VĂN HÓA ONLINE - TỪ LITTLE SAIGON - THỨ BA 24 NOV 2020
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California
Bộ sậu đối ngoại của ông Joe Biden là 'bồ câu' hay 'diều hâu'?
24/11/2020
Song hành cùng kế hoạch trở thành Tổng tống Mỹ, ông Joe Biden cũng đã giới thiệu “bộ khung” ngoại trưởng, cố vấn an ninh quốc gia – vốn là 2 vị trí then chốt định hình chính sách đối ngoại của Washington.
Từ trái: TT đắc cử Joe Biden, ông Blinken, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Susan Rice thời TT Obama, cựu Ngoại trưởng John Kerry thời TT Obama. Nguồn ảnh Reuters.
Theo truyền thông Mỹ, ông Biden tiến cử ông Antony Blinken làm Ngoại trưởng và ông Jake Sullivan làm Cố vấn An ninh quốc gia.
Nhân vật cứng rắn
Trong đó, ông Antony không hề là cái tên xa lạ của mảng chính sách đối ngoại tại Mỹ. Sinh trưởng trong một gia đình Do Thái, ông Antony còn là “dân ngoại giao nhà nòi” khi có bố là Donald M. Blinken (Đại sứ Mỹ tại Hungary từ năm 1994-1997) và chú là Alan Blinken (Đại sứ Mỹ tại Bỉ từ năm 1993-1997). Chính vì thế, ông có sự quan tâm lớn đến châu Âu.
Từ năm 2002-2008, ông là phụ tá cho ông Biden ở thượng viện. Theo tờ The New York Times, vào cuối năm 2002, nghị sĩ dân chủ Biden là người đã ủng hộ ông George Bush, khi đó đang là Tổng thống Mỹ, tiến hành chiến tranh nhằm vào Iraq. Với quan hệ tốt ở cả lưỡng đảng, ông Biden đã tạo ra các thỏa hiệp để chính quyền Bush có thể tấn công Iraq, đồng thời hạn chế bớt quyền hạn tiến hành cuộc chiến mà ông Bush mong muốn lúc đó. Quá trình vận động này, ông Blinken đóng vai trò không nhỏ.
Ông Blinken trên thăm TP.HCM vào năm 2015 khi giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ. ĐSQ MỸ
Theo tờ Politico, ông Blinken có quan điểm rằng ngoại giao cần được hỗ trợ bằng các biện pháp răn đe, và “vũ lực có thể là phương tiện hỗ trợ cần thiết cho ngoại giao hiệu quả”. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Blinken ban đầu làm cố vấn an ninh quốc gia cho Phó tổng thống Biden. Tuy nhiên, sau một thời gian thì ông chuyển sang vị trí Phó Cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Obama nhằm hỗ trợ chính quyền Washington tiến hành cuộc can thiệp quân sự nhằm vào Libya. Sau đó, ông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc Mỹ can thiệp quân sự vào Syria.
Tờ Politico dẫn lời ông từng chia sẻ rằng: “Ở Syria, chúng tôi đã tìm cách tránh rơi vào tình cảnh như Iraq nên chúng tôi đã không hành động quá nhiều, nhưng chúng tôi cũng đã hành động quá ít”. Trong cuộc khủng hoảng ở Crimea vào năm 2014, ông Blinken khi đó đã theo đuổi chính sách trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Nga, lên án Tổng thống Nga Vladimir Putin là “một tên tội phạm quốc tế” cần bị trừng phạt. Ông đã đưa ra nhận xét trên khi phát biểu tại Viện Brooking (Mỹ) vào năm 2014.
Từ năm 2015, ông trở thành Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ. Cùng năm 2015, Thứ trưởng Blinken từng có chuyến công du Việt Nam. Khi đó, ông đã đặt vấn đề lo ngại các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, cụ thể là nguy cơ Bắc Kinh quân sự hóa các thực thể ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. (TNO)
++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Đề cử ngoại trưởng của ông Biden có quan hệ tốt với Bắc Kinh?
Thứ Ba, ngày 24/11/2020
(PLO)- Các chuyên gia Trung Quốc cho biết nếu ông Biden chọn ông Binken làm ngoại trưởng, đây sẽ là một động thái tích cực đối với Bắc Kinh.
Ngày 24-11, tờ South China Morning Post đăng tải phân tích của các chuyên gia Trung Quốc về tác động của việc ứng viên Joe Biden nói có thể chọn cố vấn lâu năm làm Ngoại trưởng đối với quan hệ Mỹ-Trung bốn năm tới.
