Louise Glück - Nhà thơ của sự đổi thay và tái sinh cực đoan

09 Tháng Mười 20207:52 SA(Xem: 4585)

VĂN HÓA ONLINE - NHÂN VĂN NHÂN VẬT SỰ KIỆN - THỨ SÁU 09 OCT 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Louise Glück - Nobel văn chương 2020 - Nhà thơ của sự đổi thay và tái sinh cực đoan


08/10/2020 21


TTO - Trong diễn từ về chủ nhân Nobel văn chương 2020 Louise Glück, ông Anders Olsson - chủ tịch Ủy ban Nobel - đã nói về bà, người viết nên thứ thi ca mơ màng, gợi lên những ký ức và những hành trình...


image023Louise Glück và cựu tổng thống Obama


Thi sĩ người Mỹ Louise Glück sinh năm 1943 ở New York và hiện sống ở Cambridge, Massachusetts. Ngoài sáng tác, bà còn là giáo sư Anh ngữ ở Đại học Yale, New Haven, Connecticut.


Tác phẩm đầu tay của bà in năm 1968, Firstborn (tạm dịch: Khởi sinh), và bà nhanh chóng trở thành một trong những nhà thơ lớn nhất của văn chương Mỹ đương đại. Bà từng được trao một số giải thưởng uy tín, bao gồm giải Pulitzer (1993) và giải Sách quốc gia Hoa Kỳ (2014).


Louise Glück đã xuất bản 12 tuyển tập thơ và một số tuyển tập phê bình thơ. Tất cả đều có đặc điểm là niềm khát khao sự sáng rõ. Thời thơ ấu và cuộc sống gia đình, mối quan hệ gần gũi với cha mẹ và anh chị em là một chủ đề trung tâm của bà.


Trong thơ bà, bản ngã lắng nghe những gì còn lại từ những giấc mơ và ảo mộng của nó, và không có ai cứng cỏi như bà khi đối mặt với những ảo ảnh của bản ngã ấy. Nhưng ngay cả khi Glück không bao giờ chối bỏ tầm quan trọng của cuộc tự truyện về mình, khó thể coi bà là một nhà thơ tự bạch.


image024Louise Glück trên The New York Times


Glück tìm kiếm sự phổ quát, và trong hành trình đấy bà lấy cảm hứng từ những huyền truyện và môtip kinh điển, hiện hữu trong hầu hết tác phẩm của bà.


Tiếng nói của Dido [nữ hoàng Carthage cổ đại - nay là Tunisia, bị người hùng thành Trojan Aeneas ruồng bỏ], Persephone [con gái của thần Zeus và nữ thần nông nghiệp Demeter, bị thần địa ngục Hades bắt cóc về làm vợ] và Eurydice [vợ của nhạc công và thi sĩ huyền thoại Orpheus, người tìm cách đưa cô trở về dương gian từ địa phủ] - những kẻ bị ruồng bỏ, bị trừng phạt, bị bội phản - là những chiếc mặt nạ cho một bản ngã đang đổi thay, cũng mang tính cá nhân nhiều như tính phổ quát.


Với những tuyển tập như The Triumph of Achilles (Khúc khải hoàn của Achilles, 1985) và Ararat (1990), Glück đã tìm được độc giả ở Hoa Kỳ và nước ngoài. Trong Ararat, ba đặc điểm hợp nhất để rồi sau này tái hiện trong sáng tác của bà: chủ đề về đời sống gia đình, trí khôn giản dị và một cảm nhận bố cục hài hòa cho tổng thể cuốn sách.


Bằng những bài thơ ấy, Glück cũng đã chứng minh rằng ta hoàn toàn có thể biến cách diễn đạt bình thường trở thành thi ca. Âm điệu tưởng chừng thật tự nhiên ấy thật đáng kinh ngạc.


image025Chủ nhân Nobel văn chương 2020 không hề có trong danh sách dự đoán của nhiều nhà cái


Chúng ta bắt gặp những hình ảnh thẳng thừng gần như tàn bạo về những mối quan hệ đớn đau trong gia đình. Đấy là những lời thành thật và không khoan nhượng, chẳng cần chi sơn thơ vẽ phú.


Những gì Glück trích dẫn trong các tiểu luận phê bình thơ của bà cũng nói lên rất nhiều về thi ca của bà: giọng thơ khẩn trương của Eliot, nghệ thuật lắng nghe nội tâm của Keats hay sự im lặng tự nguyện của George Oppen.


