VĂN HÓA ONLINE - SỰ KIỆN XƯA & NAY - THỨ BẨY 03 AUG 2024
Tháng 7, nhớ Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ
Lý Kiến Trúc
VĂN HÓA ONLINE
03/8/2024
- Tưởng niệm Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ từ trần ngày 22 tháng 7 năm 2011 tại Malaysia và buổi lễ cầu siêu tro cốt tại nghĩa trang Ross Hill nam California ngày 07 tháng 8 năm 2011.
- Tang lễ được tổ chức làm 2 phần. Phần đầu do các cựu Sĩ quan Không quân VNCH và thân hữu tổ chức. Phần hai do nhà báo Lý Kiến Trúc tổ chức cùng với Hòa Thượng Thích Minh Thông cử hành nghi thức Phật giáo.
- Hình ảnh chụp tại chỗ buổi tang lễ của phóng viên Quốc Hương nhật báo Viễn Đông.
- Hồi ký của Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ nguyên Phó Tổng thống, Thủ tướng VNCH.
*
Tang lễ Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ tại nghĩa trang Ross Hill - California ngày 07 tháng 8 năm 2011
Tang gia thân quyến cầm di ảnh cố Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ đứng trước nhà tưởng niệm nghĩa trang Ross Hill ngày 07/8/2011.
Các trưởng, thứ nam của Tướng Nguyễn Cao Kỳ (với người vợ đầu) gồm Nguyễn Cao Thắng, Nguyễn Cao Trí, Nguyễn Cao Đạt, Nguyễn Cao Tuấn và ái nữ Nguyễn Cao Kỳ Vân đang cầm tro cốt (mang từ Malaysia về Mỹ) và di ảnh Tướng Kỳ trước khi vào bên trong phòng Tang lễ để cử hành nghi thức Phật giáo, ở đồi nghĩa trang Ross Hill, California. Ảnh Văn Hóa Magazine.
Nhà báo Lý Kiến Trúc (bên trái) đang hướng dẫn Chư tăng Tổ đình Vĩnh Nghiêm ở Tp Pomona, nam California vào nhà tang lễ trên đồi nghĩa trang Ross Hill ngày 7 tháng 8 năm 2011. Ảnh Phóng viên Quốc Hương nhật báo Viễn Đông.
Hòa thượng Thích Minh Thông, Viện chủ Tổ đình Vĩnh Nghiêm đang phát biểu về những kỷ niệm với cố Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ lúc còn ở Sài Gòn trước năm 1975, và những lần Thiếu tướng Kỳ đến thăm Tổ đình Vĩnh Nghiêm ở Pomona sau 1975.
Hòa thượng Thích Minh Thông đang cử hành nghi thức Phật Giáo cầu siêu cho cố Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ. Phía sau là tang gia. Bà Lê Hoàng Kim, vợ thứ ba của Tướng Kỳ đứng bên cạnh các con trai của Tướng Kỳ với bà vợ đầu người Pháp. Ảnh Văn Hóa.
Lý do nhà báo Lý Kiến Trúc, chủ nhiệm tạp chí Văn Hóa Magazine đứng ra tổ chức buổi lễ an táng và cầu siêu tro cốt Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ tại đồi nghĩa trang Ross Hill, nam Californian ngày 07 tháng 8 năm 2011.
Tưởng cũng xin nhắc lại, khi Tướng Kỳ qua đời và được hỏa thiêu ở nước Malaysia, trưởng nữ của ông Kỳ với bà Đặng Tuyết Mai là Nguyễn Cao Kỳ Duyên đã mang tro cốt của ông về Mỹ, nhưng Kỳ Duyên trao cho phía bên các con trai của ông Kỳ với người vợ đầu người Pháp là bà Helene.
Điều này dường như tuân thủ theo truyền thống nghi lễ huyết thống trong gia đình của người Việt từ ngàn xưa. Người con trai trưởng là người có nhiều khả năng nhận được thừa kế, và là người đứng đầu dòng họ khi người cha qua đời.
Khi tro cốt Tướng Kỳ được mang từ Malaysia nơi ông mất về Mỹ-California; các con ông Kỳ đã đến các chùa ở Little Saigon, Quận Cam nhờ các vị Sư trụ trì đứng ra làm lễ cho tướng Kỳ nhưng không có vị nào nhận lời.
Trong lúc tang gia bối rối, cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên có lẽ thấy tôi (LKT) khá gần gũi và thân tình với tướng Kỳ trong nhiều năm qua, nên cô gọi điện thoại đến hỏi ý kiến tôi có cách nào giúp không. Tôi rất cảm xúc và nói được, nhưng tôi phải hỏi cánh các người con trai vợ đầu của tướng Kỳ có bằng lòng thì tôi mới có thể góp tay trợ giúp một phần trong công việc tang lễ.
