Thanh Thương Hoàng: Hai anh em họ Nguyễn

16 Tháng Mười 20208:27 SA(Xem: 5622)

VĂN HÓA ONLINE - VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THỨ SÁU 16 OCT 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


LỜI TÒA SOẠN: Ông NGUYỄN THANH CHIỂU bút hiệu THANH THƯƠNG HOÀNG. Sinh năm 1930, nguyên quán Thanh Chương Nghệ An, sinh quán Trà Cổ Hải Ninh. Khởi sự viết văn viết báo từ năm 1953. Có 18 sách xuất bản gồm truyện ngắn, truyện dài, 2 kịch bản phim và 3 cuốn dịch Anh ngữ. Đã đảm nhiệm các nghiệp vụ: phóng viên, trưởng ban phóng viên, thư ký tòa soạn, chủ bút, chủ nhiệm, chủ tịch Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam; Phó chủ tịch Hội Đồng Báo Chí Việt Nam. Sáng lập Làng Báo Chí với hơn 300 căn nhà (ngoài xa lộ Saigon - Biên Hòa) dành cho nhà báo, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ. Hiện sống tại Thành phố San Jose, California, USA và vẫn viết văn viết báo.


Văn Hóa Online - California trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc một truyện ngắn của nhà văn Thanh Thương Hoàng.  Xin cảm tạ tác giả đã đến với Văn Hóa Online. (lkt)


Hai anh em họ Nguyễn

image007

Truyện ngắn THANH THƯƠNG HOÀNG


Kể từ ngày sang đất Mỹ tới giờ hơn 10 năm, ông Do chưa một lần về Việt Nam. Trước năm 1975 ông chỉ là một sĩ quan cấp nhỏ, Trung úy. Sợ ra chiến trường cái chết lúc nào cũng kề bên nên ông chạy chọt về Tổng cục chiến tranh chính trị cho an toàn.


Ngày 30 tháng Tư năm 1975 ông không kịp chạy ra nước ngoài phải đi trình diện để tập trung học tập cải tạo một tháng thì về theo như công bố của “chính quyền cách mạng”. Nào ngờ một năm, hai năm rồi ba năm ngày về vẫn mù mịt tăm hơi. Ông đâu có ngờ về làm việc tại Tổng cục chiến tranh chính trị là để tìm chữ thọ trong thời chiến tranh lại là một cái tội tầy đình, nợ máu nhân dân nặng nhất vì theo cộng sản là bộ phận chỉ đạo tâm lý chiến cuộc chiến tranh. Theo lời các bạn đồng tù bàn ra tán vào thì ít ra ông cũng tù 10 năm là rẻ vì ngoài cái “tội ngụy quân” lại còn mang cái tên Tự Do. Ông nghe họ nói buồn lắm. Khi đi tù ông để lại bà vợ trẻ chưa đến 30 tuổi và cậu con trai 9 tuổi. Ngày đêm ông chỉ lo ngay ngáy vợ mình bị “thằng phải gió” nào “cõng” đi mất. Ông đã nghe kể nhiều về chuyện các quan to chồng mới đi  tù đã rước “thằng cán ngố ở rừng” về nhà hú hí.


&


Sau ngót 10 năm tù ông Do được gọi tên tha. Ông mừng quýnh bỏ lại hết đồ đạc, thuốc men cho anh em trong buồng, ai muốn lấy gì thì lấy và quên cả chào giã từ những người bạn tâm giao nhất. Tù mấy năm về, may quá vợ ông chưa sang ngang và con ông, nhờ ông bà nội (tuy bị “đánh” tư sản nhưng cũng dấu diếm được vàng)  cung cấp tiền bạc nên vẫn được học hành. Lúc rời cổng trại ông cúi đầu chào kính cẩn gã công an trực trại như sợ gã bất thần giữ lại “chơi” ít tháng cho bõ ghét thì khốn. Gã này có lần đánh ông chẩy máu mồm máu mũi về cái “tội” ông lén đem mẩu khoai mì nướng (lấy ngoài đồng) đem vào trại tối đói bụng ăn. Gã công an trực trại nổi tiếng hung thần dữ dằn tàn ác. Cả trại tù đều sợ khiếp vía. Mỗi lần gã “nổi máu khùng” là tù nhân chỉ có từ chết tới bị thương. Ông Do nhớ mãi cái ngày khủng khiếp gã công an trực trại dùng giầy đinh (của quân đội Mỹ bỏ lại) đá liên tục vào mạng mỡ một tù nhân. Không ai biết anh ấy bị đánh vì “tội” gì. (Về sau một anh tù ở cùng buồng anh ấy tiết lộ vì không chịu cho gã trực trại “mượn” đôi giầy da mới nguyên người nhà vừa đem lên nên anh bị đánh đòn thù). Anh tù đau đớn oằn người ôm bụng rồi ngã lăn ra đất. Sự đánh đập này cả trại tù đều chứng kiến vì đang là lúc tập họp điểm danh. Miệng anh tù bị đá từng cụm máu tươi đỏ ứa ra đầy hai bên mép. Rồi sau cái rùng mình mạnh, hai tay anh tù buông xuôi. Anh đã chết. Trong lúc mọi người còn đang bàng hoàng hoang mang run rẩy, ngồi tập trung chờ đi lao động, một anh tù bỗng đứng bật dậy la lớn:“Đả đảo cộng sản dã man tàn ác”. Thế là tất cả bọn cán bộ quanh đó xúm lại tóm cổ kéo anh đi. Từ đó biệt tăm tin tức anh. Còn anh tù bị đánh chết, ngày hôm sau viên cán bộ giáo dục đọc bản văn công bố trước toàn trại: tên X. chết vì trúng gió. Và gã còn đọc thêm bản “chứng nhận y khoa” của một bác sĩ cộng hòa tù (bị bắt ép ký tên công nhận). Ông Do tặc lưỡi biết mình hơi hèn tự an ủi thôi thì mình đóng kịch qua ải cũng chẳng chết ai, ngày xưa tài ba như Hàn Tín còn lòn chôn thằng hàng thịt kia mà!


&


Về nhà được dăm năm có chương trình HO, ông Do đem cả chục cây vàng ra tận Hà Nội chạy chọt nên được sang Mỹ sớm. Tuy sống ở đất nước tự do nhất thế giới mà mỗi lần nghĩ tới trại tù cải tạo và gã công an trực trại, ông Do vẫn rùng mình rợn tóc gáy. Những đêm nằm mê thấy mình cởi trần bị trói phơi nắng nóng như lửa trước sân trại, bọn trật tự theo lệnh gã công an trực trại đánh ông té đái té cứt chỉ vì ông đang mải suy nghĩ điều gì đó, gã đi qua quên không đứng nghiêm cất to tiếng chào. Ông hoảng hốt la ầm lên, mồ hôi lạnh toát đầy mình, làm cả nhà giật mình tỉnh giấc.  Thấy thiên hạ sau mấy năm định cư đất Mỹ ra sức “lao động là vinh quang” có tí của ăn của để kéo nhau về cố hương trả thù đảng và nhà nước bằng cách dầy vò những tấm thân vô tội của các cô gái nghèo khổ vị thành niên, ông Do muốn về lắm vì “ăn cơm nguội nhà mãi cũng chán”. Nhưng ông vốn dĩ hiền lành, cả tin, ba phải, và nhất là nhút nhát nên sợ. Cứ nghĩ tới bộ mặt dữ dằn của gã công an trực trại là ông vẫn còn sợ toát mồ hôi hột. Nhưng lần này ông phải về, về với sự chẳng đặng đừng: ông cụ thân sinh ông bệnh nặng muốn gặp cá con trước khi về cõi khác. Hơn nữa ông cụ còn cái nhà đáng giá mấy chục tỷ bạc và vàng dấu diếm được muốn phân chia cho các con. Chính vì lý do này đã mạnh mẽ thúc đẩy ông Do quyết tâm về cố hương một phen. Hơn nữa ông nghe nói bọn quan quyền cộng sản từ lớn tới nhỏ bây giờ dễ chịu hơn trước nhiều. Dúi tí tiền mọi việc êm xuôi hết. Tuy nhiên khi máy bay sắp đáp xuống đường băng Tân Sơn Nhất ông Do vẫn run. Trán ông lấm tấm mồ hôi lạnh trong khi những người ngồi quanh ông nói cười hô hố. Họ cũng chẳng quan tâm tới việc thắt dây an toàn nơi bụng. Chắc bọn này là cán bộ đi công cán ngoại quốc đi về nhiều lần, ngoài “quốc sự” chúng còn làm công việc “tư sự”: mang hàng lậu thuế về kiếm chác. Thời thế nào cũng vậy, có chút chức chút quyền là giở trò lợi dụng soay sở trục lợi cá nhân. Nhưng “thời xưa” không dến nỗi trắng trợn như bây giờ. Ông Do cứ suy nghĩ lẩm cẩm về chuyện này tới khi máy bay ngừng trước sân ga.


