Nền Văn học lưu vong – 40 năm sau cuộc chiến

06 Tháng Mười Một 201412:00 SA(Xem: 10711)
“NHẬTBÁO VĂN HÓA – CALIFORNIA” THỨ SÁU 07 NOV 2014

Nền Văn học lưu vong – 40 năm sau cuộc chiến

Đào Như 

Vô Cùng Thương Tiếc Nguyễn Mộng Giác.

image064Sau bốn mươi năm lưu vong ở hải ngoại, bây giờ cũng chưa phải là muộn để tập thể người Việt tỵ nạn chúng ta ngỏ lời tri ân sâu sắc đến các quốc gia đã và đang bao dung người Việt tỵ nạn trong suốt hơn 4 thập niên qua: Úc, Mỹ, Pháp, Canada, Đức…Bởi vì những quốc gia này, nhất là Hoa kỳ, đã tạo cơ hội cho tất cả mọi người đứng dậy sau khi gục ngã vì chính những lỗi lầm của bản thân mình, hay những lỗi lầm do kẻ khác tạo nên: một chế độ chính trị, hay một chế độ xã hội.

 Sống trên một quốc gia tự do dân chủ, như nước Mỹ, tập thể người Việt tỵ nạn cũng như những nhà văn Việt Nam lưu vong thoải mái viết khỏi phải lo sợ bị truy bức, không phải đối diện với những rào chắn của hệ tư tưởng. Hơn thế nữa, nước Mỹ chấp nhận những thử thách cũng như gạn lọc những hệ tư tưởng mới, lạ, hầu đưa tổ quốc của họ tiến xa cùng nhân loại. Sinh hoat văn học nghệ thuật trên nước Mỹ rất thoải mái, tự do và được thúc đẩy khuyến khích đầy nhiệt tình từ phía người Mỹ. Nhà văn được tự do. Nhận diện sự tự do, người Việt tỵ nạn và các nhà văn Việt Nam thấy băn khoăn về ngôn-ngữ-văn-học. Có phải chăng, chúng ta phải viết bằng tiếng Mỹ, hay tiếng của quốc gia mình đang sống? Đó cũng là một cách mở tung cánh cửa cho nền văn học Việt phát sáng cùng nhân loại.

Có những nhà văn trẻ ViệtNam đã chấp nhận quan điểm này và họ đã thành công. Nhà văn Linda Lê đã lọt vào chung kết giải Goncourt, giải văn học phẩm giá bậc nhất của Pháp năm 2012 với tác phẩm Lame De Fond; Lê Nam sanh năm 1978, đã giành được giải văn học thời danh của Úc Dylan Thomas năm 2007 với tác phẩm The Boat (Con Tàu Tỵ Nạn), Nguyễn Hoài Hương sanh năm 1976, đã chiến thắng giải văn học của Belgium năm 2013 với tác phẩm L’Ombre Douce (Bóng Mát Dịu Êm)…Mặc dầu tại Hoa Kỳ chưa có một nhà văn nào của người Việt tỵ nạn chúng ta đoạt được giải văn học nào phẩm giá, nhưng chúng ta có rất nhiều cây bút trẻ viết bằng ngôn ngữ Mỹ qua tâm hồn ViệtNam, và họ đã thành lập được từng nhóm. Năm 1995 Trần Đệ, Andrew Lâm, Nguyễn Đại Hải trong cố gắng vô biên đáng được ngợi ca và với sự giúp đỡ từ phía chính phủ Hoa Kỳ, qua sự đỡ đầu của San Jose Mercury News, đã cho xuất được 1 đầu sách Once Upon a Dream với một nội dung rất ấn tượng với những cây bút thật sắc sảo chan chứa một kỳ vọng trong tương lai: Khôi Lưu (nguyên sinh viên Harvard) với tự truyện Legacies;Andrew Lâm với She in a Dance of FrenzyLove, Money, Prison, Sin, Revenge; André de Bạc Liêu với bút ký Grandma’s Tales