Cuối cùng, sau khi trực tiếp trao đổi điện thoại với tôi, cả hai bên đều ưng thuận. Tôi liên lạc với Hòa Thượng Thích Minh Thông Viện chủ Tổ đình Vĩnh Nghiêm ở Pomona nhờ Thầy đứng ra làm chủ lễ nghi thức Phật Giáo. Thầy Minh Thông vui vẻ nhận lời.
Hòa thượng Thích Minh Thông, viện chủ Tổ đình Vĩnh Nghiêm tại Tp Pomona trước năm 1975 là Đại Đức tu ở chùa Vĩnh Nghiêm trên đường Công Lý Sài Gòn. Thầy cùng tuổi với tướng Kỳ (Canh Ngọ 1930). Chính thầy đã đưa cây búa đóng cọc động thổ vào tay Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ khai mạc buổi lễ khởi công dựng chùa Vĩnh Nghiêm, vì điểm cơ duyên đó mà hai vị tuổi Canh Thân biết nhau. Tướng Kỳ thỉnh thoảng hay lên Tổ đình Vĩnh Nghiêm ở Pomona thăm thầy Minh Thông cùng với nhóm Tướng Trẻ (1965-1967).
Gần như thân nhân gia đình Tướng Kỳ tham dự đầy đủ buổi lễ, trong đó có bà Lê Hoàng Kim và con gái riêng của bà. Bà Kim là người vợ cuối cùng của ông Kỳ. Trong tang lễ không có bà Đặng Tuyết Mai.
Tang lễ an táng tro cốt và cầu siêu cố Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ tại đồi nghĩa trang Ross Hill này 7 tháng 8 năm 2011. Tang lễ có hai phần. Phần đầu là do các cựu sĩ quan Không quân VNCH tổ chức; phần hai do nhà báo Lý Kiến Trúc tổ chức với nghi thức Phật Giáo do Hòa Thượng Thích Minh Thông chủ lễ. Ảnh trên: nhà báo Lý Kiến Trúc phát biểu lý do có buổi tang lễ cố Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ theo nghi thức Phật giáo. Ảnh của phóng viên Quốc Hương báo Viễn Đông.
Bà Lê Hoàng Kim, vợ thứ ba của tướng Kỳ đang khóc lóc trong buổi lễ cầu siêu.
MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên trong buổi lễ an táng và cầu siêu cố Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ ở Ross Hill do nhà báo Lý Kiến Trúc đứng ra tổ chức theo nghi lễ Phật Giáo ngày 07/8/ 2011.
Nhân dịp Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 71, nhà báo Lý Kiến Trúc đã tổ chức một buổi tiệc nhỏ thân tình trong vòng gia đình tại nhà hàng SeaFood World Tp Westminter. Đứng bên cạnh Tướng Kỳ (bên phải ông Kỳ là trưởng nam), bên trái là Nguyễn Cao Kỳ Duyên, trưởng nữ của bà Đặng Tuyết Mai với ông Kỳ. Ảnh tài liệu của Văn Hóa Magazine.
**
Vài bức hình kỷ niệm với Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ ngày 07/4/2004 tại tòa soạn báo Văn Hóa và đài Saigon TV
Vào buổi sáng ngày 07 tháng 4 năm 2004, một thân hữu của Tướng Kỳ bất ngờ gọi phôn cho tôi báo Tướng Kỳ muốn đến thăm tòa soạn báo Văn Hóa. Tôi Ok và kính mời thiếu tướng. Tôi ra cửa tòa soạn đứng chờ để đón ông Tướng. Hình như ông đến bằng chiếc xe Falcon màu đen.
Sau khi mời Tướng Kỳ vào tòa soạn, bên tách trà thơm, chúng tôi hỏi thăm sức khỏe Tướng Kỳ trong chuyến đi về Việt Nam lần đầu tiên của ông. Tôi suy nghĩ có lẽ ông Kỳ muốn có một cuộc phỏng vấn. Tôi cũng hơi đắn đo. Ông Kỳ đang là cái bia của những mũi tên gắn lửa ở Quận Cam. Làm nghề báo thì lãnh tên bay đạn lạc là chuyện rất bình thường.