&


Ông Do thật bất ngờ trước sự thay đổi ghê gớm của Thành phố Saigon. Những tòa binh đinh cao ngất mọc lên như nấm. Xe hơi loại xịn chạy đầy đường, nghe đâu có cái giá tới hơn triệu đô la, dân Việt giầu có bên Mỹ mấy ai dám chơi. Lại còn tậu cả máy bay thuê phi công ngoại quốc lái nữa. Hỏi ra mới biết những người này đa số thuộc loại con ông cháu cha. Còn một số bà con bạn bè thân thiết của ông xưa kia nghèo rớt mồng tơi nay nhờ thời thế và giỏi mánh mung áp phe lo lót cũng trở nên giầu sụ mà ở Việt Nam người ta gọi là đại gia. Họ khuyên ông Do về nước sống, nhất là sau khi ông cụ thân sinh qua đời, bán căn nhà ông được chia một khoản tiền khá lớn đủ sống vênh vang suốt đời. Ông Do nghe có vẻ thích lắm nhưng vốn là người nhút nhát, ông còn phải cần nhiều thời gian “điều nghiên” trước khi quyết định.  Hôm đó đang phóng xe Honda (mượn của thằng cháu) trên dốc cầu xuống, xe ông Do bị đinh xẹp lốp, ông suýt té dập mặt. Lúc ở bên Mỹ ông đã nghe nói nhiều về cái trò rải đinh trên đường làm xẹp bánh xe của bọn lưu manh. Ông kéo lết mãi mới đẩy được cái xe xuống dưới chân cầu. Ở đây đã có mấy tên thợ thay lốp xe chờ sẵn. Ông Do đưa xe cho một gã trông mặt mũi có vẻ ít ba trợn trong đám. Gã mặc chiếc áo giắc kết của lính cộng hòa đã sờn cũ. Sau khi lướt nhìn qua“nạn nhân”, gã bảo bánh xe nát hết phải thay vỏ ruột mới. Có lẽ gã đánh hơi biết ông Do  là Việt kiều nên ra một giá “giời ơi”, ông cũng đành phải chịu. Vừa thay vỏ xe gã thợ cất tiếng gợi chuyện ông ở Mỹ hay nước nào, về chơi hay làm ăn. Ông Do nghe tiếng gã có vẻ quen quen. Ông lục tìm trong trí nhớ. À, đây rồi, bất giác ông kêu lên “Chào cán bộ”. Gã thợ thay lốp xe ngửng mặt đăm đăm nhìn người khách. Gã không nhận ra ông là ai. Ông Do hỏi: “Có phải cán bộ trước ở trại cải tạo G.T không?”. Ông vẫn quen mồm gọi cán bộ như khi trong trại tù. Gã thợ thay lốp xe gật đầu: “Sao ông biết?”. Ông Do cười hà hà:”Tôi là người mà anh em trong trại thường quen gọi là “Do mù” đây mà”. Gã thợ chăm chăm nhìn ông Do rồI kêu lên: “Á à, thì ra ông bác là Do nhát, tôi nhớ ra rồi, vì mỗi lần gặp bọn tôi ông phải bỏ kính cận ra chào nên mắt không nhìn thấy gì hết. Thế, thế bây giờ…anh, à ông về nước lâu chưa? Về đầu tư hay thăm quê hương?”. Ông Do hắng dọng làm điệu bộ trịnh trọng:”Báo cáo cán bộ”. “Thôi dẹp đi ông ơi, trò báo cáo cán bộ xưa rồi. Trong trại nội quy bắt bọn tôi phải gọi mọi người bằng anh hết dù đáng tuổi cha chú ông nội mình. Còn bây giờ ra ngoài xã hội thì phải tuân theo tôn ti trật tự chứ. Tôi gọi ông bằng bác nhé!”. Ông Do nhớ gã này khi làm trực trại đã đánh ông hộc máu mồm trào máu mũi nên định bụng khi thay lốp trả tiền xong ông sẽ chửi xéo nó vài câu cho hả căm hận rồi bỏ đi. Nhưng nay thấy nó nghèo khổ lại có vẻ tử tế hiền lành khác hẳn khi trước, ông động mối từ tâm, hết căm hận. Ông gật đầu: “Chú xưng hô thế nào cũng được”. Lắp bánh xe xong ông Do  cho thêm gã tiền gấp mấy lần tiền thay vỏ ruột xe. Gã thợ tay run run cầm tiền rồi trố mắt nhìn ông, không biết gã xúc động thật hay vờ vịt rồi ngập ngừng và cả ngượng ngùng nói: “Ông hết căm hờn tôi rồi à? Hay ông trả thù tôi bằng cách đối xử hào sảng tử tế với kẻ thù cũ để chửi cha tôi? Mà hận và thù là phải. Chẳng những thế còn oán hờn suốt đời nữa, đúng không nào? Hồi đó tôi…tôi…thật chẳng ra làm sao cả”. Gã ngưng nói nhìn ông Do dò xét rồi nói tiếp, giọng như lạc hẳn đi: “Hồi đó tôi đánh ông chẳng khác nào đánh bố tôi. Tôi đau lòng lắm nhưng không đánh không được”. Nghe gã nói thế ông Do  ngạc nhiên trố mắt nhìn gã công an coi tù cũ. Thằng này giở trò gì đây, định lợi dụng lòng tử tế của mình để moi thêm tiền chăng! Ông Do lầm bầm trong bụng. Có lẽ nhìn thấy bóng một gã công an đang đi tới, một là nó tịch thu bộ đồ nghề, hai là phải dúi cho nó tiền, gã thợ vội dọn đồ nghề vào một cái hòm gỗ nhỏ, bất thần nói: “Thôi ông đi đi. Tôi chuồn đây. Chào ông”. Ông Do thật sự ngạc nhiên về cái gã cựu công an cai tù này. Ông tò mò muốn tìm hiểu xem bỗng nhiên tâm trạng gã trở nên bất thường nói năng kỳ lạ vậy. Ông mời mãi gã mới chịu bước vào cái quán cóc bên đường.


Trong lúc ngồi nhâm nhi ly cà phê ông Do hơn một lần nhắc lại câu hỏi khi nãy chú nói chú đánh tôi khác gì đánh bố chú, gã cựu công an đương kim thợ thay lốp xe im lặng không trả lời. Gã nói lảng sang chuyện khác. Ông Do  hỏi gã giải ngũ lâu chưa, nguyên do. Gã chẳng suy nghĩ nói luôn: “Tôi bị tống xuất khỏi ngành vì vi phạm kỷ luật, ông có tin không?”. Ông Do kêu lên: “Một cán bộ năng nổ tận tụy phục vụ đảng, Nhà Nước đắc lực như cán bộ mà bị kỷ luật? Thật lạ!”. Gã cười nhạt: “Có gì lạ đâu, trâu buộc ghét trâu ăn ấy mà!”. “Cán bộ nói tôi không hiểu”. Gã có vẻ bực tức dằn giọng: “Tôi đã bảo ông đừng gọi tôi là cán bộ nữa, giờ tôi là môt thằng phó thường dân hạng bét. Một anh thợ đứng đường làm cái nghề bất lương là rải đinh ra đường để lột tiền thiên hạ. Tôi bị tống xuất khỏi ngành về cái tội hối lộ”. Nói xong gã chỉ vào cái áo giắc kết đang mặc:“Chỉ tại cái áo này đây. Một anh tù được vợ mang nó lên trại tù cho chồng. Áo mới nguyên. Anh phạm thấy tôi suýt xoa khen áo đẹp, anh ấy nịnh thối tặng luôn cho tôi. Thằng bạn thân của tôi làm cán bộ an ninh trại ghen tị ( vì cũng thèm cái áo này lắm ) bèn báo cáo tôi lên ban giám thị tội tham nhũng hối lộ, bao che kết cấu với bọn phạm rất nhiều phen và còn âm mưu chỉ dẫn bọn nó trốn trại lấy tiền. Ban bệ chức sắc vây cánh chúng nó bênh nhau bèn kết tội tôi và  đuổi ra khỏi ngành. Ông thấy bọn nó khốn nạn không, trong khi chúng lấy đồ của Nhà Nước giao cho trại như xi măng gạo mắm muối, bắt tù vào rừng kiếm những cây gỗ quý hiếm đóng bàn ghế tủ giường đem bán lấy tiền bỏ túi. Rồi còn cưỡng hiếp vợ phạm lên thăm chồng thì không sao lại còn lên chức lên lương ào ào và được bằng tuyên dương khen thưởng. Còn các lão trung ương thì “ăn” cả nước, bán cả nước lúc chết vẫn được quốc táng và dựng tượng đặt tên đường phố trở thành anh hùng dân tộc. Mẹ đời!”. Ông Do  gật gù: “Thế thì gớm  thật”. Hai người chuyện trò lăng nhăng hồi lâu về những ngày tháng trong trại tù cải tạo rồi chia tay. Ông Do vẫn còn ấm ức về cái vụ “đánh anh khác gì đánh bố tôi” nên cho địa chỉ và hẹn gã cựu công an cai tù ngày gặp lại.