 Nhưng nhìn vào những công trình đáng được ngợi ca ở trên, guồng máy chuyên chỡ tư tưởng lại là không phải tiếng Việt. Chúng ta cảm thấy một phần nào mất mát mặc dầu chúng ta vẫn ca tụng đánh giá cao những nhà văn trên. Chúng ta cảm thấy chúng ta đã có sẳn một ngôi nhà, tiếng Việt, bây giờ chúng ta bỏ nó ra đi. Ai có thể đo lường được những hệ quả sau này? Hệ quả của một cộng đồng đã đánh mất ngôn ngữ và chữ viết của mình. Do đó, có nhiều người trong chúng ta quyết tâm tiếp tục viết bằng tiếng Việt. Chúng ta phát huy tiếng Việt và chữ Việt mãi mãi, thế hệ này sang thế hệ khác tiêp nối truyền thống cao quí và cần thiết ấy cho phát triển công đồng Việt Nam tại hải ngoai. Điều này không đi ngược lại ý muốn của người Mỹ. Người Mỹ rất bao dung. Mặc dầu họ nhất trí thống nhất ngôn ngữ của Quốc Gia Hợp Chủng Quốc là American English. Nhưng bên cạnh đó mỗi dân tộc, sống trên đất nước Hợp Chủng Quốc có quyền phát triển ngôn ngữ và bản sắc riêng, làm cho nền văn mịnh của Hợp Chủng Quốc thêm sức mạnh, đa dạng, phong phú! Nền văn hóa của Mỹ hiện đại được coi như là sự hài hòa tuyệt vời trong muôn ngàn âm sắc.

 Phát huy tư tưong và tinh thần dân tộc bằng tiếng mẹ đẻ ở đất nước người không phải là chuyện dễ làm. Vừa bẻ gẫy những rào chắn của hệ tư tưởng trong ngôn ngữ Việt bấy lâu nay đã dựng lên trong nước, nhà văn Việt lưu vong lại phải mở ra những con đường mới để đưa tiếng Việt, chuyên chỡ tư tưởng tiếp cận với cộng đồng nhân loại. Vừa phá vỡ vừa phát huy xây dựng. Quả là khó khăn. Nhưng nghĩ cho cùng, có sự phát huy, xây dựng nào mà không đi đôi với sự phá vỡ. Trong cố gắng vô biên ấy, nhà văn lưu vong phấn đấu khôi phục tính chất thuần khiết của tiếng Việt. Qua hơn 2000 năm biên niên sử, dựng nước và giữ nước, Việt nam luôn luôn theo đuổi một nền văn hóa đa nguyên: Phật, Khổng, Lão và nhiều tôn giáo lớn khác như Thiên Chúa (Công Giáo), Tin lành…và những huyền thoại trong dân gian còn lưu trữ trong cổ tích, trong ca dao tục ngữ.

 Ở trong nước, có một thời văn học bị “động viên” cho những mục tiêu phục vụ sứ mệnh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Lợi ích của văn học là phục vụ và thúc đẩy quần chúng trong sự nghiệp cứu nước. Văn học Nghệ thuật là chiếc bè lớn tải tư tưởng sâu vào lòng nhân dân. Đó là nền Văn Học Truyền Thống Nho Gia: “Văn Dĩ Tải Đạo”. Lợi ích của văn học là lợi ích của nhân dân. Văn học là một bộ phận trong dự án lớn xây dựng xã hội tốt đẹp và công bằng hơn!

 Nhưng chẳng bao lâu sau, các nhà văn yêu nước phát hiện ra “động viên” văn học hàm nghĩa bắt văn học phục vụ chính trị và biến nhà văn thành công cụ phi nhân của một chế độ áp bức. Họ đồng thời phát hiện ra rằng mục đích cuối cùng của Văn học Nghệ thuật là thể hiện những tri giác và những tình cảm đích thực. Thể hiện những tri giác và những tình cảm đích thực hoàn toàn có tính cách cá nhân. Nghĩa là trong Văn học Nghệ thuật có một khỏang khá rộng dành cho cái “tôi”, cõi riêng tư của con người, ngay cả người thường. Không thể nào có sự đồng phục trong Văn học Nghệ thuật được. Luôn luôn có mâu thuẫn trong mỗi xã hội, ngay cả trong Xã hội Xã hội Chủ nghĩa. Chính sự khác biệt này làm nên giá trị của Văn học Nghệ thuật, chớ không phải là sự đồng dạng, đồng phục. Ngay cả những kẻ đồng phục, chưa chắc rằng họ đồng dạng về tư tưởng. Ai dám bảo đảm tất cả các Đảng viên đảng Cộng sản đều có cái nhìn đồng nhất về sự lãnh đạo của Đảng về Văn học Nghệ thuật?

Hôm nay, các nhà văn lưu vong cũng như ở trong nước, có cái nhìn sâu hơn về vị trí con người, cá nhân. Họ đã ‘đổi mới’ cách nhìn vào những hệ thống tư tưởng lớnTư Tưởng Vĩ Đại ”. Những dạng tư tưởng này hiện nay đã hết thời rồi. Các nhà văn hôm nay ý thức rõ hiểm họa của những giáo điều, những xác tín tuyệt đối của những chủ nghĩa không tưởng: hy sinh nhiều thế hệ liên tiếp cho hạnh phúc của“thế hệ ngày mai”. Trong thực tế “thế hệ ngày mai” không bao giờ đến. Trong ý thức trách nhiệm và đạo đức xã hội, thật là phi lý, vô nhân đạo, và vô luân khi nhân danh hạnh phúc thế hệ ngày mai mà hy sinh Hạnh phúc Tự do Dân chủ của thế hệ hôm nay! Học tập từ những kinh nghiệm của thế kỷ 20 vừa qua, các thế hệ trẻ hiện nay có sự do dự, bất định, mơ hồ hiện ra trên đường hành văn của họ, như dấu hiếu về sự thấu hiểu những sai lầm của quá khứ, chứ không phải cái nhìn bi quan về tương lai.

Các nhà văn trẻ trong nước và hải ngoại đều có cái nhìn ‘đổi mới’ về cá nhân. Họ hoàn toàn chối bỏ quan niệm cá nhân hay con người chủ yếu chỉ là phương tiện để xây dựng một quốc gia hùng hậu và phồn vinh. Bên cạnh những ràng buộc với xã hội, với tổ quốc, con người còn có cõi riêng tư của họ. Cõi riêng tư này, mới thật là cõi của con người. Các nhà văn lưu vong đang phấn đấu khám phá những con đường mới cho nền văn học Việt Nam, nhờ ở sự tiếp cận của họ thường xuyên với nền văn học hiện đại của thế giới. Tuy nhiên, thiện chí của cá nhà văn Việt Nam lưu vong sẵn có, nhưng tài năng cần thiết để đủ sức bậc những tảng đá lớn, bẻ gẫy những rào chắn lớn để khai phá những con đường mới cho nền văn học của ta, liệu các nhà văn lưu vong có cáng đáng nỗi không?...Càng tiến tới gần những tảng đá lớn, những rào chắn khó bẻ gẫy, có người bị dao động, quay lưng lại; có người vụng về ra sức bậc, ra sức bẻ gẫy; nhưng hy vọng cũng có người biết cách bậc tảng đá lớn, biết cách bẻ gẫy những rào chắn khó bẻ gẫy, để đưa nền văn học Việt tiến xa cùng nhân loại.

 Điều đáng nói hơn hết của bài viết này là các nhà văn ViệtNam lưu vong tại hải ngoại trong 4 thập niên qua đã hoàn tất những ước mơ lớn của đoàn người Việt tỵ nạn, của dân tộc, của cả nước. Những tác phẩm của các nhà văn Nguyễn Mộng Giác, Võ Phiến, Nguyễn Hưng Quốc, Nhã Ca, Trần Mộng Tú...và Viện Việt Học của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh là những cống hiến vô cùng to lớn trong việc định hình, củng cố nền học thuật và văn học ViệtNam, cũng như trong việc phục hưng lại truyền thống yêu nước và đoàn kết dân tộc. “Sông Côn Mùa Lũ” của Nguyễn Mộng Giác đã quay đầu về trở lại quê hương ViệtNam, đã được chuyển thành phim lịch sử. Trong nay mai, phim “Sông Côn Mùa Lũ” sẽ được phổ biến chiếu trong nước cũng như tại hải ngoại. “Sông Côn Mùa Lũ” là tiểu thuyết lịch sử trường thiên đầu tiên của nền văn học ViệtNam. Nguyễn Mộng Giác đã ‘thai nghén’ tác phẩm này tử thập niên 70 ở thế kỷ trước. Ông đã miệt mài nghiền ngẩm và viết nó trên đường vượt biên, trong trại tỵ nạn cuối cùng ông đã hoàn tất tại California vào những năm cuối thập niên 80. “Sông Côn Mùa Lũ” thành công tại quê hương ViệtNam nói lên khả năng thuyết phục của các tác phẩm của các nhà lưu vong đối với các giới lãnh đạo cũng với các văn nghệ sĩ và đồng bào ở trong nước là điều không ai chối cãi được.

 Nhưng không phải vì thế mà ta tự thỏa mãn. Những thành tựu ở trên phải được xem như những xung lực thúc đẩy các nhà cầm bút tại hải ngoại không ngừng tiến về phía trước. Cuộc sống tỵ nạn luôn luôn đối diện với những thử thách với cùng to lớn. Mỹ là một xã hội tự do cạnh tranh, bình đẳng cạnh tranh, và cạnh tranh gây gắt.

 Người Mỹ thống nhất được với nhau vì họ có chung một ngôn ngữ, American English, và cùng chung lợi nhuận, American interest. Người Việt di dân hay người Việt tỵ nạn tại Mỹ, đương nhiên phải theo qui luật ấy. Không trách gì thế hệ thứ hai người Việt tại hải ngoại, tại Mỹ, mỗi ngày mỗi lánh xa tiếng Việt; vô tình họ đánh mất niềm tự hào là người Việt; niềm tự hào về về lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt, và nhất là niềm tự hào về ngôn ngữ Việt. Họ đâu biết rằng ngôn ngữ Việt, một trong những ngôn ngữ xứng đáng vinh danh trên thế giới. Qua bao nhiêu thăng trầm, vượt biết bao nhiêu rào cản bủa vây, bởi thiên nhiên và điều kiện lịch sử; qua bao lần bị quân xâm lăn trấn ác và chia cắt hình thù tổ quốc thành nhiều mảnh, người dân Việt vẫn kiên cường bảo vệ ngôn ngữ, thống nhất từ Bắc chí Nam. Dân tộc Việt Nam là một. Tiếng nói Việt Nam là một.

 Trong một khỏan thời gian ngắn trong quá khứ chúng ta, thế hệ thứ nhất rất hời hợt trong quá trình phát triển tiếng Việt trong cộng đồng tại hải ngoại, vì chúng ta bận bịu với sinh kế, với job. Chúng ta quên trách nhiệm vô cùng to lớn đối với sự sống còn của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại: Gìn giữ và phát triển tiếng Việt.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chúng ta vô cùng phấn khởi khi thấy hiện tại có hàng ngàn mạng lưới dạy tiếng Việt trên cùng khắp thế giới. Đó là những việc làm đáng được ngợi ca và cảm phục trong cố gắng hồi sinh và phát triển tiếng Việt tại hải ngoại. Nhưng những cố gắng ấy vẫn ở trong tình trạng bị động, vì chưa nêu lên được trước quần chúng: Đọc và Viết tiếng Việt là một nhu cầu cần thiết và căn bản cho sự tồn tại và phát triển cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.

Phải cho các thế hệ tương lai Việt Nam tại hải ngoại và mãi mãi có sự tin yêu sâu sắc vào tiếng Việt, và có một nhận thức chân chính: Tiếng Việt là ngôn ngữ sinh động có khả năng đáp ứng thích đáng mọi nhu cầu của con người từ tâm linh đến vật chất, từ triết học siêu hình, tôn giáo đến khoa học thực nghiệm và kỹ thuật. Có biết đọc, biết nói tiếng Việt, mới có cơ hội tìm hiểu được lịch sử đấu tranh của dân tộc, những truyền thống, những tinh hoa của đất nước. Có tìm hiểu lịch sử đấu tranh của dân tộc mới biết được những năm tháng vinh quan cũng như tủi nhục của giống nòi; mới biết thế nào 1000 năm đô hộ của Tàu, 100 năm đô hộ của giặc Tây, và cuộc Trường Chinh Nam Tiến đầy gian khổ của dân tộc ta để tổ quốc được trường tồn tới ngày hôm nay và mãi mãi. Có chia sẻ lịch sử của cha ông, mới có tin yêu sâu sắc, mới biết kiêu hãnh về nguồn cội của mình. Chúng ta rất hân hoan trong những năm gấn đây có những chương trình dạy tiếng Việt tại hải ngoại nhất là tại Mỹ đã quán triệt những nhận định này như chương trình ‘Bé Viết Văn Việt’ của ViệtBao On line ở Cali, hay Hội Người Việt tại Chicago đang phát huy chương trình: “Các Em Học Lịch Sử ViệtNam” bằng tiếng Việt và chữ Việt.

