Xem tranh các Họa sĩ Mai Trung Thứ, Lê Phổ Lê Thị Lựu, Nguyễn Gia Trí …

21 Tháng Tư 20216:56 SA(Xem: 4917)

VĂN HÓA ONLINE – VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THỨ TƯ 21 APRIL 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


3,1 triệu đô la: 'Chân dung Madam Phương' - bức tranh Việt Nam chạm mức giá kỷ lục


18/04/2021


TTO - Tác phẩm 'Chân dung Madam Phương' của họa sĩ Mai Trung Thứ được gõ búa với mức giá 3,1 triệu USD, phá kỷ lục cách đây hai năm của danh họa Lê Phổ. Đây là tác phẩm có giá công khai cao nhất của nền mỹ thuật Việt Nam.


image017Tác phẩm Chân dung Madam Phương - Ảnh: SOTHEBY'S


Bức tranh xuất hiện trong phiên đấu giá mang tên Beyond Legends: Modern Art Evening Sale của Sotheby’s Hong Kong diễn ra lúc 17h30 ngày 18-4.


Ngay từ khi được nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong ước tính tác phẩm sẽ đạt mức giá từ 900 ngàn - 1, 2 triệu USD, giới nghệ thuật Việt Nam đã rúng động bởi đây là bức tranh Việt có mức giá ước chừng cao nhất từ trước đến nay. Tín hiệu này cho thấy, giá sẽ được đẩy lên rất cao, nếu tính thêm cả thuế phí thì bức tranh sẽ nhận về mức giá kỷ lục.


Cuộc rượt đuổi giá nghẹt thở


Đúng 18h28, bức tranh Chân dung Madam Phương bắt đầu được bỏ giá với khởi điểm khá thấp, 500 ngàn USD.


Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó đã khiến nhiều người choáng váng. Chỉ trong vòng 2 phút, mức giá được đẩy lên mức 1,9 triệu USD. Đây là mốc vượt qua bức tranh Khỏa thân của Lê Phổ năm 2019 (1,4 triệu USD). Điện thoại trong phòng đấu giá rung lên liên tục. Hầu hết người mua đều bỏ giá qua điện thoại.


5 phút sau, phòng đấu giá chỉ còn lại hai đối thủ. Giấu mặt qua chiếc điện thoại, hai bên giằng co từng chút một. 2 triệu USD. 2,1 triệu USD. Cuối cùng mốc 2,5 triệu USD bị xuyên thủng. Ngay mốc 2,573 triệu USD, người điều khiển đã gõ xuống chiếc búa chung cuộc. Sau khi tính thuế phí, mức giá cuối cùng cho bức tranh là 3,1 triệu USD.


Theo kinh nghiệm của nhà nghiên cứu Phạm Long, Chân dung Madam Phương có thể do một nhà sưu tập Việt Nam mua. "Đây là một tác phẩm đẹp và hiếm hoi trong thời kỳ đầu của Mai Tung Thứ. Bức tranh có giá trị sưu tập hơn là giá trị đầu cơ. Vậy nên giới sưu tầm trong nước sẽ có hứng thú với tác phẩm này. Tôi hy vọng một ngày không xa, bức tranh sẽ được trưng bày tại Việt Nam".


90 năm xa cách


Họa sĩ Mai Trung Thứ (1906 - 1980) hay Mai Thứ, là một trong những họa sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên (1925 - 1930) của Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Hầu hết cuộc đời ông sống ở Pháp. Ông được xếp vào nhóm Việt Nam tứ kiệt ở châu Âu cùng 3 danh họa Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm.


Họa sĩ Mai Trung Thứ là người có nhiều đóng góp quan trọng trong việc hình thành nên những bản hòa sắc phong phú cho tranh lụa Việt Nam. Đề tài của ông thường xoay quanh phụ nữ, trẻ em và cuộc sống thường ngày.


