HỘI CHỨNG 30 THÁNG TƯ

07 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 6636)
HỘI CHỨNG 30/4

Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy
 
trích từ báo Thông Luận (chủ trương hòa hợp hòa giải với VC của Nguyễn Gia Kiểng, Paris), số tháng 4, 2012
 
 
Ba mươi tháng Tư năm 2012 (30/4/2012). Đây là lần thứ 37 cộng đồng người Việt hải ngoại miền Nam tổ chức kỷ niệm ngày Việt Nam Cộng Hòa lọt vào tay cộng sản. Năm tới sẽ là lần thứ 38, năm sau đó sẽ là lần thứ 39... Tuổi đời của kỷ niệm đau buồn này sẽ còn chồng chất theo những tháng năm kế tiếp.
 
Kỷ niệm đến bao giờ ? Đó là một dấu hỏi lớn, một cấm kỵ không ai dám tiên đoán và cũng không ai dám đặt ra.
 
Hiện tượng này rất đáng chú ý vì không một dân tộc nào trên thế giới cố gắng kéo dài một kỷ niệm thất bại dai dẳng như cộng đồng người Việt miền Nam hải ngoại.
 
Hội chứng 30 tháng 4
 
Sau mỗi trận động đất, một cơn bão hay một tai nạn, những nạn nhân liền được các phái đoàn chuyên gia tâm lý đến ủy lạo, thăm hỏi và tìm cách giúp đỡ. Cộng đồng người Việt tị nạn không có may mắn đó. Ba mươi bảy (37) năm đã trôi qua, không một tổ chức hay cơ quan thiện nguyện quốc tế nào thực hiện một cuộc nghiên cứu qui mô về tâm lý cộng đồng người Việt tị nạn miền Nam sau ngày 30-4-1975 trên khắp thế giới.
 
Có một cái gì đó không bình thường. Người ta nói nhiều đến hội chứng Việt Nam của binh sĩ Mỹ sau chiến tranh, nhưng không ai nhắc tới hội chứng 30 tháng 4 của dân chúng miền Nam sau ngày mất nước.
 
Biến cố 30/4/1975 đã xảy ra quá nhanh và quá tàn nhẫn khiến nhiều người cho tới nay vẫn còn bàng hoàng. Trước đó một tháng, không ai tin rằng với một lực lượng quân sự hơn một triệu rưỡi người được trang bị đầy đủ lại có thể tan rã nhanh chóng đến thế. Những người không chấp nhận thất bại này hoặc đã tự sát ngay tại chỗ, hoặc tìm đường tháo chạy ra nước ngoài, một số ít rút vào rừng sâu tiếp tục kháng chiến và biến mất sau đó. Đa số còn lại chấp nhận sống dưới chế độ mới với tất cả những hệ lụy của phe bại trận. Thay vì xây dựng một đồng thuận chung để cùng nhau xây dựng lại đất nước, chính quyền cộng sản đã ứng xử như một lực lượng chiếm đóng: tịch biên tài sản, cầm tù và đày đọa những người thua cuộc. Chỉ sau khi không chịu đựng nổi chính sách phân biệt đối xử của chính quyền cộng sản, hàng triệu người đã bằng mọi giá tìm đường vượt biên.
 
Khi ra được nước ngoài, phản ứng đầu tiên của những người tị nạn này là làm sống lại chế độ mà họ đã mất. Phản ứng này là lẽ thường tình vì không gì sung sướng bằng được sống dưới chế độ mà mình ưa thích. Nhưng ước muốn này không dừng ở đó, cộng đồng người Việt tị nạn miền Nam thành thực muốn xây dựng lại chế độ miền Nam ngay tại nơi định cư, đặc biệt là tại Mỹ, nơi có đông người Việt tị nạn. Đầu tiên là tại Cali, sau đó là Texas, tại những nơi này khi vào khu phố Việt người ta có cảm tưởng như sống lại không khí Sài Gòn ngày trước với những tiệm ăn, cửa hàng, quán nước, âm nhạc và những con người của "một thời vàng son", với những vinh quang cùng thói hư tật xấu.
 
Cái không bình thường là nếp sống này đến nay không hề thay đổi, tất cả những gì đã có từ 37 năm về trước ngày nay vẫn y như thế, từ lối suy nghĩ đến phong cách sống. Ai cũng biết phong cách này không thích hợp với nếp sống của quốc gia tiếp cư nhưng không ai buồn thay đổi. Đúng hơn là không dám thay đổi, vì thay đổi là đánh mất chính mình. Nội dung những bài viết sau ngày 30/4/1975 và những bài viết chống cộng hiện nay không có nhiều khác biệt, từ cách hành văn đến cách lý luận. Cá nhân hay hội đoàn nào có tư tưởng hay suy nghĩ trái ngược với những gì đã có từ 37 năm về trước sẽ rất khó được sống trong yên ổn với những đồng hương hoài cổ.
 
Cái không bình thường thứ hai là không ai đặt lại vấn đề tại sao mất nước. Câu hỏi này đáng lẽ phải được nêu ra ngay sau khi chính quyền miền Nam đầu hàng không điều kiện, khiến hàng triệu người phải bỏ nước ra đi và hàng trăm ngàn người khác bị giam trong các trại tù cải tạo. Nhìn lại những gì đã và đang diễn ra, những cựu viên chức lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa, dân sự cũng như quân sự, vẫn ung dung sinh sống không những bình thường mà còn sung túc hơn những đồng hương khác, vì đã đem theo được tất cả những của cải quí. Những người này sống bên lề cộng đồng người Việt tị nạn, tương lai của Việt Nam không phải mối quan tâm hàng đầu của họ. Không những thế, tại nhiều nơi cộng đồng người Việt tị nạn còn hãnh diện hay nhiệt liệt hoan nghênh mỗi khi có một cựu viên chức lãnh đạo miền Nam cũ đến viếng thăm. Do đó có một cái gì giả dối khi nhắc tới ngày 30 tháng 4.
 
Cái không bình thường thứ ba là để duy trì chế độ Việt Nam Cộng Hòa này tại hải ngoại, một khế ước bất thành văn được mọi người chấp nhân là trước khi bắt đầu một sinh hoạt nào, dù là văn hóa, xã hội hay từ thiện, mọi người phải đứng dậy hát quốc ca và chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa. Ai không thi hành thì không được chấp nhận. Sự cưỡng chế này đã khiến nhiều cộng đồng không muốn gắn bó với danh xưng "người Việt", như người Việt gốc Hoa và gốc Khmer chẳng hạn. Nhiều người còn không muốn nhắc tới hai chữ Việt Nam, nhiều người khác còn tìm cách thay tên đổi họ để tan biến vào xã hội cưu mang. Sự thật này tuy có đau buồn nhưng đó là trường hợp của những thành phần ưu tú của xã hội miền Nam cũ, những người đã từng lãnh đạo đất nước.
 
Một cách không ngờ, hội chứng 30 tháng 4 trở thành hội chứng tị nạn cộng sản. Tại Hoa Kỳ, muốn được yên ổn làm ăn và được mọi người chấp nhận, khi ra đường phố phải biểu lộ tinh thần chống cộng thật cao, khi về nhà thì muốn làm gì thì làm, kể cả về Việt Nam khúm núm trước các viên chức hải quan và công an khu vực để khoe khoang sự sung túc với gia đình và được ăn chơi thỏa thích. Nói chung, phải sống giả dối để được yên thân. Càng hung hăng chống cộng thì càng dễ được chấp nhận.
 
Yếu tố chống cộng quá áp đảo trong các sinh hoạt khiến người ta quên đi những nạn nhân trực tiếp của cuộc vượt biển khổng lồ: những phụ nữ bị cướp biển Thái Lan trấn lột và hãm hiếp dã man. Những người may mắn đã chết ngay sau khi bị hãm hiếp, nhưng rất nhiều người khác đã sống sót và vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Trong suốt 37 năm qua, nỗi đau của những phụ nữ này vẫn còn nguyên vẹn. Họ chỉ biết cất giấu nỗi đau và sự nhục nhã trong lòng, không dám thổ lộ cùng ai vì sợ tai tiếng không thể lập gia đình nếu bị dư luận biết đến. Bao nhiêu người chống cộng hung hăng chia sẻ nỗi đau và sự tủi nhục của những phụ nữ này? Đã có ai chất vấn chính quyền Thái Lan về những tội ác này chưa?
 
