Đọc và nghe ngôn ngữ văn học của các nhà văn miền Bắc

30 Tháng Mười Hai 20226:09 CH(Xem: 1586)

VĂN HÓA ONLINE - VĂN HỌC - THỨ SÁU DEC 30, 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Đọc và nghe ngôn ngữ văn học của các nhà văn miền Bắc


Nguyễn Viện 'phẫn nộ' và 'mộng mơ' trong Cõi người ở lại và Nu Na Nu Nống


  • Mỹ Hằng
  • BBC News Tiếng Việt


BBC 30/12/2022


image006Nguồn hình ảnh, Phong Quang


Nhà văn Nguyễn Viện - người nổi tiếng trong giới văn chương Việt Nam và hải ngoại bởi những tác phẩm được coi là 'phản kháng', 'ngoài lề', trò chuyện với BBC nhân dịp ông vừa cho in hai cuốn mới - Cõi người ở lại và Nu Na Nu Nống Xứ Mêman - bởi một nhà xuất bản 'ngoài lề'.


BBC: Trong nhiều tác phẩm của ông, kể cả trong Cõi người ở lại vừa được in bởi NXB Cửa, luôn thấy sự xuất hiện của tình dục, chửi thề, buồn chán, cô đơn, muốn chết..., xen lẫn các vấn đề chính trị, xã hội như Covid, dân mất đất... Vì sao?


Nhà văn Nguyễn Viện: Vâng, tôi vừa tự in hai cuốn sách mới là Cõi người ở lạiNu Na Nu Nống - Xứ Mêman. Như chị thấy, tất cả mọi vấn đề của cuộc sống như "tình dục, chửi thề, buồn chán, cô đơn, cái chết, muốn chết, Covid, dân mất đất, v.v…" đều được tôi đưa vào tác phẩm của mình.


Đấy là những đề tài tôi thường lập lại và có lẽ, tôi sẽ tiếp tục lập lại, nếu tôi còn viết được. Bởi đấy là những vấn đề vốn dĩ của cuộc sống hôm nay và muôn thuở.


Trong những đặc trưng của văn chương tôi mà chị đã đề cập, tôi chú ý đến chi tiết "chửi thề".


Thật ra, ngoài đời tôi là người không hay chửi thề. Nhưng tại sao tôi lại thích chửi thề trong văn chương? Nói như nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, "sống ở đất nước này, chỉ có thánh mới không chửi thề".


Nếu tôi không chửi thề trong văn chương của mình thì tôi sẽ phát điên đấy.


Chụp lại video,


Nhà văn Nguyễn Viện: 'Viết từ lề trái để tự do cách tân'


BBC: Vì sao Nu Na Nu Nống - Xứ Mêman lại dịu dàng cổ tích khác hẳn Cõi người ở lại và nhiều tác phẩm khác. Ông khác đi hay cuộc đời bỗng đẹp hơn?


Nhà văn Nguyễn Viện: Với tác phẩm Nu Na Nu Nống - Xứ Mêman, quả thật đã có khác biệt hoàn toàn với tất cả những gì tôi viết xưa nay, từ văn phong đến đề tài, tôi gọi là "cổ tích mới".


Tôi đã bỏ lại bên ngoài mọi buồn phiền, sự phẫn nộ và bất mãn trong cuộc sống. Để nâng niu và thương yêu cuộc đời này như tôi muốn nó được hướng tới. Đó là sự tha thứ, hy sinh, lòng cao thượng và tình yêu con người dành cho nhau. Như một người mơ mộng.


Tôi đã tự nhủ, nếu phải vất đi tất cả thì tôi chỉ xin giữ lại những câu chuyện cổ tích này.


Khi viết Nu Na Nu Nống, tôi nghĩ đến những đứa bé. Và tôi muốn có một món quà cho chúng.


Còn với cuốn Cõi người ở lại, gồm bốn truyện vừa, vẫn là phong cách nhất quán của tôi. Một diễn ngôn về sự tuyệt vọng và hủy diệt.


Những ám ảnh của tôi về bi kịch con người và sự thất bại của văn minh văn hóa nhân loại.


Cái nền văn minh văn hóa đày ải con người trong ngục tù tư tưởng và sự thống trị xã hội của những tham vọng quyền lực.


BBC: Việc là một nhà văn 'ngoài lề' - như ông tự nhận - có ảnh hưởng gì tới con đường sáng tác của ông?