Chân dung Madam Phương trưng bày lần đầu tại trường Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1930. Sau đó, tác phẩm được tuyển chọn để tham dự Triển lãm Quốc tế Thuộc địa năm 1931 ở Paris.


Đây là một cuộc triển lãm kéo dài 6 tháng, thu hút hơn 33 triệu lượt tham quan từ Pháp và quốc tế. Chương trình đã mở cánh cửa quan trọng cho họa sĩ Việt Nam sang châu Âu.


image019Triển lãm tranh tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930 - Ảnh: SOTHEBY'S


image0213 tác phẩm của họa sĩ Mai Trung Thứ, Nguyễn Nam Sơn, Nguyễn Phan Chánh được giới thiệu trong cuốn vựng tập Triển lãm Quốc tế Thuộc địa năm 1932 - Ảnh: SOTHEBY'S


Từ đó đến nay, tác phẩm Chân dung Madam Phương thuộc sở hữu của bà Đỗ Thị Lan (hay còn được biết đến với cái tên Madam Dothi Dumonteil). Bà cùng với chồng mình Pierre Dumonteil - một nhà sưu tập nghệ thuật có tiếng - đã sở hữu nhiều tác phẩm của các danh họa Việt Nam.


Bức tranh vẽ Madam Phương nằm trong bộ sưu tập Les Souvenirs d’Indochine: The Madame Dothi Dumonteil Collection (Tạm dịch: Ký ức Đông Dương: bộ sưu tập của Madam Dothi Dumonteil). Tác phẩm này từng xuất hiện trong nhiều phân cảnh của bộ phim Mùi đu đủ xanh (1993) của đạo diễn Trần Anh Hùng. Hiện tác phẩm vẫn đang ở trong tình trạng tốt.


image023Mặt sau của bức Chân dung Madam Phương - Ảnh: SOTHEBY'S


Sau 90 năm đằng đẵng, cuối cùng người Việt Nam lại có cơ hội nhìn thấy tác phẩm Portrait de Mademoiselle Phuong (Chân dung Madam Phương) của danh họa Mai Trung Thứ, dù chỉ là qua phiên đấu giá quốc tế.


Sotheby’s miêu tả bức tranh "là một tác phẩm hoành tráng nhưng rất dịu dàng và gần gũi. Bức tranh lôi cuốn này còn thể hiện sự ngưỡng mộ sâu sắc của Mai Thứ đối với người mẫu, một quý cô được đồn đại là người yêu của nghệ sĩ."


"Người mẫu - Madam Phương - là một phụ nữ trẻ thuộc tầng lớp quý tộc Hà Nội, nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên và duyên dáng. Người ta cho rằng họ đã yêu nhau. Tuy nhiên, do sự ngăn trở của giai cấp xã hội và các chuẩn mực đạo đức, mối quan hệ lãng mạn của họ đã bị cấm." - Sotheby thông tin thêm về nhân vật Madam Phương.


Trong phiên đấu giá lần này, ngoài Chân dung Madam Phương (Lô 126), 8 bức tranh của họa sĩ Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, Lê Thị Lựu cũng được các nhà sưu tập đặc biệt chú ý.


image025Bức tranh từng xuất hiện trong nhiều khung hình quan trọng trong bộ phim Mùi đu đủ xanh - Ảnh: Getty Images


Rạng sáng 19-4, một loạt tác phẩm của Lê Phổ, Bùi Xuân Phái, Tôn Thất Đào sẽ được đấu giá trong phiên Morden Art Day Sale của Sotheby's Hong Kong. Có thể thấy, sự chú ý của các sàn đấu giá danh tiếng và nhà sưu tập dành cho tác phẩm Việt Nam ngày càng lớn.


