Sérénade & Sérénata: Hai nhạc khúc, cuộc tình buồn

20 Tháng Giêng 20237:30 CH(Xem: 1371)

VĂN HÓA ONLINE – NGHỆ THUẬT – THỨ SÁU JAN 21, 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Sérénade & Sérénata: Hai nhạc khúc, cuộc tình buồn


12/11/2022


Vương Trùng Dương


image060Sérénade của nhạc sĩ Schubert & Sérénata của nhạc sĩ Toselli qua Dạ Khúc & Chiều Tà.


 Dòng nhạc thính phòng với hai trường phái Cổ Điển (1730-1820) và Lãng Mạn (1800-1910) của Tây Phương, các thể loại như Sonata, Concerto, Symphony… đã ảnh hưởng nhiều đến giới thưởng ngoạn ở Việt Nam về thể loại Sonata, Concerto. Thể loại Giao Hưởng (Symphony) đòi hỏi người nghe phải hiểu biết về nhạc sử và nhạc lý nên ít thịnh hành. Sérénade (Sérénata) là thể loại âm nhạc với giai điệu nhẹ nhàng, thường do nhạc cụ tấu lên vào buổi chiều vì vậy những bản Sérénade (Dạ Khúc, Khúc Nhạc Chiều, Chiều Tà) với cấu trúc như bản nhạc thông thường, gồm phiên khúc và điệp khúc.


Vào thời Baroque, Sérénade là hình thức biểu diễn nhạc Cantat ngoài trời, trong buổi chiều, với nhiều giọng hát hòa âm và hòa tấu đệm. Điểm khác biệt giữa Cantat và Sérénade là bản nhạc chiều được trình diễn trong không gian rộng, có thể sử dụng thêm các nhạc cụ như kèn trumpet, trống, tù và…


Bản Sonata coi như tác phẩm, thường có nhiều chương, trong đó có một chương với cấu trúc cơ bản và khi hình thức đó được sử dụng trong một tác phẩm có nhạc cụ độc tấu, như piano, violin hoặc flute hoặc một nhạc cụ độc tấu với piano đệm, tác phẩm đó được gọi là Sonata...


Với ca khúc thông thường gồm 3 phần chính đó là Verse (Phiên Khúc), Chorus (Điệp Khúc) và Bridge (Phần chuyển tiếp hay còn gọi là đoạn cầu). Đây là kỹ thuật sáng tác thông dụng trong âm nhạc, người ta cũng hay dùng các ký hiệu Đoạn a (Verse), Đoạn b (Chorus) và Đoạn c (Bridge) để dễ dàng ghi nhớ. Trong ca khúc thông thường có: Phiên Khúc 1 & 2, đến Điệp Khúc và trở lại Phiên Khúc. Với Sonata thì thoáng hơn về cấu trúc như vậy.


Bản Sonata Ánh Trăng (Sonate au Clair de Lune – Moonligth Sonata – Piano Sonata No. 14 của Beethoven được coi như Sonate hay nhất của mọi thời đại, có 4 Mouvements dài 25 phút, trong đó 1er Mouvement (1st Movement): Adagio sostenuto dài gần 8 phút, rất thông dụng và được phổ biến nhiều nhất. Khi học piano về nhạc cổ điền Tây Phương đều tập luyện với 1er Mouvement nầy vì khoan thai, nhẹ nhàng. Các phần tiếp theo với Allegretto, Presto agitato… rất nhanh nên phải điêu luyện mới đàn được.


Bản nhạc Sérénade trong thế kỷ 18 gồm 4 phần, đôi khi là 10. Trong thế kỷ 19, Sérénade chuyển thành hình thức biểu diễn hòa tấu, ít được biểu diễn ngoài trời hơn.


