Paris: Bảo tàng Guimet hướng về Châu Á của tương lai

26 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 9732)

Paris: Bảo tàng Guimet hướng về Châu Á của tương lai

 

 image084-content

 

RFI Thứ tư 22 Tháng Giêng 2014

Bảo tàng Guimet hướng về Châu Á của tương lai

 

image085

Triển lãm "Angkor, sự khai sinh của một huyền thoại" tại bảo tàng nghệ thuật châu Á Guimet (DR)

Trọng Thành

Bảo tàng Guimet tại Paris là một địa chỉ hàng đầu không thể bỏ qua đối với những ai muốn tìm hiểu các nền nghệ thuật Châu Á. Bảo tàng Guimet gìn giữ các sưu tập độc nhất vô nhị về hơn 5000 năm sáng tạo nghệ thuật Châu Á, giúp du khách cơ hội được trải nghiệm những cuộc du hành thẩm mỹ, tâm linh hay tìm tòi khám phá nơi sâu thẳm của tâm hồn Châu Á. Với vị tân giám đốc, Musée Guimet hy vọng sẽ thay đổi diện mạo để giúp công chúng cảm thụ và dễ dàng thâu nhận hơn các tinh hoa của kho tàng nghệ thuật Châu Á.

Đối với nhiều người, Bảo tàng Guimet là « con đường ngắn nhất để đến với Châu Á ». Sở hữu từ các tượng Phật Afghanistan đến tượng các nhà sư Nhật Bản, từ những tấm vải mang đặc trưng Ấn Độ đến vũ khí của các võ sĩ đạo, từ các kho báu kiến trúc Angkor của người Khmer đến những nghệ thuật tạo hình tinh xảo Trung Hoa…, Musée Guimet được coi là bảo tàng lớn nhất về nghệ thuật Châu Á bên ngoài Châu Á.

Hơn một thế kỷ trôi qua, kể từ khi được nhà sưu tầm Emile Guimet thành lập năm 1889 cho đến nay, bảo tàng này không ngừng bổ sung, giúp các bộ sưu tập thêm phong phú, đa dạng. Được bổ nhiệm phụ trách viện bảo tàng quốc gia về nghệ thuật Châu Á Guimet hồi mùa hè năm ngoái 2013, tân giám đốc Sophie Makariou cho RFI biết những định hướng mới của bảo tàng trong năm nay 2014. Tân giám đốc Musée Guimet cũng chính là người đã thành công trong việc tạo lập không gian nghệ thuật Hồi giáo tại viện bảo tàng Louvre.

Bảo tàng Guimet ra đời năm 1889 cùng năm với công trình lịch sử tháp Eiffel. Bảo tàng quốc gia về các nghệ thuật Châu Á năm 2014 tiêu biểu cho điều gì ?

Bảo tàng Guimet – một trong các sưu tập nghệ thuật Châu Á đẹp nhất thế giới –, như ông nói, là một bảo tàng về nghệ thuật Châu Á thời cổ đại, thành lập năm 1889, thoạt tiên có mục tiêu chủ yếu hơi khác so với hiện nay : Đó là dựng lại một lịch sử đối chiếu giữa các tôn giáo. Mục tiêu này đã biến đổi theo dòng thời gian.

Tại bảo tàng Guimet, có trưng bày cả những hiện vật từ Ai Cập. Bảo tàng đã được tái lập vào năm 1945. Nhiều bộ sưu tập nghệ thuật Châu Á, trong đó có những sưu tập từ bảo tàng Louvre đã được đưa về đây. Sự phối hợp giữa bộ sưu tập của Guimet với các sưu tập của bảo tàng Louvre đã làm nên bảo tàng Guimet hiện nay.

Bảo tàng có sứ mạng vạch lại toàn bộ lịch sử của nghệ thuật Châu Á và các nền văn minh khác nhau tại châu lục này, và hiển nhiên là nơi để học hỏi về các tôn giáo Châu Á. Đồng thời, bảo tàng cũng muốn hướng về Châu Á của tương lai, chứ không phải chỉ là một bảo tàng của các nghệ thuật Châu Á cổ xưa.

Hiện tại, bảo tàng đang có một triển lãm « Angkor, sự khai sinh của một huyền thoại », được triển hạn cho đến ngày 27/01, triển lãm có tiếng vang lớn. Liệu chúng ta có thể nói được rằng sưu tập nghệ thuật Khmer tương đương với kiệt tác « Mona Lisa » của bảo tàng Louvre ?