&


Ông Do có  người anh ruột  tên Nguyễn Chiến Thắng. Thực ra khi sinh ra hai anh em ông (sinh đôi) cha ông đặt tên hai người con là Nguyễn Đạt Phú và Nguyễn Đạt Quý nhưng thấy hai tên này có vẻ “tư sản” quá, nhân dịp cách mạng tháng Tám thành công ông mới đặt tên hai người con lại cho hợp thời hợp thế. Năm 1954 ông Nguyễn Chiến Thắng bị kẹt lại miền Bắc trong khi cả gia đình di cư vào Miền Nam. Có người nói ông ở lại là “theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc” nên đi kháng chiến chống Pháp giành độc lập tự do cho đất nước với tất cả nhiệt tình của tuổi trẻ. Ông Thắng xung phong đi bộ đôi và tình nguyện vào miền Nam đánh Mỹ Ngụy. Vì mặc cảm có gia đình theo ngụy (và cũng có thể sợ đảng theo dõi) ông Thắng đã không quản ngại gian khổ nguy nan, toàn tình nguyện vào những chốn một đi không trở lại để tạo niềm tin phục vụ đảng và quân đội. Số ông may không chết, mặc dầu nhiều trận đánh ông đã tưởng bỏ thây nơi chiến trường, thương tích đầy mình. Nhờ đó, qua nhiều thử thách ông được đảng tin dùng giao cho nhiều trọng trách và ông đã lập được nhiều thành tích nên chức vụ sau cùng là chính ủy Trung đoàn. Giải phóng miền Nam xong, nghe theo nhiều bạn đồng ngũ khuyến dụ, ông cũng đi tìm gia đình ở Saigon. Ông tưởng gia đình ông chạy sang Mỹ rồi. Nhờ người quen mách bảo ông tìm được gia đình ngay tại thành phố Saigon. Ông đinh ninh gia đình cha mẹ mình nghèo đói khốn khổ rách rưới, cơm ăn chạy từng bữa như đã được học tập tài liệu do đảng phổ biến. Nhưng tất cả đều khác hẳn. Ông Thắng bị choáng trước cảnh giầu có của gia đình và của cả xã hội cũ. Nhưng theo quan điểm mác xít đã thấm nhuần vào tim gan của ông những người này, kể cả cha mẹ ông, có bóc lột người nghèo mới trở nên giầu có. Ông đinh ninh cha mẹ ông khi gặp lại sẽ lạnh nhạt với ông như kẻ thù nếu không cũng như người dưng nước lã như những người miền Bắc đối xử với nhau, chẳng tình chẳng nghĩa. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sống với những người thân sau gần nửa thế kỷ xa cách vẫn đầm ấm thân thương như ngày nào. Nhất là nơi chốn công cộng ngoài xã hội tình người đối xử với nhau tử tế quá. Họ không nhìn ông bằng con mắt hận thù mà ngược lại, họ thương hại ông đã đánh mất tuổi trẻ để phục vụ cho đảng và bác. Tuy vậy ông Thắng vẫn không tin đó là tấm lòng do bản chất thành thật mà chỉ là sự dối trá tâm lý chiến do đế quốc Mỹ huấn luyện để sau chiến tranh tiến tới đánh đổ chủ nghĩa cộng sản bằng diễn biến hòa bình. Những sự việc này vẫn không lay chuyển được tâm trạng, ý thức, thành kiến của ông Thắng. Nên sau ít ngày sống với gia đình cha mẹ ở Miền Nam, ông thấy “thế nào ấy” như có một cái hố sâu thẳm, khó mà hội nhập nên ông kiếm cớ từ giã mọi người về Bắc. Ông đã thẳng thừng từ chối lời yêu cầu của cha ông mang vợ con vào Nam sống.


Trong khi đó cộng sản bắt đầu mở chiến dịch “đánh tư sản mại bản”, Ông Thắng sợ gia đình mình bị đánh sẽ mất hết của cải và ông bố có thể bị bắt đi tù nên sau khi bàn bạc cùng vợ và nghe lời các bạn đồng chí cùng cơ quan, ông vội vã vào Saigon. Ông Thắng  phân tích tình thế thêm phần hù dọa khiến ông cụ thân sinh ông  bằng lòng đưa ông những đồ kim quý như vàng bạc châu báu tích lũy bao năm được dấu kỹ để ông Thắng mang về Hà Nội giữ hộ cho chắc ăn. Ông Thắng mừng hú, cả đời ông ao ước có được một, hai chỉ vàng mà giờ có cả một kho tàng. Và lại còn căn nhà mấy tầng ông cụ cũng làm giấy giao cho ông con dưới dạng nhà bán, có chữ ký của chủ tịch Phường làm bằng. Ông Thắng bỗng dưng làm chủ một tài sản lớn. Thoạt đầu ông mừng lắm, đúng là bắt được của giữa đường. Nhưng sau nhiều đêm vắt tay lên trán “đấu tranh tư tưởng” ông thấy ý định của mình có vẻ bất lương quá., dù sao đây cũng là mồ hôi nước mắt của cha mình ký cóp dành dụm bao năm mới có. Hơn nữa cha ông có nặng  tình nghĩa cha con mớì tin và giao hết tài sản cho mình. Ông cũng thấy mấy người khi được cha mẹ gửi tiền bạc và sang tên nhà cửa là chuồn ngay, chẳng còn nghĩ tới tình nghĩa gì nữa. Ông bàn với vợ, bà cũng tỏ ý muốn chiếm luôn. Nhưng ông vẫn chưa dứt khoát, có lẽ trong ông vẫn còn chút lương tâm.


&


Ông cụ thân sinh ra ông Nguyễn Tự Do và Nguyễn Chiến Thắng bệnh nặng tưởng chết nhưng lại không chết và ít ngày sau trở lại bình thường. Cụ muôn nhân lúc còn khỏe mạnh tập họp con cháu lại để phân phát tài sản (đang trong tay ông Thắng) tránh tình trạng cụ “đi” bất ngờ mà anh em con cháu sinh ra bất hòa tranh chấp. Cụ viết thư gọi vợ chồng con cái ông Thắng vào. Mới đầu ông Thắng dung dằng không muốn vào. Tiền bạc tài sản “nằm” trong tay ông hết rồi ông vào làm gì. Nhưng sau một số bạn bè tốt bàn tán khuyên răn ông nên tránh tai tiếng cướp cạn của cải của cha mẹ, ông Thắng bằng lòng vào Miền Nam lãnh phần chia gia tài. Sau khi phân chia gia tài xong ông Do cảm động lắm thấy ông Bố mình cầm hai tay anh em ông nắm chặt nói:“Hai con có bao giờ quan tâm tới việc Bố đặt tên hai con là Chiến Thắng và Tự Do thay vì Phú và Quý không?”. Thật bất ngờ. Anh em ông Thắng nhìn nhau. Trong suốt cuộc đời của mình anh em ông chưa bao giờ nghĩ tới điều này, trừ lúc còn nhỏ hay bị bạn bè trêu chọc và đặt biệt danh cho hai ông là thằng Thắng láu  và thằng Do nhát ( vì ông Thắng rất ranh ma quỷ quái như bạn bè thường nhận xét). Còn ông Tự Do thì cận thị đeo kính trắng, không biết cận thật hay giả, nặng hay nhẹ hoặc đeo kính trắng để lấy le là nhà trí thức?. Ông cứ lợi dụng căp kính này để vờ vịt, trốn tránh việc nặng hay khó khăn với lý do không nhìn thấy rõ. Nhưng trốn trời không khỏi số, ông vẫn phải đi lính như thường. Sau hai sước danh này cứ đeo cứng suốt đời hai ông. “Có lẽ ý ông già muốn khuyên anh em mình nên đem thân ra phụng sự quốc gia dân tộc, lập sự nghiệp lớn làm vẻ vang giòng họ”. Ông Thắng nói. Ông Do cười cười giọng hơi chua chát: “Với anh thì đúng đấy, anh đã trở thành người chiến thắng, còn em bị kết tội tên ngụy bán nước cầu vinh. Đã thua trận lại còn chịu bao năm ngục tù nhục nhã. Ông già đặt tên Tự Do mà lại thành nô lệ tù tội mất hết cả tự do. Ngưng chút ông chuyển dọng tiếp:“Mà em có làm gì nên tội đâu. Đã cận thị mắt lại là lính văn phòng thì đánh đấm cái gì. Thế mà bọn thắng trận các anh lại bắt tù tội đầy đọa cực hình”. Ông Thắng cười nhạt: “ Sĩ quan tâm lý chiến đầu não chỉ đạo cuộc chiến ý thức hệ mà bảo không có tội gì thì đúng là…chuyện trời ơi”. Ông Do  cãi: “Nhưng em có cầm súng bắn giết nhau đâu. Sợ chết em mới chạy chọt về Tổng cục chính trị”. Ông Thắng phì cười: “Bên Việt Nam Cộng Hòa ai cũng khôn lỏi ma lanh như chú thì miền Nam bị mất lâu rồi. Nhưng thôi nói nhiều về việc này anh em lại trở nên bất hòa, lại Trịnh Nguyễn phân  tranh lần nữa chẳng ích gì”.


