Tuần Báo Tinvietnews Phỏng Vấn ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng Về Tình Hình Nội Bộ Đảng Việt Tân
Số Ra Ngày Thứ Năm, 16 Tháng 2 Năm 2006. Tại Thành Phố San Jose.
Lời Tòa Soạn:
Trong những ngày vừa qua, dư luận khá xôn xao về hai cuộc họp báo.
Một của Bác sĩ Trần Xuân Ninh, Ủy viên Trung Ương Đảng Việt Tân vào ngày 21 tháng 1 năm 2006 tại phòng sinh hoạt của Nhật báo Viễn Đông, thành phố Westminster.
Hai là cuộc họp báo của ông Nguyễn Kim, Chủ tịch Đảng Việt Tân vào ngày 11 tháng 2 năm 2006 tại khách sạn Mariott, thành phố San Jose. Hai cuộc họp báo tuy diễn ra chừng mực với sự tự chế của hai phía nhưng đã làm cho dư luận thấy là có sự rạn nứt trầm trọng ở bộ phận lãnh đạo của đảng Việt Tân.
Được biết đảng Việt Tân thành lập vào tháng 9 năm 1982 tại biên thùy Đông Dương do tướng Hoàng Cơ Minh lãnh đạo. Đảng này đã hoạt động bí mật bên trong Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam cũng do tướng Hoàng Cơ Minh lãnh đạo. Đảng Việt Tân đã tổ chức buổi lể công khai hoạt động vào tháng 9 năm 2004 tại thành phố Bá Linh. Nhờ có phương tiện dồi dào và có một đội ngũ đảng viên đông đảo, đảng Việt Tân được dư luận đánh giá là một tổ chức đấu tranh có thực lực nhất trong số rất ít ỏi những tổ chức đấu tranh, đảng phái của người Việt Quốc gia hiện nay. Chúng tôi nghĩ rằng sự khủng hoảng trong nội bộ đảng Việt Tân chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều lên các hoạt động chống cộng của người Việt trong thời gian tới. Để giúp quý vị độc giả hiểu rõ hơn tình hình của đảng Việt Tân và hướng đi của đảng này như thế nào trong thời gian tới, chúng tôi đã phỏng vấn ông Lý Thái Hùng, nhân vật thứ hai của đảng này, hiện ông đang là Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân.
1/Kính chào ông Lý Thái Hùng, theo tin tức trên các mạng Internet thì nội bộ đảng Việt Tân đang bị khủng hoảng trầm trọng, chia làm hai nhóm gồm nhóm Bác sĩ Trần Xuân Ninh và nhóm của ông Chủ tịch Nguyễn Kim. Theo ông thì việc này hư thực như thế nào?
Lý Thái Hùng: Nội bộ đảng Việt Tân đang gặp một số khó khăn là điều có thật, nhưng từ đó bảo rằng đảng Việt Tân chia làm hai nhóm là không đúng. Trong tổ chức chúng tôi không có chuyện chia phe, chia nhóm. Việc Bác sĩ Trân Xuân Ninh trình bày một số quan điểm của ông khác với bộ lãnh đạo hiện nay ở trong đảng Việt Tân là điều bình thường vì chúng tôi sinh hoạt trên nền tảng dân chủ, chấp nhận sự khác biệt và coi đó là những bổ túc cho nhau. Điều đáng tiếc là Bác sĩ Trần Xuân Ninh đã mang những khác biệt ý kiến trong nội bộ trình bày ra bên ngoài, dù là đã có sự yêu cầu và nhắc nhở không nên làm. Đây là một hành động vi phạm nguyên tắc kỷ luật căn bản của tổ chức chúng tôi và buộc lòng đảng Việt Tân phải lấy quyết định chấm dứt tư cách đảng viên Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng đối với bác sĩ Trần Xuân Ninh kể từ ngày 6 tháng 2 năm 2006.
2/Như vậy, Bác sĩ Trần Xuân Ninh bị khai trừ là vì lý do vi phạm kỷ luật chứ không phải vì khác biệt chủ trương đường lối với quý vị?
Lý Thái Hùng: Việc Bác sĩ Trần Xuân Ninh bị chấm dứt tư cách đảng viên đảng Việt Tân chỉ là hệ quả của một số những hành động mà Bác sĩ Ninh đã vi phạm kỷ luật là mang những vấn đề nội bộ trình bày bên ngoài.