Bộ sưu tập Khmer có vai trò hết sức cơ bản. Bộ sưu tập được bài trí tại một trong những không gian trang trọng nhất của bảo tàng. Sưu tập này đón khách thăm quan với bức phù điêu nặng 11 tấn mang tên « Con đường của những người khổng lồ » của đền Preah Khan, thuộc quần thể Angkor, với hình tượng « naga », rắn thần khổng lồ nhiều đầu. Đúng là có thể gọi sưu tập Khmer là « nàng Mona Lisa » của Guimet. Đây là sưu tập đẹp nhất về nghệ thuật Khmer ngoài xứ Cam Bốt.

Sưu tập này đi vào lòng người ; nét trang nhã hết mực và sự linh động tuyệt vời khiến cho sưu tập này là một cánh cửa xứng đáng đưa chúng ta đến với vùng Đông Nam Á. Vùng này rất gần với Ấn Độ. Có thể coi Ấn Độ là "mẹ" của các nghệ thuật của khu vực này. Như vậy gần như cần phải bắt đầu với Ấn Độ để đi đến với phần còn lại.

Bà được bổ nhiệm năm 2013. Những thay đổi lớn nào bà dự định sẽ tiến hành trong năm 2014 đối với bảo tàng Musée Guimet ?

Theo tôi, vấn đề là phải liên kết các không gian khác nhau trong bảo tàng. Bảo tàng Guimet là cơ sở độc nhất vô nhị trong số các bảo tàng quốc gia. Tôi muốn nói đến những mối liên hệ giữa Ấn Độ với nghệ thuật Khmer. Điều tôi quan tâm ở đây là làm sao để cho thấy được những mối quan hệ giữa các bộ phận khác nhau của khu vực Châu Á xa xôi này. Chúng ta cần đến Ấn Độ và Trung Quốc để hiểu được khu vực rất lớn này của thế giới. Cần phải thừa nhận là có một thế giới « Ấn Độ hóa » và một thế giới « Hán hóa ». Điều rất quan trọng là không nên xem các bộ sưu tập như là các mảng tách rời. Để có thể giúp các khách xem nhìn ra được các liên hệ giữa các bộ sưu tập, cần phải thăm bảo tàng theo một cách khác.

Bảo tàng hiện nay còn thiếu nghiêm trọng các công cụ nhận thức, như các ghi chú được soạn thảo mạch lạc, các bản đồ dễ xem, các văn bản giới thiệu cô đúc về lịch sử. Cho đến nay, người thăm bảo tàng có rất ít nhiều phương tiện. Và họ cũng không có đủ trang bị để có thể hiểu được thế giới hình ảnh nghệ thuật vốn rất phức tạp, ví dụ như của Phật giáo. Cần phải trở về những nền tảng cơ bản của chúng ta. Sinh thời, ông Emile Guimet muốn rằng bảo tàng này là một cơ sở giảng dạy, nhưng cuối cùng thì bảo tàng hiện nay lại thiên về nghệ thuật. Điều này cũng là căn bản, nhưng hiện tại thì tôi không tin rằng người xem sau khi rời khỏi bảo tàng đã hiểu rõ về những gì được trưng bày.

Đây là dự án khoa học và văn hóa chung của bà, vậy phải chăng điều đó sẽ dẫn đến một dự án cụ thể, như một cuộc trưng bày trong năm 2014 ?

Điều này ít được thể hiện qua đường lối trưng bày, cho dù điều này bắt đầu được thể hiện qua việc lần đầu tiên chúng tôi có các giới thiệu bằng song ngữ, như trong trưng bày Angkor này. Lối trưng bày này sẽ được tiến hành một cách hệ thống. Phương pháp này sẽ được thể hiện đặc biệt qua các bộ sưu tập. Và bởi tôi cho rằng Ấn Độ là "mẹ" của tất cả các nền văn minh Châu Á, nên chúng ta có thể bắt đầu năm 2014 bằng phần trưng bày Ấn Độ. Rồi dần dà, chúng tôi sẽ mở rộng ra phần còn lại của bảo tàng.

Số lượng khách thăm bảo tàng Guimet giảm xuống một nửa trong thập niên qua, bà có dự định gì về chuyện này ? Và ngân sách của bảo tàng trong năm 2014 ?