Nhà văn Nguyễn Viện: Tôi viết theo suy nghĩ và thể hiện những suy nghĩ ấy của mình một cách chân thực nhất, điều đó chẳng may lại trở thành cấm kị ở Việt Nam.


Tất nhiên, viết như thế sẽ không được nhà nước cho phép xuất bản. Và rồi, một cách chẳng đặng đừng, tôi trở thành nhà văn "ngoài lề".


Sự chọn lựa này tạo ra hai hệ quả: Một là phẩm giá, tôi có tự do để viết như mình muốn. Hai là tệ hại, tác phẩm của tôi khó đến được với công chúng.


Không thể phát hành bằng sách giấy hay quảng bá trong nước, tôi chỉ còn cách xuất bản ở Mỹ và phổ biến trên các trang mạng, mà các trang mạng ấy như Tiền Vệ, Da Màu, Văn Việt… đều bị ngăn chặn bởi tường lửa.


Thậm chí, tên tôi còn là một thứ "kị húy" trên các phương tiện truyền thông nhà nước.

image009

BBC: Trong một thời đại mà dường như ai nấy đều kiệt sức, lo lắng, bấn loạn. Thời mà dường như nhiều người hơn tự nhận mình trầm cảm và thiền chánh niệm dường như đang lên ngôi, ông cho rằng tác phẩm của mình sẽ được tiếp nhận ra sao? Liệu có cần đến nhóm đối tượng độc giả riêng, 'ngoài lề', cho những 'nhà văn ngoài lề'?


Nhà văn Nguyễn Viện: Vâng, trầm cảm là một tình trạng đang trở nên phổ biến và thiền chánh niệm là một khuynh hướng mà nhiều người chọn lựa.


Tôi nghĩ, người trầm cảm thì nên đọc tôi như một liệu pháp điều trị, có khi hiệu quả. Người thiền chánh niệm cũng nên đọc tôi như cách để quán chiếu về sự bấn loạn và an nhiên, biết đâu thành đạo.


Tôi đùa chút cho vui thôi. Thật ra, tôi biết tác phẩm của tôi thuộc loại khó đọc, không phải vì sự kiệt sức trong cuộc sống hay trong lề/ngoài lề, mà bởi chính do cách viết của tôi.


Dẫu sao, tôi không phải là nhà văn phục vụ đại chúng. Chắc chắn thế.


BBC: Trong một chia sẻ mới đây trên Facebook, ông có nói rằng "Tôi tự vui là mình vẫn còn viết được, tuy viết cũng chẳng để làm gì", đây có phải là một tự sự khiêm nhường của một nhà văn đã có tiếng tăm ở Việt Nam và hải ngoại như ông?


Nhà văn Nguyễn Viện: Tôi không khiêm nhường đâu. Tôi cũng không thích khiêm nhường. Nhưng quả thật, tôi không viết thì tôi không biết làm gì. Viết với tôi là một cách sống.


BBC: Nếu viết tiếp (và hẳn là ông đang viết tiếp), ông có nghĩ mình sẽ thôi mang vào 'tình dục, chửi thề, buồn chán, cô đơn, muốn chết' mà sẽ là những thứ khác?


Nhà văn Nguyễn Viện: Ngoài hai cuốn mới in, tôi cũng vừa viết xong một kịch/truyện mới. Vẫn là số phận con người với thời gian và lịch sử. Và trong thời gian và lịch sử, tôi làm thế nào thoát được sự cô đơn, nỗi tuyệt vọng và những phẫn nộ không thể kìm nén?


Vì thế, những điều như chị thấy trong văn chương của tôi, tôi sẽ vẫn tiếp tục như thế.


Và tôi vẫn sẽ theo đuổi một phong cách đẹp đẽ trong nghệ thuật ngôn từ, cho dù đó là tiếng chửi thề. Một không gian văn chương Nguyễn Viện.


BBC: Nhìn vào văn chương Việt Nam hiện nay, ông thấy mang màu sắc gì, còn thiếu thốn gì? Có tác giả trẻ nào thật sự nổi bật?


Nhà văn Nguyễn Viện: Thú thật, lúc này tôi không thể đọc được nhiều vì mắt mờ. Cho dù rất chủ quan, tôi cũng có những cảm nhận của mình. Nói chung, cách nhìn về xã hội và cách viết của những nhà văn trẻ hiện nay đã rất khác với những thế hệ trước.