Với bốn nhạc sĩ tài danh sáng tác bốn ca khúc Sérénade nổi tiếng nhất:


1. Sérénade số 13 của Mozart, thường được gọi là “Eine Kleine Nachtmusik” (tiếng Đức, có nghĩa “Tiểu Dạ Khúc”.


 2. Sérénade của Schubert thường được biết với tên  “Sérénade de Schubert”


3. Sérénade của Tosti được gọi tắt là “La Serenata”


 4. Sérénata của Toselli được mang tên Serenata “Rimpianto” (tiếng Ý: Rimpianto có nghĩa là Luyến Tiếc).


Ở Việt Nam hai ca khúc Sérénade của Shubert và Toselli được Phạm Duy chuyển sang lời Việt (Sérénade của Shubert với tựa Dạ Khúc) và (Sérénata của Toselli với tựa là Chiều Tà).


Schubert & Sérénade


Nhạc phẩm Sérénade của Franz Schubert (1797-1828), nhạc sĩ Áo, viết năm 1926, ông chỉ được hưởng dương 31 tuổi (mất do hậu quả của bệnh thương hàn) nhưng để lại cho nhân loại những sáng tác tuyệt vời.


Theo Von Hellborn, người viết tiểu sử cho Schubert, bản nhạc này ra đời vào vào một Chủ Nhật năm 1826. Khi ấy, Schubert cùng một vài người bạn từ Potzleinsdorf trở về thành phố. Đi qua Wahring, ông thấy bạn mình là Tieze đang ngồi bên chiếc bàn trong khu vườn của Zum Biersack. Trước mặt Tieze là một cuốn sách, Schubert lật lướt qua nó.


Đột nhiên, ông dừng lại, chỉ vào một bài thơ, nói như reo lên: “Một giai điệu tuyệt vời vừa vang lên trong đầu tôi, giá mà tôi có giấy chép nhạc bây giờ”. Herr Doppler liền vẽ một vài khuông nhạc trên mặt sau tờ hóa đơn. Trong khung cảnh huyên náo của quán ăn ngày Chủ Nhật, giữa tiếng dao nĩa, giữa những người bồi bàn hối hả chạy qua lại, Schubert đã viết nên bản Sérénade bất hủ của mình.


Không biết ca khúc Sérénade nầy, Schubert viết cho tác giả trong tập thơ hay cho người tình năm xưa, ca sĩ Therese Grob?


Bố ông, Franz Theodor Schubert – con của nông dân vùng Monravia – thầy giáo.  Mẹ ông là con của người sửa khóa vùng Silesia, người hầu của một gia đình giàu có trước khi lấy bố ông. Ông là một trong số 14 người con của Franz Theodor Schubert, chín trong số đó đều chết yểu.


Schubert bắt đầu được bố dạy nhạc khi lên 6, một năm sau ông theo học trường của bố ông và bắt đầu chính thức theo học âm nhạc. Bố ông đã dạy ông các kỹ thuật violin cơ bản, và anh trai Ignaz đã dạy ông những bài học piano. Khi 7 tuổi, ông được Michael Holzer, người chơi organ đồng thời cũng là trường dàn đồng ca của nhà thờ giáo xứ địa phương tại Lichtental dạy dỗ.


Cậu bé Schubert được sự giúp đỡ từ người quen làm thợ mộc, đưa cậu bé đến kho đàn piano gần đó để cậu bé có thể thực hành trên nhạc cụ tốt hơn. Schubert cũng chơi viola trong tứ tấu đàn dây của gia đình, với các anh Ferdinand và Ignaz là violin chính và thứ hai, còn người cha chơi violoncello.


Năm 1808, Schubert vào trường Stadtkonvikt với học bổng trong dàn đồng ca. Tại đây Schubert bắt đầu làm quen với các bản overture và giao hưởng của Mozart, các bản symphony của Haydn và của người em Michael của ông.


Tài năng của Schubert bắt đầu thể hiện qua các sáng tác. Thỉnh thoảng Schubert được giao chỉ huy dàn nhạc, và Antonio Salieri bắt đầu đào tạo Schubert về lý thuyết âm nhạc và kỹ thuật sáng tác. Đây là dàn nhạc đầu tiên Schubert viết nhạc và ông đã dành phần lớn thời gian còn lại của mình tại Stadtkonvikt để sáng tác nhạc thính phòng, một số bài hát, các đoạn ngắn cho piano, phát huy âm nhạc cổ điển Tây Phương.


