VĂN HÓA ONLINE - TÔN GIÁO - THỨ HAI 26 FEB 2018
Núi Sam không thể có hai Bà Chúa Xứ
24/02/2018 14:59 GMT+7
TTO - Những ngày qua, người dân TP Châu Đốc (An Giang) bất ngờ trước thông tin doanh nghiệp (đơn vị xây dựng cáp treo núi Sam) đang cho dựng thêm một tượng Bà Chúa Xứ trên núi Sam.
Tượng Bà Chúa Xứ hiện tại ở lăng miếu Núi Sam - Ảnh: B.Đấu
Dư luận cho rằng việc xây dựng thêm một tượng Bà Chúa Xứ trên núi Sam là xâm phạm di tích văn hóa lịch sử, phá vỡ truyền thuyết tín ngưỡng dân gian vốn tồn tại suốt hơn 300 năm qua.
Phá vỡ truyền thuyết
Truyền thuyết kể rằng vào đầu thế kỷ 18, khi nhìn thấy sự linh ứng của Bà Chúa Xứ (tọa trên đỉnh núi Sam), người dân địa phương lúc bấy giờ đã quyết định thỉnh tượng Bà xuống chân núi để tiện việc thờ cúng.
Nhưng lạ thay, mấy chục thanh niên cường tráng không thể lay chuyển được tượng Bà. Đúng lúc đó, có tin báo rằng Bà chỉ cần 9 cô gái đồng trinh. Quả nhiên, tượng Bà được khiêng xuống dễ dàng. Nhưng khi đi đến chân núi thì tượng Bà bất ngờ nặng trịch, không thể di chuyển thêm nữa.
Lúc đó, các bậc cao niên nghĩ rằng Bà đã chọn nơi đây để an vị. Miếu thờ Bà Chúa Xứ được đặt từ đó đến nay.
Là người buôn bán ở đỉnh núi Sam hơn 12 năm, bà Lê Thị Dởn cho rằng truyền thuyết về Bà Chúa Xứ đã tồn tại suốt 300 năm qua, nay chính quyền cho dựng thêm một tượng Bà nữa thì "đâu còn là truyền thuyết nữa".
Còn theo bà Đ., cán bộ hưu trí của TP Châu Đốc, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là di tích cấp quốc gia và lễ hội vía Bà Chúa Xứ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể năm 2015.
"Việc xây thêm tượng Bà trên núi là "làm hỏng" truyền thuyết, bởi Bà đã chọn chân núi làm nơi yên vị từ mấy trăm năm trước" - bà Đ. nói.
Do thi công gấp?
Theo ông Nguyễn Văn Đồng - phó ban quản trị lăng miếu Núi Sam: từ lúc xây dựng tượng Bà ở đỉnh núi đến giờ ban quản trị không hề hay biết, mãi đến khi họ ráp phần thân và mặt mới biết đó là tượng Bà.
"Chúng tôi rất bức xúc, họ chưa xin ý kiến gì mà đã xây dựng tượng Bà Chúa Xứ như vậy là không được. Việc này vừa vi phạm bản quyền vừa xâm phạm nghiêm trọng quần thể di tích này" - ông Đồng nói.
Còn ông Huỳnh Văn Đường - trưởng ban quản trị lăng miếu Núi Sam - cho biết: "Trong nhiều cuộc họp, tôi đã đề nghị không nên xây thêm tượng Bà nữa. Làm như vậy là đi ngược lại truyền thuyết dân gian. Về mặt tâm linh, chỉ có một Bà Chúa Xứ mà thôi".
Ghi nhận hiện trường ngày 23-2 cho thấy tượng Bà Chúa Xứ đặt trên núi đã xây dựng phần thân cao khoảng 18m, đang trong giai đoạn làm phần mặt, nhiều công nhân vẫn còn túc trực ở công trình này.
Liên quan vấn đề này, ông Huỳnh Ngọc Trư - chủ tịch UBND phường Núi Sam - cho biết: sau khi phát hiện vụ việc, phía tỉnh đã yêu cầu dừng thi công chờ ý kiến của người dân lẫn giới chuyên môn, tuy vậy phía đơn vị thi công vẫn lén lút làm.
Ngày 21-2, phường đã lập biên bản đình chỉ, đồng thời cử dân phòng túc trực tại công trình.
Theo ông Trần Quốc Tuấn - phó chủ tịch UBND TP Châu Đốc: tượng Bà Chúa Xứ là một hạng mục nằm trong khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ - cáp treo Núi Sam do Công ty TNHH MGA Việt Nam làm chủ đầu tư, và các hạng mục này đều được tỉnh lẫn Bộ VH-TT&DL chấp thuận.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn: do thi công gấp nên chủ đầu tư chưa lấy ý kiến của giới chuyên gia, nhà khoa học và chưa có giấy phép của cấp thẩm quyền cấp, vì vậy trước tết UBND tỉnh đã yêu cầu tạm dừng thi công.
"Dù bị đề nghị dừng nhưng họ lại tiếp tục thi công. Hiện tỉnh đã giao Sở VH-TT&DL An Giang phối hợp với TP Châu Đốc họp dân lấy ý kiến các bô lão, chuyên gia về công trình này để tạo sự đồng thuận trước khi cấp phép".
