Đại sứ Đặng Đình Quý: “Cần hiểu rõ và thống nhất “luật chơi” chung ở biển Đông

20 Tháng Mười Một 201412:00 SA(Xem: 12956)
“NHẬTBÁO VĂNHÓA-CALIFORNIA" THỨ SÁU 21 NOV 2014

Trung Quốc sẽ lập ADIZ ở biển Đông?

Thứ tư, 19/11/2014, 10:07 (GMT+7)

(Biển Đảo) - TT - Tại hội thảo khoa học về biển Đông, các đại biểu quốc tế tiếp tục đặt ra vấn đề nóng về khả năng Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông.

image010

Máy bay Trung Quốc ngang nhiên trinh thám trái phép trong vùng không phận của Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa vào tháng 5-2014 - Ảnh: Hữu Khá

Hôm qua, trong ngày thứ hai của hội thảo với chủ đề “Biển Đông: hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”, tại Đà Nẵng, giáo sư Robert Beckman, giám đốc Trung tâm Luật quốc tế (Đại học Quốc gia Singapore), cho rằng quan ngại chính ở Đông Nam Á là sau khi tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, Trung Quốc cũng sẽ tuyên bố ADIZ ở biển Đông.

Lo ngại này có cơ sở khi căng thẳng trong tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam và Trung Quốc với Philippines ở biển Đông vẫn chưa giảm.

Căng thẳng không giảm

Theo giáo sư Beckman, các bài phát biểu của giới quan chức và các nhà bình luận Trung Quốc gần đây ám chỉ Trung Quốc có thể tuyên bố ADIZ ở biển Đông vào thời điểm thích hợp trong tương lai.

Nếu như vậy, câu hỏi là ở đâu? Trung Quốc có căn cứ hải quân chính ở đảo Hải Nam và các điểm hỗ trợ dọc bờ biển nam tỉnh Quảng Đông.

“Trung Quốc có cách lý giải về lợi ích an ninh quốc gia để tuyên bố ADIZ ở bờ biển phía nam kéo dài khoảng 100 hải lý từ đường cơ sở ở vịnh Bắc bộ. Nếu như ADIZ được mở rộng hơn về phía nam khoảng 150 hải lý hoặc hơn, nó sẽ bao gồm các đảo thuộc Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Nếu Trung Quốc tuyên bố ADIZ bao gồm Hoàng Sa thì hành động này sẽ lại gây căng thẳng cho quan hệ hai nước” – giáo sư Beckman bình luận.

Giáo sư Beckman đánh giá “bất cứ tuyên bố ADIZ nào bao gồm các đảo của quốc gia khác sẽ chắc chắn gây ra quan ngại trong các quốc gia ASEAN, được cho là hành động hiếu chiến và khiêu khích của Trung Quốc”.

Cũng theo ông, tuyên bố ADIZ nằm sâu trong biển Đông sẽ bị Mỹ và các nước khác ngoài khu vực phản đối. “Các quốc gia này sẽ xem việc thiết lập ADIZ là đe dọa đến tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông” – giáo sư Beckman nói.

Cùng quan điểm với giáo sư Beckman, các học giả tham dự hội thảo cũng đặc biệt nhấn mạnh trong tình hình căng thẳng hiện nay, việc lập ADIZ để khẳng định yêu sách của mình không chỉ trái với luật pháp quốc tế hiện hành mà còn làm gia tăng nghi kỵ khiến tình hình thêm phức tạp, thậm chí có thể dẫn đến xung đột.

Trung Quốc lại nói kiểu của mình

Bà Nông Hồng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và luật biển – Viện Nghiên cứu Nam Hải (Trung Quốc), trong bài phát biểu của mình cho rằng các nước cần phải xây dựng lòng tin để giải quyết các vấn đề liên quan trên biển Đông.

Theo bà Hồng, các nước cần hợp tác đánh bắt cá chung, thiết lập vùng khai thác chung các lợi ích trên biển.

“Liệu có hi vọng nào để khai thác chung khi chưa giải quyết được các tranh chấp trên biển. Trung Quốc rất muốn thúc đẩy cách tiếp cận của Trung Quốc với luật quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, cần ngăn chặn không để chủ nghĩa dân tộc xảy ra thái quá” – bà Hồng nói.

Ngoài ra, bà Hồng cũng kêu gọi các nước cần phải hiểu hơn về Trung Quốc. Trung Quốc không chấp nhận tòa trọng tài quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines vì như thế là kẻ được người mất!

Biến bãi đá thành lãnh thổ

Vấn đề thay đổi hiện trạng trên biển cũng được các học giả dành thời gian phân tích.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, khoa luật quốc tế (Học viện Ngoại giao Việt Nam), nói dự án cải tạo đất với quy mô lớn do Trung Quốc thực hiện sẽ không giúp nước này củng cố yêu sách chủ quyền và vùng biển trong tranh chấp biển Đông, xét theo quy định điều 121 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Cùng quan điểm này, giáo sư James Charles Kraska (Đại học Hải chiến Mỹ) cho rằng dù Trung Quốc đã chiếm đóng Hoàng Sa của Việt Nam hoặc đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn” trên biển cũng không thể làm thay đổi quyền hợp pháp của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế.

Dù đưa ra yêu sách mở rộng đối với các thực thể đất hay bãi ngầm mà Trung Quốc đã xâm chiếm bằng vũ lực ở ngoài khơi Việt Nam, Trung Quốc vẫn không có danh nghĩa pháp lý về lãnh thổ hay các quyền liên quan đối với vùng đặc quyền kinh tế do các thực thể đó tạo ra.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh cũng nhấn mạnh thậm chí hành động xây dựng đơn phương với quy mô lớn trên thực thể ở Trường Sa có thể cấu thành hành động vi phạm Luật biển quốc tế.

Phạm vi của hành động vi phạm này sẽ được làm rõ hơn nếu xét trên vị trí và quy chế pháp lý của các thực thể.

“Hình ảnh và báo cáo về việc xây dựng trên biển của Trung Quốc tại năm thực thể cho thấy Trung Quốc đang sử dụng kỹ thuật nạo vét để lấy hàng triệu tấn đá, cát từ đáy đại dương và bơm lên các thực thể tạo thành đảo mới. Các hành động này phá hủy nghiêm trọng môi trường biển của biển Đông và vi phạm nghĩa vụ bảo vệ, bảo tồn môi trường biển theo quy định” – tiến sĩ Anh cho biết.

Ngoài ra, Trung Quốc tiến hành xây dựng trên biển quy mô lớn còn vi phạm thỏa thuận chung giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN được thực hiện trong Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC).

Cho tới nay DOC là văn kiện duy nhất ghi nhận những thỏa thuận chung của các bên về cách ứng xử tại biển Đông mà theo quan điểm của chính một số học giả Trung Quốc thể hiện một lời hứa nghiêm túc, thậm chí còn có thể được coi là nghĩa vụ mang tính điều ước.

Đại sứ ĐẶNG ĐÌNH QUÝ (giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, phát biểu bế mạc hội thảo): “Cần hiểu rõ và thống nhất “luật chơi” chung ở biển Đông. Chúng ta đều chia sẻ nhu cầu làm rõ và thúc đẩy việc tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực và luật pháp quốc tế, coi đó là “luật chơi” chung của các bên ở biển Đông. Việc tuân thủ “luật chơi chung” là thước đo mức độ thiện chí và trách nhiệm của mỗi bên với hòa bình, ổn định và an ninh chung ở biển Đông”.

(Theo Tuổi Trẻ)