VĂN HÓA ONLINE - HOÀNG SA - THỨ HAI 20 MAY 2018
Oanh tạc cơ chiến lược H-6K đáp ở Phú Lâm-Hoàng Sa
Trung Quốc lần đầu tiên đáp phi cơ ném bom ở Biển Đông
Image caption Một phi cơ ném bom H-6K được cho là đã hạ cánh trên đảo Phú Lâm
Lần đầu tiên phi cơ ném bom của Trung Quốc hạ cánh trên lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông.
Cụ thể, một số phi cơ ném bom H-6K đã rời một căn cứ không quân ở Nam Trung Quốc và đã hạ cánh ở một sân bay trên hòn đảo ở Biển Đông, tờ Nhật báo Nhân dân cho biết sáng 19/5.
Các phi cơ sau đó tiếp tục tham gia cuộc diễn tập tại sân bay này, theo tuyên bố của lực lượng không quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Tờ báo dẫn tuyên bố của một nhà nghiên cứu nói rằng "việc cất cánh và hạ cánh trên các đảo ở Biển Đông sẽ giúp Không quân tăng cường khả năng chiến đấu của mình để đối phó với các mối đe dọa an ninh biển."
Một phi công lái phi cơ ném bom H-6K, Ge Daqing, được trích lời trong một tuyên bố nói rằng việc huấn luyện "thúc đẩy lòng can đảm và tăng cường khả năng của chúng tôi trong một cuộc chiến thực sự".
Các chuyên gia từ Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) cho biết một đoạn video từ tờ Nhật báo Nhân dân cho thấy một phi cơ H-6K hạ cánh và cất cánh từ một căn cứ trên đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất thuộc Quần đảo Hoàng Sa.
Oanh tạc cơ chiến lược H-6K của Trung Quốc
Đảo Phú Lâm, Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng, cũng được tuyên bố bởi Việt Nam và Đài Loan.
Mặc dù Trung Quốc đã từng triển khai máy bay phản lực chiến đấu đến đảo Phú Lâm trước đây, đây là lần đầu tiên các phi cơ ném bom hạ cánh trên đảo ở Biển Đông, AMTI cho biết thêm rằng H-6K có thể tiếp cận tất cả các nước Đông Nam Á từ đảo này.
Các nhà phân tích nói rằng phi cơ ném bom có thể sẽ sớm hạ cánh trên quần đảo Trường Sa xa hơn về phía nam, nơi các đường băng được xây dựng trên các rạn san hô.
Từ đó, H-6K có thể tiếp cận phía bắc Australia hoặc các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam, theo AMTI.
Tờ Nhật báo dẫn lời một nhà quan sát của Trung Quốc rằng:
"Sau khi các phi cơ ném bom của Không quân được triển khai trên các đảo ở Biển Đông, phạm vi hoạt động cũng như các thông số phòng thủ hàng hải của Trung Quốc sẽ được mở rộng một cách vô cùng to lớn, thêm vào sức mạnh hiện tại để ngăn chặn bất kỳ sự xâm phạm nào vào lãnh thổ của Trung Quốc trên biển."
Theo chính phủ Trung Quốc, nước này có ít nhất bốn sân bay lớn ở bốn địa điểm trên Biển Đông: Đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) ở Hoàng Sa, và ba sân bay ở Đá Vành Khăn (Meiji), Đá Subi (Zhubi) và Đá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử)
Năm 2016, các máy bay phản lực lớn của Trung Quốc cũng đã hạ cánh ở Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập.
Image caption Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát đảo Phú Lâm từ năm 1956.
Theo tờ Nhật báo, H-6K là phi cơ ném bom tiên tiến nhất của PLA và có khả năng mang tên lửa hành trình siêu âm để thực hiện các cuộc tấn công chính xác chống lại các mục tiêu hoặc tàu đất.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Trung tá Christopher Logan nói "Hoa Kỳ duy trì cam kết về một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở."
"Chúng tôi đã thấy những báo cáo tương tự và việc tiếp tục quân sự hóa các khu vực tranh chấp trên Biển Đông của Trung Quốc chỉ khiến gia tăng căng thẳng và làm mất ổn định khu vực."
Động thái này của Trung Quốc xảy ra vài ngày sau khi Việt Nam và Nga vừa bắt đầu hợp tác khai thác khí đốt ở Biển Đông.
Hãng Rosneft cho rằng khu khai thác khí của họ, lô 06.1 nằm ngoài đường 9 đoạn chữ U mà Trung Quốc tuyên bố, nhưng Trung Quốc cho là điều ngược lại./(theo BBC 19/5/18)