Hội chứng 30 tháng 4 đã để lại nhiều di sản không bình thường trong sinh hoạt của cộng đồng người Việt hải ngoại. Nhiều người cố tình biểu lộ tinh thần chống cộng cực đoan để che giấu sự sợ hãi chế độ cộng sản trong lòng. Đó là trường hợp của những người vừa thoát khỏi những trại tù cộng sản theo chương trình HO và đang bắt cả một cộng đồng làm con tin chỉ nhằm chứng minh mình là nạn nhân của chế độ cộng sản.
 
Phân tâm một cuộc thất bại
 
Mỗi năm cứ đến dịp 30 tháng 4, cộng đồng người Việt hải ngoại đọc không biết bao nhiêu là bài viết kỷ niệm một thời vàng son và những bài học rút từ kinh nghiệm đau thương còn rỉ máu. Bài viết này... là một nhánh cây, tuy có khác lạ, nhưng cũng chỉ là một hành động góp củi về rừng trong khu rừng bài viết đó. Hội chứng 30 tháng 4 là chỗ đó. Có một cái gì không bình thường trong mỗi chúng ta. Tâm trạng của cộng đồng người Việt hải ngoại rất cần được phân tâm một cách đặc biệt, vì mỗi chúng ta đều có liên quan.
 
Một hiện tượng rất dễ nhận thấy là, mặc dù đều là nạn nhân cộng sản sau ngày 30 tháng 4, phản ứng của cộng đồng người Việt tị nạn tại Bắc Mỹ, tại châu Âu và tại Úc rất là khác nhau. Tại Bắc Mỹ và tại Úc, hai vùng đất chưa có người Việt nào tị nạn trước đó, cộng đồng người Việt tị nạn dễ bị ảnh hưởng bởi những hứa hẹn phục quốc hay phục hận. Chỉ riêng tại châu Âu, mặc dù vẫn tổ chức kỷ niệm ngày 30 tháng 4, nhưng cộng đồng người Việt tị nạn tại đây thể hiện ôn hòa hơn, vì ngoài những người tị nạn chống lại chế độ cộng sản tại Việt Nam còn có rất nhiều người khác vẫn tiếp tục ủng hộ hoặc chịu hệ lụy hộ chiếu nhập cảnh của chế độ cộng sản. Nhưng cho dù tị nạn bất cứ tại nơi đâu, tâm lý của mỗi người Việt tị nạn cần được phân tích sâu rộng để được hiểu và tìm phương thức chữa trị.
 
Trước khi làm cuộc phân tâm (psychanalyse), trước hết phải xác định những thành phần mẫu: những người tị nạn ngay sau ngày 30/4/1975, những người tị nạn từ 1976 đến 1982, những người tị nạn từ 1983 đến 1993 và những người tị nạn sau 1994.
 
Đợt tị nạn đầu tiên, khoảng 150.000 người, là trước và ngay sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tất cả đều được định cư tại Bắc Mỹ, đông nhất là tại Hoa Kỳ. Tuổi trung bình của lớp người này hiện nay khoảng từ 60 đến 80 tuổi, đó những công chức và sĩ quan cao cấp của chính quyền miền Nam cũ. Với số tài sản mang theo, đa số đã xây dựng cho gia đình và con cái một chỗ đứng xứng đáng trong xã hội tiếp cư. Từ sau ngày 30 tháng 4 oái oăm đó, phần lớn những công chức và sĩ quan cao cấp này sống trong im lặng và không tham gia vào bất cứ sinh hoạt nào của cộng đồng người Việt hải ngoại. Số người trong lứa tuổi này ngày nay thưa dần với thời gian. Thất bại 30 tháng 4 do chính họ tạo ra, do đó không ai muốn nhắc tới. Chỉ một số rất ít, vì tuổi già cô đơn, thỉnh thoảng xuất hiện vào những dịp hội hè để được mọi người gọi tên với những chức vụ cũ, một số cụ già còn tham gia vào "chính phủ Nguyễn Hữu Chánh" để giải trí vào lúc hoàng hôn. Phân tâm những cựu công chức và sĩ quan cao cấp này không vinh quang gì cho cộng đồng người Việt vì không ai còn quan tâm đến tương lai đất nước, một số còn muốn được về lại Việt Nam để được chôn cất sau khi chết già.
 
Đợt tị nạn thứ hai, qui mô và đông đảo nhất, là từ 1976 đến 1983. Phần lớn những người tị nạn trong đợt này là người Việt gốc Hoa, họ bị xua đuổi trước và sau cuộc xung đột Việt-Trung năm 1979. Con số được ước tính khoảng 800 000 người tại miền Nam và 200 000 tại miền Bắc mà phần lớn đi đường bộ vào các tỉnh Quảng Tây và Quảng Châu, chỉ một số ít dùng thuyền đi từ Hải Phòng đến Hồng Kông, khoảng 80 000 người. Theo những số liệu thống kê của các cơ quan nhân đạo quốc tế, khoảng 200.000 người đã chết trên biển cả, phần lớn là người gốc Hoa vì chìm tàu. Đợt di tản này chấm dứt vào mốc năm 1983 khi Hồng Kông đóng cửa tất cả các trại tị nạn, vì đã xảy ra những cuộc xung đột giữa những thuyền nhân miền Nam và miền Bắc trong các dịp kỷ niệm ngày quốc khánh. Người Hoa miền Bắc kỷ niệm ngày 2 tháng 9 trong khi người miền Nam làm lễ tuởng niệm ngày 30 tháng 4. Nếu cộng đồng người tị nạn gốc Hoa này được phân tâm một cách sâu sắc, người ta sẽ thấy một sự vô ơn đối với một đất nước đã từng cưu mang họ. Ngày nay không một người tị nạn gốc Hoa nào nhận họ là người Việt cả, tất cả đều là người Hoa và đất nước của họ là Trung Quốc hay Đài Loan. Ngược lại, họ sẵn sàng về lại quê quán cũ để làm ăn và trục lợi.
 
Trong khi đó tại miền Nam, một số gia đình khá giả cũng như gia đình những cựu viên chức và sĩ quan trung cấp còn lại đã dựa theo đợt di tản của người Hoa vượt biên đến các trại tị nạn tại Mã Lai và Indonesia, con số ước khoảng 100.000 người. Cũng trong đợt này, cuớp biển Thái Lan đã cướp bóc và hãm hiếp rất nhiều phụ nữ Việt Nam trên biển cả. Phân tâm những người tị nạn trong đợt này rất là cần thiết, vì chính họ mới là nạn nhân trực tiếp của chế độ cộng sản: những người tị nạn chính trị. Thái độ của những người này đối với ngày 30 tháng 4 rất khó xác định: đối với một số người, 30 tháng 4 là một kỷ niệm buồn cần phải quên đi ; một số khác nhắc lại ngày này để không quên một vết thương chưa lành trong ký ức.

Đợt tị nạn thứ ba, tuy lẻ tẻ nhưng kéo dài từ 1984 đến ngày Hoa Kỳ thiết lập bang giao với Việt Nam năm 1993. Con số được ước tính khoảng 50.000 người, phần lớn là những người có phương tiện để vượt biên: chủ tàu và những người mua bán bãi để vượt biên. Sự thật đáng buồn là đa số những người này vượt biên vì lý do kinh tế hơn là chính trị. Tin tức và hình ảnh thành công của những người tị nạn trước đó tại Bắc Mỹ và Úc đã là động cơ thúc đẩy họ tiếp tục vượt biên mặc dù các trại tị nạn đã đóng cửa, nhưng vì lý do nhân đạo một số quốc gia vẫn nhận họ vào định cư. Vấn đề là ở chỗ đó. Vì không được cộng đồng người Việt tị nạn trước đó nhìn nhận họ là những người vượt biên vì lý do chính trị, phản ứng của những người này trong các dịp kỷ niệm ngày 30 tháng 4 rất là hung hăng và cực đoan : trình độ lý luận rất là thấp kém và ngôn từ sử dụng rất là tục tằn khi muốn chụp mũ những người không cùng chính kiến. Một điểm cần ghi nhận, vì không phải là những người tị nạn chính trị chính thức, khi vừa được định cư là họ liền tìm cách về nước để khoe khoang tiền của. Vì không phải là nạn nhân của chế độ cộng sản, những người này trở thành miếng mồi ngon cho âm mưu lũng đoạn cộng đồng người Việt hải ngoại của chính quyền cộng sản. Phần lớn những người tị nạn trong đợt này đều có chân trong những tổ chức chống cộng cuội do tình báo cộng sản dựng lên. Phân tâm những người này khá giản dị: cho dù nhân phẩm của họ có được tôn trọng họ sẽ tiếp tục hợp tác với tình báo cộng sản để được về nước làm ăn hoặc ăn chơi.
 
