Tàu khu trục Mỹ USS Mustin tới Cam Ranh

15 Tháng Mười Hai 20166:20 CH(Xem: 11611)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  SÁU  16   DEC  2016


Tàu khu trục Mỹ USS Mustin tới Cam Ranh


image035

Image copyright Thanh Niên Image caption Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin


Theo thông cáo của Đại Sứ quán Mỹ tại Hà Nội, ngày 15/12, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin (DDG 89) lớp Arleigh Burke đã tới Cảng Quốc tế Cam Ranh trong một điểm dừng kỹ thuật thường lệ.


"Thủy thủ đoàn của tàu Mustin rất vui mừng đóng góp cho quan hệ đối tác của chúng tôi với Việt Nam và hiểu biết về tầm quan trọng của mối quan hệ đối với lợi ích của cả hai bên trong hòa bình, ổn định và gắn với một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Và tất nhiên, chúng tôi nóng lòng được trải nghiệm lòng hiếu khách nổi tiếng của Việt Nam và khám phá thành phố Nha Trang tuyệt vời", Trung tá Thane Clare, sĩ quan chỉ huy tàu USS Mustin, nói.


Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius nói trong thông cáo: "Lần dừng chân của tàu USS Mustin tại Cảng Quốc tế Cam Ranh là một ví dụ về sự sâu sắc của quan hệ đối tác toàn diện của chúng ta và tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ dân sự và quân sự của chúng ta".


Tàu USS Mustin và Hạm đội thứ 7 của Hải quân Hoa Kỳ


Thông cáo cho biết tàu USS Mustin đang trên đường tuần tra từ Yokosuka, Nhật Bản, có thủy thủ đoàn gần 300 người và hoạt động thường kỳ trên khắp khu vực Ấn Độ - châu Á - Thái Bình Dương.


Theo US Carriers, USS Mustin (DDG 89) là chiếc tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường thứ 39 của Hoa Kỳ và được đặt tên theo dòng họ Mustin, một gia đình đã cống hiến gần nửa thế kỷ cho ngành Hải quân Hoa Kỳ. Chiếc tầu được bắt đầu xây dựng tháng 11/1999 và khánh thành tháng 12 năm đó.


Hôm 26/11, tàu USS Mustin rời cảng đỗ bắt đầu chuyến tuần tra trong Vùng Trách nhiệm của Hạm đội Hoa kỳ thứ 7 (7th Fleet Area of Responsibility). Tầu cập cảng Yokosuka để nhập vũ khí ngày 26 và 27 tháng 11.


Theo America Navy, Hạm đội Hoa Kỳ thứ 7 có đội tầu và máy bay lớn nhất của Hải quân Hoa Kỳ. Trong bất kỳ thời điểm nào, có chừng 70-80 tàu thủy và tàu ngầm, 140 máy bay và khoảng 40.000 thủy thủ và lính hải quân trong khu vực.


Hạm đội này duy trì sự hiện diện liên tục ở khu vực châu Á- Ấn độ Thái Bình Dương từ khi được thành lập ở Úc năm 1943, mang lại ổn định và anh ninh cho khu vực, thiết lập mối quan hệ đồng minh chủ chốt và phát triển các quan hệ đối tác hàng hải.


Hạm đội thứ 7 sử dụng các tàu được triển khai trước từ Nhật Bản, Singapore, đảo Guam và các nơi khác cũng như các tầu được triển khai hoán đổi từ bờ Tây Hoa Kỳ để thực hiện các hoạt động từ các trận đánh lớn đến hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.


image037


Image copyright Reuters Image caption Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam


Cải thiện quan hệ quân sự Mỹ-Việt


Quan hệ Mỹ-Việt đã có nhiều cải thiện từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995.


Về mặt quân sự, hồi tháng 5/2016, Washington dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khi sát thương cho Việt Nam. Hai bên cũng có những thỏa thuận hợp tác quân sự và tập trận chung.


Hồi đầu tháng 10, hai tàu hải quân Mỹ là tàu khu trục lớp Arleigh Burke mang tên USS John S. McCain và tàu hộ tống tàu ngầm lớp Emory S. Land - USS Frank Cable, đã có chuyến thăm ngắn tới cảng Cam Ranh, lần đầu tiên từ năm 1975.


Thông cáo của Đại Sứ quán Hoa Kỳ nói việc tàu USS Mustin "thể hiện mối liên hệ mạnh mẽ về lịch sử, cộng đồng và quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ".


Trong những năm qua, Việt Nam đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, và dựa vào đồng minh cũ trong thời chiến tranh lạnh là Nga để mua tàu ngầm, máy bay chiến đấu và các hệ thống tên lửa tiên tiến.


Sau khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khi sát thương cho Việt Nam, các nhà sản xuất vũ khí Hoa Kỳ mong mỏi tiếp cận thị trường Việt Nam nhưng những chuyên gia an ninh khu vực cho rằng Hà Nội sẽ chỉ dần dần giảm sự phụ thuộc vào Moscow.


Giá thành tương đối cao của vũ khí Mỹ là một yếu tố nhưng các chuyên gia cho rằng Việt Nam trước tiên muốn cải thiện các thiết bị giám sát và thông tin để có thể theo dõi Trung Quốc tốt hơn. / (theo BBC 15/12/16)