"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ TƯ 20 JAN 2016
Bia khắc "Nghĩa Sĩ Hoàng Sa" trên đảo Lý Sơn Quảng Ngãi
(GDVN) - Khu tưởng niệm được xây để tỏ lòng thành kính, biết ơn những người con của Mẹ Việt Nam đã nằm xuống trong quá trình bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng...
Sáng 17/1, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn.
Toàn bộ khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa được đặt trên diện tích từ 1,5 – 2 ha trên đỉnh núi Thới Lới, phía Đông Bắc đảo Lý Sơn.
Phối cảnh khu tưởng niệm Hoàng Sa. Bia khắc "Tưởng niệm những người đã ngã xuống để xác lập chủ quyền và bảo vệ Hoàng sa.
Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa được xây dựng để tỏ lòng thành kính, biết ơn những người con của Mẹ Việt Nam đã nằm xuống trong quá trình hơn 400 năm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc tại quần đảo Hoàng Sa.
Khu Tưởng niệm Hoàng Sa giúp tái tạo lại một phần của bức tranh lịch sử hào hùng dựng nước, mở mang bờ cõi và giữ nước của dân tộc ta, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, góp phần giáo dục lòng yêu nước, ý chí quật cường trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc cho đông đảo người dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài.
Giới thiệu với du khách nước ngoài lịch sử hình thành và chủ quyền không thể chối cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa có hai chức năng cơ bản nhất, đó là: Tưởng niệm những người đã nằm lại Hoàng Sa trong công cuộc xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc, và chức năng giáo dục lòng yêu nước, hun đúc ý chí bất khuất bảo vệ bờ cõi cho đồng bào trong và ngoài nước, vừa giới thiệu với bạn bè nước ngoài chủ quyền không thể tranh cãi về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Biểu tượng chính của khu tưởng niệm là tượng Người Mẹ bằng đá granite, một tay giơ ngọn đèn bão lên trước ngực như thể mẹ đứng đó bất kể ngày đêm soi đèn cho những người con thấy đường về.
Một tay mẹ khum đỡ ngọn đèn nhỏ giữa gió mưa, mắt mẹ đau đáu nhìn ra khơi xa, chân mẹ bước trước bước sau thể hiện cho sự bồn chồn lo lắng và nhớ thương.
Ngọn đèn như ngọn lửa từ trái tim Mẹ mãi cháy đỏ, ngọn lửa tưởng nhớ đến những người con của mình đã hy sinh ngoài Hoàng Sa, và ngọn lửa thắp sáng niềm hy vọng đòi lại chủ quyền cho Hoàng Sa.
Biểu tượng chính của khu tưởng niệm là tượng Người Mẹ bằng đá granite, một tay giơ ngọn đèn bão lên trước ngực như thể mẹ đứng đó bất kể ngày đêm soi đèn cho những người con thấy đường về...
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết: “Người mẹ thắp lửa” đã thể hiện được ý nghĩa hướng về các bậc tiền nhân, bởi tổ tiên chúng ta đã phát hiện và xác lập chủ quyền Hoàng Sa từ thời chúa Nguyễn, đến thời thực dân Pháp, người dân Việt Nam đã ra xây dựng ngọn hải đăng, nhiều người làm việc và nằm lại ở Hoàng Sa, hình ảnh về đội hùng binh năm xưa…
Đáng chú ý, ngày 19/1/1974, 74 binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hoà đã chiến đấu và ngã xuống vùng biển Hoàng Sa trong trận hải chiến với quân Trung Quốc xâm lược. Ngoài ra nhiều ngư dân khi đi đánh bắt gặp bão gió cũng đã nằm lại Hoàng Sa...
Ở bất kỳ thời điểm nào, Hoàng Sa cũng luôn nằm trong trái tim của người dân Việt Nam. Đến nay, trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam luôn đau đáu về Hoàng Sa - một phần máu thịt của đất mẹ Việt Nam.
Tổng mặt bằng khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa gồm hai chủ thể chính cùng trên một trục chính hướng biển...
Được biết, xây dựng khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa nằm trong khuôn khổ chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” được Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động tại Đà Nẵng vào tháng 3/2014.
Hai năm qua, nhân dân trong và ngoài nước, cùng công nhân lao động, các tổ chức Công đoàn, đã tích cực ủng hộ chương trình hàng trăm tỷ đồng để chăm sóc, xây cất sửa chữa nhà cửa, tạo công ăn việc làm… cho các gia đình, thân nhân liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma- Trường Sa năm 1988, tử sĩ Hoàng Sa năm 1974, các trường hợp ngư dân gặp khó khăn…
Đặc biệt tháng 5/2014, trong gần một tháng Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào biển Đông, Chương trình Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa cũng đã tổ chức hỗ trợ, động viên tinh thần, vật chất cùng lực lượng Cảnh sát biển, kiểm ngư… hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước.
Tháng 3/2015, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã khởi công xây dựng Khu tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma- Trường Sa năm 1988, tại bán đảo Cam Ranh tỉnh Khánh Hoà.
THÙY LINH 17/01/16 16:30
++++++++++++++++++++++++++++++++++
Ý KIẾN:
Chiến sĩ, Liệt sĩ, Tử sĩ đều là Nghĩa sĩ Việt Nam
Một biểu hiện mới về ngôn ngữ đã diễn ra tại đảo Lý Sơn. Sáng 17/1/2016, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (một bộ phận của đảng CSVN của chính phủ) đã cho khắc trên bia đá lớn hàng chữ: "Tưởng niệm những người đã ngã xuống xác lập chủ quyền và bảo vệ Hoàng Sa".
Thắc mắc: Những người nào?
Tại sao hàng chữ này không được viết: "Tưởng niệm những Chiến sĩ VNCH đã ngã xuống xác lập chủ quyền và bảo vệ Hoàng Sa". Vì Ngôn ngữ vẫn còn bất đồng.
Nếu ở hải ngoại, đến một lúc nào đó, lập đài tưởng niệm Gạc Ma viết: ""Tưởng niệm những Liệt sĩ VNDCCH đã ngã xuống xác lập chủ quyền và bảo vệ Trường Sa". Ngôn ngữ có bất đồng không?
Báo Giáo Dục loan tin Khu tưởng niệm xây dựng trên đảo Lý Sơn đã viết 4 chữ: "Nghĩa sĩ Hoàng Sa", bốn chữ này quá đúng, quá hay, quá hợp với những người Việt Nam yêu nước "thơ ngây", vì nó đã vượt qua chữ nghĩa của hàng rào lằn ranh quốc cộng, vượt qua từ ngữ Chiến sĩ, Liệt sĩ vốn đã bị giới hạn không gian trong cuộc "nội chiến" huynh đệ tương tàn. Song 4 chữ này mới chỉ được viết trên thông tin giấy má chứ chưa khắc trên bia đá ngàn năm!
Nếu ở hải ngoại, đến một lúc nào đó, lập đài tưởng niệm khắc hàng chữ "Liệt sĩ Gạc Ma". Thì đã sao?
Nói cho cùng, Chiến sĩ hay Liệt sĩ đều là người Lính Việt Nam đã hy sinh cho lý tưởng - để trở thành Tử sĩ Vị Quốc Vong Thân cho quê hương Việt Nam./ (VH)