Đợt tị nạn sau cùng là những người được Hoa Kỳ tiếp nhận trong chương trình tị nạn nhân đạo (humanity order). Đây là những nạn nhân thực thụ của chế độ cộng sản, ngày nay phần lớn đều đã đứng tuồi, họ chấp nhận ra nước ngoài để con cái và gia đình họ có cuộc sống xứng đáng hơn trong nước. Phân tâm những người này rất hữu ích, vì họ vừa là nạn nhân của chế độ cộng sản vừa là nạn nhân của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Tâm trạng của những người này rất khó, vinh danh lá cờ vàng ba sọc đỏ là một cách gián tiếp lên án những cấp lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa trước đó đã làm mất nước. Đa số những người này không dám lên án những cấp chỉ huy đã từng bỏ rơi họ, ngược lại họ hướng sự chống đối vào bất cứ người nào từ trong nước ra nước ngoài, từ viên chức chính quyền đến thành phần nghệ sĩ. Sự chống đối của họ chỉ nhằm xác nhận họ là nạn nhận của chế độ cộng sản mặc dù thủ phạm đầu tiên chính là những cấp chỉ huy của họ.
 
Sau cuộc phân tâm vội vã này, cộng đồng người Việt tại Bắc Mỹ và Úc tuy bề ngoài chống cộng hung hăng nhưng trong chiều sâu lại hời hợt. Trong suốt 37 năm qua, với gần hai triệu rưỡi người, phần lớn là những thành phần ưu tú của chế độ miền Nam cũ, không một người nào nỗi bật để làm điểm hội tụ cho cộng đồng người Việt tị nạn, dù trong sinh hoạt văn hóa, xã hội hay chính trị. Cá nhân từng người có thể rất tài giỏi, nhưng chưa đủ chín muồi để hợp tác với người khác trong một mục tiêu chung: xây dựng lại đất nước Việt Nam. Khuyết điểm duy nhất và cũng là chính yếu nhất của cộng đồng người Việt tị nạn là không dám nhìn nhận chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã chết. Nhiều người còn ngây ngô kêu gọi các giới chức cao cấp trong các chính quyền dân chủ địa phương nhìn nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ của Việt Nam. Hội chứng 30 tháng 4 do đó sẽ còn tiếp tục, nó chỉ chấm dứt khi mọi người dám nhìn nhận sự thật này để xây dựng một tương lai mới cho cộng đồng.
 
Một yếu tố khác, tuy chỉ là thứ yếu nhưng đã góp phần không nhỏ trong việc kéo dài hội chứng 30 tháng 4, đó là những hội đoàn ái hữu cựu học sinh, sinh viên và đồng hương mỗi khi gặp lại nhau thường chỉ để nhắc lại một thời son trẻ bị đánh mất. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã chấm dứt một cách quá đột ngột khiến những người trong lứa tuổi thanh niên trong giai đoạn đó chưa thực hiện được những dự án của đời mình, kể cả tình cảm. Nhắc lại ngày 30 tháng 4 là dịp để sống lại những giấc mơ bị tan vỡ với bạn bè và với người yêu. Thời vàng son của mỗi người hình như dừng lại trước ngày 30-4-1975. Rất ít ai trong lứa tuổi 55-65 hiện nay, nghĩa là 15-25 tuổi năm 1975, ưa thích những bản nhạc mới, tất cả chỉ muốn nghe lại những bản nhạc của một thời học sinh hay sinh viên của mình.
 
Tinh thần hoài cố của cộng đồng người Việt hải ngoại có thể nói rất là huyền thoại, vì không ai dám nhìn nhận Việt Nam Cộng Hòa đã bại trận, một trang sử đã lật qua.
 
Có xứng đáng với thất bại đó không?
 
Cho đến nay, cả thế giới chỉ nhỉn nhận chiến thắng của phe cộng sản và không hề nhắc tới thất bại của nhận dân miền Nam. Sự thật này không làm vừa lòng một ai nhưng đó là một sự thật: chế độ Việt Nam Cộng Hòa xứng đáng với thất bại 30 tháng 4.
 
Nhận định đầu tiên là Mỹ bỏ rơi chế độ Việt Nam Cộng Hòa nhưng không bỏ rơi dân chúng miền Nam như nhiều người lầm tưởng, bằng chứng là cộng đồng người Việt tị nạn tại Mỹ đông đảo nhất với hơn một triệu người sau 1975, ngày nay con số này đã tăng gấp ba. Người Mỹ can thiệp vào Việt Nam với một sứ mệnh đặc biệt: cô lập, bao vây và phân tán lực lượng quân sự Liên Xô, sứ mệnh đó đã hoàn tất sau 1972 khi tái lập được quan hệ với Bắc Kinh và tách Trung Quốc ra khỏi quỹ đạo Liên Xô. Quà tặng cho sự trở mặt này ít ai chú ý tới vào thời điểm đó là quần đảo Hoàng Sa. Hơn nữa kho đạn khổng lồ sản xuất sau thế chiến II đã có nơi trút bỏ, chiến trường Việt Nam đã là nơi thử nghiệm những loại vũ khí mới có tầm hủy diệt lớn trong mục đích đe dọa Liên Xô, số tiền hàng trăm tỷ USD mà Hoa Kỳ đổ vào Việt Nam là trị giá của kho vũ khí đó chứ không phải là số tiền họ giúp chế độ Việt Nam Cộng Hòa tồn tại.
 
Nhận định thứ hai là chế độ Việt Nam Cộng Hòa không được tôn vinh. Sách báo, tài liệu và phim ảnh nói về cuộc chiến Việt Nam và ngày 30/4/1975 do người nước ngoài thực hiện không hề vinh danh sự dũng cảm của quân đội và nhân dân miền Nam, người ta chỉ thấy quân đội Hoa Kỳ và quân đội cộng sản đụng độ trực tiếp với nhau và dân chúng miền Bắc dũng cảm chống trả những đợt dội bom của Mỹ. Khi nói về chế độ miền Nam, người ta chỉ nhắc đến những khía cạnh tiêu cực: tướng lãnh bất tài, huênh hoang và tham nhũng, tệ nạn đĩ điếm tràn lan, trong khi dân chúng miền Nam chịu đựng nhiều gian khổ nhất: chạy nạn cộng sản, nhà cửa bị đốt phá, ám sát, khủng bố... nhưng không ai nhắc tới. Điều này cho thấy sự yếu kém về mặt tuyên truyền của chính quyền miền Nam, ngoài bộ phim "Chúng tôi muốn sống", không có một có gắng đầu tư đáng kể nào để vinh danh quân đội và nhân dân miền Nam trước cuộc xâm lăng của phe cộng sản miền Bắc. Thêm vào đó, chính quyền miền Nam thiếu vắng một đội ngũ cán bộ chính trị có tầm vóc, các chương trình huấn luyện cán bộ và sĩ quan chỉ đào tạo những cấp thừa hành chứ không phải những cấp lãnh đạo. Cho dù là công chức cao cấp hay tướng lãnh trong quân đội, tất cả chỉ là những người thừa hành. Do đó đối với người nước ngoài, kể cả Mỹ, chế độ miền Nam xứng đáng với thất bại 30 tháng 4 và lịch sử đã sang trang, sự thật này không thể đảo ngược. Sở dĩ các chính quyền phương Tây mở cửa đón nhận người tị nạn vì họ không nhẫn tâm nhìn cảnh hàng triệu người liều mạng vượt biển trốn chạy chính sách phân biệt đối xử của chế độ cộng sản chứ không phải vì muốn tái lập lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
 
Nhận định thứ ba là Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa. Cộng đồng người Việt hải ngoại rất khó chấp nhận sự thật này vì hội chứng 30 tháng 4 còn quá mạnh, những ý kiến hay sáng kiến ngoài khuôn khổ Việt Nam Cộng Hòa đều bị phủ nhận. Ít ai biết rằng khi ký Hiệp định Paris 1972, số phận của miền Nam đã được định đoạt. Trong một trận bóng đá khi chỉ còn giao đấu trên một nửa sân thì phe ở sân thi đấu chỉ có thể thua hoặc huề chứ không thể nào thắng được, đó là trường hợp Việt Nam Cộng Hòa. Đó là chưa kể sự hơn hẳn về phương pháp đấu tranh của phe cộng sản trong chính trị, họ chuẩn bị người và phương tiện rất kỹ càng, tất cả các cơ quan đầu não của chính quyền miền Nam đều bị xâm nhập bởi những cán bộ nằm vùng cộng sản. Cho tới nay tình trạng này vẫn không thay đổi, bất cứ một hành động hay chuẩn bị nào ở trong nước đều bị phá vỡ ngay từ trứng nước. Đấu tranh chính trị trong điều kiện hiện nay phải hiểu là đấu tranh tình báo, không ý thức được thực tế này thì đừng dấn thân vì chỉ gây thiệt hại cho những người ủng hộ. Một sự thật đau lòng khác là các tổ chức đấu tranh có tên tuổi của người Việt hải ngoại đều bị xâm nhập. Nhiều người vẫn tin rằng những cá nhân hay tổ chức nào lớn tiếng chửi bới cộng sản là phe quốc gia.
 
