"Cánh hồng lục địa" hạ cánh xuống "đá" Su Bi và Vành Khăn sau phán quyết PCA

21 Tháng Bảy 20169:35 CH(Xem: 10010)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  SÁU 22  JULY 2016


"Cánh hồng lục địa" hạ cánh xuống "đá" Su Bi và Vành Khăn sau phán quyết PCA


Trung Quốc thúc đẩy du lịch đến Biển Đông


image042

Máy bay hãng hàng không Hainan Airlines, ngày 13/07/2016 hạ cánh xuống sân bay mà Trung Quốc vừa xây dựng trên bãi đá Subi trong quần đảo Trường Sa.REUTERS/Stringer


Trong vòng 5 năm tới, sẽ có đến 8 chiếc tàu của Trung Quốc đưa du khách đến Biển Đông, trng khi đó, Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy du lịch đến những khu vực đang tranh chấp tại vùng biển này.


Nhật báo chính thức Trung Quốc bằng Anh ngữ China Daily hôm nay, 21/07/2016, cho biết công ty Phát triển Du lịch Quốc tế Tam Á sẽ mua từ 5 đến 8 chiếc tàu. Tam Á là công ty liên doanh giữa Tập đoàn vận tải biển Trung Quốc (COSCO), Tập đoàn dịch vụ du lịch quốc gia Trung Quốc và Tập đoàn xây dựng truyền thông Trung Quốc.


Các tàu du lịch của công ty Tam Á dự trù sẽ đưa khách đến nhóm đảo Lưỡi Liềm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam vào năm 1974. Hiện giờ công ty Tam Á đã sử dụng một tàu mang trên “Dream of South China Sea”  và sẽ thêm 2 tàu du lịch vào mùa hè tới. Theo tờ China Daily, các khách sạn, biệt thự và cửa hàng sẽ được xây dựng trên nhóm đảo Lưỡi Liềm.


Công ty Tam Á còn dự trù một chuyến du lịch vòng quanh Biển Đông “vào một thời điểm thích hợp”. Ngoài ra, họ cũng sẽ xây các 4 cảng để tàu du lịch neo đậu ở Tam Á, thành phố nghỉ mát ở miền Nam đảo Hải Nam của Trung Quốc.


Ngay từ năm 2013, Trung Quốc đã bắt đầu đưa du khách đến tham quan quần đảo Hoàng Sa. Vào tháng trước, báo chí Trung Quốc loan tin nước này sẽ mở các chuyến du lịch đầu tiên tới quần đảo Trường Sa trước năm 2020. Bắc Kinh cũng đã từng tuyên bố muốn xây dựng các khu nghỉ dưỡng kiểu Maldives ở vùng Biển Đông./


Thanh Phương RFI 21-07-2016


Trung Quốc tuyên bố tiếp tục xây dựng ở Trường Sa



image044

Nhân viên hàng không Trung Quốc trên phi đạo vừa được xây dựng trên Đá Vành Khăn, Trường Sa. REUTERS/Stringer/File Photo


Bắc Kinh sẽ « không bao giờ » ngưng xây dựng tại Biển Đông. Đó là tuyên bố của Ngô Thắng Lợi (Wu Shengli), tư lệnh hải quân Trung Quốc, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye cho rằng việc này là bất hợp pháp.


Tân Hoa Xã ngày hôm 19/07/ đưa tin, trong cuộc gặp tư lệnh hải quân Mỹ, đô đốc John Richardson, tại Bắc Kinh vào hôm qua, tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi đã tuyên bố : « Chúng tôi sẽ không bao giờ ngưng việc xây dựng tại Nam Sa nửa chừng. Quần đảo Nam Sa là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, nhu cầu xây dựng của chúng tôi là hợp lý và hợp pháp ».


Nam Sa là tên Trung Quốc tự đặt cho quần đảo Trường Sa, nơi Bắc Kinh đang hối hả đào đắp các rạn san hô thành những đảo nhân tạo, với các cơ sở hạ tầng có thể dùng cho mục đích quân sự kể cả phi đạo.


Lời tuyên bố trái chiều này được đưa ra trong lúc Trung Quốc tiến hành tập trận tại Biển Đông, và căng thẳng ngoại giao vẫn đang tăng lên.


Tuần trước Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) ở La Haye đã ra phán quyết, khẳng định yêu sách « đường lưỡi bò » 9 đoạn do Trung Quốc tự vạch ra vào thập niên 40 bao trùm lên hầu như toàn bộ Biển Đông, là không có cơ sở pháp lý.


Tòa án cũng cho rằng việc Trung Quốc xây dựng trên Đá Vành Khăn (Mischief Reef) là vi phạm các quyền của Philippines về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Manila hoan nghênh phán quyết của tòa án, nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ, cho rằng đó chỉ là « một mảnh giấy lộn ».


Ông Ngô Thắng Lợi nói thêm, Bắc Kinh không thể chấp nhận bị đe dọa, và theo ông, « bất kỳ nỗ lực nào nhằm buộc Trung Quốc phải quy hàng thông qua việc phô diễn sức mạnh quân sự chỉ phản tác dụng ».


Mặc cho Trung Quốc phản đối, Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã có tiếng nói mạnh mẽ về vấn đề này trong hội nghị thượng đỉnh ASEM cuối tuần qua. Chủ tịch Donald Tusk nói với báo chí, Liên Hiệp Châu Âu « sẽ tiếp tục đòi hỏi phải tôn trọng luật pháp quốc tế », và ông « hoàn toàn tin tưởng » vào PCA cũng như các phán quyết của tòa.


Trung Quốc gây áp lực lên các nước ASEAN để khối này không thể ra được thông cáo chung về phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và các nước khác đòi hỏi Bắc Kinh nghiêm chỉnh, tôn trọng phán quyết của tòa quốc tế./


Thụy My RFI 19-07-2016

09 Tháng Mười Một 2020(Xem: 5934)