Cuối năm 1813, Schubert rời Stadtkonvikt và trở về nhà để học khoa giáo viên tại Normalhauptschule. Năm 1814, Schubert trở thành giáo viên của các em học sinh nhỏ tuổi nhất tại trường của bố ông. Trong hơn hai năm Schubert chịu đựng khó khăn với sự lãnh đạm của nhiều người mà ông không ngờ!


 Năm 1814, Schubert quen với Therese Grob, con gái của nhà sản xuất lụa trong vùng đồng thời là ca sĩ soprano. Sự chênh lệch giàu nghè làm cho tình cảm phức tạp.  Schubert muốn kết hôn với Grob nhưng không thành. Năm 1815 Luật Kết Hôn quá hà khắc với yêu cầu chú rể phải chứng minh được khả năng có thể nuôi sống gia đình.


 Sinh thời, thiên tài Schubert sống lâm vào hoàn cảnh nghèo xơ xác, không có bạn bè giúp đỡ... Ngay trong lúc sinh thời Schubert không được may mắn trong cuộc sống đôi lúc khó khăn, bệnh tật và cô đơn. Là nhạc sĩ tài hoa


 Khi Franz Schubert qua đời, cả Áo và vài nước Âu Châu tổ chức vinh danh nhạc sĩ tài hoa của khuynh hướng âm nhạc lãng mạn của thế kỷ 18.


 Đúng như ca dao Việt Nam:


 Lúc sống, thời chẳng cho ăn,


Đến khi thác xuống, làm văn tế ruồi.


 Đời là thế!


Nghe ca khúc Sérénade hai hai danh ca để cảm nhận tiếng hát với giọng Soprano nào tuyệt vời hơn:

Nana Mouskouri với giàn nhạc giao hưởng


https://www.youtube.com/watch?v=5mLh-du29Oc


Thái Thanh với lời Việt của PD


https://www.youtube.com/watch?v=2jmXpjzMLUU


*


Enrico Toselli & Sérénata


Nhạc sĩ Enrico Toselli (1883-1926) là một nghệ sĩ dương cầm và nhà soạn nhạc người Ý.


Khi Sérénade của Schubert ra đời thì Toselli mất, sự trùng hợp ngẫu nhiên của hai nhạc sĩ tài danh.


 Enrico Toselli sinh ở thành phố Florence, học đàn Piano với Giovanni Sgambati và học hòa âm với Giuseppe Martucci & Reginaldo Grazzini. Trong giai đoạn đầu đời ông khởi nghiệp là nhạc sĩ dương cầm tài năng thường trình diễn ở Ý, các thủ đô Âu Châu, Bắc Mỹ và địa phận Alexandria thời đó.


Enrico Toselli được dề cập nhiều về cuộc tình của ông với Nữ Công Tước Archduchess Louise của nước Áo vào năm 1907. Nữ Công Tước rời bỏ chồng bà là Hoàng Thái Tử Frederick Augustus của Saxony (1806-1918), bà ly dị năm 1903. Frederick Augustus lên ngôi trở thành Hoàng Đế của Saxony năm 1904.


Cuộc hôn nhân của Enrico Toselli và Nữ Công Tước Archduchess Louise cuối cùng phải ly dị năm 1912. Hai người có với nhau một con trai tên Carlo Emanuele. Sau đó, Toselli định cư tại Florence, giảng dạy và sáng tác, trong khi vẫn xuất hiện thường xuyên trong các buổi hòa nhạc.


Sérénata ‘Rimpianto’ Op.6, No.1 là nhạc phẩm nổi tiếng nhất của Toselli sáng tác năm 1913 như nỗi lòng hoài mong, tiếc nhớ đến hình bóng người tình.


 Nhạc phẩm qua lời dịch tiếng Pháp của Pierre D’ Amor:


Viens, le soir descend.

Et l’heure est charmeuse.

Viens, toi si frileuse.

La nuit déjà comme un manteu s’étend.

Viens, tout est si doux.

Si plein de promesses.

On sent la caresse.

De mots d’amour qu’onecoute à genoux.

Un sourire en tes grands yeux.