Họ không có những dằn vặt hay ám ảnh lớn, nhờ thế họ cũng nhẹ nhàng hạnh phúc hơn. Họ có độc giả của họ, nhưng để tìm một tác giả đáng kể thì khó.


Phải chăng, họ thiếu cái cảm thức về lịch sử hay bản thể, hoặc họ không bận tâm đến các vấn nạn chính trị xã hội?


BBC: Ông mang vào truyện của mình Phật, Chúa, các nhân vật lịch sử và văn chương nổi tiếng như Kiều của Nguyễn Du, nhưng đặt họ vào không gian đương đại với thứ ngôn ngữ thô ráp. Có nhận định từ độc giả rằng văn ông 'lạc lõng' và 'khó đọc', thậm chí gây 'dị ứng', nhưng lại 'không thể dửng dưng với nó'. Có phải đó là mục đích viết của ông?


Nhà văn Nguyễn Viện: "Lạc lõng" và "khó đọc", thì không phải vì tôi muốn thế, nhưng tôi thà như thế chứ không chiều ai ngoài chiều chính tôi.


Như nhà thơ Du Tử Lê đã viết: "Nguyễn Viện là một tác giả gây chia rẽ người đọc nhất" (báo Người Việt), tôi lấy làm thú vị về nhận xét này, cũng như câu hỏi của chị.


Tôi cho rằng, nếu một tác phẩm làm hài lòng mọi người thì đấy là một thảm họa hơn một niềm kiêu hãnh.


Tôi chọn cách "không thể dửng dưng với nó" cho mọi tác phẩm của mình. Dẫu có gây dị ứng, với tôi vẫn là một tín hiệu đáng mừng, nó chứng tỏ tôi rất khác như ông Dương Tường cũng đã viết về tôi (lời bạt cho tác phẩm Thời của những tiên tri giả).


Đây mới là điều thật sự quan trọng với một nhà văn, tôi nghĩ thế.


* Sinh năm 1949 ở Hải Dương, nhà văn Nguyễn Viện có tập truyện được in đầu tiên năm 1995. Kể từ năm 2004, các tác phẩm mới của nhà văn sống ở Sài Gòn này đều do ông tự in, sau khi tiểu thuyết "Thời của những nhà tiên tri giả", ban đầu do NXB Công An Nhân Dân ấn hành, đã bị thu hồi năm 2003.


Ông được chú ý qua các tác phẩm như "Rồng và Rắn", "Thời của những tiên tri giả", "Ngồi Bên Lề Rất Trái" (2011), "Đĩ thúi và phần còn lại ở đời sau (2019)", "Thảo mai trên dốc gió" (2021).


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++


Nguyễn Huy Thiệp 'đã có sẵn giải thưởng trong lòng bạn đọc'


  • Quốc Phương
  • BBC News Tiếng Việt


26/3/2021


image011Nguồn hình ảnh, Pham Xuan Nguyen. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (phải) trong một lần tiếp và đàm đạo với khách văn chương đến thăm nhà


Di sản lớn nhất của Nguyễn Huy Thiệp chính là văn chương của ông để lại cho đời, nhưng phải mất nhiều năm nữa có thể di sản này mới được hiểu trọn vẹn, một người bạn của tác giả 'Tướng Về Hưu', 'Vàng Lửa', 'Con gái Thủy Thần'... nói với BBC hôm 25/03 từ Việt Nam.


"Nguyễn Huy Thiệp qua đời, có thể phải ít thời gian nữa người ta mới nhận ra ông đã chọn thời điểm ra đi đúng lúc, cũng như là khi ông xuất hiện cũng đã đúng lúc," nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Hưng, người có bốn mươi năm làm bạn với cố văn sỹ nói với BBC.


"Nó đúng lúc với chính nền văn chương mà Thiệp đã gây ảnh hưởng cũng cần phải xác định lại, gói gọn lại, để cho một nền văn học khác mà cũng của người Việt nổi lên.


"Và lớp người khác đó, tôi tin chắc chắn rằng đó sẽ là một lớp người khác viết rất khác lạ, với văn chương khác hẳn, sẽ không giống Thiệp, mặc dù Thiệp như tôi gọi là một 'văn hào'...


"Nguyễn Huy Thiệp xứng đáng là một văn hào của Việt Nam. Tôi cho rằng di sản lớn nhất của Thiệp chính là văn học của ông ấy và phải mất nhiều năm nữa để mọi người hiểu hết được di sản ấy.


