Giải tỏa khu thượng thành Huế, bất ngờ xuất lộ cổng gạch tuyệt đẹp

29 Tháng Sáu 20209:07 SA(Xem: 5564)

VĂN HÓA ONLINE - VĂN HÓA VĂN HỌC - THỨ HAI 29 JUNE 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Giải tỏa khu thượng thành Huế, bất ngờ xuất lộ cổng gạch tuyệt đẹp


28/06/2020


TTO - “Việc giải tỏa dân cư thượng thành Huế vừa làm xuất lộ một chiếc cổng nhỏ tuyệt đẹp, rất độc đáo” - nghe chúng tôi báo tin, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa háo hức lên đường đến ngay chân cầu Lương Y (Đông thành Thủy Quan) của Huế để xem


image015

Chiếc cổng vừa xuất lộ ở kinh thành Huế gây ngạc nhiên cho nhiều người - Ảnh: THÁI LỘC


Chiếc cổng nhỏ xuyên thành, phải khom lưng mới qua được, theo hình thức cổng vòm tuyệt đẹp với bảy lớp gạch có giật cấp, phía dưới là những tảng đá xanh còn khá nguyên vẹn. Qua cổng ra ngoài thành là đường phòng lộ tiếp giáp với sông Ngự Hà và hào Hộ thành, cách sông Hộ thành (Đông Ba) vài chục bước chân.


Chiếc cổng nhỏ nối kết độc đáo giữa kinh thành và Ngự Hà


Sự xuất lộ quá đỗi bất ngờ, bởi lẽ vị trí nằm ngay cửa Đông thành Thủy Quan, mang tính phòng thủ trọng yếu của kinh thành Huế xưa.


Thế nhưng sách sử triều Nguyễn, kể cả hai văn bia (bia cầu Khánh Ninh và bia cầu Ngự Hà) dù miêu tả khá kỹ lưỡng khu vực Đông thành Thủy Quan cũng không nhắc đến chiếc cổng này. 


Ngay cả sách Kinh thành Huế - một công trình nghiên cứu kỹ lưỡng và bài bản nhất về kinh thành của nhà nghiên cứu Phan Thuận An - cũng không thấy nhắc đến chiếc cổng độc đáo nói trên.


Sự xuất lộ gần đây nhờ vào giải tỏa một ngôi nhà dân áp vào toàn bộ chiếc cổng. Song nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng sử sách không nhắc đến chưa chắc do người xưa không biết: "Tôi nghĩ ngày trước có khả năng khu vực quan trọng này là một cứ điểm của một vệ binh nào đó trấn giữ, và vì lý do bí mật quân sự mà người ta không tiết lộ trong bi ký cũng như trong sách sử".


Ngoài cung cấp thêm những dữ liệu, những "góc khuất" chưa soi sáng trong việc nghiên cứu văn hóa lịch sử của Huế, đối với ông Hoa, điều thú vị của chiếc cổng chính là vị trí hết sức đặc biệt. 


Tỉnh Thừa Thiên Huế đã giải tỏa chỉnh trang di tích sông Ngự Hà và đang tiến hành giải tỏa hàng nghìn hộ dân sống trên thượng thành và các pháo đài. 


Bộ mặt thành xưa dần phơi bày cực quý và tuyệt đẹp. Cùng với đó là việc khởi động chủ trương của Chính phủ, văn bản đồng ý của Bộ Quốc phòng về chuyển giao 41ha trụ sở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh (đồn Mang Cá xưa) sang tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý...


Những việc ấy "làm lộ ra" những tài nguyên du lịch vô cùng to lớn và hấp dẫn của Huế, đó là tour khám phá thượng thành và thưởng ngoạn Ngự hà. Và chiếc cổng cổ quý nhỏ nhắn trở thành điểm nối kết độc đáo giữa hệ thống kinh thành và Ngự Hà nói trên.


