VĂN HÓA ONLINE – HOÀNG SA – TRƯỜNG SA – THỨ NĂM 25 MAY 2023
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com
Hạ Long: Trung Quốc, Việt Nam, Philippines làm việc về COC (*)
RFA
18/5/2023
Nhóm công tác chung giữa Việt Nam và Philippines về các vấn biển và đại dương lần thứ 10 gặp nhau tại Hạ Long. Báo Nhân dân
Việt Nam và Philippines đã đồng ý tăng cường phối hợp trong việc giải quyết các vấn đề trên biển; đặc biệt làm việc về Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC)
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết như vừa nêu vào ngày 17/5 theo đó cả hai phía thống nhất tìm kiếm phạm vi hợp tác rộng lớn nhằm tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Hà Nội và Manila.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines nêu rõ “Hai nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hành động đơn phương gây hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực. Cả hai cam kết làm việc cùng nhau để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; cũng như tăng cường các biện pháp xây dựng niềm tin giữa các cơ quan liên quan của hai phía.”
Thông cáo của Philippines được đưa ra sau hai ngày họp 15 và 16/5 tại Hạ Long của Nhóm làm việc Thường trực Chung Vietnam- Philippines về Quan tâm Biển, Đại dương.
Trong diễn biến liên quan, kỳ xem xét lần hai bản thảo Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) sẽ được hoàn tất trong năm nay. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết như vừa nêu vào ngày 18/5/2023 và mạng báo South China Morning Post loan đi ngày 18/5.
Đây là thống nhất đạt được tại cuộc họp tại Hạ Long trong tuần này giữa các viên chức Trung Quốc và Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN).
Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) lẽ ra đã có hiệu lực thi hành từ năm ngoái; tuy nhiên vẫn bị trì hoãn do bất đồng giữa Trung Quốc và các bên liên quan trong tranh chấp tại khu vực biển với 30% lượng hàng hóa quốc tế được thông thương hằng năm. Đây cũng là khu vực giàu tài nguyên hải sản, dầu khí.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này với đường đứt khúc chín đoạn do Bắc Kinh tự vạch ra.
Vào tháng 7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) quốc tế ở La Haye tuyên bố đường đó không có căn cứ cả về pháp lý lẫn lịch sử; tuy nhiên Bắc Kinh không tham gia vụ kiện và cho rằng phán quyết vô hiệu, không tuân thủ.
(*) Tựa của VHO