"Trước kia, khi tác phẩm của Nguyễn Du ra đời, các bậc tiên Nho đã từng phê phán, chỉ trích cụ Nguyễn Du rất gay gắt, thậm chí có người nói cụ như là một thứ 'phản động', đưa những thứ bị gọi như 'dâm thư' vào từng gia đình, tất nhiên các cụ tiên Nho chỉ trích theo cách của người có học, không phải là những lời 'chửi mắng' thô lỗ.


"Nhiều người khác như Phan Khôi, Phạm Quỳnh cũng từng phải đối đầu với những chỉ trích như của ông Ngô Đức Kế, một ông nghè thôi, nhưng chữ nghĩa rất sâu.


"Nguyễn Du, một bậc tinh hoa của dân tộc, mà cũng từng bị người ta chỉ trích như thế, thì huống chi là anh bạn Thiệp của tôi, do đó người này chê, người kia chê là bình thường thôi.


"Song không phải là bị chê như thế mà Nguyễn Huy Thiệp không phải là một văn hào, tôi đánh giá Nguyễn Huy Thiệp rất là cao. Thiệp hoàn toàn không viết gì về chính trị, nhưng lại là thứ chính trị cao nhất.


"Đó không phải là một thứ chính trị của một sự chống đối, đối đầu, đối mặt, mà nó là một sự thay đổi văn hóa trong lòng người đọc, cái đấy mới là chính trị cao.


"Ngoài ra, văn chương của Nguyễn Huy Thiệp theo tôi đã ảnh hưởng đến chính những người viết văn và văn chương của Việt Nam, và ảnh hưởng ấy không hề là nhỏ."


'Làm lay chuyển cả một nền văn học'


image013Nguồn hình ảnh, Phạm Xuân Nguyên. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (phải) trong một lần đến thăm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại tư gia


Cũng hôm thứ Năm, từ Huế, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nguyên Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội nói với BBC:


"Nếu nói Nguyễn Huy Thiệp như ngọn roi quất vào nền văn học, hoặc là như kẻ phá rối, khác giọng trong cả một dàn đồng ca, hay như tôi nói là tạo được cú đột biến, cú hích, thì tất cả đều có chung một ý trong những lời đó.


"Đó là Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện đã làm cho văn chương Việt Nam lúc đó đang rất trầm lặng, đang rất cũ, đang không có gì mới cả về nội dung, cả về cách viết, thì bỗng nhiên bị lay chuyển.


"Tôi muốn nhắc lại một câu nói của nhà văn Nguyễn Khải, ông nói: 'Cả một nền văn học đồ sộ vậy, thế mà tay Nguyễn Huy Thiệp này chưa biết từ đâu xuất hiện, thì chỉ bằng một truyện 'Tướng Về Hưu', chỉ mới chạm nhẹ tay mà cả ngôi nhà văn học dường như đã lung lay rồi.


"Từ năm 1987-1988, Nguyễn Khải đã nói như thế, và sau 'Tướng Về Hưu', Thiệp lại tiếp tục ném ra những truyện ngắn, mà mỗi truyện một khác. Có thể nói hồi đó người ta hồi hợp chờ đợi đọc chuyện của Nguyễn Huy Thiệp, có thể nói thẳng như thế, và rồi đọc xong thì lại tranh luận, bàn luận, tranh cãi với nhau là truyện này như thế nào.


"Tức là đã tạo ra một cuộc tranh luận về cách đọc bằng chính cách viết của mình, có thể nói cho đến giờ phút này, mà chính như nhà văn Nguyễn Quang Thiều cũng đã nói đến trong Điếu văn, chỉ có một tác giả, chỉ có một Nguyễn Huy Thiệp mới làm được như vậy."


Từ Paris, nhà văn Thuận bình luận với BBC:


image015Nguồn hình ảnh, Other. Một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp


"Tôi nghĩ rằng một nhà văn không nhất thiết phải là một người làm chính trị, bạn đọc, các tác giả khác, các đồng nghiệp của tác giả Nguyễn Huy Thiệp chờ đợi và nhìn thấy ở ông điều lớn nhất, theo tôi, là tinh thần sáng tạo, tinh thần tự do trong văn chương, tinh thần tìm tòi trong văn chương của ông.


