Vì sao Nguyễn Thiện Nhân đến dự Đại hội 13 Hội đồng Giám mục VN?

06 Tháng Mười 201611:30 CH(Xem: 8254)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  SÁU  07  OCT  2016


Giám mục Giáo phận Vinh: Lãnh đạo phải lắng nghe vì lợi ích dân tộc


image095

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, giám mục Giáo phận Vinh .


Báo chí Việt Nam cho hay hôm 4/10 Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đến phát biểu chúc mừng Đại hội lần thứ 13 của Hội đồng Giám mục Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh.


Đây là một diễn biến đáng chú ý vì theo Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, đây là lần đầu tiên một chủ tịch cấp trung ương của Mặt trận Tổ quốc đến phát biểu tại đại hội của Hội đồng Giám mục. Ông Nhân cũng là Ủy viên Bộ Chính trị, cơ quan có quyền lực to lớn mang tính bao trùm trong hệ thống chính trị Việt Nam.


Giám mục Nguyễn Thái Hợp lưu ý rằng trước đây thường là chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh đến thăm, phát biểu tại một đại hội như vậy.


Tin cho hay ông Nguyễn Thiện Nhân đã “đánh giá cao những đóng góp của đồng bào Công giáo Việt Nam qua các thời kỳ, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Ông cũng nói “Tuy có những lúc thăng trầm nhưng trước hết và trên hết chủ lưu trong đồng bào Công giáo là tình cảm và lòng yêu nước của dành cho Tổ quốc, cho dân tộc Việt Nam”.


Hoạt động của ông Nhân diễn ra vào lúc trong những tháng gần đây nhiều giáo xứ ở miền Trung đã tiến hành biểu tình, khiếu kiện do thảm họa môi trường của một nhà máy thuộc hãng Formosa của Đài Loan.


Một vài cơ quan báo chí chính thống và một số người trên mạng xã hội đã chỉ trích các hành động này, họ cũng công kích cá nhân một số linh mục, cho rằng các việc làm đó là “lợi dụng tôn giáo” gây ảnh hưởng đến xã hội và gây chia rẽ dân tộc.


Về điều đó, Giám mục Nguyễn Thái Hợp nhận xét:


“Đó là những con bài chính trị mà. Rất tiếc là trong thời gian vừa rồi nhà nước dùng những dư luận viên để nói những điều có lẽ không nên nói với những con người có học. Riêng đối với Nguyễn Thiện Nhân thì là một trong những con người không dùng những ngôn ngữ như vậy. Tôi thấy rằng hôm nay ông đến cũng nói lên cái tình hiệp nhất, kêu gọi sự đóng góp, sự nối kết giữa các thành phần dân tộc, thì chúng tôi cũng đánh giá cao chuyện đó”.


Nhà lãnh đạo Giáo phận Vinh cho biết thêm rằng các giáo dân và Hội đồng Giám mục lâu nay vẫn tích cực đóng góp ý kiến vì sự tiến bộ của dân tộc và đất nước trong nhiều vấn đề xã hội, chính trị quan trọng. Một trong những vấn đề đó là việc sửa đổi Hiến pháp Việt Nam. Ngài nói:


“Hội đồng Giám mục đã chính thức góp ý khi mà nhà nước kêu gọi góp ý về Hiến pháp. Hội đồng Giám mục cũng kêu gọi làm sao sửa đổi cái [điều] số 4 của Hiến pháp. Và thay vì lấy cái lý thuyết Mác-Lê làm cái kim chỉ nam, cái định hướng cho sự phát triển cũng như xã hội, thì lấy cái tinh thần dân tộc, trở về văn hóa dân tộc. Cái chuyện đó đã phát biểu cách đây mấy năm, thì hôm nay vẫn còn như vậy”.


Nhìn về tương lai, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp cho rằng tiến trình “dân chủ hóa, đa diện hóa” của Việt Nam chắc chắn vẫn là một “con đường dài thăm thẳm”. Ngài bày tỏ rằng vì ích lợi và tiền đồ của dân tộc, các nhà lãnh đạo chính trị của Việt Nam cần lắng nghe ý kiến của những người Công giáo cũng như của mọi thành phần khác trong xã hội Việt Nam. Ngài nói:


“Để làm sao dân tộc được mở rộng hơn, đa diện hóa hơn, đa nguyên hơn, chắc chắn rằng những nhà lãnh đạo của đất nước, vì lợi ích của đất nước, vì lợi ích của giới trẻ, của những người Việt Nam có thể quy tụ những người Việt Nam thuộc những thành phần khác nhau, thì phải biết lắng nghe và đa diện hóa quan điểm của mình, cái nhìn của mình, ngõ hầu đất nước chúng ta đi vào vận hội mới của nhân loại”.


Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp nhấn mạnh rằng “làm sao quy tụ được nhiều thành phần, làm sao nối kết được những quan điểm khác nhau” là một trong những yếu tố quan trọng để đất nước thành công. / (theo VOA 04.10.2016)
06 Tháng Mười Một 2022(Xem: 1787)