&


Sau những bữa cơm tối ông Do thường ngồi uống trà với ông anh để thảo luận và cả tranh luận về cuộc chiến tranh quốc cộng ai được ai thua, ai chánh nghĩa, ai phi nghĩa. Mỗi người một lý luận theo chủ quan của mình. Vì sống bên nhau ít ngày nên câu chuyện giữa hai anh em hiểu nhau hơn, bớt ”phòng thủ” và cởi mở hơn. Ông Thắng năm 1954 ở lại miền Bắc, còn ông Do ở miền Nam tới tuổi động viên vào trường bộ binh Thủ Đức. May mà hai anh em không đốI diện“đì đùng” bắn vỡ đầu nhau nơi chiến trường. Ông Thắng cho thời gian từ 1945 tới nay cộng sản có chánh nghĩa, thực sự chiến đấu vì tổ quốc vì nhân dân, vì độc lập tự do và có công thống nhất đất nước. Và Hồ Chí Minh là một lãnh tụ vĩ đại xứng đáng tượng đồng bia đá. Còn ông Do lần này dám bạo mồm bạo miệng vì nghĩ tình anh em ông Thắng không nỡ hại mình. Ông to tiếng kết tội cộng sản muôn năm vẫn là cộng sản, hết theo Nga lại theo Tầu để  thực hiện bằng được chế độ cộng sản, thế giới đại đồng dù có phải hy sinh chết cả nước. Hồ Chí Minh, Lê Duẩn và đồng bọn là bọn bán nước buôn dân. Ông Thắng nổi sùng: “ Theo chú thì mấy chục năm chúng tôi hy sinh xương máu đánh đuổi thằng Pháp thằng Mỹ giành độc lập thống nhất  đất nước là công cốc ! Chẳng những không có công mà lại còn mắc thêm những tội tầy đình nữa à?”. Ông Do từ tốn: “Anh thử nhìn sang các nước xem, họ có tốn giọt máu nào mà vẫn giành được độc lập trong tay bọn thực dân, đế quốc. Chẳng qua lão Hồ và đảng các anh u mê cận thị lại thêm ngu dốt và khát máu mà cứ tưởng mình khôn ngoan, tự cao tự đại, tự nhận đỉnh cao trí tuệ loài người đã giết chết cả chục triệu người trong bao nhiêu năm mà giờ này vẫn hoàn nô lệ, chỉ có khác là thay đổi chủ thôi, hết Liên Sô lại tới Tầu khựa”. Hai anh em ông Thắng lại cãi nhau một trận kịch liệt về Hồ Chí Minh. Ông Thắng cho Hồ Chí Minh là một anh hùng cứu quốc, một vĩ nhân đã làm nên lịch sử đem vinh quang tự do độc lập cho đất nước sau 80 năm nô lệ thực dân Pháp. Còn ông Do thì cứ lập luận Hồ Chí Minh là một tên buôn dân bán nước làm tay sai ngoại bang. Có lẽ lúc nhỏ lão đọc cuốn truyện Tầu cũ  có đoạn nói về một tên đệ tử hỏi sư phụ  làm nghề gì mau trở thành phú gia địch quốc và có quyền uy nhất thiên hạ. Sư phụ đáp: nghề buôn nước. Hồ Chí Minh nhớ nằm lòng câu này. Lúc bố lão làm quan say rượu đánh chết người dân bị Pháp đuổi về quê xua gà, Hồ Chí Minh làm bồi tầu chuồn sang Pháp viết đơn xin tha cho Bố và được phục chức không xong lão bèn chạy chọt xin vào trường Bảo Hộ học để sau này về nước làm quan, Pháp cũng không cho lão mới chạy theo bọn cộng sản quốc tế kiếm chút công danh. Nhờ thời thế đưa đẩy, lão khôn ngoan quỷ quyệt lợi dụng lập được nghiệp lớn để sau này có cơ hội bán nước. Nếu trước đây Pháp cho vào học trường Bảo Hộ thì khi về nước nhất định Hồ Chí Minh đã trở thành một tên đại Việt gian. Kẻ chửi người khen, hai anh em to tiếng cãi cọ về việc này, không ai chịu thua, có lúc tưởng như phải giải quyết bằng chân tay. Ông Thắng mặt đỏ bừng, ông giận lắm muốn đấm vỡ mặt thằng em cho bỏ tức. Hồ Chí Minh là thần tượng của ông từ lúc khởi đầu cuộc kháng chiến và vị “cha già dân tộc” đã trở thành “ông Thánh sống” ngời sáng muôn đời. Còn ông Do sau một hồi “bốc đồng” chột dạ, trán lấm tấm những giọt mồ hôi nhưng ông tin anh mình không nỡ hại mình ví “ít ra lão ấy cũng vớ một món bở khi  gặp lại  những thân nhân ngụy”. Chỉ vì cái trò thần tượng và tội đồ này mà hai anh em họ Nguyễn tuy không nói ra nhưng trong bụng rất ấm ức nhưng chẳng lẽ anh em mới gặp lại nhau đã gây to chuyện nên ông Thắng cố nhịn. Trước đây ông Thắng ghét cay ghét đắng “thằng em ngụy”. Trong lúc mình khốn khổ khốn nạn nơi rừng sâu nước độc chống chọi từng phút từng giờ với cái đói, cái khổ, bệnh tật và nhất là cái chết thì “bọn chúng nó” làm tay sai cho giặc, sống nhởn nhơ phè phởn chốn thành thị, hưởng bổng lộc hậu hỉnh do bọn đế quốc Mỹ ban phát. Ông thù và căm ghét tất cả bọn ngụy miền Nam kể cả thằng em ruột không để đâu cho hết. Nhưng khi “đại thắng mùa xuân“ rồi ông chưa được hưởng thành quả “giải phóng” thì “được” lệnh giải ngũ hồi hưu sống với đồng lương chết đói. (Chắc tại ông có gia đình ngụy và người em sĩ quan ngụy?) .Trong khi đó cái bọn chóp bu lãnh đạo đảng nhà nước chẳng mất một sợi lông chân nào trong cuộc chiến thì lại chất đầy nhà châu báu vàng bạc cướp được của miền Nam. Chúng nó hả hê hưởng thụ xương máu đồng bào đồng chí và còn trù dập trừng trị những công thần “dám” lên tiếng chỉ trích chúng. Bấy giờ ông mới thông cảm và thương thằng em ngụy. Trước đây ông vẫn đinh ninh bọn ngụy làm tay sai và bán nước cho đế quốc Mỹ. Ông căm hờn bọn chúng và quyết chiến đấu tiêu diệt bằng được. Phải trị tội bọn nó tới không còn một đứa. Nên khi bọn ngụy quân ngụy quyền bị bắt đi tù đầy mấy trăm ngàn người và triệu người vuợt biển làm mồi cho cá, ông không hề mảy may xúc động mà còn lấy làm hả hê “cho đáng đời chúng nó!”. Nhưng bây giờ trải qua thực tế,  tai nghe mắt thấy những sự thục rành rành, ông mới sáng mắt, mới tỉnh ngộ. Mới ăn năn hối hận. Ông Do ngạc nhiên về sự quay ngoắt 180 độ của ông anh mình.Thoạt đầu ông cho ông Thắng nói để lấy lòng mọi người và nhất là vừa được hưởng một tài sản lớn do ông Bố ban phát nên ông đóng kịch nói cho đẹp lòng mọi ngươi.. Ông Thắng chẳng ngần ngại cho biết là ít lâu nay ông đọc lén sách báo “ngụy” bán đầy chợ trời và đêm nghe các đài phát thanh đế quốc không bỏ sót một buổi. Thoạt đầu ông cũng tưởng họ làm cái việc bịa đăt xuyên tạc để thông tin tuyên truyền như Nhà Nước và đảng của ông vẫn làm nhưng sau thấy cái gì nó nói cũng đúng cả, từ việc lớn tới việc nhỏ, từ trong nước Việt Nam tới các nước trên thế giới, bạn cũng như thù với một thái độ thật vô tư. Chẳng những nó tố cáo tội ác bọn cộng sản lại còn “chơi” luôn cả Tổng thống và phe tự do của bọn chúng nữa. Mất bao năm ông mới biết bọn đế quốc Mỹ vào miền Nam không phải để cướp đất đai khai thác tài nguyên. Trái lại còn mang hàng trăm tỷ đô la, võ khí, lương thực và cả xương máu mấy chục ngàn binh sĩ cứu giúp Miền Nam ngăn chặn thằng Tầu cộng. Nếu không có bọn Mỹ thì miền Nam cũng khốn khổ chết dở kém gì miền Bắc, vì bọn cộng sản thường xuyên quấy rối phá phách bắt dân bỏ ruộng hoang, khủng bố những người lương thiện chỉ muốn sống yên ổn làm ăn. Ông nói: “Tôi nghe nói trước khi đổ quân vào Miền Nam chính phủ Mỹ còn phải xin phép chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, chứ đâu có như bọn giặc Tầu phương Bắc, trắng trợn cướp đất, tàn nhẫn bỉ ổi bóc lột người dân hết chỗ nói. Nếu bọn đầu sỏ cộng Việt không chịu nghe theo lệnh chúng là chúng cho ngay “một cái tát” như mấy năm trước làm quân, dân vùng biên giới chết như giạ. Rồi chú xem ít năm nữa đất nước ta sẽ trở thành những tỉnh huyện của chúng như các nước Ngoại Mông, Tây Tạng”. Ông Do thêm: “Trong khi đó bên Mỹ thế kỷ trước xẩy ra cuộc chiến Nam Bắc phân tranh. Bên Nam thua chẳng những không bị bắt làm tù binh, chẳng những không bị hành hạ bắt tập