Me révèle un coin des cieux.

Reviens apaiser.

Mon coeur battant à se briser.

(Refrain)

Je t’aime à jamais.

Sans crainte des regrets.

Que le bonheur berce infiniment.

Par son fol en chantement.

Le cher émoi de ton coeur aimant.


Ca khúc Chiều Tà với Việt của Phạm Duy. Hai nhạc phẩm Dạ Khúc & Chiều Tà, nhà xuất bản Đón Gió ấn hành năm 1953.


 Lắng trầm tiếng chiều ngân

Nhạc dạt dìu ái ân

Người ơi! Nhớ mãi cung đàn

Năm tháng phai tàn

Duyên kiếp chưa về lỡ làng.

Đã quên hết sầu chưa?

Lời này là tiếng xưa

Quỳ dâng dưới nắng phai mờ

Bên gối ơ thờ

Nghe tiếng tơ tình mong chờ.

Chiều êm êm đưa duyên về người

Đàn triền miên nắn tiếng sầu đời

Người ơi! Đến bên tôi nghe lời xao xuyến

Như chuyện thần tiên

Niềm mơ xưa là đó.

Cho ta nâng niu lời thơ

Chiều mơ không gian

Hờ hững khói thiên đàng

Thuyền trôi bến sông xa đừng chờ

Xin hãy lắng nghe bao lời thơ chiều tà.

Nhạc chiều của chúng ta

Là câu ân ái muôn đời

Bóng đã xế rồi

Hãy nép trong lòng cõi đời.

Tình yêu mãi mãi…


 Ca khúc Chiều Tà với tôi cũng là kỷ niệm khó quên tuy đã cách nay 65 năm. Trong bài viết về nhà văn Cung Tích Biền năm 2007 và in trong quyển Văn Nhân & Tình Sử năm 2015, tôi đã đề cập:


 “Giữa thập niên 50, nhân dịp Lễ Vu Lan, anh Cung Tích Biền và chị tôi cùng các huynh trưởng trong Gia Đình Phật Tử Phước Ấm nơi xứ Quảng, tổ chức sinh hoạt văn nghệ. Hình ảnh vũ khúc Lên Chùa Dâng Hoa của ngành Oanh Vũ (mặc rube ngắn màu trắng như những con thiên nga), do anh sáng tác rất tuyệt vời, phần đầu với ca khúc Lên Chùa Dâng Hoa, phiên khúc anh lồng vào dòng nhạc mở đầu ca khúc bán cổ điển Sérénata của Enrico Toselli. Anh đàn banjo rất hay, tôi mê vũ khúc và tiếng đàn; từ đó, chị tôi khuyến khích cố gắng tập luyện sẽ trở thành Trần Ngọc Thao thứ hai (Lúc đó chưa có bút hiệu Cung Tích Biền, bài viết Ngoại Ô Dĩ An & Linh Hồn Tôi mới có bút hiệu nầy trong tạp chí Khởi Hành tháng 3/1966). Anh và tôi, cùng họ và chữ lót, cùng quê ngoại của tôi, vì vậy sau nầy, nhiều người hỏi tôi có họ hàng gì với Cung Tích Biền. Anh là huynh trưởng, bạn của người chị thứ sáu tôi, không họ hàng gì cả, và, tôi được biết anh trong sinh hoạt Gia Đình Phật Tử từ đó…”


Nghe ca khúc nầy với tiếng hát:

Các ca sĩ Marina Vyskvorkina, DiDonato, Helen Jepson, Alfredo Kauss lời tiếng Ý, với giọng Soprano:
https://www.youtube.com/watch?v=H11gZNALU2k


Ca sĩ Mary Schneider lời tiếng Anh rất ngọt ngào


https://www.youtube.com/watch?v=RcWrgsgf0iI


 Ca sĩ Mai Hương, Thái Thanh với lời Việt: Chiều Tà


https://www.youtube.com/watch?v=wYEHY2Zs94U


 Với tôi, ca khúc Chiều Tà dễ thấm vào lòng người.


 Nhạc chiều của chúng ta

Là câu ân ái muôn đời

Bóng đã xế rồi

Hãy nép trong lòng cõi đời.

