Tàu ngầm Đài Loan tập trận ở đảo Ba Bình; Philippines tái tục tiếp tế cho bãi Cỏ Mây

25 Tháng Mười Một 20212:05 CH(Xem: 5003)

VĂN HÓA ONLINE – HOÀNG SA TRƯỜNG SA - THỨ NĂM 25 NOV 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com

image030

Tàu ngầm Đài Loan tập trận ở đảo Ba Bình; Philippines tái tục tiếp tế cho bãi Cỏ Mây


18/11/2021


image031TPO - Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết một tàu ngầm Hai Lung-Đài Loan đã tham gia tập trận hải quân ở đảo Ba Bình. Việt Nam vừa tuyên bố kiên quyết phản đối hành động trên.


Ngày 9/11/2021, báo cáo của Cơ quan phòng vệ Đài Loan (Taiwan) nói rằng lực lượng bảo vệ bờ biển của họ đã đưa tàu ra tuần tra gần các đảo và tàu ngầm Hai Lung tham gia cuộc tập trận gần đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa.


Lâu nay, Trung cộng thường tuyên bố rằng quần đảo Senkaku của Nhật ở biển Hoa Đông và quần đảo Trường Sa ở Biển Đông thuộc về mình, (theo Gs GS Hideshi Tokuchi)


Dù không tiết lộ cụ thể thời điểm và hoạt động của tàu Hai Lung gần đảo Ba Bình, nhưng báo cáo của Đài Loan nói rằng trong thời bình, tàu ngầm này được sử dụng để bảo vệ các tuyến đường biển, còn trong thời chiến có thể được huy động để tấn công mục tiêu và thả mìn.


Tàu Hai Lung được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 21 inch, có thể phóng tên lửa Harpoon để tiêu diệt mục tiêu trên mặt biển và dưới nước.


Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 18/11/2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin trên, bà Hằng tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.


Mọi hoạt động tuần tra và diễn tập quân sự của Đài Loan tại vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đe doạ hoà bình, ổn định, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình Biển Đông, bà Hằng nói.


Cũng trong ngày 18/11/2021, Bộ ngoại giao Philippines lên tiếng chỉ trích việc 3 tàu hải cảnh Trung Quốc đã chặn và phun vòi rồng vào 2 tàu tiếp tế lương thực cho lực lượng đồn trú của Philippines tại bãi Cỏ Mây.


Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin này, bà Hằng cho biết, lập trường của Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa và vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Việt Nam đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 trong mọi hoạt động trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển. (theo BÌNH GIANG/TPO)


Philippines tái tục tiếp tế cho bãi Cỏ Mây


23/11/2021


Reuters


image033Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana.


Bộ trưởng Quốc phòng Philippines ngày 21/11 nói nhiệm vụ tiếp tế cho binh sĩ nước này trú đóng trên một đảo san hô hình vòng cung tại Biển Đông sẽ tái tục trong tuần này sau khi phải hủy bỏ trong tuần trước vì bị tuần duyên Trung Quốc ngăn chặn.


Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana nói ông đã chỉ thị cho quân đội gởi trở lại tàu tiếp tế đến Bãi Cỏ Mây, và lần này Trung Quốc “sẽ không can thiệp”.


Vào ngày 18/11, Philippines lên án “với lời lẽ mạnh mẽ nhất” hành động của ba tàu tuần duyên Trung Quốc mà Philippines nói là đã ngăn chận và dùng súng phun nước vào tàu tiếp tế tiến về phía Bãi Cỏ Mây mà tên địa phương là Bãi cạn Ayungin.


Mỹ gọi hành động của Trung Quốc là “nguy hiểm, khiêu khích và không biện minh được,” và cảnh báo là một cuộc tấn công vũ trang vào tàu Philippines sẽ làm cho cam kết quốc phòng hỗ tương của Mỹ được áp dụng.


“Trung Quốc sẽ không can thiệp trong cuộc nói chuyện của tôi với đại sứ Trung Quốc(Huang Xilian)," ông Lorenzana nói.


