Nhà văn Trịnh Y Thư ra mắt sách

16 Tháng Mười 20247:38 SA(Xem: 669)

VĂN HÓA ONLINE - VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THỨ TƯ 16 OCT 2024


Nhà văn Trịnh Y Thư ra mắt sách

image020

KIỀU MỸ DUYÊN


image022Nhà văn Trịnh Y Thư và phu nhân Quỳnh Anh (Ảnh của giáo sư Trần Huy Bích)


            Nhà văn Trịnh Y Thư ra mắt sách ở Coffee Factory, 15582 Brookhurst Street, thành phố Westminster, Orange County, California, lúc 4 giờ chiều, thứ bảy ngày 12/10/2024.


            Nhà văn Trịnh Y Thư tên thật là Trịnh Ngọc Minh, sinh năm 1952, tại Hà Nội. Ông viết văn, làm thơ và dịch thuật. Nguyên chủ bút tạp chí Văn Học (California), nguyên chủ bút Việt Báo tại Orange County. Ông sử dụng thành thạo tiếng Việt và tiếng Anh. Các tác phẩm đã xuất bản: Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, tạp chí Văn Học xuất bản, 2002; Căn phòng riêng (A Room of One’s Own), tiểu luận văn học của nhà văn nữ Virginia Woolf, Tri Thức xuất bản, 2009; Jane Eyre – Charlotte Bronte, Nhã Nam xuất bản, 2016; Người đàn bà khác, tập truyện, Thế Giới xuất bản, 2010; Chỉ là đồ chơi, tạp bút, Hợp Lưu xuất bản, 2012; Đường về thủy phủ- tiểu thuyết, 2024 và Trịnh Y Thư- Văn chương nghệ thuật và những điều khác, xuất bản tháng 8/2024.


image023Gia đình, bằng hữu, bạn bè xa gần tham dự buổi ra mắt sách của nhà văn Trịnh Y Thư (Ảnh của giáo sư Trần Huy Bích)


Lần ra mắt sách này, nhà văn Trịnh Y Thư ra mắt 3 quyển sách: "Trịnh Y Thư - văn chương và nghệ thuật", "Đường về thủy phủ" và "Người đàn bà khác". Tôi đã đọc tiểu thuyết "Đường về thủy phủ", một tác phẩm hư cấu, tưởng tượng, một sáng tạo của tác giả. Quyển sách này gồm 3 phần: "Ký ức loài bò sát", "Dưới những gốc nho biển" và "Đường về thủy phủ". Câu chuyện tình trong "Đường về thủy phủ" giữa một "cô gái chân yếu tay mềm- một ảo ảnh trong tâm trí của gã nhà văn" và một "gã nhà văn làm nghề dạy học". Cô gái bị kết án 2 năm tù vì dính líu đến vụ nổ súng làm trọng thương tên cua-rơ xe đạp và đánh vỡ mặt cô tình nhân của hắn, còn gã nhà văn bị ung thư gan thời kỳ thứ tư do uống rượu nhiều và do di truyền từ cha của gã. Một cái kết buồn nhưng tôi thích cái điều gã hứa với cô gái trong trại tù. Biết được ước nguyện của cô gái muốn về sống ở đền thờ mẹ cô ở Cống Liệp sau khi cô ra tù, gã hứa: "Anh còn 6 tháng để sống, trước khi chết anh sẽ giúp em toại nguyện mơ ước đó. Anh hứa sẽ làm hết sức còn lại của mình."


image025image027image029image031Nhà văn Trịnh Y Thư ký tặng sách. (Luật sư Phan Huy Đạt- đứng ngoài cùng bên trái) (Ảnh của giáo sư Trần Huy Bích)


