Ông Biden ‘sẽ tập hợp đồng minh đối phó Trung Quốc’?

18 Tháng Mười Một 20208:33 SA(Xem: 4532)

VĂN HÓA ONLINE - TỪ LITTLE SAIGON - THỨ TƯ 18 NOV 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California


Ông Biden ‘sẽ tập hợp đồng minh đối phó Trung Quốc’?


VOA 18/11/2020


image016Ông Biden tiếp ông Tập Cận Bình đến thăm Washington hồi năm 2015 khi ông Biden làm phó tổng thống


Chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc và tìm cách đưa nước này tuân theo những luật lệ của thế giới, một nhà quan sát chính trị từ Canada nhận định với VOA.


Khác với chính sách của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump ‘Nước Mỹ trên hết’ và tìm cách rút Mỹ ra khỏi các định chế quốc tế, ông Joe Biden tuyên bố nước Mỹ sẽ quay trở lại vũ đài quốc tế.


“Khi tôi nói chuyện với các nhà lãnh đạo nước ngoài, tôi đã bảo họ: Nước Mỹ sẽ quay trở lại. Chúng tôi sẽ quay trở lại cuộc chơi,” ông Joe Biden viết trên Twitter vào tối ngày 10/11 sau khi ông điện đàm với các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức.


‘Mỹ cần đồng minh’


Nhận định về vấn đề này, Giáo sư-luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada, chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế, nói ông ‘tin tưởng ông Joe Biden có thể tập hợp các đồng minh và tiếng nói của thế giới để kêu gọi mọi người tuân theo khuôn khổ luật pháp quốc tế’.


Ông phân tích dù cho nước Mỹ mạnh đến đâu cũng ‘không thể nào đánh bật Trung Quốc ngay cả trên vấn đề kinh tế thương mại nếu không có sự phối hợp của các nước đồng minh’.


Luật sư Khanh dẫn chứng thậm chí vào lúc các nước phương Tây mạnh và Trung Quốc suy yếu như vào đầu thế kỷ 20 thì cũng phải cần ‘liên minh tám nước mới tấn công vào kinh thành Bắc Kinh của triều đình Mãn Thanh’.


Chỉ ra việc các đồng minh trụ cột của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc vừa ký kết tham gia gia vào khối thương mại tự do với Trung Quốc có tên là Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP), ông Khanh nói: “Có thể các nước đồng minh này không còn tin tưởng Mỹ nữa chăng nên mới đi đến bước đó?”


Ông nhận xét khối RCEP sẽ giúp Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng lên các nước trong khu vực trong khi ‘nước Mỹ đang vật lộn với các vấn đề trong nước, chưa hàn gắn được với các đồng minh châu Âu và chưa củng cố được trục tứ giác với Nhật, Ấn và Úc’.


Về phía Canada, nhà quan sát này cho biết nước này đã ‘chìa tay ra đón nhận chính quyền của ông Biden’ với việc mới đây Quốc hội Canada đã ra một nghị quyết được sự đồng thuận của tất cả các đảng để mời ông Joe Biden đến phát biểu trước Quốc hội.


Theo quan sát của ông thì trong bối cảnh thế giới hiện nay, ‘con đường duy nhất để đưa Trung Quốc vào quỹ đạo là cần có sự đồng thuận của các quốc gia trên thế giới’ vì ‘Trung Quốc sẽ không khoanh tay chịu trận’.


‘Hợp tác để đấu tranh’


“Chính quyền Biden với những nhân sự của họ và với lý tưởng mà họ theo đuổi mấy trăm năm qua thì không có chuyện họ quỳ lụy trước Trung Quốc,” nhà phân tích này nhận định.


“Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đều thấy được hiểm họa từ Trung Quốc và có chính sách đồng thuận với nhau là bằng mọi giá phải kiềm chế và đưa Trung Quốc vào khuôn khổ, vào trật tự thế giới mới,” ông diễn giải.


Giáo sư luật bán thời gian tại Đại học Ottawa cho rằng ‘không phải hành xử theo kiểu ăn to nói lớn mới là mạnh, là hiệu quả,’ đồng thời dự đoán rằng chính quyền của ông Joe Biden sẽ không chọn cách đối đầu với Trung Quốc – ‘sẽ không dựng lên bức tường như thời Chiến tranh Lạnh’ – mà sẽ hợp tác với Bắc Kinh để đưa họ vào quỹ đạo luật chơi của thế giới.