 Để chinh phục cho bằng được mục tiêu cao cả và vô cùng cần thiết ấy chúng ta thử nhìn sang cộng đồng người Hoa, đó là cái nhìn có sức thuyết phục nhất. Người Hoa có khả năng sinh tồn cao nhất thế giới. Người Tây phương có câu “Ở đâu có khói, Ở đó có người Hoa”. Người Hoa, ờ nước người, ra khỏi nhà, ra khỏi cộng đồng, thì hòa minh cùng nhân loại, nói tiếng nước người, sử dụng ngôn ngử cùng tập quán của người; về nhà cũng như trong cộng đồng riêng tư của họ, người Hoa luôn luôn sử dụng tiếng Hoa và ngay cả chữ viết lưu hành trong những tổ chức của người Hoa tại hải ngoại, tại Mỹ đều sử dụng Hán tự. Buổi sinh hoạt quan trọng nhất hằng ngày của người Hoa là bữa ăn: Tất cả vợ chồng con cái có khi cả ba thế hệ, ông bà, cha mẹ và con cháu quay quần xung quanh nồi cơm, đĩa tương, bát canh, bát rau, vừa ăn vừa nói chuyện huyên thiên, trao đổi mọi vấn đề hằng ngày, cũng những mẩu chuyện từ cổ chí kim tất cả đều bằng tiếng mẹ đẻ, bằng tiếng Hán, bằng văn chương Hán. Có những người Hoa trẻ thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3, thử 4…tại Mỹ, sau khi họ tốt nghiệp những đại học lớn của Mỹ như Harvard, Yale, Stanford, Princeton…có một số trong những người này hy sinh quay trở về phục vụ cộng đồng người Hoa tại các Chinatowns ở South side Chicago, Manhattan, San Francisco… Do đó chúng ta không ngạc nhiên gì khi thấy cộng đồng người Hoa là một trong những cộng đồng tiến bộ nhất của Mỹ trên mọi địa hạt: Nhân văn, Chinh trị, Khoa Học Kỷ Thuật, Văn Học Nghệt thuật.. Cuối thập niên 80, thế kỷ trước, người Hoa đã đưa ra một đề xuất rất táo báo và vô cùng hợp lý là họ yêu cầu bộ Giáo dục Hoa kỳ cho phép dạy tiếng Hoa, (Hán tự) như là ngôn ngữ thứ hai tại các trường Trung học ở Mỹ như chính phủ Mỹ đã cho dạy các ngôn ngữ của các quốc gia Spain, Pháp, Đức, Ý, Nga…Đề xuất này chẵng những được chính phủ Mỹ chấp nhận mà còn được Bộ giáo dục Mỹ hoan nghênh. Như vậy, từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, các con em của cộng đồng người Hoa được học tiếng Hoa, được đọc và tìm hiểu lịch sử Trung Quốc qua Hán tự ngay dưới mái trường Trung học của họ trên nước Mỹ.

 Nghe nói công đồng ViệtNam ta ở Úc cũng có những đề xuất như vậy với chính phủ Úc và cộng đồng ViệtNam ở Úc đã thành công to: Con em chúng ta hiện ở Úc, từ lâu đã được học tiếng Việt, được tìm hiểu lịch sử Việt ngay dưới mái trường Trung học của họ. Không hiểu tại các châu lục khác cộng đồng tỵ nạn ta đã có những đề xuất như vậy đến chính phủ của các quốc gia sở tại chưa, nhất là tại Mỹ, chúng ta đã chủ động làm việc này chưa? Hình như tại Mỹ ở những thành phố có đông người Việt tỵ nạn, như San Jose, Orange County, Houston, Virginia đã thực hiện chương trình này…Nhưng điều chúng ta mong muốn ưu tiên học tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai tại các trường trung học như là một bộ luật phổ quát trên toàn cõi nước Mỹ. Nhờ đó con em ViệtNam ở bất cứ tiểu bang nào, ở bất cứ hòan cảnh nào cũng có cơ hội học tiếng Việt, tìm hiểu lịch sử của đất nước quê hương. 

 

 Qua bốn mươi năm, tiếng Việt ở hải ngoại đã vượt qua những chặng đường đầy gian khổ cùng chung số phận nổi trôi của đòan người tỵ nạn, tiếng Việt vẫn không ngừng phát triển vẫn luôn luôn ấp ủ, nuôi dưỡng niềm tin lớn lao là ngôn ngữ đầy sình động nối kết những công dân của một Việt Nam Siêu Quốc Gia trên cùng khắp thế giới.

 Câu hỏi thiết tha, lớn nhất hôm nay, làm thế nào để các thế hệ trẻ Việt Nam ở hải ngoại luôn ghi nhớ và tin yêu sâu sắc vào câu nói thời danh của học giả Phạm Quỳnh:“…Tiếng ta còn, Nước ta còn”…

Đào Như

Oak park, Illinois USA / Oct.2-2014
27 Tháng Chín 2018(Xem: 7753)
13 Tháng Chín 2018(Xem: 8101)
30 Tháng Bảy 2018(Xem: 7885)