Tham luận của Bs Lâm Thu Vân, Bs Cấn Thị Bích Ngọc và nữ sinh Nguyễn Khuê Tú

28 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 12946)
image097

Quang cảnh Lễ khai mạc Đại hội MLNQ lần thứ XI tại Little Saigon hôm CN 13/10/2013.

 

Lời tưởng niệm hai vị cố vấn của MLNQVN là Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện và Bác sĩ Nguyễn Tường Bách do Bác sĩ Lâm Thu Vân đọc trong dịp tiếp tân khai mạc Đại hội MLNQVN lần thứ XI CN 13 Oct, 2013

 

Kính thưa quý vị quan khách!

Kính thưa quý bạn!

 

Thật là một vinh dự lớn lao cho tôi khi được anh chị em trong ban tổ chức buổi lễ này giao cho tôi phụ trách việc, cùng quý bạn, tưởng niệm B.S. Nguyễn Tường Bách và Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện, hai vị cố vấn của MLNQVN vừa qua đời cách nay chỉ vài tháng thôi.

 

Lý do của sự phân công này, tôi đoán, chỉ là lý do tình cảm thôi: Anh Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban Phối Hợp của MLNQVN đã hiểu lòng ngưỡng mộ của tôi đối với hai vị này và sự đau xót của tôi khi tôi không được dự đám tang của cụ Nguyễn Tường Bách và của Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện. Rồi lễ 49 ngày, 100 ngày, giỗ giáp năm của anh Nguyễn Chí Thiện… tôi không được dự. Nhưng, tôi tự thấy đã có cái an-ủi hay cái may mắn là đã được gặp hai thần tượng này của tôi chỉ vài tháng trước khi hai vị từ giã cõi đời. Tháng 6 năm 2012, tôi qua Cali để dự nhiều buổi họp khác nhau, và nhân dịp đó, tôi có năn-nỉ anh Nguyễn Bá Tùng làm ơn giúp tôi để tôi được thăm riêng Cụ Nguyễn Tường Bách và nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Lý do rất giản dị: đó là 2 thần tượng của tôi từ lâu rồi, hai người cầm đuốc soi đường để tôi neo theo mà cố gắng góp phần mình, phần thật nhỏ của tôi, vào việc tranh đấu cho Nhân Quyền.

 

Tôi nhìn về Nguyễn Tường Bách và Nguyễn Chí Thiện như một cọng cỏ dại nhìn lên những cây cổ thụ, hay một hạt cát nhìn lên những đỉnh núi của dãy Hi Mã Lạp Sơn. Vì, đối với tôi, sự nghiệp của con người không phải là tiền-của hay quyền-lực, mà là sự đóng góp của người đó cho phúc-lợi của tập thể, của nhân loại. Thực vậy, trọn đời niên thiếu, trọn tuổi thanh xuân của hai vị đã cống-hiến cho quê hương, dân tộc. Phần còn lại của cuộc đời, hai vị đã dừng chân nơi đất Cali này để tiếp tục tranh đấu, theo đuổi lý tưởng đã chọn từ thiếu thời.

 

Trong khuôn khổ của Đại Hội này của MLNQVN, không ai trong chúng ta không bùi ngùi cảm nhận sự vắng mặt của hai thành viên khả kính và thân thương của MLNQ. Từ khi Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện và B.S. Nguyễn Tường Bách qua đời, đã có bao nhiêu dịp cho các anh chị em chúng ta và các hội đoàn khắp nơi nhắc đến tiểu sử và công nghiệp của hai vị ấy. Vì thế, hôm nay tôi xin phép khỏi nhắc đến những gì đã được nhắc nhiều rồi, và xin đề nghị chúng ta chỉ cùng nhau ghi nhận những bài học từ cuộc đời của hai nhân vật xuất chúng này.

 

Thưa quý bạn! Tôi chỉ được gặp B.S. Nguyễn Tường Bách vỏn vẹn có 4 lần. Cảm tưởng đầu tiên của tôi: đây là một người rất bình dị, khiêm tốn, nhưng lúc nào cũng canh cánh bên lòng trách nhiệm đối với số phận của dân tộc mình. Đó là một điều đáng quý vô cùng! Nhưng sau khi đọc quyển sách "Việt Nam, một thế kỷ qua" của Nguyễn Tường Bách, tôi bị choáng váng trước những khám phá về quá khứ của con người bình dị ấy: chẳng những đây là một nhân-chứng của lịch sử mà đồng thời cũng là một thành viên của nhiều tổ chức cách mạng, văn hóa, xã hội, trong buổi giao thời giữa thời kỳ Pháp thuộc và cái gọi là "Độc Lập" của Việt Nam do Việt Minh dựng lên.

 

Bước vào tuổi đôi mươi trong bối cảnh rối ren, phức tạp của đất nước vào năm 1939, người trí-thức yêu nước Nguyễn Tường Bách và các đồng chí của ông đã lâm vào thế "lưỡng đầu thọ địch", vừa chống Pháp dành độc lập cho Việt Nam, vừa đương đầu với sự thanh toán ám muội của Việt Minh (tức là Cộng Sản Việt Nam) đối với các đảng phái không phải Cộng Sản.

 

Xin trích ra đây vài câu tâm tình của Nguyễn Tường Bách:

" Không ai ngờ được là từ một nhà báo, một bác sĩ, thời cuộc đã xô đẩy tôi nghiễm nhiên đóng vai người chỉ huy cả văn lẫn võ, rồi lại dẫn một cuộc trường chinh gian truân và sôi nổi."

 (Lúc đó Nguyễn Tường Bách chưa đầy 30 tuổi)

 

Ở một đoạn khác, Nguyễn Tường Bách viết:

" Với lòng bồng bột của tuổi trẻ, người ta thường dám dấn thân và mạo hiểm… Giá trị con người chính là chỗ biết dấn thân, biết hy sinh, dù có thất bại."

 

Thưa các bạn! Tuổi trẻ ở thời điểm 1939-1946 đã theo gương ai mà dấn thân vì nước, vì dân như thế? Xin nghe Nguyễn Tường Bách nói ở một đoạn khác:

" Cuộc khởi nghĩa Yên Bái oanh liệt đã bị bọn thực dân Pháp đàn áp một cách tàn bạo, dã man. Không ai có thể quên, cũng không có quyền quên, những tấm gương quật cường và hy sinh của bao anh hùng liệt-sĩ vì dân, vì nước."

 

Thưa quý bạn! Nguyễn Tường Bách có những tấm gương để theo như Nguyễn Thái Học, Cô Bắc, Cô Giang, đồng thời ông được sự dìu dắt của Nguyễn Tường Tam, Khái Hưng, Hoàng Đạo và các bậc đàn anh khác trong Tự Lực Văn Đoàn và Việt Nam Quốc Dân Đảng. Như vậy, dù trải qua nhiều gian khổ, Nguyễn Tường Bách có được cái diễm phúc là hoạt động có tổ chức, có anh em đồng chí, đồng đội.

 

Trái lại, Nguyễn Chí Thiện ra đời gần 20 năm sau, đơn độc chiến đấu, một mình chống độc tài, chống sự gian trá và sự tàn bạo của guồng máy Cộng Sản Việt Nam. Vũ khí của Nguyễn Chí Thiện là gì?

- chỉ là mấy trăm bài thơ "Hoa Địa Ngục" và sức chịu đựng phi thường trong 27 năm tù khắc nghiệt. Dù cuộc đời tan nát, Nguyễn Chí Thiện không đầu hàng kẻ ác. Bài thơ sau đây gần như ai cũng biết:

 

"Trong cuộc trường chinh đọ sức với lao tù

Tôi chỉ có lời thơ ấp ủ

và hai lá phổi gầy sơ.

Để đánh kẻ thù, tôi không được hèn ngu.

Để thắng kẻ thù, tôi phải sống thiên thu."

………………………………………………….

 

"Thơ vẫn đó

biến trái tim thành kính chiếu yêu

nhận rõ nguyên hình Cộng Sản

Tất cả sẽ suy tàn, sức thơ vô hạn

thắng không gian và thắng cả thời gian."

 

Đó là lời của một chiến sĩ khi ra trận, đơn thân độc mã. Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, Nguyễn Chí Thiện không đơn độc, Nguyễn Chí Thiện có rất nhiều bạn, bạn thơ và bạn tù. Và anh rất trân-quý tình bạn. Tôi đã khám phá ra nét đẹp này trong tâm hồn anh khi anh thình lình giao cho tôi một công việc rất đặc biệt và rất khó đối với khả năng của tôi: anh Thiện nhờ tôi xuất bản, càng sớm càng tốt, toàn bộ tác phẩm của Phùng Cung, tức là những truyện ngắn mà Phùng Cung đã sáng tác từ 1954, trước khi bị tù 12 năm của Cộng Sản Việt Nam, và các bài thơ "Trăng Ngọc" sáng tác trong tù. Những tác phẩm này đã được Phùng Cung giấu kỹ cho đến chết, chưa bao giờ được ra mắt độc giả. Nguyễn Chí Thiện đã hứa với Phùng Cung là sẽ tìm cách tung ra ở hải ngoại những sáng tác của Phùng Cung. Là một trong những văn sĩ trong nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm nạn nhân của cuộc đàn áp văn nghệ sĩ của Cộng Sản Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Phùng Cung là bạn tù và bạn thơ của Nguyễn Chí Thiện.

 

Thưa quý vị! Từ khi định cư ở Hoa Kỳ từ 1995, năm nào thi sĩ Nguyễn Chí Thiện cũng gởi tiền về cho các bạn tù của anh ở Việt Nam, hoặc cho gia đình của các người bạn đó, dù cho người bạn anh đã qua đời, như Phùng Cung, Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang. Lần chót tôi gặp Nguyễn Chí Thiện, độ 4 tháng trước khi anh qua đời, anh còn giao cho tôi một số tiền để tôi gửi về Việt Nam cho gia đình của một bạn tù đã qua đời cách nay hơn 15 năm. Lắm lúc, khi nghe ai đó phao lên rằng Nguyễn Chí Thiện này là Nguyễn Chí Thiện giả, tôi tự hỏi: "có bao giờ những kẻ càn rỡ này biết rằng một Nguyễn Chí Thiện giả không thể nào tiếp tục cưu mang, giúp đỡ các bạn tù trong nước như vậy, suốt mười mấy năm trời, đến khi nhắm mắt lìa đời không?,,"

 

Thưa quý bạn,

Nguyễn Tường Bách và Nguyễn Chí Thiện là hai tấm gương hi sinh đời mình để phục vụ cho dân tộc mình, suốt đời trung thành với lý tưởng vì dân, vì nước.

 

Tôi tin rằng, hiện giờ, nơi đây, trong buổi họp mặt này của anh chị em chúng ta, có sự chứng kiến linh thiêng của hai vị tiền bối Nguyễn Tường Bách và Nguyễn Chí Thiện. Và hương linh của hai vị đang chứng giám cho tấm lòng của anh chị em chúng ta cương quyết theo gương của hai vị, hết lòng tranh đấu cho Nhân Quyền, tự do, dân chủ cho đồng bào tại Việt Nam, tranh đấu bền bỉ để đem lại thành quả, một ngày không xa.

 

Phải có ngày đó!

Sẽ có ngày đó! như Nguyễn Chí Thiện đã nói trong bài thơ "Sẽ có một ngày" mà ai cũng thuộc./

 

 

Tham Luận của Bs Cấn Thị Bích Ngọc

 

image099

Từ trái: Bác sĩ Lâm Thu Vân (Canada), Sinh viên Khuê Tú (Canada), Bà Quản Mỹ Lan (Pháp), Bác sĩ Cấn Thị Bích Ngọc (Canada)

 

Phát biểu trong Lễ Khai Mạc Đại Hội Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam 2013


Xin cám ơn BTC đã có nhã ý mời chúng tôi phát biểu đôi lời trong ngày khai mạc chương trình ĐH. Kính thưa quý vị, thật là một niềm vui cho chúng tôi được hiện diện nơi đây ngày hôm nay để trao đổi với quý vị những suy tư của chúng tôi về tình trạng nhân quyền cùng cuộc đấu tranh dân chủ tại VN. Đồng thời chúng tôi mong muốn được sự hướng dẫn của quý bậc trưởng thượng và quý đồng hương về vai trò và trách nhiệm của CĐNV hải ngoại đối với hiện tình đất nước hiện tại.

 

Thưa quý vị, từ biến cố đau thương tháng 4-1975, đa số đồng bào hải ngoại chúng ta đã tạo nên sự nghiệp, sống ổn định tại nhiều quốc gia tân tiến trên thế giới tự do. Chúng ta đang được thụ hưởng một đời sống an bình, con em chúng ta được hưởng một nền giáo dục tiến bộ, văn minh nhất trên thế giới, quyền lợi của chúng ta được bảo vệ bởi một nền pháp lý công minh.

 

Nhìn về tổ quốc, bên kia bờ đại dương là một bức tranh hoàn toàn tương phản.

 

Trong khi đông đảo đồng bào yêu dấu của chúng ta đang sống trong tận cùng của những cơ cực nghèo khó, VN lại đứng thứ hai trong vùng Đông Nam Á về số lượng những đại triệu phú với tài sản khổng lồ hàng chục triệu dollars tại các ngân hàng ngoại quốc. Mặt khác, sau chiến tranh, VN hội đủ tất cả yếu tố để trở thành con rồng Á Châu với nhân lực trẻ đông đảo, tài nguyên thiên nhiên phong phú, và với nguồn tài trợ dồi dào phát xuất từ nhiều phía mà trong đó dầu muốn dầu không, đồng hương hải ngoại chúng ta đã góp phần không nhỏ. Nhưng thực tế đã quá xa vời so với những ước tính bởi tập đoàn lãnh đạo CS đã không bao giờ để quyền lợi quốc gia trong ngôi vị trọng yếu. Mùa thu 1945, Hồ Chí Minh lừa dối cả thế giới với bài diễn văn cho một nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc. Sáu mươi tám mùa thu sau, đất nước vẫn thậm thụt trong nỗi nhục chậm tiến. Độc lập ở đâu khi mà mảnh đất quê hương hàng ngày đều bị các công ty ngoại quốc công khai đào phá Beauxit, tài nguyên; biển đảo lần lần bị cắt nhượng cho Tàu Cộng; ngư dân bị bắn giết ngay tại quần đảo quê hương. Tự Do là gì khi VN là một thành viên Liên Hiệp Quốc, nhưng người dân hoàn toàn không có những quyền làm người cơ bản và những tiếng nói kêu gọi Công lý đều bị dập tắt tàn nhẫn. Hạnh phúc ở đâu khi hàng vạn người dân oan đã lấy đất làm sàn nhà, lấy bầu trời làm mái trong hàng chục năm nay trong cuộc hành trình đòi lại ruộng đất nhà cửa đã bị nhà cầm quyển CS ngang nhiên tước đoạt.

 

Thật ra, chúng tôi đã nói thiếu sót, tại VN cũng có một số quyền tự do. Trong mục đích củng cố chế độ, cầm quyền Cộng Sản đã cổ võ hay ít nhất không can thiệp một số các tự do: đó là quyền tự do ăn chơi, tự do xa đọa, tự do tham nhũng. điều này đưa đến sự tụt hậu của đất nước về mọi phương diện: kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, đạo đức, xã hội. Và nhất là với bản chất bạc nhược, Đảng CSVN đang đẩy dân tộc chúng ta đến hiểm hoạ mất nước như tiếng kêu tuyệt vọng của nhạc sĩ Việt Khang: Việt Nam tôi đâu?

 

Nhưng một dân tộc đã từng vì chủ quyền quốc gia, vì sự vẹn toàn lảnh thổ đã không ngại hy sinh xương máu để bao lần đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc. Thì dân tộc đó sẽ chẳng không thể tiếp tục cúi đầu chấp nhận sự kiện CSVN đem Tàu Cộng về dày xéo quê hương.

 

Và anh hùng hào kiệt thời nào cũng có trên quê hương Việt Nam oai linh. Bên cạnh những người trẻ sống thác loạn không lý tưởng. Trong bóng tối lầm than của đất nước, ngày càng xuất hiện những khuôn mặt trẻ đầy nhiệt huyết với khát vọng tự do, lý tưởng hòa bình, ý chí bất khuất mà LS Lê Công Định gọi là THẾ HỆ DẤN THÂN.

 

Họ là những người xuất thân từ gia đình đảng viên, cán bộ CS như Cù Huy Hà Vũ, Lê Thị Công Nhân, Tạ Phong Tần. Những người này đã từ bỏ những ưu đãi của chế độ phi nhân, chọn con đường dấn thân cho công lý qua các hành động bênh vực giúp đở dân oan khiếu kiện, viết blogger, viết những kháng nghị thư gửi đến đảng CS tố cáo thực trạng đen tối của VNXHCN, yêu cầu một xã hội đa đảng, một nền dân chủ pháp trị.

 

Thế hệ dấn thân này cũng bao gồm đông đảo các bloggers thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần. Đặc biệt là thế hệ trẻ, thanh niên, sinh viên, học sinh ngày càng đông đảo.

 

Nhìn lại quá khứ để có những nhận định đúng đắn về tương lai, chúng ta dễ dàng nhận thấy lộ trình dân chủ ở VN đã hé mở ngay từ khi chính sách kinh tế Đổi Mới được tung ra vào năm 1986. Vào thời điểm này, CSVN buộc lòng mở cửa nhằm thu hút tư bản và các loại viện trợ, nhưng đồng thời làn gió dân chủ từ các nước Tây Phương cũng theo đó thổi vào VN. Ngoài ra, Việt Nam đã dựa rất nhiều vào sự phát triển tân kỳ của Internet qua sự tận dụng các hệ thống Web để phát triển kinh tế, đến độ là chỉ trong vài ba năm mà trở thành một trong những nước dùng mạng internet nhiều nhất Đông Nam Á. Kết quả là từ năm 2000, số người Việt Nam dùng mạng đã đạt con số 31 triệu người, hoặc một phần ba dân số. Đây là con dao hai lưỡi cho chế độ. Một mặt Internet là một phương tiện kinh doanh hữu hiệu, mặt khác, truyền thông Internet cũng đã mở cửa cho những thông tin mà trước kia CSVN cố tình che dấu, tràn ngập vào VN và đã thức tỉnh giới trẻ, họ không còn mê ngũ trước những ngụy tạo lịch sử của CSVN.

 

Càng ngày, các blog lớn và nhỏ đã nở rộ tới hàng triệu địa chỉ để đáp ứng lại nhu cầu thu thập thông tin, trao đổi ý kiến và những ưu tư về hiện tình đất nước, những bất công xã hội, sự yếu hèn của nhà cầm quyền VN trong các tranh chấp với Trung Hoa về các đảo trên Biển Đông.

 

Khả năng truyền tin nhanh chóng của Internet là món quà cho người dân VN trong công cuộc dân chủ hoá nước nhà. Internet là là vũ khí lợi hại tố cáo tội ác CSVN một cách nhanh chóng trước cộng đồng thế giới. Mặc dù CSVN cố gắng bưng bít những việc làm bất chính của chúng, nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ sau là tại hải ngoại, khắp nơi trên thế giới chúng ta đều có thể biết những diễn tiến tại quê nhà.

 

Thấy được sự đe dọa của thông tin Internet cho nên Hà Nội đã gia tăng những đàn áp đối với các blogger. Mới đây nhất là nghị định 72/2013/ND-CP có hiệu lực ngày 1 tháng 9 năm nay, với mục đích kiểm soát chặt chẽ internet. Ngoài ra, những ai liên hệ với nước ngoài đều có thể bị chụp mũ vì tội "gián điệp" theo điều 80 của bộ Luật hình sự. CSVN cũng trưng dùng rộng rãi Điều 88 về tội "tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa" với khung án từ 3 đến 20 năm tù để đàn áp các bloggers. Một trong những điều luật cực kỳ phi lỳ là điều 258 tuy ên án việc lợi dụng quyền tự do dân chủ để làm phương hại các quyền lợi của Nhà nước" với án tù tới lên tới 7 năm.

 

Chúng ta nhận thấy: càng sợ hãi thì CSVN càng trở nên hung ác. Nhưng quốc tế cũng đã nhận thấy điều này. Tổ chức Freedom House có trụ sở tại Hoa kỳ vừa lên tiếng tố cáo ngày 3 tháng 10 vừa qua theo đó: VN là một trong hai quốc gia đàn áp quyền tự do internet nhất ở Châu Á chỉ sau Trung Cộng. Và theo sự xếp hạng của các tổ chức nhân quyền khác thì VN đứng thứ hai trong số các nước bỏ tù nhiều blogger nhất và đứng thứ 7 trong danh sách 10 nước không có tự do tệ hại nhất thế giới.

 

Thế nhưng sự hung bạo này chỉ gây thêm sự phẩn uất và nung nấu thêm ý chí đấu tranh nơi dân chúng. Thật vậy, sự đàn áp liên tục và tàn ác của nhà cầm quyền CSVN dường như chỉ có tác dụng rèn thêm cái trí và dũng nơi người dân quốc nội. Trước những lạm dụng bạo quyền của CS qua các Điều 79, 88, 258 của Bộ Luật Hinh Sự và Nghị định 72, thanh niên VN nhanh chóng cho ra đời những TUYÊN BỐ 258 và TUYÊN BỐ 72 là những kiến nghị phản đối yêu cầu bãi bỏ các điều luật 258, 72. Các người trẻ VN đã làm thế giới thán phục qua hành động can đảm, thông minh khi họ đã dùng ghe qua Thái Lan để trao các bản Tuyên bố yêu cầu quốc tế can thiệp vào vấn đề Nhân Quyền và quyền tự do xử dụng Internet tại VN đến Ủy Ban Luật Gia Quốc Tế cũng như tận dụng tất cả phương cách qua mặt công an để trao những kiến nghị tố cáo này đến các cơ quan quốc tế như Uỷ ban Bảo Vệ Ký Giả Committee to Protect Journalist, SEAPA hay Liên Minh Báo CHí ĐNÁ, Tổ CHức Theo Dõi NQ hay Human Rights Watch, Tổ chức Front Line Defenders cùng các toà đại sứ Thụy Sĩ, Mỹ, Úc Đức. Thắng lợi bước đầu của những nhà cách mạng trẻ tuổi quả cảm này là chỉ trong một thời gian ngán đã có đến 21 chính phủ của các qgia trên thế gìới cùng nhiều nhật báo tại các nước tự do đồng lên tiếng phản đối Nghị định 72.

 

Kính thưa quý vị, qua những sự kiện trên, chúng ta thấy được rằng:

 

_ Tuy bị nuôi dưỡng trong chủ thuyết Cộng sản, nhưng một khi thức tỉnh, tuổi trẻ VN đã tiến một bước dài trong công cuộc khai sinh dân chủ cho Việt Nam.

_ Những người trẻ tại quốc nội đã học được bài học oai dũng của tiền nhân, một Nguyễn Lân Thắng dõng dạc nói trước ống kính: Tụ do phải trả bằng máu. Một Nguyễn Thị Minh Hạnh đã khẳng định: Ở đời chỉ chết một lần và còn nhiều nữa những tuổi trẻ Việt Nam với tinh thần Việt Khang, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Quốc Quân, Huỳnh Thục Vy, Trịnh Minh Tiến. Cả một thế hệ dũng cảm, biết đằng trước là bạo lực nhưng họ vẫn kiêu dũng tiến lên. Họ đã ý thức và đã cởi được vòng xiềng xích to lớn nhất, đó là lòng sợ hãi. Đây là những người con ưu tú, là cứu cánh của dân tộc và chúng ta có bổn phận phải bảo vệ họ.

 

Kính thưa quý vị, cũng qua các diễn tiến tại quê nhà, chúng ta thấy được rằng biện pháp duy nhất để mở ra sinh lộ cho đất nước là chúng ta phải đào tử huyệt Cộng Sản. Con đường tất yếu của dân tộc sẽ là cuộc vùng dậy ở quốc nội với sự tiếp tay đắc lực của hải ngoại để giải thể chế độ CS. Xin nhắc lại chủ lực dứt bỏ cơ chế CSVN là từ quốc nội, nhưng hải ngoại là một thực lực không thể thiếu trong cuộc đấu tranh này. Chúng ta không còn con đường nào khác. Và nhất là không nên ỷ lại, trông dựa vào thế lực quốc tế, tuy đây cũng là yếu tố quan trọng vì ngoài người Việt Nam ra, không ai thành thật quan tâm và có thể xã thân hy sinh cho đất nước Việt Nam.

 

Xin nhắc lại lời những người bạn trẻ trong nước: Tổ quốc lâm nguy, xin đừng vô cảm. Và nhất là trước sự sáng suốt của người dân quốc nội, quyết không nhân nhượng với bạo quyền qua tiếng bom Tiên Lãng, tiếng súng Thái Bình, xin đồng hương hải ngoại đừng ngây thơ tin vào mỹ từ hòa hợp hoà giải với CSVN, vì theo lời của tổng thống Borit Elsin “Cộng sản là không thể sửa chữa, chỉ có thể dẹp bỏ.

 

Nếu vì thiếu quyết tâm của chúng ta, vì sự thờ ơ của người Việt hải ngoại, CSVN tiếp tục hoành hành: hèn với giặc, thẳng tay đàn áp những người yêu nước tại quê nhà, không bao lâu nữa thì toàn đất nước trên 4000 năm gầy dựng bằng bao xương máu của Cha Ông lại rơi vào ách thống trị của Tàu Cộng.

 

Tội ác bán nước của CS sẽ bị lịch sử nguyền rủa, nhưng những kẻ đồng lõa, tức những người dửng dưng trước vận mạng đất nước cũng sẽ bị cả dân tộc lên án.

Ước mong sao ở hải ngoại, chúng ta sẽ không còn thờ ơ. Mỗi người một bàn tay cùng nhau chuyển xoay vận nước. Trong thời điểm hiện tại, sẽ có nhiều biến chuyển xảy đến, , chúng ta hãy theo dõi tin tức thời sự, và tùy theo khả năng của mình mà hành động.

 

Vì sự tồn vong của Tổ quốc, xin hãy cùng nhau tích cực hành động, cùng nhau tiếp tục hỗ trợ tinh thần và vật chất cũng như gia tăng nỗ lực vận động quốc tế để can thiệp cho các tù nhân lương tâm, các nhà đấu tranh dân chủ tại Việt Nam. Và chúng ta cũng quyết không mắc mưu chia rẻ của Cộng sản hầu làm suy yếu lực lượng hải ngoại.

 

Trước khi dứt lời, chúng tôi xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tri ân sâu xa trước sự dũng cảm hy sinh của đồng bào quốc nội, chúng tôi nguyện quyết luôn sát cánh cùng với quốc nội để đẩy mạnh cuộc đấu tranh giải thể đảng CSVN, giành lại độc lập và tự do thật sự cho nước nhà.

Xin kính chúc Đại Hội của Mạng Lưới Nhân Quyền được thành công mỹ mãn. Chúng tôi tin tưởng rằng những hoạt động và thành quả của quý vị đã và luôn là nguồn khích lệ lớn lao cho các nhà đấu tranh dân chủ nơi quê nhà.

 Cấn Thị Bích Ngọc – Quận Cam 10/2013

 

Tham luận của nữ SV Nguyễn Khuê Tú

Dưới đây là bài tham luận của SV Nguyễn Khuê Tú, 22 tuổi, thành viên mi ca MLNQVN đến t Vancover, trong bui hi lun v “GIỚI TRẺ HẢI NGOẠI VÀ CÔNG CUỘC ĐẤU TRANH VÌ QUYỀN LÀM NGƯỜI CHO ĐỒNG BÀO TRONG NƯỚC” trong Đại Hội MLNQVN.

 

Kính thưa Ban Tổ Chức, quí vị đại diện cộng đồng, hội đoàn, cơ quan truyền thông, quí quan khách, và quí anh chị,

 

(Vì có các anh chị giới trẻ nên con xin phép các Bác cho con đuợc xưng tên)

 

Trong cuộc biểu tình tại Vancouver vào tháng 7 vừa qua để hỗ trợ cho Ls. Lê Quốc Quân, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phuơng Uyên cũng như các tù nhân chính trị khác, Tú đã phát biểu: “CSVN đừng tuởng rằng sau mấy chục năm cai trị bằng sự đàn áp dã man, bằng chính sách giáo dục dối trá, ngu dân mà nguời trẻ lớn lên ở VN không nhìn ra sự thật, hiểu biết về quyền làm nguời và lẽ phải, và nhất là đủ can đảm để trả lời truớc toà như Kha và Uyên rằng: chống lại đảng CS không phải là cái tội. CSVN cũng đừng tuởng rằng giới trẻ VN sinh ra lớn lên sống yên ổn ở nuớc ngoài rồi sẽ bỏ quên đất nuớc Vietnam, mặc kệ nguời dân bị sống duới sự cai trị độc ác của CS mà không tiếp tay tranh đấu. Sự tranh đấu này sẽ tiếp tục ngày một lớn hơn cho đến khi chấm dứt sự cai trị độc tài của đảng CS.”

 

Tú đã phát biểu một cách tự tin như vậy và tin rằng những nguời theo dõi tình hình tranh đấu cho nhân quyền tại VN cũng có cùng nhận định như thế. 

 

Thật vậy, những bản án nặng nề cho những nguời trẻ như Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chuơng, cũng như 100 năm tù cho 14 thanh niên Vinh v.v… không đe doạ được những người trẻ yêu công lý. Giới trẻ VN ngày càng can đảm nhận lấy trách nhiệm trong cuộc đấu tranh giành lại quyền làm nguời, và cho tự do dân chủ.

 

Về vai trò của giới trẻ trong cuộc đấu tranh này, con xin trình bày 3 điểm như Ban Tổ Chức đề nghị: khả năng và lợi thế của giới trẻ, những thử thách, và cuối cùng là những dự định ngắn hạn, dài hạn.

 

 Khả năng và lợi thế của giới trẻ:

 

- Giới trẻ trong nuớc có khả năng sử dụng được sự phát triển của internet để tự tìm hiểu, mở mang kiến thức, nhận ra đuợc sự lừa dối của hệ thống giáo dục và thông tin của CS. Họ biết thế nào là một chế độ tự do và dân chủ thật sự, thế nào là quyền mà mỗi con người phải có, để sống đúng nghĩa con người. Nhờ có kiến-thức như thế nên nguời đấu tranh tin rằng mình có lẽ phải, mạnh dạn đối đáp với công an, lý luận lại với những nguỵ biện của chế độ. Họ không còn sợ hãi mà còn có thể làm công an hay quan tòa phải lúng túng xấu hổ.

 

- Giới trẻ hải ngoại có lợi điểm về vận động quốc tế, có khả năng làm truyền thông, có thể trình bày với thế giới vấn đề vi phạm nhân quyền một cách nghệ thuật, sáng tạo, thu hút đuợc sự chú ý. Cũng với óc sáng tạo, giới trẻ trong nuớc đã hoạt động duới nhiều hình thức để phổ biến ý tuởng dân chủ, quyền làm nguời, từ những việc như đi bộ, họp bạn cùng nhau đọc bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, đến những hành động đầy mưu trí và can đảm để vuợt thoát sự theo dõi của công an, vào tận tòa đại sứ các nuớc tự do tại Hà Nội, đến cả văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Thái Lan, và có mặt tại Hội thảo lần thứ 7 của Front line Defenders tại Dublin cách đây 3 ngày để tố cáo CSVN vi phạm nhân quyền.

 

- Khi giới trẻ dù trong hay ngoài nuớc đứng lên tranh đấu thì đó là bằng chứng rõ ràng đây không phải là cuộc tranh đấu của những nguời thua trận, tiếc nuối quá khứ, hận thù quá khích, như CSVN vẫn tuyên truyền. Hơn nữa sự tranh đấu của giới trẻ bao giờ cũng có lợi điểm về tâm lý, dễ thu hút đuợc sự chú ý, yêu quí của mọi nguời. Đặc biệt là hình ảnh dũng cảm của những nguời trẻ trong nuớc dám hy sinh bản thân, chịu tù đày cho lý tuởng tự do, không những đã thu phục đuợc cảm tình của dư luận thế giới, mà còn làm cho giới trẻ hải ngoại chúng ta phải suy nghĩ thêm về trách nhiệm của mình. (Đến đây Tú cũng xin phép mở một dấu ngoặc để nói riêng với các anh chị ở Hoa Kỳ là Tú đã rất vui mừng và nể phục khi thấy hàng trăm các bạn trẻ ở Hoa Kỳ tham gia 2 đợt vận động vừa rồi ở Quốc Hội Hoa Kỳ)

 

 Thử thách:

 

Bên cạnh những lợi thế ấy, dĩ nhiên giới trẻ cũng phải chiu nhiều thử thách. Giới trẻ ở hải ngoại may mắn không phải chiu cái thử thách kinh khủng của giới trẻ trong nuớc là nếu không có đủ can đảm và ý chí mạnh mẽ thì khó mà chịu đựng những đàn áp dã man và tù đày, nhưng cũng phần nào chịu chung sự tấn công từ bộ máy tuyên truyền của CS. Thí dụ như khi chúng ta bắt đầu có hoạt động chống lại sự cai trị độc tài của CS thì chúng ta thấy ngay lập tức cái áp lực đó, như email bi hacked, hoặc nhận tới tấp những email có nội dung bêu xấu cộng đồng và những nguời tranh đấu. Nếu mình đăng tin tranh đấu lên facebook thì họ vào tấn công bằng đủ mọi lời lẽ từ hằn học đến ngụy biện dài dòng, mục đích để cho mình chán nản vì biết nguời trẻ còn rất bận rộn với việc học. Chúng ta làm việc chỉ với tấm lòng, cũng giống như một nguời tay không, mà phải đánh nhau với cuớp có võ, lại có dao súng, cả trực thăng luôn nữa.

 

Dự định ngắn hạn và dài hạn:

 

Tú đưa ra hình ảnh trên không phải để nản lòng mà để nói đến nhu cầu vận động nhân sự, kết hợp giới trẻ để giúp nhau thêm sức mạnh, có những chuơng trình làm việc chung. Trong chiều huớng đó, Tú xin trình bày kinh nghiệm riêng khi làm việc vận động giới trẻ. Tú và các bạn ở các tỉnh khác đang thành lập một nhóm tên là Canadian Youth for Human Rights in Vietnam. Vì sao không là Vietnamese Youth hay Vietnamese Canadian Youth mà lại là Canadian Youth? Vì cộng đồng nguời Việt ở Canada ít nguời, không đông như Hoa Kỳ, mình không thể chỉ nhắm vào giới trẻ VN. Hơn nữa, ngay cả nếu có nhiều nguời Việt thì có thêm nguời Canada lại càng tốt hơn. Tú cũng như đa số các bạn nguời Canada chỉ quan tâm phân biệt giữa cái đúng và cái sai, chứ không phân biệt nguời dân nuớc này hay nuớc khác. Như Tú và các bạn đã từng quyên tiền xây truờng tặng trẻ em ở Phi Châu, nên Tú tin mình có thể mời gọi sự giúp sức của giới trẻ Canada, nếu họ biết về sự thật đang xảy ra ở VN. Tú đã thử rủ các bạn Canada tham gia vào việc mỗi nguời cầm 1 chữ cái chụp hình để ghép thành “Happy Birthday Lê Quốc Quân!” và đuợc họ vui vẻ làm ngay khi họ nghe về truờng hợp của Ls. Quân, và họ còn rủ thêm bạn dùm Tú để làm cho kịp ngày. Quí vị thấy trong hình có 23 nguời thì 15 nguời không phải gốc Việt.

 

 

Nhóm dự định có đại diện ở từng vùng để vận động các dân cử bảo trợ cho tù nhân luơng tâm, thúc đẩy chính quyền dùng áp lực ngoại giao và thuơng mại để VN phải tôn trọng nhân quyền. Nhóm cũng dự định phổ biến cho cả nguời dân Canada biết chủ truơng của nhóm là khi tranh đấu cho nhân quyền Vietnam cũng chính là khi nêu cao cái danh dự của Canada, nơi nguời dân rất chú trọng đến nhân quyền. Nhóm sẽ cung cấp tài liệu cho dân Canada biết để họ suy nghĩ Canada có cần phải mua bán với một nuớc mà công nhân không có quyền lập công đòan để bảo vệ mình, có cần nhập cảng những sản phảm (như hạt điều) làm từ nguời tù bị cuỡng bức lao động, làm việc thiếu vệ sinh, ngay cả bệnh tật không đuợc chữa trị. Nhóm cũng dự định thiết lập danh sách những cá nhân đàn áp nguời dân, vi phạm nhân quyền (thí dụ chánh án xử nặng các tù nhân luơng tâm...) để vận động đạo luật không cấp cho họ visa vào Canada. (như Hoa Kỳ có luật cấm những nguời trong chính phủ Nga vi phạm nhân quyền không đuợc nhập cảnh). Tú cũng mong chúng ta làm sao vận động đuợc 1 ca sĩ hay diễn viên nổi tiếng của Hollywood lên tiếng cho chúng ta, để nâng chuyện đàn áp nhân quyền, cai trị độc tài tại VN thành một chuyện nổi tiếng trên thế giới, ai cũng biết, ai cũng chống đối.

 

Kể về Canadian Youth for Human Rights ở đây với các anh chị là Tú muốn chia sẻ một hy vọng là trong tuơng lai chúng ta có thể thảo luận để thành lập World Youth for Human Rights in Vietnam để làm viêc chung.

 

Xa hơn nữa, chúng ta cũng kết hợp với giới trẻ trong nuớc. Tai sao không, khi bây giờ chúng ta liên lạc với nhau quá dễ qua FB. Thí dụ như khi Tú làm hồ sơ những phụ nữ nạn nhân của vi phạm nhân quyền để gửi cho Liên Hiệp Quốc, Tú cũng liên lạc qua FB với trong nuớc để hỏi những chi tiết mình chưa rõ. Một trong những công việc của Tú 2 năm nay là làm bản báo cáo vi phạm nhân quyền tại VN mỗi 3 tháng nên Tú phải đọc tin hàng ngày. Dĩ nhiên khi viết vào report thì Tú phải kiểm chứng tin đàng hoàng, và lấy từ nguồn quốc tế như AP, RWB, etc., nhưng muốn biết tin sớm nhất thì Tú đọc FB của những nguời đấu tranh trong nuớc.

 

Khi có sự liên lạc giữa trong và ngoài nuớc, chúng ta dễ thông cảm, biết đuợc nhu cầu của nhau để phụ giúp, biết ai vừa bị bắt, bị đánh, để lên tiếng cứu giúp, hỗ trợ tinh thần hay vật chất.

 

Cuộc đấu tranh cho một nuớc VN tự do dân chủ và tiến bộ đòi hỏi nhiều công sức lâu dài, ngay cả khi chế độ độc tài CS đã bị lật đổ, và đó chính là công việc chung dài hạn của nguòi trẻ hải ngoại và trong nuớc. Chỉ khi nào trình độ nhận thức chính trị, ý thức xã hội của nguời dân đuợc nâng cao, họ biết đâu là quyền lợi, đâu là bổn phận, và khi tinh thần nhân bản là nền móng xã hội, thì khi ấy nguời dân Việt Nam mới thật sự có đời sống thanh bình và tiến bộ.

 

Trên đây là những ý kiến thô sơ dựa trên kinh nghiệm ít ỏi của Tú, còn thiếu sót nhiều, mong đuợc quí Bác và quí anh chị chỉ dẫn, cho ý kiến thêm.

 

Xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị.

 

Nguyễn Khuê-Tú | Oct 13, 2013

26 Tháng Sáu 2017(Xem: 7779)