Rất nhiều người sôi sục khi nghe tin Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó Tổng thống, nguyên Thủ tướng VNCH về thăm Việt Nam, một quốc gia đang bị nhuộm đỏ, miền Nam đã bị Mỹ bỏ rơi tàn nhẫn để cho gần 20 sư đoàn bộ đội Bắc Việt bao vây cưỡng chiếm Sài Gòn.
Ở Little Saigon nổ ra vài cuộc mít tinh với sự tham dự của hàng ngàn người cầm cờ VNCH, ảnh ông Kỳ bị gạch chéo, rầm rộ biểu dương khí thế chống Tướng Kỳ.
Thế nhưng, ông Kỳ vẫn cương quyết về Việt Nam – sau khi nhận lời mời từ ông Nguyễn Đình Bin, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban người Việt ở nước ngoài.
Trưa ngày 07 tháng 4 năm 2004, nhà báo Kiến Trúc (góc phải) ra cửa trụ sở báo Văn Hóa Magazine trên đường Moran St Tp Westminster, đón Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ đến thăm sau khi tướng Kỳ về thăm Việt Nam lần đầu tiên vào ngày 15/1/2004.
Đây là lần thứ tư tôi có dịp phỏng vấn Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Lần thứ nhất (lâu quá tôi quên mất năm tháng) tại tư gia một cựu Đại tá người Việt quốc tịch Pháp ở Quận Cam. Chủ đề cuộc phỏng vấn là “Những chuyến bay đêm ra Bắc của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ”. Lần đó có nhà báo truyền hình Đinh Xuân Thái, chủ nhiệm đài Little Saigon TV quay phim; Lần thứ hai với chủ đề “Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ các sự kiện quanh đời”. Toàn bộ cuộc phỏng vấn này thâu vào băng nhựa (Audio), tôi trao cho đài Internet Ký Con do nhà báo Lê Văn phóng lên trời; Lần thứ ba tại nhà riêng của ông bà Nguyễn Cao Kỳ-Lê Hoàng Kim ở Los Angeles.; lần thứ tư tại tòa soạn báo Văn Hóa Magazine trên đường Moran St, Tp Westminster và thâu hình trên đài Sài Gon TV của ông Michael Nam và ông Phan Ngọc Tiếu làm giám đốc điều hành.
Một điểm thú vị trong cuộc gặp gỡ lần này, ông Tướng thổ lộ tâm tình: – tôi dạt dào xúc động nhìn ngắm quê hương sau mấy chục năm xa cách, nhất là lúc tôi ngồi trên chiếc thuyền nan có người con gái Việt Nam khua mái chèo lướt nhẹ trên dòng suối Yến; đó chính là người con gái Việt Nam da vàng; tôi nhìn xuống dòng suối trong vắt rong rêu dưới đáy chảy quanh co đang chở tôi về với dãy núi chùa Hương có động Hương Tích, về với Phật,... Tôi vốn là con cầu tự nơi cửa Phật, nên phải về lễ Phật là lẽ đương nhiên.
Nhà báo Lý Kiến Trúc tiếp đón Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ tại văn phòng trụ sở báo Văn Hóa Magazine trên đường Moran St; Tp Westminster Quận Cam ngày 07/4/2004.
Trước đó hai ngày, ông Kỳ nhã ý cho người gọi tôi đến tư gia cho xem một clip video (quay vào buổi tối) cuộc gặp gỡ giữa ông với ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc (nhà nước CsVN). Trong cuộc gặp ông Duyệt ở Sài Gòn, tướng Kỳ có đề xuất về việc trùng tu Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, (đây là câu hỏi của nhà báo Lý Kiến Trúc), và ông Kỳ ngỏ ý muốn đi thăm nghĩa trang để thắp những nén hương tưởng niệm đồng đội đã nằm xuống trong cuộc chiến ‘huynh đệ tương tàn’. Ông Duyệt trả lời rằng, đây là việc lớn và quan trọng, ông phải hỏi ý kiến Bộ Chính trị. Tuy nhiên, ông Duyệt nói tướng Kỳ có thể đi thăm Nghĩa trang Biên Hòa với tư cách cá nhân.
Vào một buổi tối, tại nhà riêng của một thân hữu Tướng Kỳ ở Quận Cam, các huynh trưởng Không quân đã mời tôi đến uống vài ly với Tướng Kỳ và anh em trong tình chiến hữu.
