VĂN HÓA ONLINE - VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THỨ HAI 05 MAR 2018
Trần Đăng Khoa: Chân trời thơ ca đang rộng mở
04/03/2018
Trước, Trần Dần khóc “những người bay không có chân trời”, còn nay, mọi biên giới mở rộng, đủ phương tiện để người viết sáng tác, quảng bá thơ ca.
Trần Đăng Khoa với tài năng thơ phát lộ từ sớm, từng được coi là thần đồng thi ca. Tác phẩm của ông được nhiều thế hệ độc giả yêu thích, thuộc nằm lòng. Bên cạnh là một nhà thơ nổi tiếng, ông còn là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đơn vị tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Nhân lần tổ chức thứ 16 của sự kiện này, nhà thơ trò chuyện về vai trò của thơ ca trong đời sống hôm nay.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa tại Văn Miếu trong buổi tổng duyệt chuẩn bị cho Ngày thơ Việt Nam. Ảnh: Tần Tần.
Thơ xuất hiện nhiều là dấu hiệu của thời kỳ yên bình, vui vẻ
- Hiện nay có luồng ý́ kiến cho rằng thơ ca đang mất dần vị thế. Ông nghĩ sao về điều này?
-Tôi nghĩ rằng không đến nỗi như thế. Có một hiện tượng là thơ xuất hiện rất nhiều, nhưng những bài thơ hay, thực sự hay không phải nhiều lắm. Tác giả thu hút được bạn đọc cũng chỉ tập trung vào một số tác giả lớn thôi. Điều đó tôi nghĩ là bình thường.
Thời nào cũng như thế cả. Ngay cả giai đoạn rực rỡ nhất của thơ ca, là thời Thơ mới, ông Hoài Thanh đã nói: “Tôi đã đọc trên một vạn bài thơ, thì cũng đến trên một vạn bài thơ là thơ dở”. Kể lại điều đó để thấy rằng để nhà phê bình chọn được một số tác giả cho Thi nhân Việt Nam, ông đã đọc đến vạn bài và chốt lại mấy chục tác giả đó mà thôi.
Thì bây giờ cũng như thế. Cho nên tôi cho điều đó là bình thường.
Hiện nay số người làm thơ rất nhiều. Có tới hàng vạn nhà thơ, thậm chỉ cả triệu. Có nhiều câu lạc bộ thơ. Riêng câu lạc bộ Thơ Việt Nam đã mấy vạn người rồi. Số lượng rất đông.
Thơ xuất hiện rất nhiều. Đó là điều mừng, là dấu hiệu của một thời kỳ yên bình, vui vẻ.
- Vậy còn việc các nhà thơ tự bỏ tiền ra in thơ rồi mang đi tặng, hiện tượng đó nói lên điều gì?
- Thơ thì có những người tự bỏ tiền ra đi in, nhưng cũng có những người không như thế. Chúng tôi có bao giờ phải bỏ tiền ra in đâu. Một loạt tác giả không phải bỏ tiền ra in, vẫn bán được sách.
Ví dụ gần đây Vương Trọng ra thơ và bán được, hoặc có những nhà thơ bán chạy. Nhà thơ Trần Nhuận Minh cũng tái bản đi tái bản lại cũng vẫn bán được.
- Lượng nhà thơ bán được sách như vậy có nhiều không?
- Tất nhiên không nhiều lắm. Với tôi, là cái tôi thấy rõ nhất, người ta còn vẽ tranh về thơ để bán. Có một họa sĩ Pháp, bà chọn 37 bài thơ của tôi, để vẽ thơ và triển lãm tại ba điểm: Hà Nội, TP.HCM, Paris.
Hoặc có nhà sách cũng tổ chức một nhóm họa sĩ 8X, 9X chọn thơ tôi để vẽ tranh. Họ vẽ tranh về thơ rồi in sách, sách bán giá khá cao mà vẫn bán hết. Tôi có phải bỏ ra một xu nào để in thơ, làm sách đâu.
Tôi là như vậy, và một số tác giả khác cũng như thế. Thơ không hoàn toàn khó bán.
- Ngày nay nhiều loại hình giải trí nghệ thuật ra đời, liệu thơ ca có vì thế mà mất đi lượng độc giả, khán giả?
- Tất nhiên, ngày nay có nhiều loại hình ra đời làm cho công chúng có nhiều mối quan tâm hơn, và thi ca cũng phải chia sẻ công chúng.
Nhưng ngược lại, công nghệ phát triển cũng giúp thơ có thêm phương tiện quảng bá. Chúng ta không có báo tư nhân nhưng lại có Facebook, blog. Mỗi nhà thơ, mỗi người viết đều có một “nhà xuất bản", một tờ báo riêng của mình, đều tự công bố được tác phẩm. Có những người dịch thơ mình ra tiếng Anh, để thơ mình ra thẳng thế giới.
Trước đây nhà thơ Trần Dần có câu thơ đắng đót: “Tôi khóc những chân trời không có người bay/ Lại khóc những người bay không có chân trời”. Bây giờ thì ở đâu cũng là chân trời cả, chân trời ở ngay dưới chân mỗi người. Vấn đề là người đó có bay được không thôi.
Các phương tiện ngày nay đã đầy đủ rồi. Trước đây, phải 5, 6 người mới ra được tập thơ chung, mỗi lần in được 1.000 bản. Nhưng bây giờ có thể đi thẳng vào hàng triệu người đọc rồi, ra thẳng thế giới rồi. Không có một rào cản nào cả. Đó là điều kiện để thơ ca phát triển chứ.
