Họa sĩ Ann Phong / Họa sĩ Nguyên Khai triển lãm

15 Tháng Sáu 201612:11 SA(Xem: 11371)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  TƯ 15  JUNE 2016

Họa sĩ Ann Phong / Họa sĩ Nguyên Khai triển lãm

Họa sĩ Ann Phong Triển Lãm Trong Khu Phố Đại Hàn Ở L.A.

11/06/2016

 

LOS ANGELES -- Họa sĩ Ann Phong đã được mời dự cuộc triển lãm tại khu Korea Town, ngay giữa phố down town Los Angeles.

Họa sĩ Ann Phong cho biết rằng lòng rất vui khi được mời, vì đây là cuộc triển lãm đầu tiên của phòng tranh Yoon Space do người Mỹ gốc Đại Hàn tổ chức.


image077

Họa sĩ Ann Phong.


Họa sĩ Ann Phong nói:

“Trong số 12 họa sĩ đương đại được mời gồm có các họa sĩ Mỹ bản xứ, họa sĩ gốc Đại Hàn, Nhật, Đài Loan và tôi Việt Nam.”

Vì phí tổn địa ốc cao, hiện nay nhiều phòng tranh của Mỹ được chuyển dạng từ một nhà kho, và phòng tranh Yoon Space cũng vậy.

Phòng triển lãm: Yoon Space gallery
2330 S. Broadway #102
LA, CA. 90007
(231)820-0366

Ngày khai mạc: 18 tháng 6, lúc 5 - 7 giờ chiều.

Mở cửa từ: 18 tháng 6 đến 9 tháng 7, 2016.

Họa sĩ Ann Phong giải thích với Việt Báo:

“Đây là chủ đề tranh Ann Phong trong cuộc triển lãm này: Rác.

Sống tại miền Nam Cali, tôi có dịp đến gần biển. Nhìn nước, tôi thấy thiên nhiên thân thiện với tôi, thấy được những sinh vật dưới nước, đang sống đồng hành với cuộc sống của tôi.

Gần đây tôi thấy nhiều nơi trên trái đất, cả duới nước và trên mặt đất bị ô nhiễm, càng tân tiến chúng ta càng thải rác nhiều.

Khi ngồi trước giá vẽ, tôi thường thử thách tôi, đi vật lộn sống còn với rác, với các chất hóa học mà con người thải ra. Khi màu sắc hình dạng ý nhĩa đã quyện vào nhau, đó là khi tác phẩm đã xong.”

Sau đây là sơ lược tiểu sử Ann Phong.

Hoạ sĩ Ann Phong tốt nghiệp Master of Fine Art tại Đại Học Cal State Fullerton. Hiện Ann là giáo sư dạy hội họa tại trường đại học Cal Poly Pomona.

Đến nay, Ann Phong đã tham dự hơn 100 cuộc triển lãm, từ các phòng tranh đến viện bảo tàng như Laguna Art Museum, Muzeo Anaheim, Queen Art Gallery ở Bangkok, Krabi Museum ở Thái Lan, Blue Roof Museum ở Chengdu Trung Quốc, và Gang Dong Art Center ở Nam Hàn.

Ngoài triển lãm tác phẩm, Ann Phong cũng thường xuyên được mời bởi các phòng tranh, các trường học và viện bảo tàng nói về nghệ thuật tạo hình.

website: www.annphongart.com

 

++++++++++++++++++++++++++++++++++++++

Họa Sĩ Nguyên Khai Triển Lãm Tranh Tại Việt Báo Gallery: Nghệ Thuật Hội Họa Trên Những Con Chip Điện Tử

11/06/2016

 

WESTMINSTER (VB) – Họa Sĩ Nguyên Khai khai mạc cuộc triển lãm tranh 2 ngày vào chiều Thứ Sáu, ngày 10 tháng 6 năm 2016 tại Việt Báo Gallery, trên Đường Moran, Thành Phố Westminster.


image079

Nữ tài tử Kiều Chinh (phải) và họa sĩ Nguyên Khai tại Việt Báo Gallery trong giờ khai mạc phòng triển lãm tranh Nguyên Khai. (Photo VB)


Đến xem tranh trong giờ khai mạc gồm nhiều nghệ sĩ thân hữu, giới truyền thông Việt ngữ, và những người mộ điệu hội họa, đặc biệt tranh của họa sĩ Nguyên Khai. Trong số những vị khách đến xem tranh của HS Nguyên Khai trong giờ khai mạc có nữ tài tử Kiều Chinh, điêu khắc gia Dương Văn Hùng, phê bình gia Phan Quốc Sơn, các họa sĩ Trịnh Cung, Nguyễn Đình Thuần, nhà thơ Trịnh Y Thư, vân vân...


image080

Tranh “Field” 2008 của HS Nguyên Khai được trưng bày tại Việt Báo Gallery. (Photo VB)


Phòng triển lãm Vietbao Gallery sẽ mở cửa để đón khách xem tranh từ 9AM tới 7PM vào Thứ Bảy và Chủ Nhật, 11 và 12 tháng 6 năm 2016.

