VĂN HÓA ONLINE - HOÀNG SA TRƯỜNG SA THỨ HAI 29 MAY 2017
VN-Indonesia 'tiếp cận ngoại giao' vụ đụng độ trên biển
Bản quyền hình ảnh Jakarta Post Image caption Báo Indonesia cáo buộc tàu Cảnh sát biển Việt Nam 8005 đâm chìm tàu cá Việt Nam đang bị nhà chức trách Indonesia lai dắt về căn cứ
Tin tức nói giới chức Indonesia và Việt Nam nhất trí dùng cách tiếp cận ngoại giao nhằm giải quyết vụ đụng độ trên biển.
Vụ xung đột xảy ra giữa cơ quan hàng hải của hai nước tại vùng biển mà hai bên đều nói là thuộc nước mình.
Bộ trưởng Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia hôm thứ Ba nói các tàu cá Việt Nam bị chặn ở khu vực gần quần đảo Natuna của Indonesia, trong lúc Hà Nội nói các ngư dân đang trong vùng biển Việt Nam vào thời điểm xảy ra đụng độ hôm 21/5, Straits Times tường thuật.
Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia tuyên bố Việt Nam đang cầm giữ một viên chức Indonesia trong khi phía Indonesia bắt giữ 11 ngư dân người Việt mà họ nói là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Truyền thông Indonesia nói ông Gunawan Wibisono thuộc lực lượng ngư nghiệp trên tàu tuần tra bị lực lượng tuần duyên Việt Nam bắt làm con tin.
'Vấn đề chính trị'
Phó Chánh Văn phòng hải quân Indonesia, ông Achmad Taufieqoerrochman được dẫn lời cho biết quân đội Indonesia đang phối hợp với chính phủ Việt Nam về vấn đề này.
"Vụ việc đang trở thành vấn đề chính trị," Taufiqoerrochman, người cũng là người chỉ huy đội đặc nhiệm tiêu diệt tàu cá bất hợp pháp của Indonesia, nói.
Tàu tuần tra KM Hiu Macan 001 thuộc Cục Hàng hải và Ngư nghiệp (PSDKP) bắt giữ năm tàu đánh cá Việt Nam bị cho là đang đánh cá bất hợp pháp tại vùng biển Indonesia.
Tuy nhiên, báo Indonesia cáo buộc một tàu tuần tra Việt Nam, mang số hiệu 8005, đã "giải vây" và giúp 44 trong số 55 ngư dân Việt Nam bị bắt trốn thoát.
Jakarta Post dẫn nguồn báo cáo quân sự cho hay "các cuộc đàm phán để thả ông Wibisono thất bại khi họ [Việt Nam] yêu cầu thả thuyền viên và tàu cá Việt Nam bị bắt".
Bản quyền hình ảnh ULET IFANSASTI/GETTY IMAGES Image caption Tàu cá Indonesia trên một đảo ở Natuna
"Không đánh nhau trên biển"
Hồi tháng Ba năm ngoái, một vụ tương tự cũng từng xảy ra giữa lực lượng tuần duyên Trung Quốc và Indonesia. Phía Trung Quốc khi đó cũng đã giải thoát cho một tàu cá sau khi tàu này bị lực lượng tuần tra Indonesia bắt giữ.
Jakarta sau đó triệu đại diện Trung Quốc lên để đòi giải thích.
Tuy nhiên, trong vụ vừa xảy ra, Straits Times dẫn lời Tổng thư ký Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia Rifky Effendi Hardijanto tại cuộc họp báo hôm 23/5 tại Jakarta, tuyên bố Indonesia và Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề một cách hòa bình, thông qua các kênh ngoại giao.
Tin tức nói ông Hardijanto đã gặp Đại sứ Việt Nam Hoàng Anh Tuấn để thảo luận, và hai bên đồng ý là "sẽ không đánh nhau trên biển".
Hôm 24/5, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nói với BBC rằng ông "chưa nghe thông tin về vụ việc."
Hồi đầu tháng, ông Thắng được báo Thanh Niên dẫn lời nói Hội Nghề cá Việt Nam "sẽ có biện pháp cảnh báo, tuyên truyền cho ngư dân phải tuân thủ quy định pháp luật trong nước và quốc tế."
Cũng trong hôm 24/5, BBC đã gọi điện và email đến Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia nhưng chưa nhận được phản hồi.
Theo truyền thông Việt Nam, tàu mang số hiệu 8005 là một trong những tàu hiện đại nhất của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, có lượng giãn nước 2.400 tấn.
VietnamNet nói rằng tàu này có trang bị nhiều vũ khí hiện đại và có cả sân đỗ máy bay trực thăng.
Trao trả người
Tình trạng ngư dân Việt Nam đi đánh bắt xa bờ đang gia tăng, chủ yếu vì nguồn cá trong vùng biển Việt Nam ngày càng ít ỏi.
Con số ngư dân bị bắt khi vào các vùng biển của nước ngoài cũng tăng lên nhanh chóng.
Tin cho hay hôm 23/5, trong một diễn biến riêng rẽ, chính quyền Indonesia hoàn tất thủ tục trao trả cho Việt Nam 100 ngư dân.
Đây là đợt trao trả thứ năm trong năm nay, với tổng cộng 340 người được đưa về nước.
Thông Tấn Xã Việt Nam hôm 24/5 dẫn lời một ngư dân quê ở Quảng Ngãi cho biết: "Lực lượng chức năng của Indonesia khi bắt các tàu thuyền của Việt Nam thì đều lai dắt vào vùng biển của họ từ 5-10 hải lý mới lập biên bản, trong khi họ không thể xác định chính xác tọa độ tàu thuyền đánh bắt do bản đồ cũ."
"Ngoài ra, từ một năm rưỡi trở lại đây, phía Indonesia đã tăng cường bắt giữ ngư dân Việt Nam, thậm chí một số trường hợp còn vào cả vùng biển Việt Nam để bắt giữ tàu cá của ta."
Hồi tháng 3/2017, giới chuyên gia về an ninh hàng hải cho hay chứng kiến thuyền cá Việt Nam, đôi khi có kiểm ngư đi kèm, đánh bắt gần bãi cạn Scarborough tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. / (BBC 24/5/2017)