3/Trong một văn kiện mà ông Nguyễn Kim ký vào ngày 24 tháng 1 năm 2006 sau khi bác sĩ Ninh họp báo tại tòa soạn báo Viễn Đông hôm 21 tháng 1, là đã phục chức Bác sĩ Trần Xuân Ninh và ngưng biện pháp kỷ luật. Tại sao ngày 6 tháng 2, ông Kim lại tuyên bố khai trừ Bác sĩ Ninh?
Lý Thái Hùng: Đúng là sau khi Bác sĩ Trần Xuân Ninh tổ chức họp báo tại tòa soạn báo Viễn Đông tại Nam California, chiến hữu Nguyễn Kim, trong vai trò Chủ tịch Đảng đã ban hành một quyết định phục hồi trách vụ và tạm ngưng biện pháp kỷ luật của Bác sĩ Ninh để hàn gắn sự đoàn kết trong nội bộ với sự yêu cầu là chấm dứt mọi phát biểu về sự khác biệt đường lối ở bên ngoài chờ đến Đại Hội Đảng giải quyết. Rất tiếc là Bác sĩ Trần Xuân Ninh đã không đáp ứng yêu cầu này của Chủ tịch Đảng và vi phạm kỷ luật nên buộc lòng đảng Việt Tân phải lấy biện pháp kỷ luật ngày 6 tháng 2 năm 2006.
4/Việc đảng Việt Tân khai trừ bác sĩ Trần Xuân Ninh đã kéo theo 40 đảng viên ủng hộ Bác sĩ Ninh tuyên bố bất tín nhiệm ông Nguyễn Kim và thành phần lãnh đạo hiện nay. Quý vị có những phản ứng ra sao về việc này và số phận của những đảng viên này sẽ ra sao?
Lý Thái Hùng: Bản lên tiếng của 40 đảng viên, tuy là con số rất nhỏ trong tổng số đảng viên Việt Tân hiện nay, tiết lộ ra bên ngoài, gây sự hoang mang trong dư luận là điều rất đáng tiếc. Như mọi tổ chức đấu tranh, điều chắn chắn là đảng Việt Tân sẽ xem xét nội dung và những động cơ ký tên của các đảng viên để có những biện pháp bảo vệ đảng. Tuy nhiên đây là vấn đề thuộc về nội bộ của đảng Việt Tân nên mong quý vị thông cảm cho chúng tôi không xác nhận gì về những biện pháp đối với các đảng viên này.
5/Trong cuộc họp báo tại Nam California, Bác sĩ Trần Xuân Ninh đã cho rằng bộ phận lãnh đạo của đảng Việt Tân đang đi chệch hướng và ông mới là chính thống. Như vậy Bác sĩ Ninh đã nói quý vị chệch hướng ra sao?
Lý Thái Hùng: Ngay trong nội bộ cũng như ở bên ngoài, Bác sĩ Trần Xuân Ninh đã dùng hai chữ 'chệch hướng' để cho rằng bộ phận lãnh đạo của đảng Việt Tân hiện nay đi theo đường lối mới. Tuy nhiên Bác sĩ Ninh đã không giải thích hay trình bày rõ ràng thế nào là chệch hướng của đường lối mới mà Bác sĩ Ninh nêu ra. Do đó, tôi đề nghị là ông nên hỏi thẳng với Bác sĩ Ninh để nhờ ông giải thích chệch hướng là như thế nào. Riêng về phần chúng tôi thì từ ngày thành lập đến nay, chúng tôi không hề thay đổi chủ trương và đường lối đấu tranh, đó là chấm dứt ách độc tài Cộng sản Việt Nam và Canh tân Việt Nam.
Tuy nhiên, phương thức thực hiện đường lối nói trên có thay đổi qua thời gian vì tình hình thế giới và hoàn cảnh Việt Nam có những biến thái mà đảng Việt Tân phải khai dụng để tấn công làm suy yếu chế độ Cộng sản Việt Nam. Nói một cách khác là đường lối đấu tranh của chúng tôi, từ thời Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam cho đến bây giờ là đảng Việt Tân không hề thay đổi, tuy nhiên một số công tác cũng như một số phương thức vận động đồng bào để tấn công vào chế độ Việt cộng có những thay đổi.
6/Ông có thể cho biết những thay đổi này như thế nào và liệu có phải là điều mà Bác sĩ Ninh cho là chệch hướng hay không?
