Không có căn cứ khẳng định người Việt chi 3 tỷ USD mua nhà tại Mỹ

23 Tháng Mười Một 20177:48 CH(Xem: 8220)

VĂN HÓA ONLINE - TỪ LITTLE - THỨ  SÁU 24  NOV  2017


Không có căn cứ khẳng định người Việt chi 3 tỷ USD mua nhà tại Mỹ


Ngọc Quang


06:19 18/11/17


(GDVN) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - ông Lê Minh Hưng khẳng định như vậy tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội vào ngày 17/11.


Tại phiên chất vấn này, Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt ra câu hỏi: Thời gian qua, thông tin trên báo chí phản ánh người Việt Nam chi 3 tỷ USD mua nhà tại Mỹ. Số liệu này có phải là lượng ngoại tệ chuyển từ Việt Nam sang Mỹ để mua bất động sản hay không? Cơ chế kiểm soát, giám sát dòng tiền ra nước ngoài hiện nay của Ngân hàng nhà nước thế nào?


Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, không có cơ sở để khẳng định con số này là dòng ngoại tệ chuyển tiền ở Việt Nam ra để mua bất động sản tại Mỹ.


Hiện nay số liệu người Việt Nam mua bất động sản tại Mỹ là do hiệp hội quốc gia, các chuyên viên địa ốc của Mỹ công bố, được thực hiện qua phiếu điều tra.


"Ở đây số liệu có thể là người Việt Nam định cư ở Mỹ, nhưng chưa có quốc tịch Mỹ thì họ cũng tính vào người nước ngoài. Công dân Việt Nam nhưng sinh sống ở các quốc gia khác và đến Mỹ mua nhà thì cũng được tính là người Việt Nam", ông Hưng thông tin.


image058

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - ông Lê Minh Hưng trả lời chất vấn tại Quốc hội. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.


Thống đốc cũng cho biết, về tình hình đầu tư ra nước ngoài, riêng lĩnh vực bất động sản hiện nay đã có 43 dự án đầu tư ra nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký là 920 triệu USD, chiếm khoảng 4,3% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài.


Trong đó có 17 dự án đầu tư vào Mỹ, với tổng số vốn đăng ký 270 triệu USD, chiếm 1,3% tổng số đăng ký đầu tư ra nước ngoài.


Đến nay, số vốn đầu tư thực tế chuyển qua Mỹ của các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản chỉ khoảng 215 triệu USD. Trong năm 2017 có 3 dự án được cấp phép đầu tư sang Mỹ với số vốn đăng ký là 15 triệu USD.


Ông Lê Minh Hưng khẳng định: “Hiện nay, chúng ta đã có cơ chế kiểm soát khá đầy đủ.


Đã kiểm tra giám sát hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài thông qua việc ban hành các quy định về trách nhiệm tổ chức tín dụng được phép.


Ngoài ra, trên cơ sở Luật Phòng, chống rửa tiền cũng phải quy định báo cáo các giao dịch và đặc biệt có các quy định về xử phạt hành chính trong các vi phạm về chính sách chuyển tiền ra nước ngoài.


Trên thực tế, các quy định về quản lý ngoại hối và quy định pháp luật có liên quan đã kiểm soát chặt chẽ các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, nhưng trên thực tế cũng có thể có một số trường hợp vẫn lợi dụng các quy định của pháp luật để chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài qua các trung gian chuyển tiền.


Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian tới là Ngân hàng nhà nước và một số cơ quan chức năng sẽ phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ để kiểm tra phát hiện và xử lý các vi phạm, hạn chế các trường hợp chuyển tiền bất hợp pháp qua các trung gian”./ Ngọc Quang