trung tù tội mà còn được tôn trọng và được bên thắng trận cấp lương thực cũng như phương tiện về quê sinh sống. Không hề có một sự trả thù nào. Còn ông tướng miền Nam đã được ông tướng miền Bắc long trọng đón tiếp theo lễ nghi quân cách và thết đại tiệc. Ông tướng miền Nam bại trận sau khi chết còn được dựng tượng và lập đền thờ tôn vinh là anh hùng. Còn cộng sản các anh luôn mồm khoe khoang khoan hồng nhân đạo mà bắt cả triệu quân dân Miền Nam tập trung vào nhà tù đánh đập tra tấn đến chết chẳng nghĩ gì tới tình đồng bào ruột thịt. Đến người lính quốc gia chết rồi chôn ở Nghĩa trang, các anh còn cuốc mồ đào mả trả thù”. Ông Do tuôn ra một tràng dài như trút hết nỗi ấm ức âm ỉ bấy lâu trong lòng giờ hết sợ mới có dịp nói với ông anh. Rồi ông tự kết luận: “Chính bọn tôi mới thực sự có chính nghĩa, mới thực sự là người yêu nước, chiến đấu vì nhân dân vì Tổ quốc. Còn bọn anh thì đúng là… những tên xâm lăng, những tên côn đồ, những tên Việt gian khát máu như lão Hồ thề “dù đốt cả dẫy Trường sơn…dù chết cả nước để giải phóng miền Nam cho bọn đế quốc đỏ”. Đúng như ông già mong muốn khi đặt tên anh là Chiến Thắng nhưng thật khốn nạn khi bọn anh chỉ là những kẻ chiến thắng về bạo lực lại thua chúng tôi về chiến thắng nhân tâm. Chính vì cái sự lương tâm, cái sự nhân đạo này mà chúng tôi thua đấy. Nhưng mất cái nọ lại được cái kia. Trên khắp miền Bắc, giờ đây đã sáng mắt sáng lòng, đã được biết và đã được hưởng một phần tự do tư tưởng dân chủ nhân quyền và cả văn hóa văn minh nữa là do chúng tôi truyền tới. Vậy thì ai thắng ai giải phóng ai?”. Ông Thắng chẳng những không phản đối còn phụ họa: “Chú nói đúng. Nước Mỹ thật văn minh nhân từ độ lượng nhất thế giới. Còn bọn cộng sản thì khỏi nói, đứng đầu sổ tội ác từ khi có loài người tới giờ”. “Đã vậy sao bọn anh vẫn u mê theo chúng tới cùng?” .Ông Thắng thở dài thườn thượt nói như than: ”Bọn tôi như gái ngồi phải cọc, như nàng Kiều lỡ nghe theo thằng Sở Khanh, thằng Mã giám sinh, mụ Tú bà dụ khị, dại rồi còn biết khôn làm sao đây! Ôi, tất cả đều muộn mất rồi, tan nát đời người hết rồi. Đau, đau lắm. Đau không để đâu cho hết”. Nói tới đây ông Thắng như nấc lên và hai giọt nước mắt trào ra từ từ lăn xuống hai bên má gầy gò nhăn nheo đen sạm. Ông Do ngạc nhiên nhìn ông anh hồi lâu. Ông thật bất ngờ về ông anh mình. Ông đã đau về phận mình những kẻ thua trận nhưng kẻ thắng trận như anh ông có hơn gì. Ông không kìm được cái thở dài xót xa nhức nhối. Lâu lắm ông mới cất tiếng nói như than: “Hai anh em mình và tất cả những người như anh em mình ở hai bên chiến tuyến đều là kẻ thua anh ạ. Thế thì còn trách cứ nhau làm gì để oán thù bao giờ mới giải xong”. Ông Thắng dằn giọng: “Phải nói là cầm c. cho chúng nó đái mới đúng, chú ơi! Trách mình ngu, quá ngu là đúng rồi. Nhưng còn các chú, những người quốc gia yêu nước thực sự? Trách người cũng phải biết tự trách mình. Các cụ ta đã dạy“tiên trách kỷ hậu trách nhân” mà! Nói chú đừng buồn miền Nam mất một phần lớn vì bọn chú đấy. Tiền của nhiều, có các đồng minh viện trợ dồi dào, vũ khí tối tân, nhất là với ông bạn khổng lồ Mỹ. Thế sao lại thua, thua một cách thê thảm. Phải chăng tại các người nhân từ quá, lúc nào cũng lấy chữ nhân làm đầu?. Trước một con thú dữ mà đối xử nhân đạo với nó thì chỉ có chết. Ở ngoài Bắc có họ hàng sống trong Nam khó mà ngóc đầu lên nổi, chỉ thiếu nước đi ăn mày. Còn trong Nam bố mẹ theo cộng sản ra Bắc tập kết, con cháu ở lại vẫn được học hành tử tế lại còn cho ra ngoại quốc học hành đỗ đạt để rồi chúng nó giở trò bất lương phản phúc, nghe theo cộng sản xúi dục cầm dao đâm vào bụng những ân nhân của chúng. Lại còn những tên thuộc loại con ông cháu cha được Chính phủ cấp học bổng sang Mỹ học thành tài lại sinh chứng mù quáng chạy theo đuôi cộng sản chống phá chửi bới người quốc gia. Còn nữa, như bây giờ đây, mỗi năm “khúc ruột ngàn dậm” nhân đạo hào sảng gửi hàng chục tỷ đô la về cho bọn cộng to đầu hưởng thụ giầu sang sung sướng và mua võ khí tối tân vỗ béo bọn quân đội, bọn công an để đàn áp những người yêu nước xuống đường đòi dân chủ tự do thì xin lỗi chú, bọn chú còn thua dài dài, còn lâu bọn chúng mới xuống địa ngục gặp mấy lão Lê Nin, Sít ta Lin, Mao Trạch Đông hay bọn đầu sỏ Ba Lan, Đông Đức…”.Nhưng có một điều mà ông Do  vẫn cho ông Thắng ngoan cố, mê muội. Ông ta vẫn tin chủ nghĩa xã hội là tốt đẹp là đỉnh cao trí tuệ, là mơ ước của loài người. Sở dĩ ngày nay bị mọi người thù ghét là tại bọn chó ghẻ lợi dụng chủ nghĩa để vinh thân phì da. Ông Do cực lực chống đối “lý luận ba xu” này nhưng xem ra ông anh mình còn muốn nói nhiều nữa, ông Do đứng lên vươn vai đánh trống lảng, nói: “Anh nghĩ xem sau mấy chục năm quốc cộng chung sống những mâu thuẫn ngấm ngầm và cả công khai nữa của hai nền văn hóa Nam Bắc vẫn chưa hòa giải được, nói gì hòa hợp. Theo anh với thời gian hố sâu này có thể lấp được không?”. Ông Thắng suy nghĩ một lát rồi hỏi lại ông em: “Tôi với chú tình anh em ruột thịt, theo chú, hai anh em mình đã hòa giải hòa hợp với nhau chưa? Hay vẫn…”. Thấy câu chuyện sắp đến hồi gay cấn, ông Do nói lảng: “Sắp tới trưa rồi, anh em mình ra phố “tham quan” đây đó cho đỡ buồn và kiếm tô phở bỏ bụng anh nhé, đói rồi. Có thực mới vực được “lời”! Phở đúng là món ăn “hòa hợp” của dân tộc ta đấy, nào bánh gạo, thịt, xương, rau cỏ, hành, tỏi, đường, muối, tiêu, ớt, nước trong, nước béo, để chung vào một cái bát, tất cả như quyện lấy nhau, tỏa mùi thơm lừng. Đúng là một hòa hợp tuyệt vời không thể chê vào đâu được. Đủ cả thơm ngon ngọt bùi béo bổ. Nghe đâu bọn nước ngoài bây giờ cũng mê món này lắm. Nếu cả thế giới đều ưa chuộng nó, thấy ngon thì phải thích mà đã thích thì hòa hợp bước sang hòa giải mấy hồi”. Ông Thắng bắt bẻ: “Chú so sánh việc đời với tô phở thật khôi hài, coi việc đời cứ như đùa ấy. Nếu cả thế giới này hòa hợp rồi bước sang hòa giải được qua tô phở, ai ăn cũng thấy ngon thấy thích thì từ mấy ngàn năm nay đã chẳng có chiến tranh, đã chẳng có người hành hạ người, người giết người. Có phải tất cả mọi người trên đời này đều thích phở cả đâu. Kẻ thì thích hủ tíu, người thì thích mì, anh thì thích bún, anh thì thích bánh mì, săng uých! Thời đại này thiên hạ hễ cứ mở miệng là nhân danh yêu nước, nhân danh nhân dân, nhân danh tổ quốc để chuốc danh lợi cho mình, thật là một trò hề. Cả thế giới là một cái sân khấu để bọn hề mệnh danh là chính khách, chính trị gia, nhà cách mạng, nhà ái quốc múa may quay cuồng kịch cỡm. Gã nào cũng muốn làm cha thiên hạ cả. Chỉ khổ cho bọn trẻ đầy dũng khí, nhiệt tình yêu nước và bọn dân đen thấp cổ bé họng như chúng ta thôi”..  Hai anh em ông Thắng cứ thế bàn thảo những chuyện thiên hạ đã bàn thảo ngàn lần và từ cả bao năm. Chẳng lẽ hết chuyện nói nên họ bầy ra cãi cọ để giết thời giờ? Hay Bắc vẫn là Bắc, Nam vẫn là Nam từ cả trăm năm nay vẫn vậy?  Chuyện nước non với anh em ruột thịt hơn nửa thế kỷ rồi vẫn còn nhiều điều chưa “ thông” thì nói gì tới hòa giải vớì hòa hợp của cả dân tộc?