Cụ thể, ngày 23-11, ứng viên Biden cho biết sẽ đề cử ông Antony Blinken, cố vấn chính sách đối ngoại của mình để đảm nhận chức vụ Ngoại trưởng.
Ông Antony Blinken. Ảnh: REUTERS
Các nhà phân tích cho rằng việc đề cử này có thể dẫn đến sự thay đổi trong quan hệ Mỹ-Trung, vốn đã liên tục gia tăng căng thẳng dưới thời Tổng thống Donald Trump.
"Là người mà Trung Quốc có thể hợp tác"
Ông Jia Qingguo - Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, cho biết ông Blinken có thể là quan chức cấp cao mà Trung Quốc có thể "hợp tác để ổn định quan hệ".
"Tuy nhiên, bất kỳ ai được bổ nhiệm làm ngoại trưởng tiếp theo cũng đều sẽ tốt hơn người hiện tại" - ông Jia nói, đề cập Ngoại trưởng Mike Pompeo, một người thuộc phe diều hâu chống Trung Quốc và thường bị chỉ trích trên các phương tiện truyền thông nhà nước của Bắc Kinh.
"Trung Quốc không mong đợi một ngoại trưởng thân Trung Quốc, mà chỉ mong đợi ai đó có thể giải quyết mối quan hệ Mỹ-Trung một cách lý trí và có thể phục vụ lợi ích của Mỹ. Chỉ cần là một người có óc xét đoán vì còn rất nhiều vấn đề mà Washington và Bắc Kinh có thể cùng giải quyết để đảm bảo lợi ích của cả hai" - ông nói.
Cũng theo ông, ông Blinken có khả năng sẽ đưa Washington trở lại chiến lược quốc tế thời hậu chiến bằng cách duy trì một trật tự thế giới có lợi cho Mỹ. Điều đó có nghĩa là chính sách đối với Trung Quốc thời ông Biden dễ đoán hơn dưới thời ông Trump.
Từng gặp quan chức cấp cao Trung Quốc
Ông Lu Xiang, một chuyên gia về các vấn đề Mỹ thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết nếu ông Blinken trở thành ngoại trưởng, đây sẽ là động thái tích cực đối với Bắc Kinh.
"Với kinh nghiệm của mình, ông Biden có thể sẽ đưa ra một số quyết định quan trọng về chính sách đối ngoại, còn ông Blinken không thuộc tuýp người quá thu hút quần chúng hay quá khiêu khích, nhưng là một người thực dụng. Nếu ông ấy được chọn, cá nhân tôi thấy đây là một tin tốt" - ông nói.
Ông Blinken, 58 tuổi, là cố vấn lâu năm của ứng viên Biden, bao gồm cả với tư cách là trợ lý hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và là cố vấn an ninh quốc gia từ năm 2009 đến 2013, khi ông Biden là phó tổng thống.
Với tư cách là thứ trưởng ngoại giao của Tổng thống Barack Obama từ năm 2015 đến năm 2017, ông Blinken đã gặp gỡ các nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh bao gồm ông Dương Khiết Trì - hiện là ủy viên Bộ Chính trị, nhà ngoại giao hàng đầu của đảng Cộng sản Trung Quốc và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.
Đồng thời có quan hệ tốt với Đài Loan
Tuy nhiên, trước đó, ông cũng thừa nhận lưỡng đảng coi Trung Quốc là một thách thức lớn và cam kết cùng các đồng minh của Mỹ đối phó Bắc Kinh trên các lĩnh vực như thương mại.
Năm 2015, ông gặp lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, khi bà đang là ứng viên chạy đua vào chức vụ hiện tại. Trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan đang ấm lên, bà Tiêu Mỹ Cầm, đại diện Đài Loan ở Washington, đã nói chuyện với ông Blinken qua điện thoại vào tuần trước và chúc mừng ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Vẫn phải chờ xem
Giống như những người khác trong nhóm chính sách đối ngoại của ông Biden, ông Blinken có nhiều kinh nghiệm ở Trung Đông hơn là quan hệ Mỹ-Trung, theo ông Lu.
Ông Blinken đã đóng góp rất nhiều vào các cuộc đàm phán hạt nhân Iran thông qua các cuộc thảo luận mở và ngoại giao cửa sau - ông Lu nói, đề cập thỏa thuận của chính quyền Obama đã ký với với Iran vào năm 2015 mà ông Trump đã rút khỏi năm 2018.
"Vẫn cần phải chờ xem liệu kinh nghiệm đó có hữu ích cho mối quan hệ Mỹ-Trung hay không" - ông Lu nói. KHÁNH NHƯ