Lý Thái Hùng: Cách đây 20 năm, dưới sự cai trị toàn diện của chế độ Việt cộng trên toàn vùng Đông Dương, chúng ta chỉ có thể xâm nhập vào Việt Nam bằng con đường Đông Tiến như những chiến hữu tiên phong của chúng tôi đã làm. Ngày nay, do sự mở cửa để du nhập tài nguyên từ bên ngoài hầu cứu vãn sự sụp đổ của chế độ, đảng Cộng sản Việt Nam đã mất dần khả năng khống chế toàn thể xã hội, do đó mà con đường xâm nhập vào Việt Nam đã mở rộng trên nhiều bình diện và lãnh vực khác nhau. Ngày nay, chúng ta có thể khai thác qua mạng Internet, sự ra vào thăm thân nhân của đồng bào ở trong và ngoài nước, các tổ chức thiện nguyện, phi chính phủ kể cả những cơ sở làm ăn của các công ty ngoại quốc tại Việt Nam để cài căm nhân sự và tiếp xúc trực tiếp với đồng bào hầu vận động đấu tranh.
Ngoài ra, những năm tháng gần đây, sự chống đối của đồng bào trong nước đã biểu hiện dưới các dạng đình công, bãi thị, khiếu kiện, tố cáo tham nhũng.... để đòi hỏi đảng Cộng sản Việt Nam phải thõa mãn các yêu sách. Đây là những dạng đấu tranh mang hình thái dân sinh dân quyền mà chúng ta phải khai thác để tạo những bất ổn chính trị - xã hội, tạo cơ hội cho sự bộc phát của các phong trào quần chúng đấu tranh. Hình thái đấu tranh này không hề có cách nay 10 năm hay 5 năm về trước mà chỉ mới xảy ra gần đây cho chính những thay đổi trong nội tình Cộng sản Việt Nam mà đồng bào và các tổ chức đấu tranh đã khai thác để tạo những sức ép lên chế độ Cộng sản Việt Nam. Những hình thái đấu tranh nói trên là kết quả của những biến thái tự nhiên của tình hình, chúng tôi không coi đây là sự chệch hướng mà còn là hướng đi rất đúng trong hoàn cảnh hiện nay.
7/Trong cuộc họp báo tại Nam California, Bác sĩ Trần Xuân Ninh cho rằng đường lối của đảng Việt Tân hiện nay là 'vừa đấu tranh chấm dứt chế độc VC, vừa canh tân đất nước' là chệch hướng. Vậy qúy vị có chủ trương như vậy hay không?
Lý Thái Hùng: Không. Chúng tôi không có chủ trương như vậy. Như trên tôi đã nêu rõ là chủ trương của đảng Việt Tân từ ngày thành lập vào năm 1982 cho đến nay là đấu tranh chấm dứt ách độc tài Việt cộng rồi mới tiến hành công cuộc canh tân đất nước.
Sở dĩ như vậy là vì chúng ta không thể nào canh tân hay xây dựng đất nước khi mà chế độ Cộng sản Việt Nam còn cai trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, khi nói đến canh tân, tôi muốn quảng diễn để qúy vị cùng hiểu rõ chủ trương này của đảng Việt Tân. Đó là chúng tôi chủ trương canh tân trên hai bình diện canh tân con người và canh tân môi trường, xã hội. Dứt khoát là nỗ lực canh tân môi trường, xã hội chỉ có thể làm hiệu quả sau khi chấm dứt chế độ Việt cộng. Nhưng vấn đề canh tân con người, đặc biệt là vấn đề nâng cao dân trí để giúp người dân hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình, đồng thời hiểu biết các giá trị về tự do dân chủ để tích cực tham gia đấu tranh hiện nay rất cần thiết. Đây là lãnh vực mà đảng Việt Tân rất chú trọng và dồn nhiều nỗ lực góp phần vào các biện pháp canh tân chọn lọc liên quan đến canh tân tư tưởng của người dân.
8/Vậy quý vị lãnh đạo trong đảng Việt Tân đã có những quan điểm hay suy nghĩ khác biệt như thế nào đối với Bác sĩ Trần Xuân Ninh?
Lý Thái Hùng: Như tôi đã trình bày ở trên là giữa bác sĩ Trần Xuân Ninh và chúng tôi không hề khác biệt nhau về chủ trương hay đường lối đấu tranh. Nếu có khác là do khác nhau về phương cách thực hiện, tức là cách tiến hành một số công tác để thực thi những đường lối chung mà thôi.
Nếu phải kể ra thì khá nhiều và chi tiết, tôi chỉ nêu một vài ví dụ như: khác biệt về việc đánh giá vai trò và tư thế đấu tranh của các nhà đối kháng tại quốc nội, khác biệt về cách tiếp cận quốc nội trong việc vận dụng thành phần du sinh, công nhân lao động, đồng bào ra vào Việt Nam dưới dạng du lịch, làm ăn, hay sự khác biệt về việc khai thác mặt trận dân sinh và dân quyền tại quốc nội để tạo ra những phong trào quần chúng với các công việc liên quan đến từ thiện, nhân đạo...