Nhận định thứ tư là chính quyền cộng sản đang có kế hoạch nắm giữ và khống chế hệ thống truyền thông của cộng đồng người Việt tại hải ngoại, đúng theo tinh thần Nghị quyết 36/CP. Một số đài phát thanh và đài truyền hình hiện nay đang bị xâm nhập và đang lần lượt nằm trong tay những người từ trong nước sang, lý do là họ nói thông thạo tiếng Việt hiện đại. Chiến dịch bôi nhọ những tờ báo có truyền thống chống cộng đang gặt hái được nhiều kết quả tốt. Quan sát kỹ những người chống cộng cực đoan, người ta sẽ thấy họ chỉ phản ứng mạnh mẽ trước bài viết gây đau đớn cho chế độ cộng sản. Tình trạng này giống thời điểm từ năm 1972 khi miền Nam bắt buộc phải chấp nhận đá bóng trên phần đất nửa sân còn lại của mình. Sự co cụm của cộng đồng người Việt tại hải ngoại đang là mồi ngon cho những chiến dịch đánh phá của cộng sản vì sự khù khờ chủ quan của những vị lãnh đạo cộng đồng: nhìn bạn hóa thù, nhìn thù hóa bạn.
 

Đã đến lúc cộng đồng người Việt tị nạn miền Nam can đảm làm lễ chôn cất ngày 30 tháng 4 trong ký ức. Khi 30 tháng 4 đã được yên mồ đẹp mả, cộng đồng người Việt hải ngoại mới thực sự vượt khỏi sự giam hãm của quá khứ và có thể tiến vào tương lai một cách hùng dũng. Quên là một quyết định rất khó nhưng bắt buộc, nếu muốn được giải thoát.
 
Nguyễn Văn Huy

Xin chuyển đến Qúy Vị, Qúy NT và CH....

Bài viết : Hội Chứng 30/4, Hay Hội Chứng Nguyễn Văn Huy, của Người Lính Già Oregon ...

Một bài viết đáng đọc, để biết thêm một số thành phần "trí ngủ, trở cờ, ăn cơm quốc gia , thờ ma cộng sản"...

Xin mời Qúy Vị đọc bài viết, để tường và tùy nghi thẩm định...

Trân trọng...

 
BMH
Washington, D.C



-----Original Message-----
From: Julien Nguyen
To: Julien Nguyen
Sent: Sat, Apr 20, 2013 4:30 pm
Subject: Fw: Hội chứng Nguyễn Văn Huy

Báo Thông Luận của Nguyễn Gia Kiểng, tại Paris, chủ trương hòa hợp hòa giải với Việt Cộng, số tháng 4, 2012, có đăng một bài rất dài với tựa đề là "Hội chứng 30/4" của Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, cựu sinh viên khóa 6 Chính trị kinh doanh, Viện Đại Học Đà Lạt, đang sống ở Pháp, trong đó, qua cái gọi là "phân tâm một cuộc thất bại", y đòi hủy bỏ ngày tưởng niệm Quốc Hận, bỏ quốc kỳ, quốc ca trong các buổi lễ, chỉ trích các cộng đồng tỵ nạn hải ngoại muốn tái lập chế độ VNCH và áp bức mọi người phải chống Cộng, bày tỏ lòng thương hại đối với thuyền nhân vượt biển, đề cao chiến thắng của VC v.v... Nguyễn Văn Huy còn được phe nhóm phản bội gọi là "Tiên sinh Nguyễn Văn Huy". So với SJ Resolution 455 của Quốc Hội Virginia, theo thiển ý, bài của Nguyễn Văn Huy nguy hiểm hơn, có tác hại nặng hơn. Sau đây là bài viết trả lời của Người Lính Già Oregon, không chỉ gửi cho Nguyễn Văn Huy, mà còn cho đồng bọn của y.


HỘI CHỨNG 30/4,
HAY HỘI CHỨNG NGUYỄN VĂN HUY?

người lính già oregon


Không biết Người Lính Già tôi có đọc lộn không: tiên sinh Nguyễn Văn Huy, hay tiên sư Nguyễn Văn Huy? Chữ (tiên) sinh liền với chữ (tiên) sư một vần. Và có lẽ “tiên sư” nghe oai hơn “tiên sinh”. Đọc tới đọc lui các emails của bọn trở cờ, chỉ thấy rặt một phường Việt Gian no cơm rửng mỡ lâu lâu bày đặt viết bài ca tụng bọn Cộng Phỉ, hoặc bồng bế nhau lên, đút cọng đu đủ thổi cho nhau lên tận mây xanh, hoặc cố tình khiêu khích thiên hạ để bị ốm đòn. Buồn nôn.

Mông-sờ Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, 

Đúng ra, cái đầu đề “hội chứng 30/4” phải được thay bằng “hội chứng Nguyễn Văn Huy” chính ngươi –người mà qua bài viết, đăng trên Thông Luận số tháng 4, 2012, ta thấy bị bệnh tâm thần khá nặng, và Tây nó gọi là toqué, cinglé, tức nửa khùng nửa điên, cần phải điều trị bằng "phân tâm". Nếu không khùng thì ngươi cũng bị nhiễm độc trầm trọng bởi vi trùng Việt Cộng, như đa số bọn khoa bảng, ngụy trí thức, càng già càng sanh tật háo danh (có đứa mong về làm “hiệu trưởng trường đại học Đà Lạt”) hoặc lú lẫn, đặc biệt tại Pháp từ mấy thập niên trước, và bọn trở cờ ở mọi nơi mọi lúc. Xếp ngươi vào hàng ngũ trí thức là ta rộng lượng lắm, vì bài viết của ngươi chả có gì xuất sắc –dù được ngụy trang dưới những đại ngôn, lời lẽ trịch thượng– đầy những lập luận võ đoán và ấu trĩ, và văn từ thì non yếu (không phân biệt nổi hai chữ “kỷ niệm” và “tưởng niệm”), dùng cả từ ngữ VC (“sâu sắc”, “hung hăng”, “trấn lột”, “co cụm”, chỉ thiếu “bức xúc”, “hoành tráng”), y hệt những bài tuyên truyền hằn học, rẻ tiền của bọn lãnh đạo thất học, bần cố nông tại Hà Nội, nói rõ hơn, của Tòa đại sứ VC ở Paris, không thuyết phục được ai, chỉ làm ta muốn chửi thề, merde.

“Hội chứng Nguyễn Văn Huy” có thể được định nghĩa như tâm địa của một loại người mang máu phản trắc, vong ơn bội nghĩa đối với đất nước VNCH trước kia đã sản sinh và cưu mang chúng nó, cho chúng nó ăn và học thành ông này bà nọ. Hoặc nếu bệnh nhân đang sống ở ngoại quốc, thì đó là tâm trạng bất mãn, mặc cảm vừa tự ti vừa tự tôn trước sức mạnh và thành công của tập thể người Việt tỵ nạn. Nguyên nhân của “hội chứng Nguyễn Văn Huy” có thể rất cá nhân, như Freud cắt nghĩa, chẳng hạn do libido narcissique quá mạnh, hoặc uẩn ức sinh lý, hoặc, qua nhận xét ở một số anh đàn ông bất bình thường, rối loạn tình dục (liệt dương nặng, khóc ngoài quan ải triền miên, thủ dâm quá độ, bị vợ cắm sừng v.v...), hoặc nhẹ hơn, rối loạn tiêu hóa, như nội trĩ và táo bón kinh niên. Đó cũng là tâm trạng của một lũ ratés, văn dốt vũ dát, thất bại trong mọi lãnh vực, đâm ra hậm hực, ghen tức với thiên hạ. Lũ này đang ẩn núp trong hang động Thông Luận, Paris, không biết làm gì bèn mang chính thể VNCH ra chửi đổng, bắt “tổ quốc ăn năn”, mạt sát anh hùng dân tộc Quang Trung, kêu gọi hòa giải một chiều với Cộng Phỉ, như tên chủ động kiêm cựu công chức Nguyễn Gia Kiểng –ngồi dài cổ chờ ngày VC xoa đầu khen “làm tốt”, cho về VN làm một phùa “tham quan”. Hoặc viết bài nâng và hít bi Việt Cộng một cách nham nhở, như Đặng Tiến, tên cựu nhân viên ngoại giao VNCH đào nhiệm từ một nước Âu Châu trốn sang Pháp trước 1975 –mà ta có cái vô phước một thời là bạn học. Hoặc thóa mạ đồng bào tỵ nạn CS như mông-sờ Nguyễn Văn Huy, alias cựu sinh viên Thụ Nhân CTKD khóa 8, thuộc phe bỏ cờ, alias cộng tác viên của Thông Luận v. v...
 