Ông Lorenzana nói ông và ông Huang đã thảo luận “kể từ đêm 16 khi vụ này xảy ra cho đến hôm qua 20/11.”


Tòa đại sứ Trung Quốc tại Manila không đáp ứng ngay yêu cầu bình luận của Reuters.


Sẽ không có hải quân hay tàu tuần duyên hộ tống các tàu tiếp tế Philippines khi các tàu này trở lại Bãi Cỏ Mây, ông Lorenzala nói.


Trong khi đó, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy miền Tây của quân đội Philippines, Phó Đô đốc Ramil Roberto Enriquez nói con số các tàu tuần duyên Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây đã giảm xuống còn hai chiếc vào tối ngày 20/11 từ ba chiếc vào ngày 16/11.


Ông nói các tàu của dân quân trên biển của Trung Quốc cũng đã rời Bãi cạn. Trung Quốc phủ nhận việc điều động dân quân.


Manila bác yêu cầu của Bắc Kinh đòi Philippines dời tàu chủ quyền ở bãi Cỏ Mây


RFI 25/11/2021


image035Con tàu rỉ sét BRP Sierra Madre của Philippines không phải bị mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây mà do quân đội Philippines cố tình kéo nó ủi vào bãi Cỏ Mây để xác định chủ quyền bãi cạn nửa chìm nửa nổi này thuộc vùng EEZ của Philippines. Ảnh chụp ngày 30/03/2014. © REUTERS/Erik De Castro/File Photo


Trọng Nghĩa


Philippines sẽ không di dời một chiến hạm rỉ sét mà họ đã cố tình cho mắc cạn trước đây tại Bãi Cỏ Mây, trong vùng quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana đã tuyên bố như trên vào hôm nay 25/11/2021, mặc nhiên bác bỏ yêu cầu của Bắc Kinh sau khi Trung Quốc ngăn chặn một chiến dịch tiếp tế cho nhóm lính Philippines đồn trú trên con tàu. 


Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu với báo chí, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines đã phản bác lời khẳng định của Trung Quốc vào hôm qua, 24/11, theo đó Manila đã cam kết di dời chiếc tàu BRP Sierra Madre, đã được cố ý cho mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây (tên Philippines là Ayungin, tên quốc tế là Second Thomas Shoal) vào năm 1999 để củng cố tuyên bố chủ quyền của Manila ở Trường Sa. 


Chiếc tàu đổ bộ này dài khoảng 100 mét đã được Hải Quân Mỹ sử dụng trong Thế Chiến Thứ Hai, trước khi được bàn giao cho Hải Quân Philippines. 


Theo ông Lorenzana: “Con tàu đó đã nằm ở đó từ năm 1999. Nếu có cam kết thì nó đã bị dỡ bỏ từ lâu rồi”. Vào hôm qua (24/11), phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã khẳng định rằng Bắc Kinh “yêu cầu phía Philippines tôn trọng cam kết và di dời chiếc tàu đổ bộ trái phép của họ”. 


Bãi Cỏ Mây nằm cách Palawan 105 hải lý hiện do Philippines kiểm soát thông qua một toán lính nhỏ trú ngụ trên con tàu đã rỉ sét. 


Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines một lần nữa tố cáo việc Hải Cảnh Trung Quốc ngăn chặn Manila tiếp tế cho đơn vị trên Bãi Cỏ Mây, một thực thể “thuộc chủ quyền” của Philippines, trái với luận điệu của Bắc Kinh theo đó thực thể này nằm trong vùng biển của Trung Quốc. Đó cũng là điều mà phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc lại nêu lên hôm 19/11 vừa qua khi tố cáo tàu tiếp tế của Philippines đã “xâm phạm vùng biển” của Trung Quốc khi tiếp cận Bãi Cỏ Mây. 


Hôm Thứ Hai 22/11 vừa qua, chính Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã cho biết tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng chủ trì rằng ông “phản đối” các hành động gần đây của Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây.