VĂN HÓA ONLINE - TỪ CALIFORNIA - THỨ SÁU 15 FEB 2019
Tìm hiểu thái độ của Hoa Kỳ khi Đặng đánh VN năm 1979
BBC 13/2/2019
Bản quyền hình ảnh Reuters Image caption Zbigniew Brzezinski qua đời năm 2017
Năm 1978 - 79, khi Mỹ - Trung chủ động tiến gần đến nhau, hai chính khách quan trọng nhất trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Trung là Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh cho tổng thống Mỹ và Đặng Tiểu Bình, phó thủ tướng Trung Quốc.
Trong ngoại giao Mỹ, chiến lược détente (hòa hoãn) của Henry Kissinger đặt quan hệ Mỹ - Xô và Mỹ - Trung ngang nhau.
Nhưng Brzezinski, khi trở thành cố vấn an ninh của Tổng thống Jimmy Carter, chọn chiến lược công khai liên minh với một trong hai cường quốc cộng sản, buộc kẻ còn lại rơi vào sự cô lập. Ảnh hưởng ngày càng tăng của ông cố vấn, cùng với những tính toán của Bắc Kinh, là yếu tố quan trọng khiến sự tái lập quan hệ Mỹ - Việt trở thành bất khả.
Khi Jimmy Carter trở thành chủ nhân Tòa Bạch Ốc, việc phục hồi quan hệ với Việt Nam được ông xem là một phần của quá trình hàn gắn vết thương cho nước Mỹ.
10 ngày sau khi nhậm chức tổng thống, Carter gặp Ủy ban Quốc hội về người Mất tích ở Đông Nam Á (Ủy ban Montgomery) và lặp lại lời hứa khi tranh cử là sẽ gửi phái đoàn đến Việt Nam để bàn vấn đề MIA. Khác với người tiền nhiệm Gerald Ford, Carter chỉ thị không đặt MIA làm điều kiện tiên quyết cho đàm phán.
Vấn đề tái lập quan hệ chính thức với Trung Quốc cũng nằm trên bàn nghị sự của tổng thống.
Nhưng Carter chỉ trích nặng nề lập trường của Nixon - Kissinger đối với Trung Quốc: "Chúng ta không nên bợ đỡ họ như cách Nixon và Kissinger đã làm."
Ban đầu, Carter nghe theo đề nghị của Ngoại trưởng Cyrus Vance, là bình thường hóa quan hệ với cả Bắc Kinh và Hà Nội.
Trong khi đó, đứng trên lập trường chống Liên Xô của một người Mỹ gốc Ba Lan, Brzezinski ngả về phía Trung Quốc để lên án cả Moscow và Hà Nội.
Với lập trường chống Liên Xô, Brzezinski, ngay từ đầu năm 1978, đã xem xung đột Việt Nam - Campuchia là một "cuộc chiến ủy nhiệm giữa Trung Quốc và Liên Xô."
Mỹ và Trung Quốc chính thức phục hồi quan hệ ngoại giao vào ngày đầu tiên của năm 1979. Một tuần sau, quân đội Việt Nam tiến vào thủ đô Phnom Penh.
Khả năng bình thường hóa quan hệ với Mỹ nay được đặt ra với điều kiện Hà Nội rút toàn bộ quân đội ra khỏi Campuchia.
Image caption Năm 1979, Trung Quốc vừa trải qua các sự kiện lớn như cái chết của Mao năm 1976 và chấm dứt Cách mạng Văn hóa
Đặng Tiểu Bình, trong vai trò Phó Thủ tướng, Tổng Tham mưu trưởng quân đội, bay đi Washington ngày 28/1/1979.
Vài giờ sau khi tới Washington, ông Đặng ăn tối tại nhà cố vấn quốc gia Zbigniew Brzezinski. Tại đây, ông gây ngạc nhiên khi yêu cầu có cuộc họp đặc biệt với tổng thống Jimmy Carter để bàn chuyện Việt Nam.
Ngày 29/1 tại Phòng bầu dục, ông Đặng - cùng bộ trưởng ngoại giao Hoàng Hoa, thứ trưởng ngoại giao Zhang Wenjin - tiếp xúc với tổng thống Carter, phó tổng thống Walter Mondale, ngoại trưởng Cyrus Vance và ông Brzezinski.
Theo ghi chép của Brzezinski, lãnh đạo Trung Quốc tiết lộ quyết định sắp đánh Việt Nam.
Ông Đặng nói để đáp trả sự bành trướng của Liên Xô, Bắc Kinh "thấy cần thiết kiềm hãm tham vọng của Việt Nam, cho họ một bài học hạn chế phù hợp".
Đặng cũng nêu khả năng Liên Xô sẽ phản ứng ra sao.
Trong "khả năng xấu nhất", Trung Quốc "sẽ cầm cự" và chỉ yêu cầu Mỹ có "ủng hộ tinh thần" trên trường quốc tế.
Tổng thống Carter không phản hồi, mà chỉ nói Trung Quốc cần kiềm chế trong tình hình khó khăn.
Carter nói không nên đánh VN
Ngày hôm sau, ông Đặng nhận lá thư tay của Carter, nói Trung Quốc không nên đánh Việt Nam.
Tổng thống Mỹ nói chiến tranh trừng phạt hạn chế không có tác dụng với việc Việt Nam chiếm đóng Campuchia, và có thể kéo Trung Quốc vào hố sâu.
Có đánh giá khác nhau về lá thư tay này của Carter. Ví dụ, Gregg A. Brazinsky, trong sách "Winning the Third World: Sino-American Rivalry during the Cold War" (in năm 2017), cho rằng Nhà Trắng muốn tránh bị xem là đồng lõa với Trung Quốc nhưng cũng không muốn phá vỡ việc bình thường hóa với Trung Quốc.
Vì vậy, giải pháp là lá thư tay của Carter. Mỹ hiểu rằng lá thư không đủ để ngăn cản Trung Quốc. Nhưng với việc viết thư, tổng thống Carter có thể làm im lặng những người chỉ trích trong khi không phải trừng phạt Trung Quốc.
Đến ngày 30/1, lại gặp Carter lần nữa, Đặng khẳng định phải trừng phạt Việt Nam và rằng quân Trung Quốc sẽ chỉ đánh ngắn ngày.
Image caption Đặng Tiểu Bình gặp Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ở Nhà Trắng năm 1979
Image caption Quân Trung Quốc khi đánh VN tháng 2/1979
Zhang Xiaoming, trong cuốn "Deng Xiaoping's long war : the military conflict between China and Vietnam, 1979-1991" (in năm 2015) nói Đặng không tin rằng Mỹ sẽ lên án Trung Quốc vì hành động quân sự.
Khi quay về Bắc Kinh, Đặng dường như đánh giá rằng Mỹ đã không bác bỏ hay chỉ trích kế hoạch đánh Việt Nam, và đã có quan hệ chiến lược mới giữa hai nước để chống Liên Xô.
Hai ngày sau khi Đặng về Bắc Kinh, hôm 11/2, Bộ Chính trị Trung Quốc họp bàn. Tại đó, Đặng giải thích mục tiêu tấn công Việt Nam.
Quân khu Quảng Tây và Vân Nam nhận lệnh tấn công.
Ngày 14/2, Trung ương đảng Trung Quốc gửi văn bản cho các chi bộ, quân khu, bộ ngành giải thích rằng cần đánh Việt Nam để tự vệ. Theo Zhang Xiaoming, văn bản nói rõ chiến tranh sẽ chỉ hạn chế về không gian, thời gian và quy mô.
Trước đó, ngày 6/2, cố vấn Brzezinski có văn bản gửi tổng thống Carter. Trong đó, Brzezinski nói Mỹ không nên công khai ủng hộ hay lên án việc Trung Quốc đánh Việt Nam.
Brzezinski khuyên Carter hãy kêu gọi rút toàn bộ quân các bên khỏi Đông Dương, tức là đòi cả Trung Quốc và Việt Nam rút quân. Nó sẽ giúp khủng hoảng kết thúc mà không làm bên nào có vẻ phải đầu hàng.
Theo Gregg A. Brazinsky, sau khi chiến tranh xảy ra ngày 17/2, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Brzezinski tiếp tục giúp củng cố quan điểm của Trung Quốc, dù đôi khi Brzezinski gặp phản đối từ Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trong suốt ba tuần khi chiến tranh nổ ra, Brzezinski thành công khi bác bỏ ý kiến của Bộ Ngoại giao Mỹ muốn trừng phạt Trung Quốc.
Trong lúc chiến sự diễn ra, Brzezinski mỗi buỗi chiều lại gặp đại sứ Trung Quốc Sài Trạch Dân để thông báo hoạt động của quân Liên Xô dọc biên giới Xô - Trung và cho hay những thông tin tình báo vệ tinh khác.
Từ đầu năm 1978 trở đi, cùng với ảnh hưởng gia tăng của Brzezinski, Washington không còn xem Hà Nội là một nước độc lập trong vùng mà là một "Cuba phương Đông", tiêu biểu cho tham vọng bành trướng của Liên Xô.
Lập trường đối ngoại của Brzezinski tìm thấy điểm chung ở ban lãnh đạo Trung Quốc.