9/Quý vị sẽ đối xử với Bác sĩ Trần Xuân Ninh ra sao trong thời gian tới?
Lý Thái Hùng: Mặc dù không còn là đảng viên Việt Tân, Bác sĩ Trần Xuân Ninh là một người có lòng với đất nước, nên tôi tin tưởng là ông sẽ luôn luôn đóng góp tích cực cho công cuộc đấu tranh và chúng tôi mong sẽ có cơ hội đồng hành cùng với ông trên con đường phục vụ lý tưởng chung.
10/Theo dõi các hoạt động của quý vị, nhiều người cho rằng Đảng Việt Tân được coi là một tổ chức đấu tranh có thực lực nhất trong hàng ngũ các đảng phái, tổ chức của người quốc gia hiện nay để đối đầu với cộng sản Việt Nam. Liệu là những khủng hoảng nội bộ hiện nay có làm cho đảng Việt Tân suy yếu và có thể bị phân rã hay không?
Lý Thái Hùng: Vấn đề khủng hoảng trong nội bộ đảng Viêt Tân không đến từ những tranh chấp phe nhóm, mà đến từ những khác biệt quan điểm giữa Bác sĩ Trần Xuân Ninh với Trung Ương Đảng Việt Tân. Như vậy làm sao đảng Việt Tân tan rã được khi nó chỉ là những bất đồng ý kiến giữa một cá nhân đối với tập thể, và đây là điều bình thường trong sinh hoạt dân chủ. Từ tầm nhìn đó, chúng tôi không nghĩ rằng cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ làm cho đảng Việt Tân suy yếu mà ngược lại, giúp chúng tôi học được nhiều bài học để có thể kiện toàn tốt hơn và giúp mọi đảng viên đảng Việt Tân hiểu rõ những quy luật đấu tranh và cung cách hoạt động trong nội bộ để tránh những bất toàn nếu có trong tương lai. Nói tóm lại, tôi có thể xác quyết với qúy vị là sau cuộc khủng hoảng này, đảng Việt Tân sẽ mạnh hơn và mọi đảng viên sẽ quyết tâm cùng nhau đẩy mạnh công cuộc đấu tranh nhiều hơn.
11/Một cách ngắn gọn xin ông cho biết là phương thức đấu tranh hiện nay của đảng Việt Tân sẽ tiến hành ra sao để mang lại tự do dân chủ cho đất nước Việt Nam.
Lý Thái Hùng: Trước khi nói đến phương thức đấu tranh trong thời gian tới, chúng tôi muốn chia xẻ đến quý vị một số đặc điểm của tình hình Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất là Cộng sản Việt Nam đang ở thời kỳ phân hóa trầm trọng trong nội bộ, không có một nhân vật đủ tầm vóc để cầm chịch quyền lực khiến cho cấp lãnh đạo mất dần khả năng kiểm soát tình hình trong cảnh cá mè một lứa. Sự lúng túng trong việc chọn nhận sự lãnh đạo cho năm năm tới hiện nay đã biểu hiện cho hiện tình phân hóa này.
Thứ hai là sự chán ghét chế độ của người dân ngày gia tăng và biểu hiện dưới nhiều hình thức chống đối. Những vụ đình công hàng loạt của công nhân và các khiếu kiện, tố cáo xảy ra liên tục đã tạo nguy cơ bất ổn chính trị - xã hội đang là mối lo mới của Hà Nội. Thứ ba là những thất bại của Cộng sản Việt Nam trong việc gia nhập tổ chức WTO và bị Hoa Kỳ giữ trong danh sách những quốc gia đáng quan tâm (CPC) cho thấy là đường lối đối ngoại bị bế tắc, và gặp nhiều sức ép trong nội bộ về cảnh đu giây giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay.
Trước những tình hình này, chúng ta phải làm sao giải quyết ba nhu cầu của công cuộc đấu tranh ngày hôm nay.
1/Làm sao giữ vững ngọn cờ đấu tranh chống cộng tại hải ngoại và liên tục vận dụng được những sức ép quốc tế lên chế độ Việt Cộng, để hậu thuẫn cho các nỗ lực đối kháng tại quốc nội có cơ hội bộc phát mạnh mẽ hơn.