Còn việc thơ có đến được độc giả nữa hay không, còn phụ thuộc vào tài năng của người viết thôi.
- Có lần ông nói mình có lúc phải chạy “show” nói chuyện. Cụ thể đó là người ta mời ông tới diễn thuyết do tài ăn nói có duyên của ông, hay từ thơ ca?
- Chạy show là điều rất bình thường. Tôi đi diễn thuyết khắp nơi, hiện nay trong điện thoại vẫn còn những tin nhắn chờ chốt lịch đi nói chuyện. Nhiều nhà thơ cũng đi đọc thơ, nói chuyện thơ tại các trường đại học, cơ sở. Nếu nói không ai thích thơ, thì người ta làm thơ làm gì, mời nhà thơ đi nói chuyện thơ làm gì.
Thả thơ - một hoạt động đẹp trong Ngày thơ Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn
Ngày thơ - một lễ hội, một mỹ tục mới
- Cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay các nhà thơ sáng tác từ nhu cầu nội tâm, làm thơ cho mình là chính. Nếu được công chúng yêu mến thì họ phải thu hút được nhiều người mua thơ như mua vé vào rạp xem phim chứ?
- Vậy chúng ta giải thích như nào về việc cô Vi Thùy Linh đưa thơ vào Nhà hát Lớn biểu diễn? Cũng có những nhà thơ làm cho mình, nhưng đòi hỏi của công chúng vẫn nhiều. Nếu thơ quả thật ế ẩm, không ai mặn mà, thì không thể tổ chức những ngày thơ đông nghìn nghịt như thế này cả.
Trong những ngày này, không chỉ ở Hà Nội đâu, tất cả các địa phương, thơ tràn ngập lãnh thổ. Trong khi chúng ta nói thơ mất giá, mà sao ta lại tổ chức được những ngày lễ hội thơ. Hình như không phải như người ta nói đâu, phải nhìn vào bản chất vấn đề.
- Ông đánh giá như nào về sức sống các câu lạc bộ thơ địa phương?
- Hiện nay các câu lạc bộ thơ phát triển rất mạnh, đa dạng. Có bao nhiêu nhà thơ thì có từng đấy quan niệm, cách viết về thơ. Và rồi từ đấy cũng khu biệt các đối tượng độc giả, thính giả.
Có những thơ hiện đại như Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Vi Thùy Linh, có những thơ dân tộc nhưng cách tân như Nguyễn Duy. Có những dạng thơ chắt lọc như Vũ Quần Phương, Hữu Thỉnh. Có những thơ bám sát đời sống như Trần Nhuận Minh. Mỗi nhà thơ một giọng điệu, cách đi, làm nên sự đa dạng cho thơ ca.
- Ngày thơ Việt Nam năm nay có gì khác biệt so với những năm trước?
- Ngày thơ bây giờ không chỉ tập trung vào thơ nữa, chúng ta đang tiến tới ngày văn học Việt Nam. Chủ đề năm nay: "Nhà văn đồng hành cùng dân tộc". Vậy đồng hành như thế nào?
Nói như nhà thơ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thì đó là đồng hành với những vấn đề sống còn của dân tộc, của nhân dân, với người lao động sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, nhất là những người đang đứng nơi “đầu sóng ngọn gió”, bảo vệ toàn vẹn tổ quốc . Đó cũng chính là nhân vật trung tâm của văn học thời kỳ đổi mới, là cảm hứng không bao giờ vơi cạn của nhà thơ cũng như “người lao động văn học” trên cả nước.
Trước khi vào ngày thơ chính thức, chúng tôi dành ngày 12/1 âm lịc hbàn về thơ, mà cụ thể là “Những vấn đề trong thơ Việt Nam đương đại”, ngày 13 thì bàn về văn xuôi “Đổi mới tư duy tiểu thuyết”. Ngày 14 trình diễn thơ tại Văn Miếu của các Câu lạc bộ thơ. Đây cũng là điều khá độc đáo.
Ở nước ngoài thường có hai cách: đọc, hoặc hát những bài thơ được phổ nhạc. Ở Việt Nam, bên cạnh hai cách đó còn ngâm thơ, hát văn, hát xẩm, hát chèo cũng bằng thơ, rất nhiều cách biến tấu. Thậm chí đọc thơ rap như nhà văn Y Ban chẳng hạn. Chị ấy mang cả thơ của mình sang Pháp để đọc rap. Chị ấy vốn là một nhà văn, nhưng vẫn có thể đọc thơ rap rất độc đáo và bạn bè quốc tế rất thích.
Năm nay, ngoài sân thơ chính, còn có sân thơ trẻ có sự kết hợp với Hội nhà văn Hà Nội. Cùng các nhà thơ Việt Nam, còn có sự tham gia của các nhà thơ quốc tế, mà cụ thể là 4 nhà thơ nổi tiếng của Nhật Bản.
Bởi thế, nếu ai nói thơ đang xuống cấp, có vấn đề thì tôi thấy không phải.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, việc đánh giá thơ thế nào bây giờ rất khó. Tôn vinh thơ thế nào để phát huy được đúng sức mạnh của nó. Điều đó đòi hỏi sự đầu tư, nâng cấp nhiều hơn nữa từ Hội Nhà văn.
Việc tổ chức Ngày thơ tôi đánh giá là một lễ hội rất đẹp, một mỹ tục mới. Nhưng tổ chức thế nào cho sinh động là cả một vấn đề. Đặc biệt là tránh sự nhàm chán./(theo Zing)
Thu Hiền