"Át chủ bài” cuối cùng của Mỹ trong vấn đề Biển Đông là gì?

11 Tháng Sáu 201511:22 CH(Xem: 12382)
"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ SÁU 12 JUNE 2015

Quân “át chủ bài” cuối cùng của Mỹ trong vấn đề Biển Đông là gì?

Thứ tư, 27/05/2015, 15:54 (GMT+7)

(Quốc tế) - Trong bối cảnh Mỹ đối diện với khó khăn rất lớn trong việc cân bằng lực lượng giữa các “điểm nóng” trên thế giới, Nhật Bản có thể trở thành “lời giải” của Washington ở Biển Đông.
blank
Tàu khu trục JDS Kongō (DDG-173) trang bị tên lửa dẫn đường của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF). Ảnh: Wikipedia

Nhằm đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ về quân sự và kinh tế của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chuyển hướng từ chiến lược ưu tiên Trung Đông sang chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương”.

Tờ Nihon Keizai Shimbun (Nikkei) của Nhật Bản hôm 26/5 bình luận, chiến lược “xoay trục sang châu Á” của ông Obama về cơ bản là sự phủ nhận đối với chính sách ngoại giao của chính quyền cựu Tổng thống George Bush.

Theo Nikkei, khi Tổng thống Obama xoay chuyển tầm nhìn sang châu Á, thì khu vực Trung Đông – vốn được Mỹ cho là “đã ổn định” – lại trở nên hỗn loạn, điển hình là sự nổi lên của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Điều này có khả năng đe dọa và khiến chiến lược “xoay trục châu Á” của Obama tan vỡ. Nikkei nhận định, trong bối cảnh như vậy, quốc gia then chốt quyết định hướng đi của cục diện châu Á-Thái Bình Dương chính là Nhật Bản.

“Vấn đề Biển Đông chính là ‘đá thử vàng’ tốt nhất đối với quan hệ Nhật-Mỹ” – Nikkei bình luận.

Nihon Keizai Shimbun Là một trong những tờ báo có sức ảnh hưởng lớn tại Nhật Bản. Báo thành lập ngày 2/12/1876 và hiện là báo chuyên đề tài chính có lượng phát hành lớn nhất thế giới.

Nikkei cho hay, trong khi Mỹ sa lầy tại các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq hồi năm 2001, 2003 thì “sư tử ngủ say ở phương Đông” là Trung Quốc được tự do tung hoành tại châu Á để tăng cường sức mạnh cả về quân sự, kinh tế mà không vấp phải trở ngại nào.

Đến năm 2014, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã gấp 10 lần con số nêu ra trong “Phương châm hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ” năm 1997. Con số này tương đương với 1/4 ngân sách quốc phòng của Mỹ và gấp 2.7 lần ngân sách quốc phòng dự toán của Nhật Bản.

Tuy nhiên, Nikkei cho rằng tính minh bạch trong các báo cáo về ngân sách của Trung Quốc là không cao, cho nên tình hình cụ thể vẫn còn phải đợi quan sát thực tế.

Mặt khác, cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq đã khiến Mỹ bị tiêu hao lớn các nguồn lực quốc gia, và sau đó là cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới khiến nền kinh tế Mỹ suy thoái nặng nề.

Đặc biệt trong vấn đề chi tiêu quốc phòng, Nikkei đánh giá Washington “có lòng mà không có sức”.

Đồng thời, do ảnh hưởng của vấn đề hạt nhân Iran, nhiều quốc gia thân Mỹ như Ả Rập Saudi hay Ai Cập đã bắt đầu chuyển sang có thái độ xa rời hay chống Mỹ. Thái độ lạnh nhạt với Mỹ cũng lan truyền tới châu Âu, xuất phát từ cuộc khủng hoảng Ukraine.

Việc Mỹ liên tục áp đặt cũng như yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) cùng áp đặt trừng phạt Nga đã khiến các nước châu Âu bị tổn hại nặng nề về kinh tế. Châu Âu không khó nhận ra điều này, và Đức, Pháp đã làm “đầu tàu” để cải thiện quan hệ với Nga.

Nikkei đánh giá, Mỹ đang đứng trước nguy cơ không nhỏ. Nếu Obama không trở lại Trung Đông thì có thể quân đội Mỹ sẽ “mất trắng” thành quả trong quá khứ tại đây.

Nhưng một khi Mỹ sa lầy trở lại Trung Đông thì châu Á – cũng như trong quá khứ – lại trở thành cứ điểm để Trung Quốc “mặc sức tung hoành”, khiến Obama rơi vào sai lầm của chính quyền người tiền nhiệm George Bush.