Biết ngươi bị tâm bệnh, và về nhiều mặt ngươi còn dưới cơ so với nhiều người, kể cả những người học trò cũ của ta, mà ta vẫn phải lên tiếng, vì bài viết và lập trường của ngươi dù điên khùng cũng rất nguy hiểm và ta muốn khóa mõm ngươi lại và báo động cùng toàn thể đồng hương hải ngoại về nguy cơ bị lây vi trùng hủi, và đề nghị nhốt ngươi vào khu kiểm dịch (quarantaine). Thấy tiếng Việt của ngươi khá lôi thôi (một trong nhiều ví dụ: “phân tâm một cuộc thất bại” là cái quái quỷ gì?), ta thỉnh thoảng phải chua thêm vài tiếng Tây cho ngươi “nắm” (= hiểu, tiếng VC). Ta trích ra vài đoạn tiêu biểu từ bài viết của ngươi. Như sau:

1) "Hiện tượng [tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/4] này rất đáng chú ý vì không một dân tộc nào trên thế giới cố gắng kéo dài một kỷ niệm thất bại dai dẳng như cộng đồng người Việt miền Nam hải ngoại".
 
a) Trước và trong ngày 30/4/1975, Miền Nam Việt Nam đang sống yên lành thì bị lũ giặc Cộng vi phạm hiệp định Paris, từ miền Bắc xua quân vào xâm chiếm với sự đồng lõa của đồng minh Mỹ phản bội và Dương Văn Minh, tên tổng thống “nằm vùng” to đầu mà dại đã bán đứng linh hồn và cả nước cho quỷ dữ, dưới chiêu bài trung lập, hòa giải hòa hợp dân tộc. Một người, không phải ngươi, có đầu óc bình thường và liêm chính, không nhiễm vi khuẩn Việt Cộng, sẽ không gọi biến cố 30/4 là một “thất bại” của quân dân Miền Nam, mà chỉ xem họ như nạn nhân của một vụ ăn cướp ngày. VC luôn rêu rao ngày 30/4 là “đại thắng mùa xuân” thì mông-sờ Huy –thằng mõ đần độn của VC– nếu gọi nó là “kỷ niệm thất bại” cho đúng theo “chỉ thị của trên” (chữ VC), thì cũng không có gì lạ.

b) Điều lạ nằm ở chỗ ngươi khẳng định rằng không có dân tộc nào khác hành động như cộng đồng người Việt hải ngoại. Vô lẽ cái đầu của ngươi đông đặc đến thế sao? Ngươi hãy xem kìa, dân Do Thái có năm nào mà không tổ chức tưởng niệm những nạn nhân của holocauste Đức quốc xã, cũng như dân Nhật có năm nào mà không làm lễ tưởng niệm những nạn nhân của hai trái bom nguyên tử Mỹ nổ trên Hiroshima và Nagasaki? Như thế có phải họ “cố gắng kéo dài một kỷ niệm thất bại” hay không? Ta thách ngươi đến Tel-Aviv và Tokyo giữa những buổi lễ ấy và can họ “thôi thôi, đừng kéo dài một kỷ niệm thất bại nữa”, thử xem ngươi có bị dân chúng hai nước đó đục cho phù mỏ hay không? Ta còn nhớ, cách đây nhiều năm, tại một tiểu bang miền Đông Hoa Kỳ, trong một buổi lễ tưởng niệm 30/4, có hai thằng VN, giả khùng giả say, đã lên khán đài giựt lá Cờ Vàng xuống, và đái lên, bị đồng bào đánh chết tại chỗ, mà không ai bị ra tòa. Chỉ để nhắc ngươi đừng chơi dại chọc giận đám đông, chứ không phải dọa, vì ta biết những thằng khoa bảng như ngươi chỉ biết nói dóc cho sướng miệng thôi, chứ bản thân thì nhát như thỏ đế, có bao giờ dám chường mặt ra công chúng đâu.

c) Còn nữa. Hàng năm, vào những ngày lễ giỗ tại nhà, ngươi có thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, phụ mẫu, hay là ngươi xách bàn thờ và di ảnh của họ ném ra đường? Trong gia đình, ngươi không tổ chức lễ giỗ cho họ, thì kệ cha ngươi, tant pis, nhưng trong cộng đồng ngươi hãy để yên cho đồng hương tỵ nạn làm bổn phận thiêng liêng của những người con hiếu thảo đối với tổ quốc Miền Nam yêu quý đã mất vào tay bọn cướp VC và những anh hùng vị quốc vong thân cao cả, đừng xía mõm thối vào phá đám, nghĩa là ferme-la, salaud, hiểu không?
 
2) "Khi ra được nước ngoài, phản ứng đầu tiên của những người tị nạn này là làm sống lại chế độ mà họ đã mất [...]. Nhưng ước muốn này không dừng ở đó, cộng đồng người Việt tị nạn miền Nam thành thực muốn xây dựng lại chế độ miền Nam ngay tại nơi định cư, đặc biệt là tại Mỹ [...] tại những nơi này khi vào khu phố Việt người ta có cảm tưởng như sống lại không khí Sài Gòn ngày trước với những tiệm ăn, cửa hàng, quán nước, âm nhạc và những con người của "một thời vàng son", với những vinh quang cùng thói hư tật xấu".

a) Rõ ràng, ngươi đang mơ ngủ, hoặc nói càn. Chạy trốn lũ Cộng Phỉ trối chết được ra ngoại quốc, tháng 4, 1975 hay sau đó, người tỵ nạn chân chính nào cũng bắt đầu lo làm ăn, cày bở hơi tai, để dựng lại cuộc đời đổ nát, còn thì giờ và sức lực đâu nữa để “làm sống lại chế độ mà họ đã mất”? Ngươi lấy tài liệu, bằng chứng từ đâu? Còn nếu hiểu câu đó theo nghĩa bóng, nghĩa là gìn giữ kỷ niệm, thì đó là quyền của những người lưu vong, việc gì mà ngươi tỏ vẻ mỉa mai, khó chịu, y chang như những thằng Việt Cộng răng đen mã tấu chánh hiệu ở Hà Nội, Paris, hay DC? Rồi, tại sao nói “chế độ mà họ đã mất”? Họ là ai? Còn ngươi là ai? Et toi, fils de...? Bộ VNCH không phải là chế độ mà trước kia ngươi đã bám vào để sống như ký sinh trùng, nhờ sự hy sinh cao cả của biết bao chiến sĩ ngày đêm gian khổ ngoài trận tuyến, trong số có Người Lính Già Oregon ta đây, để bảo vệ cho ngươi và đồng môn trở cờ được yên ổn mài đũng quần trên ghế nhà trường? Trước 1975, ngươi ở đâu, từ lỗ nẻ nào chui lên, học những trường nào, làm sao lọt được qua Pháp, du học, trốn quân dịch, vượt biên được tàu Île de France vớt, hay VC trá hình? Không đánh mà ngươi đã khai ra lý lịch, vì nếu không phải là Việt Gian nằm vùng, tay sai VC, thì ngươi cũng là đứa phản thùng, cắc kè đổi màu, ăn cháo đái bát, bị VC đầu độc, lừa gạt, nghĩa là trong trường hợp nào thì lý lịch của ngươi cũng dơ dáy ngang nhau.

