VĂN HÓA ONLINE - HOÀNG SA TRƯỜNG SA - THỨ BA 16 JUNE 2020
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)
Chiến hạm Mỹ chọc thủng đội hình hộ tống, áp sát Mẫu hạm Liêu Ninh?
14/06/2020
TTO - Một sĩ quan quân đội Trung Quốc giấu tên tiết lộ tàu chiến Mỹ đã từng áp sát tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ở khoảng cách chưa đầy 100m khi nó đang hoạt động trên Biển Đông.
Mẫu hạm Liêu Ninh hải quân Trung Quốc - Ảnh: AFP
Ông Hu Bo, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược hàng hải thuộc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), đã trích lời sĩ quan giấu tên nói trên trong một bài viết trên tạp chí The Diplomat.
Theo ông này, sự cạnh tranh và nguy cơ xung đột quân sự giữa Mỹ với Trung Quốc trên Biển Đông là "rất thật và nghiêm trọng". Tần suất các cuộc chạm trán giữa tàu chiến hai nước ngày càng tăng trong những năm gần đây nhưng theo ông Hu Bo, "phần lớn đều an toàn và chuyên nghiệp".
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi mọi chuyện. Vị chuyên gia Trung Quốc lập luận rằng dịch bệnh đã khiến quân đội hai nước trở nên nhạy cảm hơn tại Biển Đông, trong bối cảnh quan hệ song phương gặp nhiều sóng gió.
Từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 rồi, Hải quân Mỹ đã phái một số tàu chiến bao gồm tàu đổ bộ tấn công USS America và tàu chiến đấu ven bờ đến khu vực tàu khoan dầu West Capella bị nhóm tàu Hải dương 8 quấy rối ngoài khơi Malaysia.
Hu Bo khẳng định hải quân Trung Quốc khi đó cũng đã đáp trả bằng việc triển khai số lượng tàu tương đương. Cuộc đối đầu giữa hai bên đã thu hút sự chú ý rộng rãi của truyền thông.
"Một trường hợp ít công khai hơn nhưng nguy hiểm hơn là việc các tàu chiến và máy bay Mỹ do thám đội tàu sân bay Liêu Ninh khi nó di chuyển trên Biển Đông.
Một sĩ quan hải quân Trung Quốc giấu tên đã tiết lộ rằng cuộc đối đầu căng thẳng tới mức tàu chiến Mỹ đã áp sát tàu sân bay Trung Quốc ở khoảng cách chưa đầy 100m", ông này viết nhưng không nói rõ thời gian xảy ra sự việc.
Chiến hạm USS Gabrielle Giffords của Hải quân Mỹ đi gần tàu khoan West Capella của Malaysia bị tàu Trung Quốc quấy rối trên Biển Đông - Ảnh: US NAVY
Hồi tháng 5 rồi, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ Reed Werner cáo buộc Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông.
Theo ông Werner, tàu chiến Trung Quốc đã có các hành động "thiếu chuyên nghiệp và không an toàn" đối với tàu chiến Mỹ ít nhất 9 lần kể từ giữa tháng 3-2020. Một tàu hộ tống tàu Liêu Ninh đã áp sát tàu khu trục USS Mustin khi nó đến Biển Đông hồi tháng 4.
Câu chuyện của ông Hu Bo khiến một số người hoài nghi. Giới quan sát quân sự cho rằng vị chuyên gia Trung Quốc muốn mô tả Mỹ như một kẻ gây hấn khi nhắc tới sự kiện.
Song ông này lại quên rằng điều đó chẳng khác nào thừa nhận đội tàu hộ tống sân bay của Trung Quốc tệ hại đến nỗi để cho một tàu chiến nước ngoài áp sát tàu sân bay ở khoảng cách gần như thế./
++++++++++++++++++++++++++++++++
TQ phản ứng trước ba nhóm mẫu hạm Mỹ
BBC 15/6/ 2020
Bản quyền hình ảnh CVN 76 Image caption Toàn cảnh hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan
Hôm thứ Năm tuần trước, ba mẫu hạm sử dụng năng lượng hạt nhân cùng nhóm các tàu tuần dương hạm và khu trục hạm hộ tống đã đi vào vùng biển được đánh giá là nhạy cảm chiến lược đối với Trung Quốc đại lục.
Các tàu USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt đang tuần tra ở vùng Tây Thái Bình Dương, còn tàu USS Nimitz hoạt động ở vùng phía Đông, theo nội dung thông cáo báo chí của Hải quân Hoa Kỳ.
Ngay lập tức, Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ.
Truyền thông Trung Quốc nói nước này sẽ không lui bước trong việc bảo vệ các lợi ích của mình ở khu vực.
Hoàn cầu Thời báo hôm Chủ Nhật 14/6/2020 nói việc Mỹ triển khai ba cụm tàu hùng hậu vào vùng biển gần Trung Quốc được hiểu theo nghĩa nhằm đưa ra lời cảnh cáo cho Trung Quốc.
Bản quyền hình ảnh USS Theodore Roosevelt Image caption USS Theodore Roosevelt
Báo này dẫn lời các chuyên gia quân sự, theo đó đánh giá rằng điều này cho thấy Mỹ đang thể hiện ý định giành quyền bá chủ về chính trị trong khu vực, và rằng Trung Quốc có thể sẽ ứng phó bằng việc tổ chức tập trận cũng như thể hiện khả năng và lòng quyết tâm trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Dịch chuyển trên cho thấy Hoa Kỳ "có thể vào Biển Hoa Nam (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) và đe dọa quân lính Trung Quốc trên các quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa, theo cách gọi của Việt Nam)", Hoàn cầu Thời báo dẫn lời Lý Kiệt (Li Jie), chuyên gia hải quân từ Bắc Kinh, nói.
Hiện Hoa Kỳ để tổng số bảy hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương. Bốn chiếc khác đang nằm cảng để bảo dưỡng, theo tường thuật của CNN.
Việc triển khai tàu diễn ra vào thời điểm đang có căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh quanh chuyện quan hệ thương mại song phương và các vấn đề liên quan đến Biển Đông, Đài Loan và Hong Kong.
Hồi tuần trước, một trực thăng vận tải của Hải quân Hoa Kỳ bay qua bầu trời Đài Loan tới Thái Lan, thực hiện một chuyến bay mà Mỹ gọi là phục vụ hậu cần.
Bắc Kinh gọi chuyến bay đó là "hành động bất hợp pháp và khiêu khích nghiêm trọng", theo Tân Hoa Xã.
"Việc bay qua không phận đó làm xói mòn chủ quyền, an ninh và các quyền lợi của Trung Quốc, và vi phạm luật quốc tế cùng các quy tắc căn bản trong quan hệ quốc tế," Tân Hoa Xã dẫn lời Chu Phượng Liên (Zhu Fenglian), phát ngôn viên phụ trách vấn đề Đài Loan của Quốc Vụ viện Trung Quốc.
Các lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc trong năm nay cũng đã nhiều lần tìm cách xua các tàu chiến Hoa Kỳ ra khỏi vùng biển quanh Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong hoạt động mà Mỹ nói là "thực thi quyền tự do đi lại trên biển" nhưng Bắc Kinh nói là "tiến vào trái phép vùng lãnh hải của Trung Quốc".