&


Hai anh em trước khi chở nhau xe gắn máy đi giang hồ vặt “tham quan” thành phố mấy chục năm qua chưa một lần gặp lại, ông Do tỏ bầy mối lo âu của mình với ông anh: “Anh ạ, mỗi khi ra đường thấy bọn công an em vẫn ơn ớn làm sao ấy. Sự sợ hãi bọn nó trong hơn 10 năm tù đầy đã kết thành cao trong xương tủy em rổi”. Ông Thắng cười lớn: “Tôi không ngờ chú còn thỏ đế đến thế, Việt kiều mới về nước có khác. Dân Hà Nội, Saigon và cả nước bây giờ họ coi bọn công an như…cục cứt.  Họ chửi thẳng vào mặt chúng nó như chửi chó chứ đâu còn sợ hãi như xưa nữa. Đó là một bọn khuyển ưng hành nghề chó săn cho bè lũ cầm quyền bán nước hại dân”. Ông Do tỏ ý tán đồng ý kiến của ông anh và thêm: “Sau này khi toàn thể nhân dân vùng lên lật đổ – như từng làm với bọn ác ôn độc tài ở các nước Đông Âu – thì chính bọn khuyển ưng này lại là những kẻ đầu tiên cầm còng sắt đi lùng bắt bọn chóp bu, chủ cũ bọn nó”. Ông Thắng cười:“Việc đời đúng là thế nhưng theo tôi chú vẫn lạc quan quá đấy. Còn lâu bọn đầu sỏ đỏ chúng nó mới té nhào đưa tay vào còng. Chúng sẽ nhanh như chớp ôm vàng bạc, đô la trốn sang Mỹ tỵ nạn ngay khi mới đánh hơi thấy tai họa. Vì chúng đã rút được kinh nghiệm xương máu bọn cộng sản Đông Âu. Khi xưa chắc chú còn nhớ, Việt Nam Cộng Hoà chỉ vì Mỹ không viện trợ mấy trăm triệu đô la đã hứa mà cả Miền Nam tiêu vong. Bây giờ riêng cái khoản “khúc ruột ngàn dậm” mỗi năm gửi hơn 10 tỷ đô la về – bằng gần phân nửa tài khoản ngoại tệ sở hữu quốc gia lại thêm “ông đế quốc” mỗi năm bơm cho cả tỷ đô núp dưới danh nghĩa viện trợ nhân đạo thì theo tôi cộng sản Việt Nam còn“muôn năm trường trị chú ạ”. Nghe ông anh nói vậy ông Do cãi: “Theo em bọn Mỹ thả củ cà rốt rồi sau đó mới ra roi đấy thôi. Biết bao phen đã diễn ra như vậy”. Ông Thắng bỗng dưng nổi sùng: “Chú đúng là anh lính văn phòng, đúng là lúc nào cũng…mù, xin lỗi chú nhé! . Trước đây bọn cộng sản hành hạ “ngụy quân, ngụy quyền” rồi “ngụy dân” đến manh áo rách không có mà mặc, không có nổi củ khoai mì để mà ăn. Cả triệu người bị bắt nhốt vào địa ngục trần gian tức các trại tù cải tạo, hàng trăm ngàn người vượt biển bỏ xác ngoài khơi. Mới có ít năm thế mà đã quên rồi. Khi liều chết vượt biển may mắn thoát tới Mỹ làm ăn khấm khá một chút là quên ngay hận thù cũ, lại còn giở cái trò áo gấm về làng khoe khoang nịnh bợ bọn cộng sản hết chỗ chê. Nào tổ chức cứu trợ biểu diễn lòng nhân đạo của người phúc ta! Nào vác cả tài sản về đầu tư. Rồi các nhà tu thi nhau sang Mỹ quyên tiền mang về nước chỉnh trang xây cất nhà thờ, nhà chùa cho thật to lớn đồ sộ. Rồi các tổ chức đóng vai từ thiện rầm rầm rộ rộ vơ vét tiền bạc của bọn Việt kiều nhẹ dạ tốt bụng nhưng háo danh đem về nước cúng bọn quỷ. Làm cho bọn cộng sản có cơ hội phét lác với thế giới Việt Nam tự do phát triển tôn giáo. Như bọn con buôn sản xuất và độc quyền nhập cảng hàng hóa chế độ cũ, nịnh nọt Tổng Thống để trốn thuế bạc tỷ bằng cách hiến… cả vợ để xin xí xóa. Thế rồi mấy năm sau lại mò về Hà nội đầu tư, chắc lần này hiến tới con gái. Chẳng vậy mà được công sản ban phát cho huy chương “Việt kiều yêu nước”. Nhiều“thằng”con ông cháu cha thời chiến tranh không bị đi lính lại được chính phủ Việt Nam và chính phủ Mỹ cho du học. Thành tài trốn ở lại rồi theo bám đít bọn giăc chửi cha người quốc gia. Đúng là bọn ăn cháo đá bát. Biết bao thằng về đóng vai Việt kiều yêu nước đầu tư. Khi làm ăn có lời bọn cộng sản giở trò thẳng tay lột cho không còn cái quần lót, ôm đầu máu chạy về Mỹ im thin thít như chó cụp đuôi. Bài học thực tế sờ sờ ra vậy mà vẫn còn những thằng ngu xuẩn tiếp tục về nước đầu tư hoặc “buôn” từ thiện để vừa có tiếng vừa có miếng. Những thằng to đầu cộng sản vẫn thường xuyên sỉ vả hạ nhục những người chống cộng là ”bọn Việt gian, bọn bán nước, bọn tay sai đế quốc, bọn biểu tình thuê”, thế mà bọn phi cầm phi thú về bên đó vẫn cứ như con bọ hung húc đầu vào đống phân. Chú bảo thế không ngu thì là gì? Chẳng lẽ bọn này không còn biết liêm sỉ, tự trọng? Cứ như vậy trăm năm nữa cộng sản vẫn trường trị”. Ông Do  không ngờ ông anh mình lại hiểu biết nhiều về cái sự đời rắc rối tơ vương ở ngoài nước như thế: “Em rất đồng ý với anh nhưng phải nói là nhờ có những người chống cộng hết mình, chống cộng bằng cả tấm lòng, bằng cả cuộc đời ở hải ngoại, bọn cộng trong nước mới chùn tay đàn áp bắt bớ người dân yêu nước và chịu bó tay không thao túng phá phách nổi ở Hải ngoại”. “Nhưng mấy triệu người mà chỉ có chưa tới trăm ngàn người trên khắp thế giới quyết tâm tranh đấu thôi thì…nước mẹ gì! Còn đa số, xin lỗi chú, đều ngậm miệng kiếm tiền làm giầu. Chú cứ xem gương bọn Do Thái, bọn Palestin đáng phục biết bao. Chúng ta chỉ có mấy triệu người mà chẳng bảo được nhau, lại còn gấu ó chửi cha nhau, chụp đủ thứ bẩn lên đầu nhau. Có mỗi việc dễ làm nhất, ai cũng có thể làm được trong tầm tay của mình là đừng gửi đô la về nuôi béo bọn cộng sản nữa mà ai bảo được ai đâu. Ở trong nước thì ghét ai chụp mũ Cia lên đầu người ta là bị tóm đi tù liền. Còn ở xứ tự do thì động chút, cũng bắt chước cộng sản, chụp nhau cái mũ cộng sản. May mà Mỹ không ngó gì tới, không thì tù cả triệu người chứ đâu có ít”. Ông Do bị ông anh chửi khéo đau lắm nhưng ông phải công nhận là đúng nên đành cúi đầu im lặng. Ông Thắng nói thêm: ”Chú cứ nghĩ tới những nhà học giả, những nhà văn nhà báo, các em học sinh, sinh viên trong nước với tấm lòng trong trắng, với bầu nhiệt huyết yêu nước thương dân, không sợ bắt bớ tù đầy tra khảo, tự đứng lên với tay không và trái tim trong sáng chống trả bọn cường quyền. Ôi đẹp biết bao! Hào hùng biết bao! Thế mà cả nước hơn 80 triệu người có bao nhiêu người dám mạnh bạo cùng lúc giơ cao cánh tay lên hưởng ứng, hét to lên nguyền rủa kết tội bọn bán nước hay chỉ có một số người…Ông Thắng bỗng như “lên đồng” nói oang oang: “ Chú ơi, càng nói càng đau, tôi già yếu rồi thuộc loại người phế thải vứt đi, lại có mặc cảm tội lỗi trở nên hèn hạ không còn sức lực…Nhưng nếu các tôn giáo cả nước cùng toàn dân đứng lên, triệu triệu cánh tay cùng giơ cao nắm đấm,  cùng cất một tiếng nói thì bè lũ Việt gian cộng sản chỉ còn có nước độn thổ hay cuốn gói chuồn sang Tầu thoát thân. Nhưng…độc lập tự do không phải xin mà được, kêu than, tuyên ngôn, tuyên cáo mà được, nhất là với bọn ma đầu cộng sản Việt nam. Cũng không phải nay ký tên kiến nghị mai ký tên phản kháng hoặc xuống đường xin sỏ các nước ra tay nghĩa hiệp hay thương xót can thiệp bằng…văn thư, bằng nghị quyết, bằng xuống đường chống cộng ở Mỹ…Tự do dân chủ phải trả bằng máu của trái tim mình, của cuộc đời mình. Nếu cả nước đều như luật sư Lê Quốc Quân, Nguyễn văn Đài, Lê Công Định, Trần Văn Duy Thức, như Linh mục Nguyễn Văn Lý, tiến sĩ Nguyễn Quang A, như các em sinh viên Phương Uyên, Nguyên Kha…và biết bao người nữa thì cộng sản dẫy chết từ khuya. Đằng này, nói ra thì mất lòng và có khi còn bị nhét phân vào miệng nhưng chẳng lẽ câm miệng mãi. Công giáo xuống đường thì Phật giáo tỉnh bơ. Cao Đài, Hòa Hảo bị đàn áp rồi tự thiêu thì các “tôn giáo bạn” án binh bất động coi như không biết gì. Các vị này lúc nhỏ đã học bài “bó đũa trăm cây” rồi mà. Không hiểu sao hai cụ Tổ Lạc Long Quân Âu Cơ đẻ xong 100 con chẳng vì lý do gì lại đùng đùng chia tay mỗi người dẫn một đàn con đi một phương! Nếu cả nước theo gương các nước Đông Âu trước đây, xuống đường cùng lúc thì nhiều lắm chỉ trong một tuần lễ là bọn cộng sản chỉ có nước quỳ gối xin tha tội hay chạy bán sới sang thằng Tầu khựa. Còn nếu chậm chân thì tránh sao bị thắt thòng lọng vào cổ kéo lê ngoài đường như vợ chồng cái lão Cốt Cu năm nào”.


