Lửa cháy Đại Chiêu Tự, trái tim Phật giáo Tây Tạng

22 Tháng Hai 20188:24 CH(Xem: 6399)

VĂN HÓA ONLINE - TÔN GIÁO - THỨ  SÁU 23  FEB  2018


Lửa cháy Đại Chiêu Tự, trái tim Phật giáo Tây Tạng


image110Bản quyền hình ảnh Twitter Image caption Lửa bùng lên dữ dội tại Chùa Đại Chiêu (Jokhang) ở Lhasa, Tây Tạng


Lửa bùng lên dữ dội tại một trong những đền thờ quan trọng nhất của Phật giáo Tây Tạng - Chùa Đại Chiêu (Jokhang) ở Lhasa.


Đoạn phim được đăng trên mạng xã hội cho thấy ngọn lửa bốc ra từ mái nhà và có vẻ như ít nhất một ngôi chùa chìm trong lửa.


Truyền thông Trung Quốc nói vụ hỏa hoạn bắt đầu vào cuối ngày thứ Bảy 17/2 và đã được dập tắt.


Không có báo cáo về thương vong.


Hiện chưa rõ mức độ thiệt hại đối với quần thể tu viện này. Truyền thông Trung Quốc cho biết không có thiệt hại nào đối với các di tích văn hoá.


Tây Tạng, vùng đất Phật giáo hẻo lánh được gọi là "mái nhà của thế giới", vận hành như một khu tự trị của Trung Quốc.


Chùa Đại Chiêu hơn 1.000 năm tuổi và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.


image111

Feng Li  - Xây từ Thế kỷ 7, chùa Đại Chiêu hay Jokhang là trái tim của Phật giáo Tây Tạng


Các báo cáo cho hay giới chức Trung Quốc đã nhanh chóng chặn các hình ảnh và video vụ hỏa hoạn trên mạng xã hội.


Bắc Kinh duy trì kiểm soát chặt chẽ việc đưa tin về Tây Tạng, vùng đất Phật giáo nơi từng là điểm nóng về tình trạng bất ổn của người ly khai.


Hỏa hoạn xảy ra khi người Tây Tạng tổ chức Losar, năm mới truyền thống của họ, bắt đầu vào thứ Sáu 16/2.


Tây Tạng có một lịch sử hỗn loạn. Có những giai đoạn Tây Tạng vận hành như một vùng đất tự trị. Một số giai đoạn khác Tây Tạng được cai trị bởi các triều đại Trung Hoa và Mông Cổ.


Trung Quốc từng gửi hàng ngàn binh lính tới Tây Tạng để thực thi tuyên bố lãnh thổ đối với vùng đất này vào năm 1950. Một số khu vực trở thành Khu tự trị Tây Tạng, một số khu khác được sát nhập vào các tỉnh lân cận của Trung Quốc.


Trung Quốc nói rằng Tây Tạng phát triển đáng kể dưới sự quản lý của chính quyền Bắc Kinh.


Nhưng các nhóm nhân quyền nói rằng Trung Quốc tiếp tục vi phạm nhân quyền, buộc tội nước này đàn áp chính trị và tôn giáo - điều mà Bắc Kinh phủ nhận./


 image110

Feng Li  - Xây từ Thế kỷ 7, chùa Đại Chiêu hay Jokhang là trái tim của Phật giáo Tây Tạng


Lửa cháy Đại Chiêu Tự và câu hỏi 'kiểm duyệt'


image112

Đại Chiêu Tự, trái tim Phật giáo Tây Tạng


Hiện đang có câu hỏi về cách đưa tin trên truyền thông Trung Quốc rằng 'hỏa hoạn' ở một phần chùa Đại Chiêu ở Lhasa 'nhanh chóng bị dập tắt'.


Báo Anh, tờ Telegraph hôm 18/02 nói việc này đặt ra lo ngại có phải báo chí Trung Quốc kiểm duyệt tin về vụ cháy.


Truyền thông Trung Quốc nói ngọn lửa đã bị dập nhanh chóng sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn lúc 06:40 chiều tối hôm thứ Bảy 17/02.


Nhưng các hình và video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy lửa trùm lên chùa Đại Chiêu (Jokhang) ít nhất hơn một giờ liền, tờ báo Anh viết.


image113

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Chùa Đại Chiêu là 'trái tim của Phật giáo Tây Tạng'. Getty Images. Chùa Đại Chiêu (Jokhang) là trái tim của Phật giáo Tây Tạng. Hiện chưa rõ mức thiệt hại thế nào dù vụ hỏa hoạn hôm 17/02 tại đây đã được dập tắt. Hình này không phải là hình vụ hỏa hoạn.


Một nguồn tin ít ỏi từ Tây Tạng là trang Tibet Daily chỉ nói ngắn gọn là Bí thư Ngô Anh Kiệt đã "nhanh chóng đến nơi xảy ra hỏa hoạn".


Tại Lhasa, quần thể đền chùa của Mật Tông giáo và Cung Potala cách đó gần 3 km là di sản UNESCO.


Trong chùa Đại Chiêu có pho tượng Jowo Shakyamuni bọc vàng, được cho là tượng chính Đức Phật Thích Ca Mầu Ni đã ban phước khi ngài còn tại thế.


Là ngôi chùa thiêng nhất của Phật giáo Tây Tạng và "trái tim" của người dân vùng này, công trình được xây từ thế kỷ 7, và nằm trên khu vực rộng 2,5 hectare.


Đây còn là nơi có chiếc luân xa thiêng và các bảo vật vô giá.


Có người cáo buộc trên mạng Twitter rằng tin tức về vụ hỏa hoạn tại chùa Đại Chiêu bị xóa trên các kênh tin tức do chính quyền Trung Quốc kiểm soát.


Một số người nói cụm từ 'Đại Chiêu Tự' bằng chữ Hán bị kiểm duyệt trên mạng WeChat.


Nhưng người ta cũng nói chính quyền sẽ khó mà ngăn chặn toàn bộ thông tin từ Lhasa về mức độ thiệt hại do ngọn lửa gây ra ở chùa Đại Chiêu.


Lý do là sau ngày mừng Năm Mới Losar cuối tuần qua, sang tuần này, hàng vạn người dân Tây Tạng sẽ đổ về thủ phủ Lhasa và các đền chùa họ tin là linh thiêng tại đây để cầu cúng trong năm mới.


Chính quyền Trung Quốc vốn kiểm soát Tây Tạng từ 1950 luôn chú ý đến các vấn đề chính trị và tôn giáo tại đây.


Chùa Đại Chiêu cũng từng đón ông Du Chính Thanh, một trong số lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản đến thăm.


Trong thời gian diễn ra Olympics ở Bắc Kinh năm 2008, công an Trung Quốc tăng cường tuần tra ở Tây Tạng, và cả khu vực trong ngoài chùa Đại Chiêu.


Trung Quốc luôn lên án Đạt Lai Lạt Ma, hiện sống lưu vong ở Ấn Độ, và "chủ nghĩa ly khai Tây Tạng".


Nhưng giới vận động Tây Tạng và quốc tế thì cho rằng người dân Tạng bị buộc phải tuân theo lối sống do Đảng Cộng sản Trung Quốc áp đặt./ (theo BBC 19/2/18)