Tượng Bà Chúa Xứ đang được xây dựng trên núi Sam - Ảnh: B.Đấu
"Làm vì bộ và tỉnh đã đồng ý"
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Phi Tiến - giám đốc Công ty TNHH MGA Việt Nam.
Theo ông Tiến, mục đích chính của việc xây dựng tượng Bà Chúa Xứ thứ 2 là để phục vụ khách du lịch sau khi đi cáp treo lên đỉnh núi Sam, thay vì phải chen nhau tại một điểm chật chội dưới chân núi.
"Công trình này hoàn thành hứa hẹn thu hút khách du lịch đến núi Sam nhiều hơn. Những gì chúng tôi làm đều nằm trong quy hoạch chi tiết đã được bộ và UBND tỉnh phê duyệt, chứ không làm ngoài quy hoạch" - ông Tiến nói.
Theo tìm hiểu, ngày 7-2, ông Phạm Thế Triều - phó giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang - đã ký văn bản đề nghị Bộ VH-TT&DL cho phép tỉnh An Giang cấp giấy phép xây dựng hạng mục công trình tượng Bà Chúa Xứ núi Sam trên núi Sam, thuộc dự án khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ - cáp treo Núi Sam theo đề nghị của Công ty MGA Việt Nam.
Ngày 13-2, bà Đặng Thị Bích Liên - thứ trưởng Bộ VH-TT&DL - đã có công văn trả lời theo hướng thống nhất với đề xuất của Sở VH-TT&DL An Giang.
Tuy nhiên, bộ cũng yêu cầu sở phải hoàn thiện hồ sơ xây dựng công trình tượng Bà Chúa Xứ theo quy định với những lưu ý cụ thể, trong đó có việc tổ chức thông tin rộng rãi tới nhân dân, chính quyền địa phương và các nhà khoa học để xin ý kiến, tạo sự đồng thuận trước khi phê duyệt, triển khai...
Cũng ngay trong ngày 13-2, UBND tỉnh An Giang đã có văn bản gửi UBND TP Châu Đốc và chủ đầu tư yêu cầu tạm dừng việc thi công tượng Bà Chúa Xứ. Lý do: chưa "tham khảo ý kiến của cộng đồng".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Lên - giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang - cho biết: trong vài ngày tới sẽ họp lấy ý kiến nhân dân. Khi nào nhân dân đồng thuận mới cho xây.
"Nếu người dân không đồng ý thì sở sẽ đề nghị nhà đầu tư bỏ tượng hoặc hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp làm tượng khác như tượng Phật để du khách có nơi tham quan, cúng viếng khi lên núi. Bởi tượng Bà là tín ngưỡng dân gian rất lớn của cả vùng Nam Bộ" - ông Lên nói.
Dự án khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ núi Sam có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng, được chia làm 2 giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn 1 (486 tỉ đồng) gồm các hạng mục cáp treo, đền một cột, đền thuyết pháp, quảng trường, khu nhà hàng và bãi đậu xe.
Giai đoạn 2 gồm các hạng mục khu chợ nổi, khách sạn 5 sao, tháp Châu Đốc cao 117m, đền Dược Sư...
Ths Nguyễn Trọng Nhân (trưởng bộ môn lịch sử - địa lý - du lịch, khoa KHXH-NV Đại học Cần Thơ):
Không nên xây thêm tượng
Tôi cho rằng không nên xây dựng tượng Bà Chúa Xứ trên đỉnh núi Sam, bởi nó làm giảm đi sự tôn kính của người dân đối với Bà.
Ngoài ra, tín ngưỡng Bà mẹ xứ sở là nhu cầu chung của toàn dân, không phải là đặc quyền, đặc lợi của bất cứ ai, nên đừng vì sự sùng bái của người dân mà nghĩ ra cách kiếm thu nhập thông qua các dịch vụ lên núi, mà việc xây tượng Bà là một điển hình.
TIẾN TRÌNH ghi
BỬU ĐẤU
++++++++++++++++++++++++++++++++
Đường lên núi Sam khi xưa chỉ là con đường mòn, nay trải đá xe hơi có thể lên được. Gần tới đỉnh cóa một ngôi chùa nhỏ thờ Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Ảnh LKT
Cây và hoa Phượng Vĩ nở đỏ ối trên đỉnh núi Sam. Ảnh LKT
Trên đỉnh, còn dấu tích một bệ đá, nơi tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam ngự, trước khi được đem về miếu. Bệ đá có chiều ngang 1,60 m; dài 0,3 m, chính giữa có lỗ vuông cạnh 0,34 m, loại trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn. Gần tháp cao của Pháo Đài, cũng là nơi Trương Gia Mô (1866-1929), một nho sĩ của phong trào Duy Tân, đã gieo mình xuống vực sâu, tự kết liễu một cuộc đời bế tắc vào một đêm cuối năm 1929. (theo Vương Kim - Đào Hưng)
Mái ngói che mưa nắng chỗ bệ đá nơi Bà Chúa Xứ ngự thiền. Ảnh LKT
Bệ đá nơi Bà Chúa Xứ ngự trên núi Sam theo truyền thuyết lịch sử Tượng của bà được dời xuống chân núi Sam lập nên chùa Bà Chúa Xứ cho đồng bào dễ đến chiêm bái thờ phượng. Ảnh LKT