Thật ra trước năm 1975, tôi không phải là lính Không Quân và chưa bao giờ làm việc dưới trướng Phó Tổng thống, Thủ Tướng, Thiếu tướng Tư lệnh Không quân VNCH. Nhờ cái ‘duyên’ trong nghề làm báo chí ở hải ngoại, tôi hân hạnh được tiếp xúc và phỏng vấn Tướng Kỳ nhiều lần. Bức ảnh trên cho thấy một clip video quay vào buổi tối cảnh ông Kỳ tiếp xúc với các nhân vật cao cấp trong nước; đó là những câu chuyện còn nằm trong vòng bí mật trong chuyến đi VN của Tướng Kỳ mà thời gian chưa cho phép tiết lộ.
Tướng Nguyễn Cao Kỳ là một nhân vật’phổi bò’, nổi tiếng ngang tàng ở thủ đô Sài Gòn, máu ‘giang hồ’ nên làm nhiều việc ‘động trời’. Khẩu khí phát ngôn ngay thẳng, trực tính, nghĩ sao nói vậy mà ít lưu tâm đến các phản ứng ngược. Điểm sáng trong cuộc đời làm Phó Tổng thống, làm Thủ tướng VNCH, làm tướng tư lệnh Không quân Nguyễn Cao Kỳ mà ông lại khá nghèo, chưa bao giờ ông Kỳ có được cái nhà riêng hay cái xe huê kỳ bóng loáng; thứ hai, tuy vai vế là Tướng nhưng tính tình bình dân, hòa đồng thương yêu đồng đội hết tình.
Thế nhưng, ông Kỳ cũng có tật bình thường như người khác, (có tài có tật), thích chơi mạt chược, thích văn nghệ văn gừng, thích hoa bướm, ưa làm dáng hoa hòe hoa sói kiểu cao bồi Texas, khi cầm quyền đứng trước micro thường to mồm chống tham nhũng hối lộ, phát ngôn thiếu kiểm soát khiến người nghe giật nảy. Thời đó, báo chí Việt-Mỹ, chính khách Việt, chính khách Mỹ có người thích – có người không ưa, nhưng vẫn ngán ông tướng râu kẽm. Ông nổi tiếng là nhân vật chống cộng sản tới cùng và chống cả Mỹ. Ông là vị lãnh đạo số hai của chế độ và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đích thân lái Khu trục cơ A-1 Skyraider vượt vĩ tuyến 17 bay ra Bắc thả bom và thả đội quân biệt kích cảm tử ở biên giới Lào-Việt. Nhiều lần, ông ‘giặc lái’ bị súng phòng không bắn bể phòng lái sát người nhưng may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần trên mây.
Một nhà tử vi nổi tiếng ở Sài Gòn (trước 1975) và Quận Cam sau 1975 (VTL) nói với tôi rằng, số mệnh, tướng mệnh của ông Kỳ tài hoa kỳ ảo đào hoa … nhưng bị đàn bà triệt. Ở Sài Gòn có câu chuyện vui bên lề rằng ông Kỳ rất thích ăn phở Bắc, – có một phụ nữ chủ một quán phở nhỏ trên đường Công Lý do lòng khâm phục người hùng râu kẽm nên ‘bỏ qua thời kỳ quá độ ngưỡng mộ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội’ nên gọi quán mình là quán Phở Kỳ Râu.
Một điểm khá tế nhị khi tôi hỏi Tướng Kỳ “Tự ý Thiếu tướng xin về Việt Nam hay do ai mời?’. Ông Kỳ nói chính Thứ trưởng Bộ Ngoại giao VN, Chủ nhiệm Ủy ban người Việt ở nước ngoài Nguyễn Đình Bin đã bay qua California mời ông về thăm VN. Trong cuộc phỏng vấn, tôi hỏi Tướng Kỳ có đi thăm cái ‘lò lửa’Trường Sa đang diễn ra giữa Việt Nam và Trung cộng ở Biển Đông không? Tướng Kỳ vừa cưới vừa nói “tôi dại gì, đi thăm Trường Sa phải có xe tăng chiến hạm thì tôi mới đi!’
Ngay tại trụ sở báo Văn Hóa, tôi đề nghị nên công khai cuộc phỏng vấn tướng Kỳ sau khi ông thực hiện chuyến đi về thăm Việt Nam lần đầu tiên. Ông Phan Ngọc Tiếu, hàng xóm, là người đang phụ trách chương trình của đài SaiGon TV, nghe tin có Tướng Kỳ đến thăm tòa báo Văn Hóa bèn chạy qua. Nhân dịp này, chúng tôi (LKT) hỏi ông Tiếu có nhận lời cho chúng tôi phỏng vấn trực tiếp và công khai tướng Nguyễn Cao Kỳ trên đài SG TV không; ông Tiếu nhận lời và lập tức quay về văn phòng đài thu xếp ngay.