++++++++++++++++++++++++++++++++++++++


Tranh khỏa thân của Lê Phổ được mua giá kỷ lục 1,4 triệu USD


26/05/2019


TTO - Tin vui đang lan truyền trong cộng đồng họa sĩ Việt như một niềm khích lệ sáng tạo lớn cho giới hội họa trong nước: sáng nay, bức ‘Khỏa thân’ của Lê Phổ đạt mức giá kỷ lục gần 1,4 triệu USD, còn tranh của Tô Ngọc Vân lần đầu cán mốc 'triệu đô'


image026Bức Khỏa thân của Lê Phổ lập kỷ lục tranh Việt có giá cao nhất trong lịch sử với giá gần 1,4 triệu USD


Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử tranh Việt trên sàn công khai. Đồng thời phiên đấu giá cũng chứng kiến một danh họa khác của Việt Nam lần đầu tiên có tranh đạt mức giá "triệu đô" là Tô Ngọc Vân.


Như vậy, phiên đấu giá Thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại diễn ra tại Christie’s Hong Kong sáng nay 26-5 lại tiếp tục chứng kiến một bước nhảy vọt của giá tranh Việt trên thị trường quốc tế.


Phiên đấu giá với sự áp đảo của tranh Việt khi có tới 138/232 là tranh của các họa sĩ Việt Nam, và vui hơn nữa là tất cả các tranh Việt đều được đấu giá thành công trong phiên đấu giá đặc biệt này.


image028Bức Le Bain de Mer - Tắm biển của Lê Phổ bán được với giá hơn 11,7 tỉ đồng


Đặc biệt, bức Khỏa thân (sơn dầu, 90,5cm x 180,5cm, 1931) của Lê Phổ trở thành bức tiêu điểm của toàn phiên đấu giá, đã được bán 10.925.000 HKD, tương đương gần 1,4 triệu USD, hơn 32,3 tỉ đồng.


Đây cũng là bức tranh có mức giá cao nhất trong toàn phiên.


Bức này nhà đấu giá đưa ra mức dự đoán ban đầu từ 4.000.000-6.000.000 HKD nhưng mức giá gõ búa đã tăng giá hơn 250% giá khởi điểm.


Bức tranh quý này thuộc sưu tập của Mr Tuan H. Pham - một nhà sưu tập gốc Việt sống tại Mỹ.


image030Bức Vỡ mộng của Tô Ngọc Vân được bán hơn 27 tỉ đồng - hơn 1,1 triệu đô


Một tác phẩm khỏa thân khác của Lê Phổ là Le Bain de Mer (Tắm biển, lụa bồi giấy, 88cm x 56,5cm, khoảng 1938) đã bán 3.965.000 HKD, tương đương hơn 11,7 tỉ đồng, trong khi giá dự đoán từ 2.000.000-3.000.000 HKD, tăng gần 200% so với giá khởi điểm.


Bức này cũng thuộc sưu tập của Mr Tuan H. Pham.


image032Bức "Gia đình ngư dân" của danh họa Lương Xuân Nhị bán với giá hơn 13,8 tỉ đồng


Trước đó, ngày 2-4-2017, tại phiên đấu giá Modern and Contemporary Art cũng của nhà đấu giá Sotheby’s (Hong Kong) lần đầu tiên bán một tác phẩm của danh họa Lê Phổ với giá hơn 1 triệu USD.


Đây là tác phẩm có tên tiếng Anh là Family Life (Đời sống gia đình), có giá bán dự kiến chỉ từ 231.840-309.120 USD nhưng kết quả quá bất ngờ khi bán được 1.172.080 USD.


Đây là lần đầu tiên trên thị trường công khai có một tác phẩm của họa sĩ Việt Nam vượt ngưỡng 1 trệu USD. Nay thì tranh của Lê Phổ lại được nâng lên mức giá kỷ lục mới gần 1,4 triệu USD và có thêm một họa sĩ khác của Việt Nam cũng đạt mức giá tranh triệu đô.


image034Bức Mencari Kutu (Bắt chấy) của danh họa Indonesia - Hendra Gunawan


Bức Mencari Kutu (Bắt chấy) của danh họa Indonesia - Hendra Gunawan là bức duy nhất trong phiên đã giá này được hi vọng có thể cạnh tranh được về giá bán với bức Khỏa thân của Lê Phổ, nhưng đã không được đấu giá thành công.