"Chỉ có điều đáng tiếc là sau thời kỳ đỉnh cao, ông đã dừng lại, tôi nghĩ rằng cái đó mới là điều đáng tiếc nhất trong sự nghiệp của Nguyễn Huy Thiệp, tiếc rằng ông dừng lại hơi sớm...


"Tài năng của ông trong phạm vi Việt Nam là một tài năng rất lớn, nhưng giá mà ông tiếp tục sáng tác, tiếp tục sáng tạo, tôi nghĩ rằng ông sẽ được văn chương thế giới nhìn nhận ở mức độ cao hơn.


"Và như thế ông sẽ đạt được một vị trí nào đó của văn chương Việt Nam đi ra nước ngoài, tôi nghĩ rằng cái đó quan trọng hơn, chứ còn đừng yêu cầu ông làm một người làm chính trị..."


'Đã có sẵn giải thưởng từ lâu'


Đề cập vấn đề có cần có giải thưởng xứng đáng hơn để ghi nhận, tôn vinh sự nghiệp và đóng góp của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hay không, nhân dịp này, nhà văn Thuận nói:


"Tôi nghĩ rằng tài năng của một nhà văn thì giải thưởng cũng không phải là một cái gì đó để đánh giá chính xác một tài năng cả.


image017Nguồn hình ảnh, Bùi Văn Phú. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói chuyện ở Đại học Berkeley tháng 10/1998


"Tôi cho rằng được đọc nhiều, được nghiên cứu nhiều, được giới chuyên môn chú ý nhiều, cái đó quan trọng hơn là giải thưởng."


Về vấn đề này, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nêu quan điểm:


"Nhân đợt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mất, nhân đợt xét Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật trong nước, Ban Chấp hành mới của Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã đưa tên ông vào danh sách đề cử lên cấp trên để trao giải thưởng Nhà nước.


"Và khi ông nằm xuống, nhiều người cũng nói rằng tiếc là ông không còn sống để được nhận, nhưng nhiều người khác, trong đó có tôi, nói rằng nếu có sự đáng tiếc thì đó là về phía các nơi tổ chức trao giải.


"Chứ còn với Nguyễn Huy Thiệp, tôi đồng ý với ý kiến của nhà văn Thuận, vị trí của ông, phần thưởng lớn nhất của ông là ở trong lòng bạn đọc, là những giá trị còn mãi, còn lâu bền của những tác phẩm của ông, đó là những truyện ngắn, tiểu luận, kịch và cả thơ nữa.


"Nếu như chúng ta nói rằng lấy ca từ của Trịnh Công Sơn thôi thì đã thành thơ rồi, in ra được thành tập thơ rồi và quả thực đã có tập thơ bằng những ca từ, bài hát của Trịnh Công Sơn.


"Vậy thì những bài thơ, bài ca mà Nguyễn Huy Thiệp đưa vào trong những truyện ngắn của mình, một truyền thống có từ văn học Trung đại cho đến đầu thế kỷ XX vẫn còn, đến Nguyễn Huy Thiệp, ông khôi phục trở lại, nhưng tính chất thơ trong văn của ông khác với thời Trung đại, khác với thế kỷ XX... cũng xứng đáng.


"Và nếu sắp tới, nếu ông được giải thưởng Nhà nước, đấy chỉ là thêm một sự khẳng định về mặt hành chính, còn về mặt văn chương thì từ lâu ông đã có giải thưởng rồi."


Về đám tang "trang trọng" mà Hội Nhà văn VN đứng ra tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, phố Trần Thánh Tông, Hà Nội trong tuần, ông Phạm Xuân Nguyên nói:


"Bài Điếu văn của Chủ tịch Hội Nhà văn VN, Nguyễn Quang Thiều đã là một dư chấn mới, phá lệ của một điếu văn bình thường, không dài, nhàm chán. Anh Thiều đã đánh giá, tổng kết, nêu quan điểm của riêng anh và của Hội Nhà văn VN, khẳng định đỉnh cao của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.


Bài điếu văn không chỉ đánh giá văn nghiệp của Nguyễn Huy Thiệp mà còn kết thúc bằng một khổ thơ đầy xúc động. Sự cộng hưởng từ bài điếu văn này là tín hiệu mới cho Hội Nhà văn khóa này. Tôi tin là họ sẽ tạo được cú hích, từ tinh thần Nguyễn Huy Thiệp."
25 Tháng Giêng 2023(Xem: 1666)
06 Tháng Giêng 2023(Xem: 1582)
20 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 1482)