sông Hương để tiễn ông Công ông Táo về trời. Đây là một nghi thức văn hóa truyền thống của người Việt vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm.

Đây là lần thứ hai ông Osius thực hiện nghi thức thả cá nhân ngày ông Công, ông Táo. Năm ngoái, ông và người bạn đời đã thả cá chép trên Hồ Tây tại Hà Nội. "Tôi nghĩ rằng đây là một hoạt động truyền thống quan trọng cho dù được thực hiện ở bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam. Chúng tôi đã tham gia vào “Hành Trình Mới” đạp xe từ Hà Nội vào Huế. Tôi nghĩ thật hoàn hảo khi có mặt tại Huế đúng vào dịp 23 tháng Chạp âm lịch để tiễn ông Công, ông Táo. Huế thực sự là trung tâm văn hoá, lịch sử của Việt Nam, nên có thể thực hiện thả cá chép tiễn ông Công ông Táo về trời tại đây ngay trước Tết là điều rất có ý nghĩa", ông Osius nói. Ông Osius vừa hoàn thành chuyến đạp xe dài 840km từ Hà Nội và Huế để đánh dấu hành trình mới trong quan hệ Việt-Mỹ. Ông xuất phát từ Hà Nội hôm 24/1 và cán đích tại thành phố Huế ngày 30/1.

Chia sẻ ấn tượng về các món ăn xứ Huế, ông nói: "Món ăn Huế rất ngon. Tôi đã ăn những món rất tuyệt vời. Cơm hến rất ngon. Bánh bèo, mít trộn, cà và cá cũng rất ngon. Có rất nhiều món ăn Huế nhưng có lẽ món mà tôi thích nhất là món bánh bèo với tôm chấy bên trên, dùng thêm với nước mắm".. Nhà ngoại giao Mỹ chia sẻ rằng người Huế rất hiếu khách. "Kể từ khi đặt chân đến Huế và ở mọi nơi tôi đến mọi người đều hiếu khách. Và tôi muốn đề cập đến một người cụ thể, đó là ông Phan Thuận An, một nhà nghiên cứu về Huế nổi tiếng. Chúng tôi đến thăm ông và ông đã giải thích rất nhiều về lịch sử và văn hoá của thành phố xinh đẹp này. Ông ấy có kiến thức rất sâu về văn hoá, lịch sử Huế và cách giải thích thú vị, rất dễ hiểu. Ông An đã giúp tôi hiểu biết nhiều về truyền thống, vẻ đẹp và lịch sử của thành phố này".

Đại sứ Mỹ cho hay ông đã đến Huế nhiều lần và dự kiến sẽ quay lại Huế nhân dịp Festival Huế diễn ra vào cuối tháng 4/2016. Ông tiết lộ, Mỹ sẽ tham gia vào Festival Huế lần này theo hai cách. "Thứ nhất, chúng tôi sẽ đóng góp một hình thức biểu diễn ca nhạc nào đó. Thứ hai là một dự án lâu dài hơn, đó là chúng tôi đang hỗ trợ bảo tồn, tu bổ Triệu Tổ Miếu", ông nói. "Đây là một địa điểm quan trọng ở Huế và mang tính biểu tượng cao vì Triệu Tổ Miếu được vị vua đầu tiên của triều Nguyễn xây dựng vào năm 1804. Nhà Nguyễn đã thống nhất Việt Nam nên đây còn tượng trưng cho sự đoàn kết thống nhất của cả Việt Nam. Chúng tôi rất tự hào đã hợp tác chặt chẽ cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để bảo tồn, tu bổ Triệu Tổ Miếu. Tôi hy vọng chúng tôi sẽ có thể đóng góp một cách lâu dài cho vẻ đẹp và văn hóa đa dạng của Huế", ông Osius nhấn mạnh.

Nhân dịp năm mới, Đại sứ Mỹ nói ông hy vọng mỗi người Việt Nam, mỗi gia đình Việt Nam có một năm mới an khang và thịnh vượng. "Và tôi chúc nước Việt Nam ngày càng vững mạnh, thịnh vượng", ông Osius nói./

15 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7489)
23 Tháng Mười 2015(Xem: 7846)
Nhìn từ góc độ sự kiện và báo chí, ngày đầu của chuyến thăm cấp nhà nước đưa ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện tới Anh là ngày trời đẹp khác thường.
27 Tháng Chín 2015(Xem: 10426)