b) Lại nữa, ngươi nói, vào các khu phố người Việt thì “người ta có cảm tưởng như sống lại [...] và những con người của một thời vàng son, với những vinh quang cùng thói hư tật xấu.” Tội nghiệp cho cái đầu nhiều chất vàng ít chất xám của ngươi, chả hiểu gì sất, vì những nơi mà ngươi đến là những chỗ người ta làm ăn, buôn bán, nói chung chỉ là biểu hiện sinh hoạt xã hội, thương mại bình thường, không dính líu đến những hoạt động chính trị, vàng son gì, vinh quang gì, thói hư tật xấu nào ở đó? Thích thì bước vào ăn uống, nghe nhạc, không thích xéo đi, tại sao ngươi dị ứng với người Việt tỵ nạn dữ vậy, không thua những đồ đệ của tên đại gian tặc Hồ Chí Minh?
Nghe nói, khu Paris 13 trước kía là một khoảng đất trống, bỏ hoang. Khi người Việt đến định cư, chính phủ Pháp cho ở, và sau một thời gian ngắn trở thành một khu thương mại Việt Nam sầm uất “với những tiệm ăn, cửa hàng, quán nước, âm nhạc...” khiến chính quyền sở tại thấy hài lòng, khen ngợi, nhưng bọn VC khó chịu, bèn lập ra một cái chợ VN, cũng tại đó, do Tòa đại sứ VC bao thầu, để cạnh tranh. Ngươi làm ơn cho biết ở khu 13 có người dân Việt tỵ nạn nào “thành thực muốn xây dựng lại ở đấy chính quyền miền Nam”, và bằng cách nào?

c) Về điều này ta cũng muốn hỏi ngươi: người Tàu, Đại Hàn, Nga, Ấn Độ, Muslim v.v..., đâu mất nước, đâu “thất bại”, mà tại sao đến nơi nào họ cũng lập một khu riêng, với những tập tục, tôn giáo văn hóa, âm nhạc, kể cả thức ăn riêng, sao ngươi không (dám) biết, không (dám) phê bình, trái lại chỉ giỏi hằn học, hậm hực, gà què ăn quẩn cối xay, cứ chía mũi dùi vào đồng hương tỵ nạn CS của ta? Khôn nhà dại chợ hả? Ngươi hãy vào các chinatowns ở Vancouver BC, San Francisco, Portland... mà lên lớp họ đi, để xem ngươi còn cái răng nào để nhai bíp-tếch không?
 
3) "Nội dung những bài viết sau ngày 30/4/1975 và những bài viết chống cộng hiện nay không có nhiều khác biệt, từ cách hành văn đến cách lý luận".
 
Những bài viết ấy khác nhau lắm chứ, tại vì ngươi không đọc hoặc không được phép đọc đấy thôi! Khác ở chỗ là những bài chống Cộng hiện nay so với thập niên 70, 80, nặng ký hơn, phản ứng nhanh chóng hơn, quyết liệt hơn, dữ dằn hơn, lôi cả tên tội phạm Hồ Chí Minh ra mà mần thịt, sau khi những tài liệu, video về tiểu sử, huyền thoại, con người, hoạt động, thành tích dâm dật v.v... của hắn bị bóc trần lõa lồ dưới ánh sáng mặt trời. Vì sao? Vì những thằng Việt Gian, nằm vùng, tay sai cho VC nhiều hơn, lộng hành hơn, công khai hơn. Một lý do quan trọng nữa: những người quốc gia tỵ nạn đã trốn VC như trốn hủi mà chúng nó vẫn bám theo để xâm nhập đánh phá, lũng đoạn các cộng đồng người Việt tỵ nạn, hoặc ngược lại, dụ dỗ để moi tiền, hút chất xám, tất cả bằng Nghị quyết 36, bắt đầu từ thập niên 90. Cho nên họ phải đập chúng nó và tay sai mạnh mẽ hơn nữa, không khoan nhượng, như đập giập đầu những con rắn. Nếu không làm vậy, không biết chừng hôm nay ngươi đã có mặt, ví dụ, tại cộng đồng Oregon của ta, cùng với đồng bọn, đeo băng đỏ, mang dép râu, đội nón cối như những thằng Cách Mạng 30/4, gõ cửa nhà ta, bắt ta đi “học tập cải tạo” lần nữa rồi. Và cũng không biết chừng tên Trần Trường (ngươi còn nhớ nó là ai chăng?) mang cờ máu treo khắp ngõ Bolsa và được “nhà nước ta” tặng huy chương anh hùng.
 
4) "Cái không bình thường thứ ba là để duy trì chế độ Việt Nam Cộng Hòa này tại hải ngoại, một khế ước bất thành văn được mọi người chấp nhân là trước khi bắt đầu một sinh hoạt nào, dù là văn hóa, xã hội hay từ thiện, mọi người phải đứng dậy hát quốc ca và chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa. Ai không thi hành thì không được chấp nhận. Sự cưỡng chế này đã khiến nhiều cộng đồng không muốn gắn bó với danh xưng "người Việt", như người Việt gốc Hoa và gốc Khmer chẳng hạn. Nhiều người còn không muốn nhắc tới hai chữ Việt Nam, nhiều người khác còn tìm cách thay tên đổi họ để tan biến vào xã hội cưu mang [...]

Một cách không ngờ, hội chứng 30 tháng 4 trở thành hội chứng tị nạn cộng sản. Tại Hoa Kỳ, muốn được yên ổn làm ăn và được mọi người chấp nhận, khi ra đường phố phải biểu lộ tinh thần chống cộng thật cao [...] Càng hung hăng chống cộng thì càng dễ được chấp nhận".
 
a) Vấn đề treo cờ, chào cờ đã được bàn cãi cả hơn một năm nay, trong và ngoài Diễn đàn Thụ Nhân nhân vụ Đại Hội Thụ Nhân Paris 2012, cả thế giới đều biết. Và người ta thấy ngươi có tên trong danh sách những Thụ Nhân biểu quyết bỏ cờ. Rõ ràng chứ? Như vậy ngươi đã biết ngươi là ai chưa? Qui es-tu, espèce de merdeux? Nhiều người, trong số có ta, đã viết bài lên án bọn trở cờ, ta không nhắc nữa. Trước áp lực của người quốc gia chống Cộng, như ngươi quá rõ, Ban Tổ Chức trở cờ của Tiến sĩ Lê Đình Thông từ nhiệm, và một nhóm nữ lưu bảo vệ cờ, có thiện tâm, có lý tưởng, đã dũng cảm đứng lên thay thế, lãnh trọng trách tổ chức, để rồi từ đó bị đánh phá liên tục. Chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ diễn ra đại hội. Đưa vấn đề chào cờ ra bây giờ, ngươi muốn gì? Phá hoại Đại hội, vào giờ thứ 24, hay 25? Hay hốt cú hụi chót? Trễ quá rồi, anh bạn!
b) Ngươi viết, “nhiều người còn không muốn nhắc tới ai chữ Việt Nam” Đúng, nhưng mông-sờ Huy, hãy nghe đây: Việt Nam mà ngươi nói đến đó là Việt Nam Cộng Sản. Những thằng lãnh đạo tự phong của ngụy quyền Cộng Phỉ, toàn là bọn khố rách áo ôm, bồi tàu, thiến heo, phu cạo mủ cao su, giao liên xã v.v... mỗi lần đi ngoại quốc, đến đâu cũng phải chui ra chui vào cửa hậu, kể cả tại Tòa Bạch Ốc Hoa Kỳ, y như những tên ăn trộm. Tại sao? Vì chúng bị thế giới lên án vi phạm nhân quyền, bóp chết tự do, độc tài, hà khắc, giam cầm, tham nhũng, cướp đất, khủng bố người dân vô tội v.v..., nói sao cho hết tội ác của chúng, từ tên đại tặc Hồ Chí Minh trở xuống. Chính chúng nó mới là những người Việt Nam mà cả thế giới chẳng những “không muốn nhắc tới” mà còn phỉ nhổ, chê bai. Cựu Tổng giám mục giáo phận Hà Nội Ngô Quang Kiệt không phải không có lý khi phát biểu rằng ra nước ngoài ông rất xấu hồ phải cầm hộ chiếu (Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa) Việt Nam.
c) Tại những Cộng đồng Việt Nam, không ai cầm dao dí vào cổ ai bắt “khi ra đường phố phải biểu lộ tinh thần chống Cộng thật cao”, ngươi vu khống đấy thôi. Không chống Cộng và im tiếng, không sao, không ai đụng tới. Không chống Cộng, mà còn khua môi khua mép ca ngợi VC hoặc phỉ báng người chống Cộng –điều mà ngươi đang làm– thì đáng bị nọc đít ra đánh đòn. Không chống Cộng mà về nước múa mỏ hát cho Việt Cộng nghe, như những đứa ca nhạc sĩ vô loài, về già bèo nhèo như cái mền rách, thì bị chửi rủa, cũng đáng kiếp, không oan ức cái nỗi gì.
 