&


Hai anh em ông Thắng chở nhau trên xe gắn máy mải chuyện trò tới chân cầu Saigon lúc nào không hay. Ông Do chợt nhìn thấy gã cộng an coi tù hôm trước gặp. Hôm nay gã mặc bộ quần áo lính rằn ri của chế độ trước cũ kỹ bạc mầu và rách. Ông Do cất tiếng: “ Chào đồng chí công an trực trại”. Gã cựu cai tù ngửng lên hơi nhăn mặt. Khi nhận ra ông Do gã à lên một tiếng rồi chửi thề: ”Mẹ kiếp, còn đồng chí đồng chó gì công an với chả trực trại”, Rồi gã lại cúi xuống tiếp tục công việc thay lốp xe Honda. Nạn nhân là một bà sồn sồn to béo và lùn trông tròn như quả bưởi. Bà cất tiếng the thé chửi đổng thật lớn khi thấy hai ông khách: “Tiên sư cha chúng nó toàn quân lưu manh ác ôn côn đồ, đi thả đinh xuống đường làm thủng lốp xe người ta. Đã vậy mà thôi đâu, xe xẹp lốp loạng choạng suýt té vỡ mặt. Tôi mà biết mặt chúng kêu công an dẫn về đồn đánh cho một trận rồi đưa đi cải tạo 5, 10 năm cho biết thân”. Trước sự chửi bới, gã cai tù cũ vẫn thản nhiên như không, lại còn tủm tỉm cười. Đợi gã làm xong công việc, ông Do nói: “Xong việc ta đi nhậu tán dóc chơi”. Gã cựu công an ngần ngừ có vẻ muốn từ chối khi nhìn thấy ông Thắng. Ông Do hiểu ý cười: “Cậu yên trí, đây là ông anh ruột tôi bộ đội phục viên, biết thân biết phận mình từ lâu rồi và cũng đã…chôn đảng”. Gã cựu cai tù móc túi lấy tiền ra đếm xong, như nói một mình: “Hôm nay thế là đủ chỉ tiêu, có thể đi với hai ông được”.


Bấy giờ mặt trời như một khối lửa khổng lồ tròn xoe đỏ rực gay gắt đang trôi về phía cuối chân trời. Cái nóng hừng hực muốn đốt cháy da thịt người. Ông Thắng nói bâng quơ: “Mặt Trời sắp lặn mà còn đỏ mầu máu thế kia thì con người còn chém giết, còn đổ máu nhiều, nhân loại  chưa yên đâu”.


Mấy người kéo nhau vào một tiệm thịt cầy gần đó. Ông Do  từ ngày ở Mỹ thấy thèm khoản “cây còn” này lắm. Khi ba người nhậu cả lít rượu đế và bao nhiêu đĩa thịt, bắt đầu nói năng líu lưỡi. Ông Do đã có chủ đích nên chỉ uống cầm chừng vờ say. Ông nói: “Này hôm nọ cậu nói lúc trong trại tù cậu đánh bọn tớ khác gì đánh bố mẹ cậu là ý làm sao? Nói cho nhau nghe được không?”. Gã cựu cai tù mặt đỏ nhừ, trợn mắt: “Nói thì nói, sợ chó gì”. Gã ngừng lời tợp một ngụm rượu, có lẽ để thấm dọng: “Thế này nhé. Khi xưa bố mẹ tôi chỉ có hơn mẫu ruộng cho thuê. Làng tôi nghèo lắm. Khi đội cải cách ruộng đất về làng phát động phong trào đấu tố, bố mẹ tôi bị liệt vào thành phần địa chủ. Trước khi đem ông bà ra đấu, thằng đội trưởng hết dụ dỗ lại dọa nạt bắt tôi đứng ra tố cáo tội ác cha mẹ. Tôi không chịu. Nó bảo mày không chịu tao sẽ đưa luôn mày ra đấu tố, nếu không chết về ăn đòn thì rồi mai này cũng chết đói thôi con ạ. Còn nếu nghe theo bọn tao mày sẽ được nâng đỡ ăn học rồi biết đâu lại trở thành anh hùng được tuyên dương và đi nước ngoài học hành thành đạt về phục vụ đảng, Nhà Nước. Đó, hai con đường chọn đi. Nghe bọn tao thì sống, không nghe thì chết đầu nước. Mà bố mẹ mày bọn tao chỉ đưa ra đấu tố cho qua việc chứ tao bảo đảm sau đó lại về nhà làm ăn như cũ, đừng có lo”. Lúc ấy tôi mới hơn 10 tuổi còn ngây thơ ngu dại nên nghe theo lời xui dại của bọn nó. Nào ngờ bọn nó bắt tôi gọi bố mẹ là hai tên địa chủ ác ôn và còn bắt tát, nhổ bọt vào mặt nữa. Nó bảo đánh càng nhiều chửi càng nhiều thì bố mẹ mày càng được tha sớm. Những tên lưu manh trong làng nhân dịp này được khuyến khích đã đánh đập bố mẹ tôi không nương tay và chỉ sau mấy tiếng đồng hồ bố mẹ tôi tắt thở. Tôi ôm xác bố mẹ khóc ngất. Càng lớn lên tôi càng hiểu và căm hờn bọn chúng không để đâu cho hết. Sau này, khi bọn chúng phát động phong trào sửa sai tôi được đền bù bằng cách cho vào bộ đội. Hết đánh giặc bên Kămpuchia chúng chuyển tôi sang ngành công an coi tù nơi rừng rú hoang dã khỉ ho cò gáy, chôn chặt đời trai tại đây. Không đánh được bọn giết bố mẹ mình thì phải trút căm hờn sang kẻ khác cho hả giận nên tôi không còn cách nào hơn là trút tất cả sự hận thù vào các ông. Giận cá chém thớt mà! Tôi hành hạ đánh đập các ông thật tàn nhẫn để vơi bớt sự uất ức hận thù bọn ác ôn lúc nào cũng cháy hừng hực trong lòng tôi. Các ông chẳng may, cũng như bố mẹ tôi, và cả tôi nữa, phải, cả tôi nữa, chỉ là nạn nhân của chúng nó. Như vậy tôi đánh các ông có khác gì đánh bố mẹ tôi”. Nói tới đây gã cựu công an cai tù gục mặt xuống hai cánh tay đặt trên bàn và hai vai gã rung rung. Lát sau gã ngửng mặt lên, hai anh em ông Thắng thấy đôi mắt gã đỏ hoe. Gã cầm chai rượu đế đầy uống một hơi cạn hết và loạng choạng đứng lên nghiêng ngả bước ra khỏi quán, không nhìn ai cũng chẳng chào ai. Ông Do sợ gã say rượu ra ngoài đường bị xe cán vội chạy theo. Ông Thắng cản lại nói: “Mặc cha nó. Nó có bị xe cán chết cũng chẳng ai thương đâu!”. Trong khi đó ngoài đường bỗng vang lên tiếng la hét chửi rủa rồi đám đông xúm lại đánh đập nhau túi bụi. Ông Do đưa mắt nhìn ông anh dò hỏi. Ông Thắng  nhún vai : “Ồ, bọn chó vàng đánh dân xuống đường chống việc cướp đất đai của họ đấy mà. Việc xẩy ra như cơm bữa. Cuộc chiến còn kéo dài, kéo dài cho tới khi bọn cộng sản xuống địa ngục hết”. Trong khi đó những người ngồi trong quán thản nhiên ăn nhậu coi như không có chuyện gì xẩy ra. Ông Do thắc mắc, ông Thắng nói:” Đó là công trình “trồng người” của cộng sản đấy. Chúng đã thành công vì ít ra cũng có đến nửa nước trở thành con người không tim vô cảm rồi.


&


Sau mấy ngày vui chơi Tết nơi quê hương cũ ông Do ra phi trường về Mỹ. Ông Thắng đưa tiễn ông em. Trước khi chia tay ông Thắng cầm tay ông Do lắc lắc và nói, giọng bùi ngùi buồn bã: “Chú Do ạ, dù chú không muốn nghe tôi cũng cứ nói. Tôi thật không ngờ bằng ấy năm sống ở đất nước tự do, văn minh, đọc nhiều sách báo, biết nhiều tin tức, hiểu biết sự đời thế mà chú vẫn chẳng có gì thay đổi cả. Vẫn không “lớn” hơn và vẫn “mù” như xưa. Bài học trước và sau năm 1975 vẫn chưa thuộc thì làm sao mà đánh đuổi được kẻ thù! Nhân đây tôi cầu nguyện đất nước ta tất cả đều hoàn toàn đổi mới, tống khứ được bọn cộng sản bán nước đi. Riêng chú xin đừng nhát gan đừng sợ nữa, phải can đảm phải hy sinh kể cả mạng sống của mìnhthì mới đạt được mong ước, chứ cứ đứng ngoài hò hét chửi rủa thì trăm năm sau cũng như ngày hôm nay thôi”.