Cuộc phỏng vấn trực tiếp Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ trên đài Sài Gòn TV dài gần 2 tiếng có sự tham dự của hai nhà báo Hà Tường Cát (báo Người Việt) và Phan Tấn Hải (Việt Báo). Tuy nhiên, qua ngày hôm sau, sau khi đài SG TV phát hình cuộc phỏng vấn khoảng 15 phút thì đột ngột chấm dứt.
Được hỏi vì sao, ông Phan Ngọc Tiếu nói rằng, sau buổi phát hình lần đầu tiên, ông đã bị một cú phôn (vô danh) gọi đến ông ngầm “đe dọa” không cho đài phát hình cuộc phỏng vấn. Về sau, khi tướng Kỳ và tôi hỏi ông Tiếu xin cuộn băng phim thâu hình để làm kỷ niệm thì ông trả lời quanh co nói đâu mất rồi!!!
Trong lời mở đầu cuộc phỏng vấn, dưới ống kính đài SG TV chiều ngày 07/4/2004. ông Phan Ngọc Tiếu đã giới giới thiệu cuộc phỏng này được thực hiện bởi nhà báo Lý Kiến Trúc.
Ảnh từ trái: Ông Phan Ngọc Tiếu đài Saigon TV, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, ông Phạm Đình Cung, cựu thiếu tá nhẩy dù, nhà báo Lý Kiến Trúc, chủ nhiệm báo Văn Hóa Magazine và Trung tá Không quân VNCH, một thân hữu tin cẩn của tướng Kỳ tại tòa soạn báo Văn Hóa trên đường Moran S;t Tp Westminster ngày 07/4/2004.
Bên trong văn phòng tòa soạn báo Văn Hóa Magazine, Cameraman Phạm Khắc Đàm của đài SG TV đang mời mọi người qua bên trụ sở đài SG TV để chuẩn bị thâu hình cuộc phỏng vấn.
Nhà báo Lý Kiến Trúc (bên trái) đang trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ tại văn phòng đài SaiGon TV trên đường Moran, Tp Westminster vào chiều Thứ Năm 07 tháng 4 năm 2004, trước khi chính thức bước vào cuộc phỏng vấn trực tiếp trên đài truyền hình. Bên cạnh là các cuộn băng trắng (audio) dùng để thâu nguyên văn toàn bộ cuộc phỏng vấn.
Hai mươi năm trước, ảnh từ trái: cựu Trung tá Không quân đi cùng với Tướng Kỳ; nhà báo Lý Kiến Trúc; Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ và ông Phan Ngọc Tiếu ở văn phòng đài Sàigon TV ngày 07/4/2004.
Ông Phan Ngọc Tiếu (đứng giữa) đang giới thiệu trước ống kính đài Saigon TV cuộc phỏng vấn của nhà báo Lý Kiến Trúc với Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ chiều ngày 07 tháng 4 năm 2004. Cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng 2 tiếng xoay quanh chuyến trở về Việt Nam lần đầu tiên của tướng Kỳ.
XEM THÊM BÀI VỞ LIÊN QUAN:
Việt Báo: Tướng Nguyễn Cao Kỳ: "Đi thăm Trường Sa phải có áo giáp, chiến hạm ..."
https://www.nhatbaovanhoa.com/a341/tuong-nguyen-cao-ky-di-tham-truong-sa-phai-co-ao-giap-chien-ham
***
Hồi ký của Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, Phó Tổng thống, Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa, với tựa đề: Buddha's Child: My Fight To Save Vietnam
Tạm dịch: Đứa Con Của Đức Phật: Cuộc chiến đấu Của Tôi Để Cứu Việt Nam.
Dưới đây là bản dịch tiếng Việt qua giọng đọc (Nguyễn Toàn Thắng Official) – phổ biến trên You Tube với hình ảnh minh họa hoàn toàn khác lạ so với nguyên bản.
Watch "1 | CHÚNG TA ĐÃ THẤT TRẬN Ở VIỆT NAM THẾ NÀO? | HỒI KÝ NGUYỄN CAO KỲ" on YouTube
https://mail.google.com/mail/u/0/#inbox/KtbxLxgBxdcrMHClgRmFgPNbcKZkhHnFnV?projector=1
Tòa soạn báo Văn Hóa Online hy vọng nhận được bản dịch Việt ngữ từ các vị học giả người Việt hải ngoại để đăng tải với tất cả sự trân trọng.
Xin vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com
Đa tạ.
Bìa trước sách Hồi ký của Phó Tổng thống, Thủ tướng, Thiếu tướng VNCH Nguyễn Cao Kỳ.