Bà Bươm Bướm (Madame Butterfly)

17 Tháng Hai 20198:09 CH(Xem: 6302)

VĂN HÓA ONLINE - NHÂN VẬT & SỰ KIỆN - THỨ HAI 18 FEB 2019


17/02/1904: Ra mắt vở “Madame Butterfly”


Posted on 17/02/2019 by Kim Phụng


image030image029


Nguồn: Madame Butterfly premieres, History.com


Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng


Vào ngày này năm 1904, vở opera Madame Butterfly (Quý bà Bươm bướm) của Giacomo Puccini đã được ra mắt tại nhà hát La Scala ở Milan, Ý.


Chàng Puccini trẻ tuổi đã quyết định dành cả cuộc đời mình cho opera sau khi xem vở Aida của Giuseppe Verdi vào năm 1876. Sau này, ông trở thành tác giả của nhiều vở opera được yêu thích nhất mọi thời đại: La Boheme (1896), Tosca (1900), Madame Butterfly (1904) và Turandot (vẫn còn dang dở khi ông qua đời vào năm 1906). Tuy nhiên, không có vở kịch nào trong số này nhanh chóng thành công ngay lần đầu ra mắt. La Boheme, tác phẩm kinh điển về một nhóm các nghệ sĩ nghèo sống trong một căn gác xép ở Paris, thì nhận được đánh giá trái ngược nhau, trong khi Tosca bị các nhà phê bình đánh giá thấp.


Trong khi giám sát quá trình dàn dựng vở Tosca ở London, Puccini đã xem vở kịch Madame Butterfly, được viết bởi David Belasco và dựa trên một câu chuyện của John Luther Long. Với nhân vật nữ chính mạnh mẽ, ông bắt tay viết phiên bản opera của vở kịch, với phần nhạc kịch (libretto) tiếng Ý soạn bởi Giuseppe Giacosa và Luigi Illica. Được sáng tác trong suốt hai năm – tính cả khoảng nghỉ tám tháng khi Puccini bị thương nặng trong một tai nạn xe hơi – vở opera ra mắt lần đầu tiên ở Milan vào tháng 02/1904.


Lấy bối cảnh tại Nagasaki, Nhật Bản, Madame Butterfly kể về câu chuyện của một thủy thủ người Mỹ, B.F. Pinkerton, người đã kết hôn, sau đó từ bỏ cô geisha trẻ tuổi, Cio-Cio-San, hay còn gọi là Madame Butterfly. Bên cạnh giai điệu opera mạnh mẽ và đầy màu sắc vốn là đặc trưng của Puccini, vở nhạc kịch cũng xoay quanh chủ đề thường gặp của ông – sống và chết vì tình yêu. Chủ đề này thường được thể hiện trong cuộc sống của nữ chính – những phụ nữ như Cio-Cio-San, những người sống vì lợi ích của tình nhân và cuối cùng bị hủy hoại vì chính những đau đớn gây ra bởi tình yêu đó.


Có lẽ vì lấy bối cảnh nước ngoài hay bởi nó quá giống với các tác phẩm trước đó của Puccini, khán giả tại buổi ra mắt đã phản ứng tiêu cực với Madame Butterfly, la ó các diễn viên trên sân khấu. Puccini cho ngưng trình diễn ngay sau đó và nhanh chóng chỉnh sửa tác phẩm, chia hồi II dài 90 phút thành hai phần và thay đổi các khía cạnh nhỏ khác. Bốn tháng sau, vở Madame Butterfly đã chỉnh sửa lại được trình diễn tại Teatro Grande ở Brescia. Lần này, công chúng chào đón vở opera với tiếng vỗ tay dữ dội và nhiều yêu cầu diễn lại, và Puccini đã được gọi lên sân khấu 10 lần. Madame Butterfly đã đạt được thành công lớn ở quốc tế, được diễn tại nhà hát Metropolitan Opera của New York vào năm 1907.