Từ lúc bước vào phòng triển lãm tranh của họa sĩ Nguyên Khai với khoảng 30 chục bức tranh treo tường tôi như bị cuốn hút vào thế giới hình và sắc của ông. Đi từ thích thú này tới ngạc nhiên khác vì mỗi bức tranh là một cõi hình sắc riêng đầy ấn tượng. Thế giới tranh của Nguyên Khai khác với thế giới tranh của những họa sĩ mà tôi từng có dịp xem qua. Tranh Nguyên Khai dẫn tôi đi từ chốn đồng quê đơn sơ mộc mạc thơm ngát mùi hương đồng cỏ nội qua nghệ thuật tranh dầu trên giấy canvas, tới cõi thị thành phồn hoa đô hội với nhà cao tầng và máy móc điện tử chằng chịt qua nghệ thuật hội họa mới gọi là Mixed Media (Tranh Hỗn Hợp) tạo bằng những con chip điện tử, những miếng kim loại, những đường rầy xe lửa, v.v...


image082

Tranh “The Eva of 20th Century” 1994 của họa sĩ Nguyên Khai được trưng bày tại Việt Báo Gallery. (Photo VB)


Tác phẩm hội họa là kết tinh của sự sáng tạo độc đáo của họa sĩ và chất liệu môi trường sống thực tế mà trong đó nhà hội họa hấp thụ. Nghệ thuật hội họa Mixed Media là bước đi mới đầy sáng tạo của họa sĩ phản ảnh đầy đủ bình diện hiện thực của thế giới văn minh khoa học kỹ thuật.

Tôi thắc mắc mãi trong đầu những bức tranh được tạo ra bởi những con chip điện tử nên phải tìm họa sĩ Nguyên Khai để hỏi cho ra lẽ và được ông vui vẻ giải thích tường tận.


image083

Họa sĩ Nguyên Khai đứng trước 2 bức tranh “Circuit” 1995 (phải) và “Moonlight” 2006 tại phòng triển lãm Việt Báo Gallery trong giờ khai mạc. (Photo VB)


Họa sĩ Nguyên Khai nói rằng hội họa Mixed Media được các họa sĩ tại Hoa Kỳ tạo dựng trong thế kỷ 20. Điều đặc biệt ở đây là HS Nguyên Khai là người mang những con chip điện tử vào tranh đầu tiên. Ông kể cho phóng viên Việt Báo nghe về cơ duyên ông có được sự sáng tạo độc đáo này như sau. Đó là một ngày vào những năm 1991, 1992 gì đó, ông không nhớ chính xác lắm, trong lúc tìm vật liệu làm monoprinting (hình độc bản) thì được nhà văn Trịnh Gia Mỹ gửi cho một thùng chip điện tử của máy điện toán. Ông đem về lúc đầu cố gắng mài dũa để gắn hình lên mà chụp, nhưng làm mãi không được. Khi nhìn lại mấy miếng chip ông thấy nó cũng đẹp, cũng nghệ thuật lắm, và rồi một ý nghĩ bừng sáng lên trong ông là tại sao không để nguyên mấy miếng chip điện tử này để tạo hình cho bức tranh.

Nhờ vậy mà ông đã tạo ra bức tranh đầu tiên vào năm 1994 với tên “The Eva of 20th Century.” Họa Sĩ Nguyên Khai giải thích về bức tranh “The Eva of 20th Century” này là, ngày xưa người đàn bà trong vườn địa đàng thì rất huyền bí và thơ mộng, còn người đàn bà thời khoa học kỹ thuật tân tiến của cuối thế kỷ 20 thì bị quay cuồng trong vòng xoáy của máy móc, xe cộ, điện toán.


image084

Tranh “Buddhas Smile” 2009 được trưng bày tại Việt Báo Gallery. (Photo VB)


Một trong những bức tranh làm cho người viết đứng ngắm mãi là “Buddhas Smile” (Nụ Cười Đức Phật). Họa sĩ Nguyên Khai thấy tôi trầm ngâm nhìn hoài bức tranh này nên đến giúp “khai thị” hay mở hé hé cửa cho tôi vào. Ông nói đó là nụ cười của đức Phật và đóa hoa. Tôi buộc miệng nói ngay có phải câu chuyện thiền “Niêm hoa vi tiếu” (Phật đưa cành hoa lên và tôn giả Ca Diếp mỉm cười) hay không? Đúng rồi, HS Nguyên Khai xác nhận. Đó là câu chuyện thiền kể rằng trong một pháp hội nào đó, đức Phật cầm cành hoa đưa lên, trong lúc cả hội chúng mấy ngàn người đều im lặng, ngơ ngác nhìn, thì tôn giả Ca Diếp (1 trong 10 đại đệ tử của Phật) mỉm cười. Và đức Phật đã truyền tâm ấn cho ngài Ca Diếp để thừa tiếp đạo thiền của Phật. HS Nguyên Khai cho biết ông mất một năm để hoàn tất bức tranh này vào năm 2009, vì nó là sự tích tụ của vô số sơn màu tạo thành một lớp dày và nặng.

Được biết họa sĩ Nguyên Khai tên thật là Bửu Khải, sinh năm 1940 tại Huế. Ông theo học năm thứ nhất và năm thứ hai tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế (1960-1961) tiếp tục học năm thứ ba và thứ tư tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định (1962-1963) và tốt nghiệp tại trường này. Huy chương đồng triển lãm hội họa mùa xuân 1963.

28 Tháng Mười Một 2021(Xem: 4044)
02 Tháng Mười Một 2021(Xem: 4656)