“‘Bất chiến tự nhiên thành’ chính là viễn cảnh mà Bắc Kinh hy vọng đạt được trong cuộc chơi với Mỹ.” – Nikkei nhận xét.

Trước việc Trung Quốc đẩy mạnh lấp biển, xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, thậm chí thúc đẩy xây dựng các cứ điểm quân sự tại đây, Lầu Năm Góc đã tuyên bố sẽ đưa máy bay và tàu chiến vào tuần tra tại hải vực 12 hải lý của các đảo, đá mà Bắc Kinh chiếm cứ phi pháp.

Cựu giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ (CIA) Michael Morell đã nhận định, nếu quan hệ Trung-Mỹ tiếp tục duy trì trạng thái căng thẳng trên Biển Đông thì song phương có thể đi tới xung đột.

Nhật Bản là “cứu cánh” cuối cùng của Mỹ trên Biển Đông?

Tuy vậy, Nikkei chỉ ra, thời điểm hiện tại quân đội Mỹ “không hề đơn độc”. “Mỹ còn một quân ‘át chủ bài’ cuối cùng – đó là Nhật Bản” – Nikkei cho biết.

Mới đây, Tokyo và Washington đã tăng cường các thỏa thuận về thực thi bảo vệ an ninh trên phạm vi toàn cầu, nhằm bảo đảm Mỹ có được sự hỗ trợ từ Nhật Bản trong các tình huống khó khăn.

Bản định hướng hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật sửa đổi công bố ngày 27/4/15 vừa qua có rất nhiều nội dung quan trọng.

Trong đó có việc Nhật Bản sẵn sàng thực thi quyền phòng thủ tập thể, cho đến mở rộng lĩnh vực hợp tác trong đó nhấn mạnh hai lĩnh vực mới là không gian vũ trụ và không gian mạng, đến việc phối hợp hành động.

Các giới hạn địa lý được dỡ bỏ, cho phép liên minh Mỹ-Nhật không chỉ tập trung vào việc bảo đảm quốc phòng và an ninh cho Nhật Bản cùng các khu vực phụ cận, mà mở rộng sự phối hợp an ninh, quốc phòng song phương trong cả khu vực và toàn cầu.

Nhật Bản không chỉ hỗ trợ hoạt động quân sự của Mỹ, mà còn hợp tác, phối hợp hành động cùng Mỹ trong trường hợp quốc gia thứ ba bị tấn công.

Nikkei nhận định, bối cảnh mà Mỹ-Nhật thắt chặt quan hệ hợp tác an ninh chính là khi những hành động ngang ngược và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây ra tổn hại, ở một mức độ nào đó, đối với lợi ích của cả Mỹ và Nhật ở Tây Thái Bình Dương.

Theo đó, chính nhờ Trung Quốc và vấn đề Biển Đông đang gây rắc rối cho Mỹ mà mục tiêu “quốc gia bình thường” và “cường quốc quân sự” của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang có khả năng trở thành hiện thực hơn lúc nào hết.

“Thời kỳ “thủ thế” của Tokyo đã qua đi. Với sự hỗ trợ của Mỹ, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản ngay lúc này đang sẵn sàng “tái xuất” để đối mặt với quân đội Trung Quốc.” – Nikkei cho biết.

Sách trắng quốc phòng 2015 của Trung Quốc “điểm danh” Nhật-Mỹ

Trong khi đó, sáng 26/5, quân đội Trung Quốc đã công bố Sách trắng quốc phòng thứ 9 kể từ năm 1998, thể hiện phần nào nhận thức của Trung Quốc đối với liên minh quân sự của Mỹ và Nhật Bản.

Trang Đa Chiều cho biết, Sách trắng quốc phòng 2015 của Trung Quốc đã “chỉ mặt đặt tên” mối đe dọa an ninh đối với Bắc Kinh đến từ Mỹ-Nhật, nhưng vẫn tuyên bố Trung Quốc sẽ đi theo đường lối “phòng thủ chủ động”.

Sách trắng chỉ ra, sự phát triển của Trung Quốc vẫn đang ở vào thời kỳ chiến lược quan trọng với môi trường khách quan “thuận lợi về tổng thể”, nhưng vẫn phải đối diện những đe dọa an ninh từ nhiều bên.

Bộ quốc phòng Trung Quốc khẳng định các trở ngại và thách thức mà nước này gặp phải đang dần gia tăng.

Cụ thể là Mỹ tăng cường sự hiện diện về quân sự cũng như hệ thống đồng minh trong khu vực, trong khi Nhật Bản đang tích cực tìm cách phá bỏ thể chế thời hậu Thế chiến 2 và có những điều chỉnh lớn về chính sách an ninh quân sự./

(Theo Trí Thức Trẻ)