Vụ tranh chấp Chùa Giác Hoàng ở Hoa Thịnh Đốn

07 Tháng Tư 201611:47 CH(Xem: 11555)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  SÁU 08 APRIL 2016

Vụ tranh chấp tại Chùa Giác Hoàng sau sự qua đời đột ngột của ông Nguyễn Ngọc Bích

 

Lê Phong


Vụ tranh chấp tại ngôi Chùa Giác Hoàng ở Washington DC đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng người Việt không những trong Vùng Hoa-Thịnh-Đốn mà còn được nhiều nơi ở hải ngoại theo dõi, nhất là sau hai phiên tòa ngày 29.12.2015 và 05.02.2016 tại D.C. Superior Court.

 

Phiên tòa ngày 29.12.2015, Thẩm phán Alprin chỉ đưa ra một án lệnh tạm thời gọi là “Temporary Restraining Order” (TRO) chấp thuận cả 8 thỉnh cầu của Luật sư Vassar đại diện cho nguyên đơn, trong đó có lệnh ngăn cản Đại Đức Chân Thức thuyết pháp cho công chúng (public preaching) tại Chùa Giác Hoàng. Án lệnh này có hiệu lực đến ngày 5.2.2016 đã bị phía bị đơn cho là thiếu công bằng vì ông tòa Alprin đã dễ dãi chấp thuận cả 8 thỉnh cầu của nguyên đơn, thay vì cứu xét kỹ lưỡng từng thỉnh cầu. Trong bản tường ngày 18.2.2016, ông Tâm Việt đã viết như sau:

 

Bằng phán-quyết mà trong tiếng Anh kêu là “Temporary Restraining Order” (TRO), ông Tòa Alprin đã tạm (“temporary”) ngăn cản việc Đại-đức Chân Thức có thể giảng pháp trong chùa Giác Hoàng mặc dù Thầy là một vị chân-tu đã xuất gia tu học dưới sự hướng-dẫn của hai hòa-thượng, HT Thích Tâm Thọ (ở chùa Giác Hoàng) và HT Thượng-thủ Thích Tâm Châu ở Tu-viện Viên Quang ở South Carolina.  Rất đông Phật-tử có mặt hôm 29/12/2015 tại Tòa đã cho rằng ông Alprin hôm đó hơi vội vã, không những ông đã đến muộn hơn một tiếng đồng-hồ, khi ngồi phân-xử ông khá lơ đãng và chỉ muốn nghe một bên, đó là Luật-sư Thomas W. Vassar của phe ông Đỗ Đình Lộc, không để cho L.S. Aaron Sokolow của phe ông Bích trình bầy những phản-chứng. (ngưng trích)

 

Cũng trong bản tường trình nói trên, ông Tâm Việt đã nhấn mạnh đến việc ông Đỗ Đình Lộc không khai sự thật tại tòa dù trước đó đã đưa tay thề “chỉ nói sự thật và không có gì ngoài sự thật” (tell the truth, nothing but the truth). Đó là việc ông Lộc đã trả lời trước tòa rằng “không biết” khi được hỏi có biết ông Bích không. Trong bản tường trình, ông Tâm Việt viết rằng: “Thật lạ lùng bởi (1) cả ông Đỗ Đình Lộc lẫn ông Bích đều có chữ ký trên Hiến-chương (“Articles of Incorporation”) lập ra Công-đồng Giáo-hội PGVN tại Mỹ (Buddhist Congregational Church of America) vào ngày 30 tháng 1 năm 1976; (2) có những thư từ trao đổi giữa ông (Lộc) và ông Bích mà ông Bích đã trưng ra trước tòa; (3) chính ông Bích là người đã nhân danh Chùa Giác Hoàng và Công-đồng Giáo-hội PGVN tại Mỹ ngỏ lời phân ưu cùng với ông Lộc và gia-đình về sự mất mát của tang-quyến do sự ra đi của bà Lộc (vào ngày 2 tháng 1, 2015, ở Kalas Funeral Home, 2973 Solomon’s Island Road, Edgewater, MD 21032), một điều có được thu hình và chụp ảnh cũng như có hàng vài chục nhân-chứng.”