Nhưng với sự khốc liệt và cương quyết không chịu chấp nhận những tín điều đức tin đơn giản, hơn ai hết, bà thật giống Emily Dickinson.


Louise Glück không chỉ bị thu hút bởi những lầm lẫn và tình trạng thay đổi liên tục của cuộc đời, bà còn là nhà thơ của sự đổi thay và tái sinh cực đoan, khi bước nhảy vọt về phía trước xuất phát từ cảm nhận mất mát sâu sắc.


Trong tuyển tập được ca ngợi nhiều của bà, The Wild Iris (Diên vĩ dại, 1992), tác phẩm giúp bà được trao giải Pulitzer, bà đã mô tả sự sống trở lại diệu kỳ sau mùa đông trong bài thơ Snowdrops (Những giọt tuyết):


I did not expect to survive,


earth suppressing me. I didn’t expect


to waken again, to feel


in damp earth my body


able to respond again, remembering


after so long how to open again


in the cold light


of earliest spring –


afraid, yes, but among you again


crying yes risk joy


in the raw wind of the new world.


Tôi chẳng trông chờ được sống sót,


mặt đất nén chặt thân tôi. Tôi chẳng trông chờ


lại tỉnh giấc, để cảm thấy


trong đất ẩm cơ thể tôi,


rồi lại biết trả lời, sau biết bao lâu


vẫn nhớ, lại hồi sinh


trong ánh sáng giá lạnh


của buổi lập xuân thứ nhất -


ừ thì sợ hãi, nhưng lại là tôi


ừ thì than khóc, nhưng cả niềm vui


trong trận gió giao mùa của đất trời ngày mới.


image026The Wild Iris cũng từng thắng giải Pulitzer


Cũng phải nói thêm rằng khoảnh khắc thay đổi quyết định thường cũng được đánh dấu bởi tiếng cười hài hước và khôn ngoan.


Tuyển tập Vita Nova (1999) kết lại với những dòng: "I thought my life was over and my heart was broken. / Then I moved to Cambridge" (Tôi nghĩ đời mình đã hết và con tim đã nát tan. / Rồi đây Cambridge tôi lại chuyển sang).


Tựa đề đấy nhại lại bài thơ kinh điển của Dante La Vita Nuova (Cuộc đời mới), vốn mừng vui cho cuộc đời mới trong hình dạng nàng thơ Beatrice. Còn Glück lại chúc tụng cho sự mất mát một tình yêu đã tan vỡ.


Averno (2006) là một tuyển tập bậc thầy, là sự diễn giải sâu sắc về huyền thoại nàng Persephone bị tử thần Hades bắt cóc xuống địa ngục.


Tựa đề đấy đặt theo tên miệng núi lửa ở phía tây thành phố Naples vốn được người La Mã cổ đại coi là đường vào âm ti. Một thành tựu ngoạn mục khác là tuyển tập mới nhất của bà, Faithful and Virtuous Night (Đêm thủy chung và đức hạnh, 2014), tác phẩm giúp Glück được trao giải Sách quốc gia.


Độc giả một lần nữa ngỡ ngàng bởi sự hiện diện của giọng nói và cách tiếp cận kiểu Glück với môtip cái chết bằng sự duyên dáng và nhẹ nhàng đáng khâm phục.


Bà viết nên thứ thi ca mơ màng, gợi tả, gợi lên những ký ức và những hành trình, nhưng thỉnh thoảng dừng lại lưỡng lự trước những tri kiến mới. Thế giới đấy được giải thoát trôi dạt đi, chỉ để rồi xuất hiện trở lại như một phép lạ.


image027


Và lựa chọn này của Ủy ban Nobel có lẽ như một lời nhắc nhở rằng giữa thời đại đầy bối rối và hoang mang của dịch bệnh, mạng xã hội, sự chia rẽ và phân cực có lẽ chưa từng thấy khắp thế giới hiện giờ, thi ca không chỉ vẫn có chỗ đứng mà có thể sẽ là hi vọng cứu rỗi - thậm chí là hi vọng duy nhất - cho nhân sinh, dù mong manh thế nào. HẢI MINH (dịch)

12 Tháng Hai 2019(Xem: 5695)
08 Tháng Giêng 2019(Xem: 6362)