Để Huế trở thành đô thị di sản cấp quốc gia


Nhìn lại mấy năm gần đây, chính quyền ở Huế được người dân "khen nức" không phải từ những dự án xây dựng lớn, khu đô thị mới hay khu công nghiệp, bến cảng. 


Sự khen ngợi chủ yếu dành cho một số dự án liên quan đến cải tạo, chỉnh trang bộ mặt của khu di sản, hay trồng cây xanh, cải tạo chỉnh trang công viên ven bờ sông Hương.


Trong đó dự án lớn, "mang tính lịch sử" về di dời hàng ngàn hộ dân trên kinh thành ít thấy "kêu ca", có lẽ nhờ vào cách làm bài bản, hợp lý. Hầu hết dự án được người dân ủng hộ đều tốn không nhiều tiền, ít đụng chạm đến đời sống người dân, không khó để thực hiện nhưng mang lại những giá trị lớn lao.


Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng kể một người Pháp gốc Huế vừa trở về tản bộ trên đường dạo ven sông Hương mà cứ ngỡ ngàng. Người này cho biết từng có ước ao... trúng số để ủng hộ xây những đường dạo như thế cho Huế. Ông bất ngờ và cảm động với việc đầu tư gần đây của chính quyền.


Và nói như ông Nguyễn Xuân Hoa, "có những dự án/việc làm dù không lớn nhưng lại chạm vào giá trị cốt lõi của Huế, cho nên được chấp nhận và ủng hộ". 


Ông cũng cho rằng những việc làm, có thể không lớn của Huế ấy sẽ tạo ra một sự khác biệt, để Huế xứng đáng được công nhận là đô thị di sản cấp quốc gia mà có lẽ ở VN hiếm có đô thị nào xứng với sự định danh này.


Ngày 27-6, ông Phan Ngọc Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết dự án di dân tái định cư khu vực 1 kinh thành Huế với số lượng khoảng 4.200 hộ dân, bắt đầu thực hiện từ 2019, theo kế hoạch hoàn thành trong năm 2022.


Giai đoạn 1 của dự án di dời 2.938 hộ, kế hoạch hoàn thành trong năm 2021. Đến nay tỉnh đã di dời được 576 hộ dân sống trên thượng thành Huế sang tái định cư tại phường Hương Sơ, phía bắc TP Huế. Khoảng 1.300 hộ còn lại của giai đoạn 2 sẽ tiến hành trong năm 2022.


Lại phát hiện cổng kỳ lạ tuyệt đẹp thứ hai ở kinh thành Huế


28/06/2020 19:39 GMT+7


TTO - Theo người dân địa phương, không chỉ có một, còn một chiếc cổng nhỏ kỳ lạ tuyệt đẹp giống hệt cái vừa phát lộ nằm sau nhà một hộ dân chưa di dời khỏi kinh thành Huế.


Nhà nguyên cứu Nguyễn Xuân Hoa sau khi nhận được tin này đã thốt lên: "Thật bất ngờ!"


Không chỉ có một


Sau khi phát hiện chiếc cổng nhỏ kỳ lạ tuyệt đẹp khi giải tỏa một nhà dân ở khu vực kinh thành Huế, chúng tôi tiếp tục đến khu vực chiếc cổng để tìm tư liệu. Theo người dân địa phương, không chỉ một mà có đến hai cái cổng gạch như vậy.


Chiếc cổng thứ 2 nằm ở phía bên kia cầu Lương Y, sau nhà một hộ dân. Nếu đặt cầu Lương Y ở giữa thì 2 chiếc cổng này nằm ở vị trí tả, hữu.


Chiếc cổng mới này nằm ngay sau nhà bà Lê Thị Đào (phường Thuận Lộc, TP Huế). Do hộ của bà Đào chưa di dời khỏi kinh thành Huế nên chiếc cổng này chưa được phát lộ.


Bà Đào cho biết chiếc cổng này đã tồn tại ở đây trước khi gia đình bà đến ở, cách đây hơn 40 năm. Do phía sau là bụi lau rậm rạp, sợ trộm đột nhập nên gia đình đã dùng khối bêtông táp lô bịt kín cổng lại.