 

Quả thật đây là điều hết sức khó hiểu, mà nếu sự thật được chứng minh, có thể là một tội hình, theo luật pháp Hoa Kỳ. 

 Phiên tòa ngày 5.2.2016 đã diễn ra khác với phiên tòa trước vào ngày 29.12.2015. Trước hết, bên bị đơn được tăng cường thêm một luật sư là Damon K. Bernstein cùng làm việc với LS. Sokolow. Phiên tòa thứ hai này do nữ Thẩm phán Ronna L. Beck chủ tọa đã tỏ ra là một người thận trọng, một luật gia cầm cán cân công l‎ý đầy lương tâm và sáng suốt khi bà gửi thư báo trước cho luật sư hai bên biết phiên tòa ngày 5.2.2016 chỉ là một cuộc họp để làm thời khóa biểu (Scheduling Meeting) định ngày cho một phiên tòa khác, và do đó sẽ không có thì giờ xét tới những chi tiết của vụ kiện. 

 

Tuy trong thư nói vậy, nhưng bà chánh án đã dành ra hơn 3 tiếng đồng hồ để giúp luật sư hai bên tìm một giải phảp ổn thỏa cho vụ tranh tụng, thay vì tòa quyết định theo luật pháp. Nhưng nỗ lực này đã thất bại.

 

Về diễn biến đáng chú ý‎ này, ông Tâm Việt tường trình như sau:

          

Mở đầu, bà thẩm-phán nói: “Hôm 29/12 đã có một phiên tòa quyết-định ra cái phán-quyết tạm-thời gọi là TRO.  Rõ ràng là cái phán-quyết đó đã không đem lại kết-quả như mong muốn bởi theo những nguồn tin mà tôi có được, số người đi đến chùa Giác Hoàng đã sụt xuống một cách thê thảm (“attendance has dropped dramatically”).  Như vậy, quyền lợi của các Phật-tử đã không được phục vụ.  Theo tôi thấy, những vị đang tranh chấp trong chùa đều là những người đã quen biết nhau từ lâu, đã làm việc với nhau trong nhiều năm, như vậy thiết tưởng là thế nào họ cũng có thể nói chuyện được với nhau để ra được một giải-pháp ôn-hòa, thỏa-hiệp mà cả đôi bên chấp nhận được.  Do đó, tôi đề nghị quý vị Luật-sư đôi bên đi vào phòng bên bàn thảo với nhau.  Nếu Quý Vị đạt được một sự thỏa thuận thì tôi sẽ dễ dàng ủng-hộ giải-pháp đó.  Chứ tôi không muốn áp đặt một giải-pháp của riêng tôi.”

          

Theo lệnh đó, L.S. Vassar ở một bên và hai luật-sư Bernstein và Sokolow ở một bên sang phòng bên cạnh bàn thảo giải-pháp.  Một lúc sau, hai ông Bernstein và Sokolow ra và cho biết: Bên kia đề nghị họ sẽ lo chuyện ở Chùa vào hai ngày cuối tuần còn dành cho Thầy Chân Thức 5 ngày còn lại, từ thứ Hai đến thứ Sáu.  Đương-nhiên, giải-pháp này không ổn thỏa nên không thể chấp nhận được.

          

Mấy luật-sư lại trở vào phòng trong bàn thảo tiếp.  Phản-đề-nghị của bên này là: mỗi cuối tuần là có hai ngày, thứ Bảy và Chủ-nhật.  Nếu bên kia chịu lo một trong hai ngày thì bên này cũng sẽ bằng lòng lấy ngày kia (hoặc thứ Bảy, hoặc Chủ-nhật).  Trước một đề nghị hợp lý như vậy, bên ông Vassar cũng vẫn không chịu.