“Sự mềm dẻo của Đảng Dân chủ dựa trên sức mạnh của Hoa Kỳ trên 250 năm mà có, đó là sức mạnh từ giá trị của người Mỹ,” ông Khanh nhận xét.


‘Cần điều chỉnh TPP’


Theo luật sư Vũ Đức Khanh, mặc dù trong bốn năm qua, chính quyền ông Donald Trump có những hành động mạnh trên Biển Đông nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục sự lấn lướt chẳng hạn như củng cố các thực thể đã xây dựng, quấy rối các hoạt động thăm dò dầu khí của các nước trong đó có sự đối đầu với Việt Nam ở Bãi Tư Chính.


“Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng ở Biển Đông. Họ chỉ nhượng bộ trước sức ép của cộng đồng quốc tế,” ông nói và bày tỏ tiếc nuối trước việc Mỹ đã từ bỏ Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mà chính quyền của ông Barack Obama đã mất 7 năm đàm phán.


“TPP là một thế trận để kiềm hãm Trung Quốc và đưa Trung Quốc vào trật tự và luật pháp quốc tế,” ông nói và cho biết TPP cũng là một cơ chế tạo sự thịnh vượng chung cho những nước tham gia và từ đó mới gắn kết cùng với Mỹ đối phó Trung Quốc.


“Ông Trump đã bất chấp sự vận động vào phút chót của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe rằng Mỹ nên ở lại TPP mà dứt khoát rút khỏi TPP,” ông Khanh chỉ trích và cho rằng hành động này ‘đã giáng một đòn mạnh vào thế giới tự do’.


Dù ông Biden từng nằm trong chính quyền ông Barack Obama nhưng cũng ‘khó mà quay trở lại TPP như trước,’ ông Khanh nói và bày tỏ hy vọng “Ông ấy sẽ xem lại đoạn đường đã qua và tìm cách điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình mới.”


Về mối quan hệ Washington-Hà Nội dưới thời Biden, luật sư Vũ Đức Khanh nói ông ‘tin chính quyền Biden sẽ trân quý mối quan hệ Mỹ-Việt được phát triển trong 4 năm qua và sẽ tăng tốc mối quan hệ đó để làm sao Việt Nam vẫn là bạn của Mỹ để cùng các nước khác gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực’.


‘Tiếp cận kiềm chế hơn’


Tờ South China Morning Post nhận định rằng dưới thời ông Joe Biden, Biển Đông sẽ vẫn là


‘điểm nóng tiềm tàng’ trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh nhưng Washington sẽ có cách tiếp cận ‘kiềm chế hơn’.


“Ông ấy có khả năng quan tâm nhiều hơn đến Biển Đông nhưng các chính sách của ông ấy sẽ cân bằng hơn và kiềm chế hơn,” ông Wu Shicun, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia, vốn tư vấn cho chính phủ Trung Quốc, được SCMP dẫn lời nói.


Một thay đổi có thể xảy ra là Hải quân Hoa Kỳ sẽ ít tổ chức các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải hơn ở Biển Đông, ông Wu nhận định.


Các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông là một nội dung trong các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Barack Obama, nhưng đã trở nên thường xuyên hơn dưới thời ông Donald Trump, vốn cho phép Ngũ Giác Đài linh hoạt hơn trong việc lên kế hoạch tuần tra tại các vùng biển tranh chấp.


Mỹ đã có tám cuộc tuần tra vì tự do hàng hải trong năm nay, bằng với năm 2019, nhưng tăng so với sáu vào năm 2018 và bốn mỗi năm trong ba năm trước đó.


Ông Lê Hồng Hiệp, một học giả tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng ai được ông Biden chọn cho các vị trí trong Bộ Quốc phòng sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của Washington với Bắc Kinh về Biển Đông.


Trong số những tên tuổi hàng đầu cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng hiện nay là bà Michele Flournoy, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng dưới thời ông Obama và được biết đến với lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.


“Biển Đông đã trở thành chiến trường quan trọng cho cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, nơi Mỹ có thể huy động các nước trong khu vực chống lại Bắc Kinh, dùng yêu sách lãnh thổ quá đáng của Trung Quốc như lời hiệu triệu sự ủng hộ,” ông Hiệp nói với SCMP.


“Như vậy, dưới thời ông Biden, Mỹ và các đồng minh có khả năng sẽ tiếp tục duy trì hoặc thậm chí tăng cường can dự của họ ở Biển Đông,” ông Hiệp dự đoán.