5) "Yếu tố chống cộng quá áp đảo trong các sinh hoạt khiến người ta quên đi những nạn nhân trực tiếp của cuộc vượt biển khổng lồ: những phụ nữ bị cướp biển Thái Lan trấn lột và hãm hiếp dã man. Những người may mắn đã chết ngay sau khi bị hãm hiếp, nhưng rất nhiều người khác đã sống sót và vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Trong suốt 37 năm qua, nỗi đau của những phụ nữ này vẫn còn nguyên vẹn. Họ chỉ biết cất giấu nỗi đau và sự nhục nhã trong lòng, không dám thổ lộ cùng ai vì sợ tai tiếng không thể lập gia đình nếu bị dư luận biết đến. Bao nhiêu người chống cộng hung hăng chia sẻ nỗi đau và sự tủi nhục của những phụ nữ này? Đã có ai chất vấn chính quyền Thái Lan về những tội ác này chưa?"
 
a) Ta muốn hỏi ngươi một câu: "trong suốt 37 năm qua", ngươi có bao giờ "chất vấn" ai đã gây ra những cảnh vượt biên, vượt biển kinh hoàng làm chết biết bao đồng bào này chưa? Việt Cộng, chứ còn ai nữa! Sao ngươi không hỏi chúng, hay ngươi cố tình lờ tội ác của chúng nó? 
b) Bấy lâu nay sao không nghe ngươi nói gì về những nạn nhân hải tặc tội nghiệp này và người vượt biên nói chung, hôm nay ngươi “đột xuất” tử tế nhỏ cho họ vài giọt nước mắt cá sấu, ca sáu câu vọng cổ gợi lòng thương cảm của mọi người? Thôi, bỏ đi Tám. Cái trò láu cá vặt của ngươi làm sao qua mặt nổi ta và đồng bào? Nghĩa là khi “phân tâm” ngày 30/4 và “nỗi đau của những phụ nữ này” có phải ngươi đang làm cái loa tuyên truyền khá lộ liễu và vụng về cho một lũ thân Cộng hải ngoại gần đây nhận chỉ thị cũa bọn Cộng Phỉ trong nước kêu gào biến Ngày Quốc Hận thành Ngày Thuyền Nhân đấy ư?

6) "Khuyết điểm duy nhất và cũng là chính yếu nhất của cộng đồng người Việt tị nạn là không dám nhìn nhận chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã chết. Nhiều người còn ngây ngô kêu gọi các giới chức cao cấp trong các chính quyền dân chủ địa phương nhìn nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ của Việt Nam".
 
a) Ngươi hồ đồ quá. Khi tưởng niệm ngày 30/4 đồng bào quốc gia tỵ nạn không bao giờ nghĩ rằng VNCH còn sống. Chết rồi mới được tưởng niệm chứ? Chỉ có kẻ khùng điên mới tưởng niệm người sống. Nhưng nếu VNCH còn sống mãi là sống trong tâm hồn, trong ký ức của những con dân hiếu thảo –không có ngươi dĩ nhiên. Cũng vậy, đối với ông bà tổ tiên đã chết của ngươi, ngươi nghĩ thế nào? Bởi vì họ không còn sống trong lòng ngươi, đứa con bất hiếu, nên ngươi bắt họ chết luôn để khỏi phải tưởng niệm họ, làm lễ giỗ cho họ, chứ gì?
b) Bây giờ ngươi lại quay ra chê bai chính quyền các nước công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ. Họ rất công tâm, và khôn ngoan, không đần độn như ngươi và đồng bọn, vì họ hiểu rõ lịch sử Việt Nam và tâm trạng của những người Việt tỵ nạn, và họ biết phân biệt giữa bọn cướp nước và nạn nhân.
 
7) "Nhận định thứ hai là chế độ Việt Nam Cộng Hòa không được tôn vinh. Sách báo, tài liệu và phim ảnh nói về cuộc chiến Việt Nam và ngày 30/4/1975 do người nước ngoài thực hiện không hề vinh danh sự dũng cảm của quân đội và nhân dân miền Nam, người ta chỉ thấy quân đội Hoa Kỳ và quân đội cộng sản đụng độ trực tiếp với nhau và dân chúng miền Bắc dũng cảm chống trả những đợt dội bom của Mỹ. Khi nói về chế độ miền Nam, người ta chỉ nhắc đến những khía cạnh tiêu cực: tướng lãnh bất tài, huênh hoang và tham nhũng, tệ nạn đĩ điếm tràn lan, trong khi dân chúng miền Nam chịu đựng nhiều gian khổ nhất: chạy nạn cộng sản, nhà cửa bị đốt phá, ám sát, khủng bố... nhưng không ai nhắc tới. Điều này cho thấy sự yếu kém về mặt tuyên truyền của chính quyền miền Nam, ngoài bộ phim "Chúng tôi muốn sống", không có một có gắng đầu tư đáng kể nào để vinh danh quân đội và nhân dân miền Nam trước cuộc xâm lăng của phe cộng sản miền Bắc. Thêm vào đó, chính quyền miền Nam thiếu vắng một đội ngũ cán bộ chính trị có tầm vóc, các chương trình huấn luyện cán bộ và sĩ quan chỉ đào tạo những cấp thừa hành chứ không phải những cấp lãnh đạo. Cho dù là công chức cao cấp hay tướng lãnh trong quân đội, tất cả chỉ là những người thừa hành".
 
a) Trong chiến tranh, ngươi trốn (lính) ở hóc nào, mà mắt không thấy gì cả? Những gì xấu xa mà sách báo nói về VNCH là do những thằng nhà báo, nhà văn, phóng viên ngoại quốc bỉ ổi, phản chiến, thân Cộng hồi đó –cũng như chính ngươi bây giờ– đã xuyên tạc, phá hoại chính thể VNCH. Chỉ có những trí thức ngoại quốc ngây thơ, chẳng hạn Jean-Paul Sartre, André Gide, Bertrand Russell v.v... và những tên Việt Gian hải ngoại ngu ngốc, như ngươi, mới tin được những lời bịa đặt, vu khống, mạ lỵ ấy.
b) Nếu các nhân viên ngành Tâm Lý Chiến (tức Chiến Tranh Chính Trị) không hoạt động hữu hiệu, thì làm sao có hàng triệu người miền Nam thấy VC đâu là trốn chạy đó, bằng mọi cách, mọi giá, kể cả hy sinh mạng sống, từ 1954 cho đến sau 1975? Làm sao một bà già nhà quê, ít học, dám tuyên bố một câu để đời: “Cây trụ đèn biết đi, nó cũng trốn chạy Cộng sản”? Nếu các chiến sĩ VNCH không chiến đấu dũng cảm, tài giỏi, làm sao mà ngươi còn sống được đến ngày hôm nay để nói dóc, nói bậy, viết những lời phản trắc khốn nạn như thế? Trả lời đi!
c) Coi chừng, khi viết câu: “người ta chỉ thấy quân đội Hoa Kỳ và quân đội cộng sản đụng độ trực tiếp với nhau và dân chúng miền Bắc dũng cảm chống trả những đợt dội bom của Mỹ”, ngươi đã cố ý nhét vào đoạn văn dài lê thê một câu tuyên truyền (xám) cho VC đấy nhé. VC cũng không nói, không viết khác hơn, hay hơn.
d) Những tệ đoan, như tham nhũng, nạn đĩ điếm của chế độ cũ mà ngươi vừa nhắc đến một cách hả hê, say sưa để mạ lị VNCH thì bất cứ nước nào, xã hội nào ít nhiều cũng có. Hãy lấy ví dụ nước Pháp, quốc gia định cư của ngươi. Cựu tổng thống Jacques Chirac mới bị điều tra về tội gì, ngươi biết không? –Lạm dụng công quỹ! Tại Quartier Saint-Denis hay Bois de Boulogne ngươi thấy gì? –Đĩ cái và đĩ đực, có cả đầm già, hành nghề công khai, được cảnh sát bảo vệ! Ngoài ra, tại Paris, còn có những đứa thay vợ đổi chồng như thay quần áo lót, đạo đức gì mà ngươi dám lên mặt chê bai xã hội Miền Nam trong thời chiến tranh? Đó là chưa kể xã hội Việt Nam Cộng Sản hiện nay, ngươi biết không: bao nhiêu con gái phải đi làm điếm ở nước ngoài, lấy làm chồng những thằng Đài Loan, Đại Hàn, Singapore, già khú đế, đui què sứt mẻ, và nửa khùng nửa điên (giống ai?)... Không nước nào có thể địch nổi với nước VN của Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng về mặt tham nhũng và đĩ điếm.
 