Những khuôn mặt quen thuộc trong cộng đồng nhận thấy có: Giáo Sư Lê Văn Khoa và phu nhân là ca sĩ Ngọc Hà, Chánh Án Nguyễn Trọng Nho cùng phu nhân là giáo sư Phạm Vân Bằng, nữ tài tử Kiều Chinh, giáo sư Trần Huy Bích, giáo sư Nguyễn Văn Sâm và phu nhân là nhà văn Trần Ngọc Anh, Luật Sư Phan Huy Đạt và phu nhân, giáo sư Vũ Tường của đại học Oregon, nhà thơ Trúc Chi cùng phu nhân, nhà báo Phan Tấn Hải, chủ nhiệm Việt Báo cô Nina Hòa Bình Lê, nhà báo Doãn Quốc Hưng, nhà báo Lý Kiến Trúc, bác sĩ Bích Liên và phu quân, nhà thơ Thành Tôn, nhà thơ Lê Hân, nhà thơ Nguyễn Tư Phương (từ San Jose), nhà thơ Vũ Hoàng Thư, nhà thơ Vũ Thùy Hạnh, nhà thơ Lê Chiều Giang (từ San Diego), nhà thơ Lê Giang Trần, Nhà Thơ Ngô Tịnh Yên, Nhà Văn Lê Lạc Giao, Nhà Văn Tô Đăng Khoa, Nhà Văn Trần C. Trí, nhà văn Trần Yên Hòa, nhà văn Cung Tích Biền và phu nhân, nhà báo Kiều Mỹ Duyên, nhà văn Phạm Quốc Bảo, nhà văn Thái Vĩnh Khiêm, và nhiều vị nữa. Trong giới hội họa có họa sĩ Nguyên Khai, họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, họa sĩ Phan Chánh Khánh, họa sĩ Cao Bá Minh, họa sĩ Ann Phong, họa sĩ Ái Lan, họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, họa sĩ Đào Nguyên Dạ Thảo, họa sĩ Pauline Đàm. Giới nghệ thuật trình diễn có các ca sĩ Nhật Hạ, Nguyễn Cao Nam Trân, Đồng Thảo (từ San Jose), Ái Liên, Thu Vân, Lâm Dung. Trong giới âm nhạc có nữ nhạc sĩ Đào Nguyên (từ San Jose) và nhạc trưởng Thomas Ngô. Đại diện Viện Việt- Học là cô Nguyễn Kim Ngân. Hai nữ xướng ngôn viên khả ái của Orange County cũng có mặt là cô Nhã Lan và cô Thụy Vy.


            Trong tiệm cafe không còn một chỗ ngồi. Những chiếc ghế nhỏ để san sát nhau, không có một lối đi. Người đi trước, ngồi trước, người đi sau ngồi gần ngoài cửa, có người ngồi ở hành lang của tiệm cafe này.


image033Nhạc sĩ Lê Văn Khoa, phu nhân và một bằng hữu.(Ảnh: Kiều Mỹ Duyên)


            Bước vào cửa tiệm thấy nhạc sĩ Lê Văn Khoa, tóc bạc trắng, ngồi gần lối đi. Phu nhân ngồi bên cạnh, một bằng hữu của ông cũng tóc bạc trắng ngồi kế bên. Phụ nữ nhiều hơn nam giới, người già nhiều hơn người trẻ, hầu hết đồng hương tham dự là người già tóc bạc phơ. Chánh án Nguyễn Trọng Nho và phu nhân; bà Vân Bằng, nguyên là chủ tịch hội Ái Hữu Trưng Vương, ngồi gần bàn để sách.


image035MC Đinh Quang Anh Thái đang nói về sách của nhà văn Trịnh Y Thư (Ảnh: Kiều Mỹ Duyên)


Tìm chỗ đậu xe gần 30 phút, khi chúng tôi bước vào tiệm cafe không có chỗ nào để đứng. Cô con gái dễ thương của chủ tiệm nói:


            - Cô ơi, cô đứng một chút, con tìm ghế cho cô.


            Don, chủ tiệm sách Tự Lực nói:


            - Chị uống gì: trà hay cà phê?


            - Cho chị nước đá lạnh.


            Thế rồi tôi cũng có chỗ ngồi, gần Vân Bằng.


            Đến buổi ra mắt sách không có lối đi nhưng chúng tôi cũng thấp thoáng nhìn thấy nhà văn Phan Tấn Hải, là người đã đọc "Đường về thủy phủ"- đọc hoài vẫn thấy mới lạ, đang đứng ở góc tường bên kia; luật sư Phan Huy Đạt, nguyên chủ nhiệm báo Người Việt và phu nhân Ngọc Anh. Lần đầu tiên chúng tôi thấy vợ của nhà văn Trịnh Y Thư là bà Quỳnh Anh và con trai Khải Nguyên xuất hiện bên cạnh bố.  


image037Chánh án Nguyễn Trọng Nho và phu nhân (Ảnh: Kiều Mỹ Duyên)


Nhà truyền thông Đinh Quang Anh Thái đang nói về sách. Văn sĩ Trịnh Y Thư chào hỏi đồng hương và chụp hình chung với mọi người. Rất nhiều người thích chụp hình với tác giả. Tác giả khuôn mặt rất vui, không trầm ngâm như thiền sư, như hình ở bìa sách.


image039Nhà văn Trịnh Y Thư và cô Kiều Chinh cắt bánh mừng ngày ra mắt sách của nhà văn. (Ảnh của giáo sư Trần Huy Bích)


Văn sĩ Trần Y Thư du học ở Hoa Kỳ lúc còn rất trẻ. Đa số du học sinh là học sinh học xong lớp 12, học bổng hay tự túc cũng sau lớp 12. Ngày xưa, cách đây hơn nửa thế kỷ, thế hệ thứ nhất du học học ở Pháp nhiều hơn ở Mỹ, Úc. Nhưng được du học là tốt rồi. Cha mẹ nào cũng hy vọng con mình du học, du học trở về nước bao giờ cũng có địa vị quan trọng trong xã hội.


image041Cô Kiều Chinh (đứng giữa), cô Hòa Bình Lê- chủ bút Việt Báo (hình ngoài cùng bên phải) (Ảnh: Trịnh Y Thư)


Nhà văn Trịnh Y Thư trả lời phỏng vấn của Kiều Mỹ Duyên:


            - Cảm nghĩ của nhà văn về buổi ra mắt sách hôm nay?


            - Rất cảm động vì bằng hữu xa gần và đồng hương đến tham dự buổi ra mắt sách hôm nay. Mọi người ở lại từ đầu đến cuối buổi ra mắt sách. Người ta nói giờ không ai đọc sách nhưng thật ra sách vẫn là nhu cầu của nhiều người. Cứ nhìn buổi ra mắt sách hôm nay, mình mới thấy rằng sách vẫn được yêu chuộng. Đây là một kỷ niệm đáng nhớ, nhất là những lời chia sẻ, bắt tay niềm nở của bằng hữu. Được đồng hương đọc sách là cách để cho những người cầm bút tiếp tục viết và viết. Sách cũng để lại cho thế hệ mai sau nghiên cứu. 


            Tác giả Trịnh Y Thư cho biết sẽ ra mắt sách ở San Jose vì có nhiều bằng hữu ở đó mời đến ra mắt sách. Và sau đó sẽ đến San Diego. Những quyển sách viết với trái tim của mình thế nào cũng được độc giả thưởng thức.


            Người ra mắt sách quan trọng nhất là tác giả và tác phẩm. Có người không có thì giờ đến mua sách rồi đi, có người có thì giờ thì ở lại từ đầu đến cuối để nghe nói về sách.


image043Giáo sư Trần Huy Bích và nhà văn Trịnh Y Thư. Giáo sư Trần Huy Bích là một học giả, giáo sư đại học, có bằng Tiến Sĩ ở Mỹ, thường được tác giả mời tham dự hầu hết các buổi ra mắt sách. Sự hiện diện của giáo sư lúc nào cũng được hoan hô.


Rất tiếc do âm thanh không tốt nên bằng hữu của nhà văn Trịnh Y Thư nói về sách không nghe được. Cũng tốt thôi để đồng hương về nhà đọc sách, nếu nghe nhiều quá thì về nhà đọc sẽ không có ý kiến của chính mình.


            Buổi ra mắt sách vô cùng thành công của nhà văn Trịnh Y Thư. Chưa đọc sách vì chưa có sách trong tay nhưng đồng hương đến đông đảo cũng nói lên tác giả được thương mến. Vì tình thương nên đồng hương đến đông đảo trong lúc đó cùng ngày ở miền Nam California có nhiều tổ chức sinh hoạt khác nhau.


            Chúc nhà văn Trịnh Y Thư cũng như các nhà văn khác có tinh thần quốc gia sáng tác hăng say và ra mắt sách đều đặn, ở khắp nơi có đồng bào Việt Nam cư ngụ.


            Xin chúc tác giả viết say mê và tiếp tục ra mắt sách.


            Sách có bán trên BARNES & NOBLE. Liên lạc với tác giả qua hai địa chỉ email sau để mua sách có chữ ký của tác giả: trinhythu@gmail.com hay vanhocpress@gmail.com.


Orange County, 10/2024


KIỀU MỸ DUYÊN


(kieumyduyen1@yahoo.com)
21 Tháng Mười 2024(Xem: 466)