          

Đến lần thứ ba, Thầy Chân Thức còn chấp nhận nhún nhường hơn nữa khi Thầy cho rằng Thầy có thể chỉ cần hai giờ ngày thứ Bảy, từ 11 giờ sáng đến 1 giờ trưa, trừ ngày thứ Bảy đầu tháng vì đó là ngày tu học Thọ Bát Quan Trai thì cần nguyên ngày.  Như vậy, ai muốn đi bên nào ngày nào thì đi, tùy theo sở thích của mình.  Song với một đề nghị chịu thiệt thòi như vậy (dù chỉ là trong tạm-thời, cho đến khi vụ kiện ngã ngũ), bên ông Vassar cũng rất cứng rắn và không chịu.

          

Cuối cùng, bà tòa phải chịu thua.  Bà nói: “Tôi không phải là người Việt để hiểu hết vấn-đề trong vụ này, tôi cũng không hiểu nhiều về tôn-giáo của Quý Vị, nhất là Phật-giáo như ở đây, tôi lại cũng không rõ về phong tục của Quý Vị (như ngày Tết, v.v.), nên tôi không muốn áp đặt một giải-pháp của riêng tôi.  Tôi đã cố gắng tối-đa để Quý Vị nói chuyện với nhau.  Nhưng nếu không thành thì chỉ còn một cách là đợi đến hôm này ra tòa cãi cho ra lẽ, lúc bấy giờ mới biết được ai phải ai trái trong vụ này.”

          

Do đó mà bà quyết-định là ngày 18 tháng Tư tới đây, bà sẽ dành nguyên ngày để nghe đôi bên trình bầy.  Nhưng trước khi đó, bà cho hạn đến mồng 4 tháng 4 là hai bên phải làm xong những việc như trao đổi thông tin, chất vấn xong các nhân-chứng (trong tiếng Anh gọi là lấy “depositions,” các lời khai của đôi bên). Với hạn chót là mồng 4 tháng 4, bà sẽ có thời giờ nghiên cứu hồ-sơ do hai bên nộp (kể cả các lời khai và đối-chất của luật-sư hai bên), để hai tuần sau đó đi vào một buổi nguyên ngày nhằm đưa ra phán-quyết cuối cùng về vụ kiện: quyết-định xem bên nào là Ban Quản-trị chính-thống có quyền chỉ-định vị trụ-trì trong chùa Giác Hoàng.  Một khi chuyện này quyết-định xong thì việc của Thầy Chân Thức cũng tự-nhiên sẽ được sáng tỏ. (ngưng trích).

 

“Việc của Thầy Chân Thức” là phía nguyên đơn đã mở thêm một vụ kiện tại Landlord-Tenant Court (Tòa về quan hệ giữa chủ nhà và người ở thuê) để xin trục xuất thầy ra khỏi Chùa Giác Hoàng, nhưng trong phiên xử ngày 27.1.2016, vụ này đã được đình tới ngày 8.6.2016. 

 

Trong khi chờ phiên tòa ngày 18.4.2016để hai bên tranh luận và Thẩm phán Beck sẽ quyết định xem “ai thắng ai”, ông Nguyễn Ngọc Bích, một bị đơn quan trọng trong vụ kiện, đã đột ngột qua đời ngày 3.3.2016 trên một chuyến bay từ Washington tới Manila. 

 

Tuy không phải là bị đơn chính trong vụ tranh tụng, ông Nguyễn Ngọc Bích đã giữ vai trò đứng mũi chịu sào trong nhóm bị kiện, tự cáng đáng mọi việc: phản ứng lại những việc làm mà ông cho là sai trái tại Chùa Giác Hoàng, lo luật sư khi bị kiện ra tòa, cung cấp tài liệu cần thiết cho luật sư và tòa án… Ông Bích bất ngờ ra đi không ảnh hưởng gì tới vụ tranh tụng tại tòa, nhưng phía bị kiện phải tìm người trám vào chỗ trống do ông Bích để lại.