Tình yêu mãi mãi…


Vào tháng 4/2020 đại dịch Covid-19 gây tác hại nặng nề ở Mỹ, chính quyền địa phương ban lệnh “bế quan tỏa cảng”, tôi “cầm chân tại gia’ những 16 tháng, cho đến khi được chích 2 mũi Moderna mới yên tâm ra quán café gặp gỡ bạn bè. Trong thời gian ở nhà, đọc lại nhiều cuốn sách lưu trữ, đọc trên internet, viết bài khá nhiều… nên cũng mỏi mắt và chán chường. Nhờ có âm nhạc giải trí mới cảm thấy tâm hồn khuây khỏa, dễ chịu. Trước năm 1975, ở miền Nam VN, muốn thưởng thức nhạc thính phòng, dòng nhạc cổ điển Tây Phương không phãi dễ dàng. Nay chỉ ngồi trước computer, thả hồn vào thế giới âm thanh khắp bốn phương trời. Đúng như lời nhạc sĩ Robert Schumann “Nhiệm vụ cao quý của âm nhạc là chiếu sáng vào những cõi sâu thẳm trong trái tim con người”. Ngày đêm ngồi trong garare mà được thả hồn bay bổng khắp các phương trời với cung bậc như lời nhạc sĩ Gioachino Rossini “Ngôn ngữ của âm nhạc là ngôn ngữ chung của tất cả mọi thế hệ và mọi dân tộc; ai cũng hiểu được nó, bởi nó được hiểu bằng trái tim”. Và, với tôi, cũng là thú giải trí thanh tao, cũng là lẽ sống. Đó cũng là lý do tôi viết nhiều bài về nhạc sĩ và ca sĩ trong nền âm nhạc Việt Nam thời tiền chiến và ở miền Nam Việt Nam.


 Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa. (Hoài Cảm – Cung Tiến)


 Vương Trùng Dương


(Little Saigon, 11/2022)


https://www.youtube.com/watch?v=KkI2Qj5TsfY
06 Tháng Mười 2015(Xem: 10221)
15 Tháng Sáu 2015(Xem: 24128)
01 Tháng Ba 2015(Xem: 10542)
Nhà văn Võ Phiến sinh năm 1925, năm nay ông tròn 90 tuổi. Với số tuổi ấy, ông không những là một trong những nhà văn thọ nhất của Việt Nam mà còn là người có một sự nghiệp văn học dài nhất, hơn cả nửa thế kỷ.
24 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 12129)
Văn học miền Nam, từ 1954 đến 1975, là một đóng góp và một thành tựu của văn học Việt Nam, trong một giai đoạn thuộc nửa sau thế kỷ XX. Nó chỉ tồn tại trong vòng 20 năm, nhưng nó đã là một tồn tại quan trọng và không thể thiếu của giai đoạn này.
30 Tháng Mười Một 2014(Xem: 10625)
Có tiếng điện thoại reo, từ phòng ngoài cô thư ký cho hay là có hai người cảnh sát muốn găp. Liền sau đó có tiếng gõ cửa. Vừa ngẫng mặt lên, Trọng thấy Thạch Hùng đứng chóang ngay trước cửa. Mặt anh ta hầm hầm, miệng lẩm bẩm hình như anh ta đang chửi thề với ai. Sau lưng Thạch Hùng là hai người cảnh sát Mỹ:
24 Tháng Mười Một 2014(Xem: 12063)
Trong giai đoạn sau 1963, một sự kiện nữa cũng không thể bỏ qua: là vai trò của Phật giáo bỗng nổi bật hẳn lên trong đời sống của xã hội Miền Nam.
20 Tháng Mười Một 2014(Xem: 10610)
Nguyễn Hưng Quốc VOA 17.11.2014 Trong một cuộc tán gẫu về văn học quanh một bàn nhậu ở Việt Nam, dịp tôi về thăm nhà vào cuối năm 2000, một người nghe đâu cũng làm thơ hỏi tôi: "Nghe nói hình như anh có viết một cuốn sách về Võ Phiến?"