Ômg Do không nói gì lặng lẽ nhìn những người tấp nập qua lại trước mặt, trông ai cũng hớn hở cười cười nói nói. Kẻ thì về nước ăn chơi, kẻ thì ra ngoại quốc hưởng thụ. Có kẻ mặc áo đỏ quần xanh, có kẻ mặc áo vàng quần tím, có kẻ mặc áo trắng quần đen, có kẻ mặc áo rằn ri chim cò đủ mầu xanh đỏ trắng vàng hoa lá cành chằng chịt. Có những bà ít ra cũng ngoài 60 tuổi còn mặc quần ngắn tới bẹn, trông thật nhố nhăng chẳng ra làm sao. Cảnh đời khiến ông Do bất thần nghĩ tới mấy “cha nội cộng sản” bị đuổi về vườn mới đây làm kiến nghị “xin” đảng cộng sản  cho thành lập đảng dân chủ đối lập “để phù hợp trào lưu thời đại”. Rồi còn mấy ngài đại trí thức tiến xa hơn “xin”cho đa nguyên đa đảng. Ông Do quay hỏi ông Thắng: “Mầu xanh trộn với mầu trắng theo anh thì thành mầu gì?”. Ông Thắng đáp liền: “Thành mầu xanh lơ”. ”Thế còn mầu trắng trộn với mầu đen thì thành mầu gì?“. Ông Thắng bối rối ấp úng: “Thì thành mầu, thành mầu…”. Ông Do cất tiếng cười to: “Thế đấy, trắng trộn với đen thì thành đen sì chứ còn thành mầu  gì nữa. Quốc gia với cộng sản cũng vậy. Trưóc đây vào thập niên 60 thế kỷ trước có một bọn trí thức ngu đần đem mầu xanh nhuộm với mầu đỏ. Tất nhiên biến thành mầu xám xịt. Tới tháng Tư 1975 thì biến dạng chẳng còn ra mầu gì nữa, có người bảo biến thành mầu cứt chó!. Bọn gọi là “mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam “được” các đại đồng chí miền Bắc dựng lên khác gì mầu xanh nhuộm với mầu đỏ. Xong việc là các đại đồng chí miền Bắc “giải phóng” liền không thương tiếc các “chú em miền Nam”, cho về miệt vườn chăn vịt. Lâu lắm rồi tại miền Nam thời thịnh trị em có nghe câu hát “đừng cho mầu xanh bên mầu đỏ”(hai mầu của cờ giải phóng miền Nam). Bây giờ nghĩ lại mới thấm thía. Thế mà một số bọn mệnh danh trí thức miền Nam, chắc là ăn phải bả cộng sản thải ra đã u mê đem trộn hai mầu xanh đỏ làm quốc kỳ quốc quặc. Rõ ngu xuẩn.    Ông Thắng im lặng không nói gì, nghĩ thầm: “Chắc thằng này lại tiếp tục sảng nên phát biểu linh tinh”. Ông cũng già và cũng đang bị đời cho là sảng, định tìm một câu để lảng sang chuyện khác nhưng giữa giờ phút chia tay người em mấy chục năm trời mới gặp lại, lòng ông nôn nao bối rối như tơ vò. Nếu nói ra lỡ mồm lỡ miệng làm buồn lòng nó (biết bao giờ gặp lại) thì không nên. Hơn nữa hai cái đầu tuy cùng dòng máu cùng mẹ cha nhưng sao vẫn khác nhau quá. Đúng là cùng giống cam nhưng cam trồng ở Bố Hạ ngon ngọt hơn hẳn các nơi khác. Nó trưởng thành nơi đất tự do, còn mình…bị nhuộm đỏ chót từ trẻ bây giờ thành đen xì. Khi nó nói câu này chắc có chủ đích gì đây? Xanh với đỏ làm sao trộn với nhau được và để thành mầu gì? Rõ thật lảng!


&


Lúc mgồi vào ghế trong máy bay, ông Nguyễn Tự Do đầu óc vẫn cứ lẩn quẩn nghĩ tới câu nói của ông anh, hai cái tên ông già đặt, việc gã cựu công an coi tù cũng như việc người Việt tị nạn hải ngoại vì quá uất ức căm hờn bọn cộng sản không làm gì được chúng bèn trút tất cả vào đồng hương. Chửi bới chụp đủ thứ “tội” cho nhau, khác gì tên cựu công an coi tù trút tất cả căm hờn bọn cộng sản giết cha mẹ mình, vì không trả thù được bọn nó đã trút lên đầu những người tù cải tạo cho hả giận. Ông nghĩ nhiều về cái vụ mầu xanh mầu đỏ bàn cãi với ông anh. Đúng rồi, chẳng bao giờ mầu xanh trộn với mầu đỏ được. Mà nếu cố tình ép trộn thì cũng thành mầu…cứt chó thôi! Và còn một câu nói nữa của ông Nguyễn Chiến Thắng cũng làm ông Nguyễn Tự Do suy nghĩ mãi: “Nếu trừ diệt được bọn cộng sản Việt Nam rồi thì ít ra cũng phải mất mấy thế hệ nữa người Việt Nam, nhất là ở Miền Bắc, mới gột rửa tẩy sạch hết “độc chất xã hội chủ nghĩa” trong máu do cộng sản “cấy” từ gần thế kỷ nay. Ờ nhỉ, một triết gia thời xa xưa có nói: “ 10 năm trồng cây, trăm năm trồng người. Các nhà trí thức, học giả, triết gia, lý thuyết gia, những bộ óc thông minh siêu việt của chúng ta nhìn xa thấy trước sao không…lý tới việc này ngay từ bây giờ nhỉ? Ai chẳng biết muốn xây dựng lại xã hội phải đào tạo con người trước. Ông Nguyễn Tự Do thấy không vui chút nào khi trở về Mỹ gặp lại vợ con lẽ ra phải vui lắm mới phải vì đầu óc ông còn vật lộn với bao vấn đề mà giờ đây vẫn ấm ức, nhất là với ông anh ruột ù lỳ ngoan cố: đó là việc ông Thắng vẫn mù quáng ngoan cố nhận cộng sản có công giải phóng thống nhất đất nước và hết lời ca ngợi Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc vĩ đại. Sự thật rành rành ra đó mà ông Thắng vẫn cho “ý” của mình là chân lý. Sự việc chỉ mới diễn ra trong phạm vi anh em ruột thịt đã bất đồng như vậy thì nhân dân hai miền làm sao có thể nói câu hòa giải hòa hợp được? Cả mấy trăm năm rồi dường như chỉ có một lần trăm chiếc đũa bó lại thành một bó và đã tống cổ bọn giặc Tầu ra khỏi bờ cõi. Còn bây giờ…


&  


 Dưới đây là thư ông Nguyễn Tự Do gửi cho người bạn, tình cờ lọt vào tay tác giả, xin được đăng.                                                                               


 Anh Thanh quý mến. Chắc anh ngạc nhiên lắm khi nhận thư này. Chỗ thành phố tôi sống và thành phố anh chỉ cách hơn giờ lái xe mà lại bầy đặt thư từ, sao không phôn như thường ngày? Tôi sợ ngượng mồm và “lời” không nói được hết “ý” khi đặt vấn đề với anh mới phải dài dòng văn tự.


Anh là một lý thuyết gia, một nhà bình luận nổi tiếng nên sau khi thăm cố quốc về tôi “sáng” ra nhiều vấn đề (những vấn đề cũ rích với anh và mọi người nhưng với tôi lại là mới). Nhờ mắt thấy tai nghe, nhất là những vụ cãi cọ với ông anh ruột, tôi đã “nhìn” thấy tôi: một tên tệ hại cầu an trong cuộc chiến, một tên hèn nhát sau khi nước mất chịu cảnh tù đầy mười năm trời.Tôi chỉ nghĩ tới tôi, tới gia đình vợ con. Tù về chỉ tính việc chạy trốn khỏi quê hương. Bây giờ trải qua bao năm tôi mới“sáng mắt sáng lòng ( và tôi đã “ngộ”?). Với tuổi đời chồng chất, với ốm đau bệnh tật (do những năm tháng tù đầy) có lẽ tất cả đều muộn đối với tôi. Nhưng chẳng lẽ chịu thua định mệnh trong khi gần hết cả đời tôi đã chịu thua rồi?


Anh Thanh ạ, vì thế nên hôm nay tôi mới có thư này tới anh. Vấn đề chẳng mới mẻ gì, anh và mọi người đều biết nhưng theo thiển ý chúng ta chỉ có “tri” mà không có “hành”. Trong khi đó người cộng sản “hành” từ lâu. Hồ Chí Minh đã lấy lời của người xưa và xập xí xập ngầu nhận là của mình và đem áp dụng từ ngày cướp được nước. Đó là câu “mười năm trồng cây trăm năm trồng người” (câu này tôi không nhớ rõ, có lẽ là của Quản Trọng?). Vâng, bây giờ chúng ta không đánh cộng sản bằng vũ lực được nữa, cũng không xuống đường lôi cổ bọn họ xuống như các nước Đông Âu trước đây, Vậy thì chỉ còn một sách duy nhất (theo tôi) là trồng người. Hiện nay có cả trăm ngàn sinh viên trong nước sang các nước tự do du học mà nhiều nhất là ở Hoa Kỳ. Những sinh viên này là những thành phần sẽ là dường cột đất nước mai sau .


Trong khi cộng sản đang ra sức “trồng người” ở hải ngoại thì tại sao chúng ta không lấy gậy ông đập lưng ông?. Tại sao chúng ta không mở rộng vòng tay nhân ái với những con người của ngày mai này? Tại sao chúng ta lại xua đuổi chống báng họ?Tại sao chúng ta tự đặt hàng rào phân biệt đối xử kỳ thị coi họ như kẻ thù? Họ đâu chịu gánh nặng tội ác quá khứ. Tôi biết khi nói ra những điều này rất có thể nhận lãnh búa rìu sấm sét, chụp mũ bêu riếu. Tôi nhớ một câu hát lâu lắm rồi : “giặc nhiều tội ác ta nhiều tình thương”.


Đem tình thương yêu nhân nghĩa xử sự tôi nghĩ cỏ cây sỏi đá cũng rúng động.Tôi biết mình chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt trong cái cộng đồng cả triệu người này và chẳng có tài đức gì nếu không nói là một thằng hèn nên mới có thư này tới anh. Tôi tha thiết mong anh dùng ngòi viết của mình gióng lên tiếng chuông và thảo luận với các bậc thức giả tìm một con đường cho quê hương đất nước. Mười năm trồng cây trăm năm trồng người anh Thanh ạ. Vài ý kiến thô thiển mong được anh và các bậc thức giả và những người yêu nước quan tâm. Trông chờ việc anh làm.                                                                                                                                                                                                    Quý mến.                                                                                                                                                                                       Nguyen Tu Do.                                                                                                                                                 THANH THƯƠNG HOÀNG    

++++++++++++++++++++++++++++++


Bức ảnh kỷ niệm tại San Jose:


image008Từ phải: Nhà văn Thanh Thương Hoàng, nhà văn-nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng, nhà báo Lý Kiến Trúc.

19 Tháng Chín 2017(Xem: 10628)
22 Tháng Năm 2017(Xem: 9279)