Bức tranh có giá ước tính từ 1.600.000 HKD - 2.500.000 HKD (204.767 USD - 319.949 USD). Hendra Gunawan là người có giá tranh cao thứ hai tại Indonesia, chỉ sau danh họa Affandi - người đang giữ ngôi quán quân về giá tranh của toàn khu vực Đông Nam Á -


×


image036Bức Le Bois Fleuri - Rừng hoa của Vũ Cao Đàm đấu giá thành công đạt 500.000 HKD


Phiên đấu giá cũng đấu giá nhiều tác phẩm khác của Lê Phổ vẽ phụ nữ và hoa.


Trong phiên đấu giá sáng nay còn có nhiều bức tranh quý của các danh họa mỹ thuật Đông Dương và rất nhiều bức đều đạt được mức giá kỷ lục mới của tác giả như Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm…


Đó là bức Les Désabusées (Vỡ mộng, lụa, 92,5cm x 57cm, 1932) của Tô Ngọc Vân đã bán hơn 27 tỉ đồng, hơn 1,1 triệu USD, tăng gần 400% so với mức sàn. Đây là bước đột phá về giá bán công khai của danh họa này, đưa ông trở thành họa sĩ thứ hai của Việt Nam có giá tranh triệu đô.


image038Bức "Múa cổ" của Nguyễn Tư Nghiêm bán với giá 630 triệu đồng


Bức Le Pécheur et sa famille (Gia đình ngư dân, lụa, 67cm x 110cm, 1940) của Lương Xuân Nhị bán hơn 13,8 tỉ đồng. Đây cũng là một trong vài bức có giá bán công khai cao nhất của danh họa này.


image040Bức "Vị quan" của Vũ Cao Đàm bán với giá 5,5 tỉ đồng


Bức Le Mandarin (Vị quan, lụa, 145,5cm x 71cm, 1942) của Vũ Cao Đàm bán hơn 5,5 tỉ đồng. Đây cũng là một trong vài bức có giá bán công khai cao nhất của danh họa này.


image042Bức "Say ngủ" của Mai Trung Thứ được bán với giá gần 7,4 tỉ đồng


Ngoài ra còn có một số bức tranh Việt đáng chú ý đã được đấu giá thành công như: bức Le Sommeil (Say ngủ, lụa, 65cm x 54,5cm, 1938) của Mai Trung Thứ bán 7,4 tỉ đồng. Bức Femmes (Quý cô, sơn mài, 80cm x 60cm, 1968) của Nguyễn Gia Trí bán hơn 2,7 tỉ đồng. Bức Mère et Enfant (Mẫu tử, lụa, 63cm x 49cm, 1960) của Lê Thị Lựu bán hơn 4,8 tỉ đồng.


image044Bức "Quý cô" của Nguyễn Gia Trí bán hơn 2,7 tỉ đồng


Bức Múa cổ (sơn mài, 80cm x 95cm, 1974) của Nguyễn Tư Nghiêm bán gần 630 triệu đồng.


Bức Vịnh Hạ Long (sơn mài, 40,5cm x 60cm) của Phạm Văn Đôn bán hơn 592 triệu đồng. Bức Mẹ và con (sơn dầu trên toan, 149cm x 149cm, 1999) của Nguyễn Trung bán hơn 592 triệu đồng.


image046Bức "Mẫu tử" của Lê Thị Lựu bán với giá 4,8 tỉ đồng


Tổng toàn phiên đấu giá thu về hơn 11,6 triệu USD (khoảng 272 tỉ đồng).

21 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5475)
27 Tháng Mười 2020(Xem: 5598)
10 Tháng Tư 2020(Xem: 5403)