 

Người ta hướng về Pháp sư Thích Giác Đức, người đã khai sinh ra ngôi Chùa Giác Hoàng, và là bị đơn chính trong vụ kiện. Tuy đã rời Chùa Giác Hoàng từ năm 1981 để đi Boston lập ra một ngành tu khác, Pháp sư Giác Đức cho biết, về mặt pháp l‎ý, vẫn còn là Chủ tịch Ban Quản trị Chùa Giác Hoàng (Chairman of the Board of Directors), chức vụ đang là đề tài tranh cãi trước tòa.

 

Tiếp xúc với chúng tôi, Thầy Giác Đức cho biết khi làm chùa chính thầy là người đã thảo ra bản Hiến Chương bằng tiếng Anh (Articles of Incorporation) và ông Nguyễn Ngọc Bích đã dịch ra tiếng Việt. Giống như trước đây, mỗi khi lập chùa thầy đều không giữ làm của riêng, quyền sở hữu Chùa Giác Hoàng cũng được thầy tặng cho “Công-Đồng Giáo-hội Phât-giáo Việt Nam tại Mỹ” (Buddish Congregational Church of America) do chính thầy lập ra.

 

Nếu muốn giữ làm của riêng, thầy đã để tên mình là sở hữu chủ Chùa Giác Hoàng và đã không lập ra hội này. “Bây giờ người ta lấy ngôi chùa do tôi lập ra, tự ý muốn làm gì thì làm, và còn kiện tôi nữa, mà kiện cái gì tôi cũng không biết”- Pháp sư Giác Đức nói với giọng trầm buồn, và thêm: “Đã tu thì phải biết nhẫn nhục, nhưng nhẫn nhục không có nghĩa là thụ động, buông xuôi.”

 

Vì vậy, Pháp sư Giác Đức cho biết tuy rất buồn về vụ kiện tụng này, thầy sẽ làm những gì có thể làm trong sự tôn trọng lẽ phải, sự thật, và giáo lý‎ Nhà Phật. 

 

Mặt khác, phía nguyên đơn đã đưa nhà sư Thông Đạt tới trụ trì Chùa Giác Hoàng trong khi Tì kheo Chân Thức vẫn còn ở đó chờ quyết định của tòa.

Khi có bản án của tòa, một trong hai vị sẽ phải ra đi. Nếu vị thuộc bên thua kiện không chịu ra đi, chắc sẽ lại phải nhờ tòa phân xử.

 

Cuối cùng, chúng tôi được biết để có tiền trả thù lao luật sư bên bị đơn, một quỹ pháp l‎ý đã được lập ra và lấy tên là Nguyen Ngoc Bích Memorial Fund. Những người muốn đóng góp có thể gửi ngân phiếu (check đề trả cho Nguyen Ngoc Bích Memorial Fund) và gửi về:

Bà Đào Thị Hợi, địa chỉ: 6433 Northanna Dr. , Springfield, VA 22150; hoặc Phó Hồng Hà, 7596-B Lakeside Village Dr., Fairfax, VA 22042.

Điện thoại liên lạc:

                     Bà Đào Thị Hợi:   703-971-9178

                     Ô. Phó Hồng Hà: 703-901-1345

           Đạo hữu   Diệu Tâm:     240-277-0111

           Đạo hữu   Từ Khải:        240-426-3450

           Đạo hữu   Diệu Đạt:       301-890-6913

 

Trong những vụ tranh tụng trước tòa án Mỹ, luật sư đóng vai trò rất quan trọng, và luật sư càng nổi danh, càng giỏi thì thù lao càng cao. Nhân đây, một câu hỏi đang được nhiều người nêu ra: phe nguyên đơn đã nhân danh “Buddish Congregational Church of America” để đi kiện, vậy có lấy quỹ của Chùa do Phật tử cúng Chùa để trả tiền luật sư hay không?”/

 

(Nguồn Khai Tu khaitu@comcast.net)

01 Tháng Tư 2022(Xem: 4341)
13 Tháng Năm 2016(Xem: 18430)
18 Tháng Tư 2016(Xem: 9181)