Theo quan sát, chiếc cổng này được xây giống hệt chiếc cổng vừa được phát lộ với bảy lớp gạch có giật cấp. Phiến đá xanh đặt bên dưới chiếc cổng còn nguyên vẹn hơn chiếc cổng mới phát lộ mà theo người dân, đá có dấu hiệu bị mòn là do chủ nhà cũ thường dùng làm lối đi ra sau đường phòng lộ để trồng rau, đi vệ sinh.


Tương tự như chiếc cổng kia, cổng mới này dẫn lối ra phía sau đường phòng lộ tiếp giáp Hộ thành hào và sông Ngự Hà. Với kiểu kiến trúc này, người qua cổng phải khom người.


image016

Chiếc cổng gạch nhỏ mới bị bịt kín - Ảnh: NHẬT LINH


image017

Chiếc cổng mới nằm sau một nhà dân chưa được giải tỏa khỏi kinh thành Huế - Ảnh: NHẬT LINH


Có thể là lối đi của vệ binh giữ thành


Nhận được thông tin, nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa đã thốt lên "Thật bất ngờ!". Xem qua ảnh, ông Hoa đánh giá chiếc cổng mới này còn nguyên vẹn hơn so với cổng vừa phát lộ trước.


Theo ông Hoa, đây có thể là lối dẫn ra đường phòng lộ của vệ binh giữ thành. Có thể ngày xưa có một đội vệ binh đóng ở gần đây có nhiệm vụ bảo vệ Đông thành Thủy Quan. Do nhiệm vụ bí mật nên có thể sách sử liên quan đến kinh thành Huế của triều Nguyễn không nhắc đến hai chiếc cổng này.


Ông Hoa cũng cho rằng có thể toàn hệ thống kinh thành Huế chỉ có duy nhất hai chiếc cổng kỳ lạ tuyệt đẹp này.


"Trong ngự chế của vua Minh Mạng viết về hai văn bia cầu Khánh Ninh và cầu Ngự hạ, vua đã mô tả rất kỹ khu vực này như lan can phía đông cao hơn phía tây hay chi tiết có trổ 13 pháo nhãn, nhưng không thấy nhắc đến hai chiếc cổng trên" - ông Hoa nói.


image018

Chiếc cổng gạch nhỏ được thiết kế với bảy lớp gạch có giật cấp - Ảnh: NHẬT LINH


image019

Khối đá xanh bên dưới bị mòn do người dân thường đi qua đây để trồng rau, đi vệ sinh - Ảnh: NHẬT LINH


Đã được phát hiện và ghi nhận từ lâu


Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, hai chiếc cổng này đã được trung tâm phát hiện và chụp ảnh tư liệu từ lâu.


Theo nguồn tư liệu do trung tâm cung cấp, hai chiếc cổng này được linh mục Léopold Michel Cadière ghi trong cuốn "Kinh thành Huế: Địa danh" với tên gọi "cổng trái và phải Đông thành Thủy Quan" và đánh dấu trên bản đồ ở vị trí 121.


Nguồn tư liệu này cũng cho biết theo Đại Nam nhất thống chí ở vị trí này có đặt xưởng đại bác và có vệ bính 20 người để canh giữ Đông Thành thủy quan. Hai cánh cổng này nhằm mục đích cho binh lính thuận tiện tuần tra đường phòng lộ bên ngoài thành.


image014

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã cắm biển cảnh báo để lực lượng dọn dẹp mặt bằng ở đây cẩn thận khi giải tỏa mặt bằng - Ảnh: NHẬT LINH


image020

Khu vực cánh cổng nhỏ bằng gạch ở phía chân cầu Lương Y - Ảnh: NHẬT LINH


NHẬT LINH
02 Tháng Mười Một 2021(Xem: 5440)
26 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5946)
21 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 6213)
27 Tháng Mười 2020(Xem: 6370)