8. "Sự co cụm của cộng đồng người Việt tại hải ngoại đang là mồi ngon cho những chiến dịch đánh phá của cộng sản vì sự khù khờ chủ quan của những vị lãnh đạo cộng đồng: nhìn bạn hóa thù, nhìn thù hóa bạn".
 
Nhìn bạn hóa thù, nhìn thù hóa bạn. OK. Nhưng nhìn cá nhân ngươi qua bài viết sặc mùi thân Cộng này, thì ngươi đích thị là thù, chưa bao giờ là bạn. Nhìn thù hóa thù. Riêng đối với ta, trong công cuộc chống Cộng, chống Nghị quyết 36 hiện nay của VC, ngươi và đồng bọn là những chướng ngại vật lớn cần phải dẹp bỏ –còn gọi là “bứng chốt” khi hành quân tấn công hoặc “phát quang xạ trường” lúc đóng quân phòng thủ. Bởi vậy mới có bài viết trả lời của ta hôm nay.
 
9. "Đã đến lúc cộng đồng người Việt tị nạn miền Nam can đảm làm lễ chôn cất ngày 30 tháng 4 trong ký ức. Khi 30 tháng 4 đã được yên mồ đẹp mả, cộng đồng người Việt hải ngoại mới thực sự vượt khỏi sự giam hãm của quá khứ và có thể tiến vào tương lai một cách hùng dũng. Quên là một quyết định rất khó nhưng bắt buộc, nếu muốn được giải thoát".
 
Ta đồng ý với ngươi, với một điều kiện duy nhất: ngươi cũng hãy “can đảm làm lễ chôn cất” ông bà cố tổ của ngươi “trong ký ức” trước, hãy cho họ “được yên mồ đẹp mả” trước. Và những thằng lãnh đạo VC hãy phá cái lăng Hồ Chí Minh, đem đi chôn cái xác hôi thối của hắn trước đã, xong rồi nói chuyện tiếp. Vì, trong mọi trường hợp, tổ quốc Việt Nam –mà lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng ngàn đời dấu yêu– dù sống dù chết vẫn mãi mãi nằm trong tim của những người quốc gia tỵ nạn Cộng sản. Khi ngươi chưa phá bàn thờ tổ tiên ông bà của ngươi, khi những thằng lãnh đạo VC chưa đập lăng Hồ Chí Minh, thì ngươi đừng mở mồm lếu láo bảo những người chống Cộng quên đi ngày đau thương của tổ quốc.
 
Cuối thư, ta thấy ta không sai chút nào khi phải gọi ngươi, không phải tiên sinh Nguyễn Văn Huy, như đồng bọn của ngươi xưng tụng, mà là tiên sư Nguyễn Văn Huy.
 
Người Lính Già Oregon
Portland, 2 Mai 2012
Gửi lại: 28/4/2013
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 7954)
Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất 1946-1954 kết thúc sau khi Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ 7-5-1954 và ký Hiệp định Genève 20-7-1954.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 9260)
"Diễn biến hoà bình", "Tự diễn biến…" là các cụm từ mơ hồ để nói về những điều có thật của sự cố xa rời lý tưởng, nhạt đảng, bỏ đảng và chống đảng đang nhan nhản đó đây nơi người này kẻ nọ trong nội tình cộng sản Việt nam.
17 Tháng Sáu 2013(Xem: 8336)
Nhìn lại lịch sử tranh chấp giữa hai khối tư bản và Cộng sản trong gần suốt thế kỷ 20, nhận xét đầu tiên người ta có thể rút ra là: Không ai có thể đánh bại được Cộng sản.
15 Tháng Năm 2013(Xem: 8357)
Công hàm của cựu thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà - ông Phạm Văn Đồng tuyên bố tán thành quyết định về lãnh hải Trung Quốc của nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa hồi năm 1958 liên quan đến 2 đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã gây một làn sóng bất mãn và phẫn nộ trong công luận người Việt trong và ngoài nước.
15 Tháng Năm 2013(Xem: 5465)
Gần đây xuất hiện một trang web bên trong lãnh thổ Hoa Lục mang tên sina.com đã công khai cổ vũ một cuộc chiến tranh xâm lược đối với Việt Nam. Trang mạng này chứa đựng những thông tin cực kỳ hiếu chiến.
15 Tháng Năm 2013(Xem: 5908)
15 Tháng Năm 2013(Xem: 5597)
Đánh dấu 50 năm từ ngày Đảng Cộng Sản Việt Nam do Thủ Tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà là Phạm Văn Đồng đại diện ký Công Hàm Ngày 14 Tháng Chín Năm 1958 giao nhượng lãnh hải cho Trung Quốc, gía trị của bản Công Hàm đó như thế nào?
15 Tháng Năm 2013(Xem: 8006)
Tại Hội thảo quốc tế về tranh chấp Biển Đông ở New York với sự tham gia của học giả, quan chức từ Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, giữa tháng Ba vừa qua, quan chức Trung Quốc trích dẫn Công hàm Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Cộng hoà Nhân dân Trung hoa (CHNDTH) Chu Ân Lai năm 1958 như bằng chứng Việt Nam công nhận chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa thuộc Trung Quốc.
07 Tháng Năm 2013(Xem: 8104)
“Cái mà người ta mong đợi là có nói đến Điều 4 nhưng họ không đụng gì đến cái đó cả,” ông than phiền. Ông cũng giải thích rằng hiện thời ở Việt Nam chưa đủ ‘thời cơ’ để tiến tới tự do chính trị, đa đảng phái, dân chủ hoặc đối lập.
07 Tháng Năm 2013(Xem: 7073)
Trong những ngày vừa qua, dư luận khá xôn xao về hai cuộc họp báo. Một của Bác sĩ Trần Xuân Ninh, Ủy viên Trung Ương Đảng Việt Tân vào ngày 21 tháng 1 năm 2006 tại phòng sinh hoạt của Nhật báo Viễn Đông, thành phố Westminster.
07 Tháng Năm 2013(Xem: 6147)
Lực lượng đối lập trong nước của Việt Nam hiện nay vừa yếu vừa không có sức mạnh, trong khi đảng cộng sản đang không có đối thủ và có thể sẽ giữ vững quyền lực trong nhiều thập kỷ nữa, theo một quan chức trong ngạch giảng dạy cao cấp của Đảng.
07 Tháng Năm 2013(Xem: 6958)
Trả lời BBC Tiếng Việt nhân dịp kỷ niệm 30/4/1975, nghị viên Hoàng Duy Hùng (Al Hoàng) từ Houston, Hoa Kỳ nói Việt Nam cần 'hợp nguyên chính trị', tách Đảng Cộng sản làm hai, dựa vào thế giới và nhân dân để tiến bộ.
07 Tháng Năm 2013(Xem: 19232)
Năm ngoái, một ông bạn cải tạo về thăm quê hương sang có than thở về tinh trạng kỳ thị tại miền nam hiện nay. Ông bạn nói “Nay tình trạng kỳ thị tại Sài Gòn thật là nặng nề, miền Nam đã bị Bắc Kỳ vào cai trị, họ lấy hầu hết nhà cửa ngoài phố và đẩy người miền Nam đi những vùng xa xôi khác”, ông bạn này người miền Nam còn tôi người gốc miền Bắc,ông ta không thể nói hết lòng mình vì còn chút nể nang tôi.
07 Tháng Năm 2013(Xem: 7264)
Ba mươi tháng Tư năm 2012 (30/4/2012). Đây là lần thứ 37 cộng đồng người Việt hải ngoại miền Nam tổ chức kỷ niệm ngày Việt Nam Cộng Hòa lọt vào tay cộng sản. Năm tới sẽ là lần thứ 38, năm sau đó sẽ là lần thứ 39... Tuổi đời của kỷ niệm đau buồn này sẽ còn chồng chất theo những tháng năm kế tiếp.
07 Tháng Năm 2013(Xem: 12298)
LTS: Bài viết dưới đây của Luật gia Trần Thanh Hiệp được trích từ sách: “Việt Nam Trên Đường Dân Chủ Hóa” do Nhà Xuất Bản Thái Bình Dương ở Paris ấn hành. Tòa soạn VănHoáMagazineOnline.com trân trọng cám ơn tác giả.