VĂN HÓA ONLINE – VĂN HỌC NGHỆ THUẬT – THỨ BA DEC 20, 2022
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Tiểu thuyết kinh điển '1984' là sách bán chạy nhất năm 2022 trên nền tảng LitRes của Nga
Nguồn hình ảnh, Getty Images. "1984" của nhà văn người Anh, George Orwell được ấn bản năm 1949, khi chủ nghĩa Phát xít vừa bại trận và cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Phương Tây và Liên bang Xô Viết theo chủ nghĩa cộng sản do Joseph Stalin nắm quyền bắt đầu
18/12/2022
Tiểu thuyết "1984" của nhà văn George Orwell, nói về một tương lai tưởng tượng, nơi công dân bị áp bức trong một chế độ toàn trị nhằm duy trì các cuộc chiến tranh tàn bạo và vô nghĩa, đã trở thành tựa sách điện tử bán chạy nhất năm 2022 tại Nga.
Đây là tiểu thuyết được tải về nhiều nhất trong năm 2022 trên nền tảng bán sách trực tuyến, LitRes của Nga, và đứng thứ hai danh sách phổ biến nhất trong bất kỳ hạng mục nào, theo hãng thông tấn Tass của Nga hôm thứ Ba 13/12.
"1984" của nhà văn người Anh, George Orwell được ấn bản năm 1949, khi chủ nghĩa Phát xít vừa bại trận và cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Phương Tây và Liên bang Xô Viết theo chủ nghĩa cộng sản do Joseph Stalin nắm quyền bắt đầu.
Quyển sách này đã bị cấm tại Liên Xô cho đến năm 1988 nhưng một số thành viên có chọn lọc của Đảng Cộng sản Xô Viết vẫn được tiếp cận.
Trước đó năm 2020, "1984" đã đứng đầu danh sách sách bán chạy nhất tại Belarus, trước thời điểm nổ ra các cuộc biểu tình của người dân chống Tổng thống Lukashenko.
George Orwell nói ông đã sử dụng sự độc tài của Stalin làm mô hình về sự tôn sùng cá nhân của "người Anh Cả thấy tất cả", người nắm lực lượng "cảnh sát tư tưởng" đe dọa người dân để buộc họ phải "tư duy nước đôi" tin vào "Chiến tranh là hòa bình, tự do là nô lệ".
Một bài viết vào năm 2018 của Jean Seaton, Giáo sư Lịch sử Truyền thông tại Đại học Westminster và là Giám đốc Quỹ Orwell đăng trên BBC, nêu rằng, "1984 vẫn là quyển sách gối đầu giường cho những thời điểm khó khăn. Tri thức là thứ sức mạnh, và chúng ta đều đang bị thử thách."
"Những trang viết của Orwell bắt nguồn từ "chủ nghĩa khổng lồ" đã bóp méo thế kỷ 20. Ông làm lính tình nguyện chống quân Phát xít trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha (với niềm tin rằng chủ nghĩa hòa bình là sự xa xỉ dành cho những người khác), nhưng ông lại nhận ra những lời hứa hẹn của Chủ nghĩa Cộng Sản chỉ là hão huyền, khi nhóm chống Stalin mà ông chiến đấu bên cạnh bị săn đuổi bởi những kẻ sùng bái Stalin."
Một phân tích của tác giả George Packer trên trang The Atlantic năm 2019 bình luận:
"Không có một tiểu thuyết nào trong thế kỷ vừa qua có tầm ảnh hưởng hơn 1984 của George Orwell. Nhan đề, dạng tính từ của tên họ tác giả, từ ngữ của một Đảng (Party) toàn quyền, cai trị siêu nhà nước Oceania với hệ tư tưởng Ingsoc - tư duy nước đôi (doublethink), lỗ hổng trí nhớ (memory hole), unperson (người bị bốc hơi), tội ác tư tưởng (thoughtcrime), Ngôn ngữ Mới (Newspeak), Cảnh sát Tư tưởng (Thought Police), Căn phòng 101 (Room 101), Anh Cả (Big Brother) - tất cả đã bước vào ngôn ngữ tiếng Anh như một dấu hiệu có thể được nhận biết ngay lập tức về một tương lai ác mộng. Hầu như không thể nói đến tuyên truyền, do thám, nền chính trị chuyên chế hoặc xuyên tạc sự thật mà không nhắc đến 1984. Trong suốt thời kỳ chiến tranh Lạnh, quyển tiểu thuyết đã đến được một giới độc giả ngầm đầy khát khao đằng sau Bức Màn Sắt, những người tự hỏi, Làm sao mà ông ấy [George Orwell] biết được như vậy?"
Moscow nói gì về '1984'?
George Orwell nói ông đã sử dụng sự độc tài của Stalin làm mô hình về sự tôn sùng cá nhân của "người Anh Cả thấy tất cả", người nắm lực lượng "cảnh sát tư tưởng" đe dọa người dân để buộc họ phải "tư duy nước đôi" tin vào "Chiến tranh là hòa bình, tự do là nô lệ"
Hồi tháng 5, Maria Zakharova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga từng nói về tiểu thuyết "1984" như sau, "Trong nhiều năm qua, chúng ta chỉ nghĩ Orwell đang mô tả chủ nghĩa toàn trị. Đây là một sự giả tạo toàn cầu."
"Orwell viết về sự kết thúc chủ nghĩa tự do. Ông ấy viết về cách thức chủ nghĩa tự do sẽ đưa nhân loại đến bế tắc. Ông ta không viết về Liên Xô, mà về xã hội mà ông ta đã sống."
Bình luận của bà Maria Zakharova được xem đã hưởng ứng Darya Tselovalnikova, phiên dịch người Nga cho phiên bản hoàn toàn mới của tiểu thuyết "1984", người luôn lập luận quyển tiểu thuyết phản ánh một kỷ nguyên "chủ nghĩa tự do toàn trị" ở Phương Tây.
Cụ thể, bà Darya Tselovalnikova nói thấy có sự song song của tiểu thuyết "1984" với một nơi khác.
"Orwell có thể đã không mơ đến các ác mộng tồi tệ nhất của mình trong một kỷ nguyên 'chủ nghĩa toàn trị tự do' hoặc 'chủ nghĩa tự do toàn trị' sẽ đến ở Phương Tây, và người dân - các cá nhân rời rạc, hơn là bị cô lập - sẽ cư xử như đám đông bạo lực," Darya Tselovalnikova nói với nhà xuất bản AST hồi tháng 5.
Trong các diễn biến khác về cách Nga tuyên truyền trong cuộc chiến tranh Ukraine, hồi tuần rồi, một chính trị gia thuộc phe đối lập tại Nga, Ilya Yashin đã bị kết án 8 năm và 6 tháng tù giam vì tội tuyên truyền "thông tin sai sự thật" về quân đội" - vì đã thảo luận các bằng chứng do các nhà báo Phương Tây phát hiện về tội ác chiến tranh của Nga tại Bucha, gần Kyiv, vốn bị phía Moscow cho là dựng chuyện.
Hồi tháng 11, người phát ngôn Điện Kremlin nói không có cuộc tấn công nào nhằm vào mục tiêu dân thường, mặc dù cho đến nay, Nga vẫn tiến hành đợt rải bom nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, khiến hàng triệu người bị mất điện hay khí đốt sưởi ấm trong mùa đông. (BBC)