2/Làm sao hỗ trợ quần chúng quốc nội có những hoạt động ngoài luồng, gầy dựng những tập hợp quần chúng độc lập làm nền tảng cho một xã hội dân sự và thoát ra khỏi sự khống chế của đảng CSVN và từ đó phát động thành những phong trào quần chúng đấu tranh.
3/Làm sao khai thác những biện pháp cải tổ vá víu và những mâu thuẫn tự thân của guồng máy độc tài để vừa tấn công làm suy yếu chế độ, vừa giảm thiểu các tác hại đang xẩy ra cho đất nước.
Trong chiều hướng đó, một cách tổng lược, phương thức đấu tranh của đảng Việt Tân trong thời gian tới, tôi có thể chia xẻ trên 4 khía cạnh như sau:
Thứ nhất là khai thác hai mặt trận dân sinh và dân quyền để hỗ trợ các phong trào đấu tranh của quần chúng dưới những dạng đình công, bãi thị, chống tham ô, khiếu kiện để từng bước tạo những áp lực mạnh mẽ lên đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời góp phần vào việc cơ chế hóa quần chúng thành những tập hợp ngoài luồng để tạo nền tảng cho xã hội dân sự ngay trong lúc đấu tranh với chế độ Hà Nội.
Thứ hai là cùng với các đoàn thể, tổ chức và cộng đồng khắp nơi tiếp tục giữ vững ngọn cờ chống cộng tại hải ngoại và không cho Cộng sản Việt Nam thực thi Nghị quyết 36, đồng thời đẩy mạnh các cuộc vận động áp lực quốc tế lên chế độ Hà Nội như vận động Hoa Kỳ tiếp tục giữ Việt cộng trong danh sách CPC, lên án gay gắt về các đàn áp trong nước...
Thứ ba là tiếp tục việc đẩy mạnh sự hỗ trợ và liên kết các nỗ lực đấu tranh của các nhà đối kháng tại quốc nội để tiến đến sự ra đời phong trào đấu tranh mãnh mẽ giữa các đoàn thể tổ chức ở trong và ngoài nước, đồng thời hỗ trợ những cuộc đấu tranh đòi phục hoạt của các Giáo Hội hầu giành lại quyền tự do hoạt động của các tôn giáo tại Việt Nam, để tạo những áp lực chính trị.
Thứ tư là đẩy mạnh mặt trận truyền thông để quảng bá những tư tưởng liên quan đến tự do dân chủ, giúp canh tân tư tưởng của đồng bào hầu từng bước tạo dựng ý thức công dân, ý thức dân chủ để vừa đấu tranh chống độc tài Cộng sản, vừa chuẩn bị cho việc xây dựng những nền tảng dân chủ sau khi ách độc tài Việt cộng sụp đổ.
Từ trước đến nay, chúng tôi luôn luôn thực hiện các phương thức đấu tranh nói trên dựa vào nền tảng 'toàn diện đấu tranh'. Nghĩa là tận dụng mọi phương tiện, mọi hoàn cảnh để đấu tranh cho mục tiêu chung. Vì thế những phương thức mà tôi chia xẻ ở trên, thật ra là những điều đã được nói đến từ hơn 2 thập niên qua, không có gì mới. Cái mới nếu có là cách thi hành có khác với ngày xưa vì môi trường và phương tiện đã có những thay đổi thuận tiện hơn. Chính vì thế mà tôi có niềm tin là công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam sẽ sớm thành tựu trong thời gian trước mặt.
12/Điều sau cùng xin ông cho biết ý kiến về sự kiện mà ký giả Lê Bình nêu ra trong cuộc họp báo ngày 11 tháng 2 năm 2006 là ông Hoàng Hồ, một đảng viên của đảng Việt Tân liên hệ đến bà Huỳnh Tiểu Hương, đang bị dư luận cho là có liên hệ đến cộng sản?
Lý Thái Hùng: Tôi xin khẳng định với ông là đảng Việt Tân không có liên hệ gì đến các hoạt động của bà Huỳnh Tiểu Hương. Sự việc chiến hữu Hoàng Hồ của chúng tôi có những tiếp xúc nào đó với bà Huỳnh Tiểu Hương trong Hội Chợ Tết tại Fairground như ký giả Lê Bình đề cập là do sự quen biết cá nhân, chứ không do những chỉ thị nào của cơ sở tại San Jose. Còn việc bà Huỳnh Tiểu Hương có liên hệ ra sao với nhà cầm quyền cộng sản như ký giả Lê Bình đề cập thì đây là vấn đề mà cộng đồng và chúng tôi cũng rất quan tâm tìm hiểu.
13/Cảm ơn ông Lý Thái Hùng đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt hôm nay.