Chúng tôi có được 8 triệu euro. Đây là bảo tàng quốc gia có ngân sách nhỏ nhất. Ngân sách bị giảm, vì người ta vẫn còn không hiểu rằng cần phải « xem xét lại » ngân sách này. Hiện tại, chúng tôi rất vất vả để đảm bảo được việc trưng bày có chất lượng. Việc tổ chức các triển lãm và hoạt động truyền thông là rất khó. Về phần mình, hiển nhiên là chúng tôi cũng phải có trách nhiệm tìm kiếm và phát triển các nguồn đầu tư mới, tuy nhiên, cũng không thể nào chỉ thông qua con đường tài trợ của các mạnh thường quân trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay. Cần phải thực tế. Mục tiêu của việc thu hút khách thăm quan của bảo tàng là trở lại con số khoảng 400.000 người. Đây là một mục tiêu « hợp lý ». Sau nữa, chúng ta sẽ xem xem làm thế nào để có thể nâng số lượng này lên một cách khả thi. Các biện pháp cần xem xét là điều chỉnh giờ mở cửa và lập ra một chương trình năng động và hấp dẫn.

Dù sao, với ngân sách nhỏ này, cho đến nay bảo tàng Guimet cũng đã mang tải một ảnh hưởng quốc tế quan trọng, của khắp Châu Á, Ấn Độ và Trung Quốc, v.v. Với tư cách là giám đốc bảo tàng, cũng có thể nói bà là một vị đại sứ ?

Vâng, đúng như vậy. Và bảo tàng cũng là một đại diện của tất cả các nước Châu Á tại Paris. Đây là niềm tin của tôi. Niềm tin sâu xa của tôi. Tôi đã thực hiện sứ mạng này trên các cương vị khác nhau. Ví dụ, khi tôi lập ra bộ phận nghệ thuật Hồi giáo tại bảo tàng Louvre. Ở đây, chúng ta có một trường hợp khá gần gũi. Điều này cũng có nghĩa là không cần phải thường xuyên nhắc lại rằng đây là một nơi lý tưởng để hiểu về Châu Á, một nơi trao đổi, một cánh cửa, kể cả đối với một số nước, mà đôi khi không có đủ hình ảnh, như trường hợp Trung Quốc, đây là điều thực đáng tiếc. Điều rất quan trọng với chúng ta là nhờ nó mà chúng ta có một sự hiểu biết tốt hơn về Trung Quốc. Đây không phải là một cường quốc trỗi dậy, mà cường quốc đã trỗi dậy. Đây là một bộ phận của Châu Á đang nổi lên. Đó là thế giới của thế kỷ 21. Châu Á đang lấy lại vị trí căn bản mà nó đã có trong lịch sử. Và bảo tàng các nghệ thuật Châu Á là một nơi để hiểu được điều này.

Năm 2014, liệu có các hiện vật, các tác phẩm mà bảo tàng phải trả lại cho các nước khác ?

Lịch sử các bộ sưu tập là rất bảo đảm. Các bộ sưu tập như các sưu tập Cam Bốt có cơ sở rất chắc chắn. Chúng đã được đưa vào đây từ lâu và không hề có tranh luận gì về chuyện này. Đối với một số hiện vật, cần phải có một sự cảnh giác thực sự. Có thể là bảo tàng không có đủ hiện vật trong một số lĩnh vực khảo cổ học, như điều này cần phải có, đặc biệt liên quan đến Trung Quốc. Nỗi lo ngại này là hoàn toàn dễ hiểu, bởi vì có một sự bùng nổ của thị trường nghệ thuật trong lĩnh vực này. Chúng tôi cần phải hết sức cảnh giác và tôi khẳng định rằng cần phải gương mẫu, kể cả khi phạm phải sai lầm.

Bảo tàng trên mạng đối với bà có phải là một khả năng hay một điều bắt buộc để mở rộng công chúng của bảo tàng Guimet ? Những dự án như Google Art Project có phải là một khả năng lựa chọn đối với bà ?

Vâng, các phương tiện này, các phương thức hợp tác này, theo tôi, là hoàn toàn có khả năng thực thi. Có những sưu tập rất quan trọng, nhưng ít được đưa ra trưng bày, bởi vì không thể đưa toàn bộ các bộ sưu tập với số lượng lớn như vậy vào các phòng trưng bày. Cần phải đưa các hiện vật ra khỏi bảo tàng và khởi sự cuộc hành trình để đưa chúng tới trưng bày ở nước ngoài. Đây là điều mà bảo tàng đã làm được rất ít trong những năm gần đây. Bây giờ là lúc chúng ta phải thể hiện mình cho thế giới thấy.

Triển lãm Angkor, sự khai sinh của một huyền thoại

Trở lại với cuộc triển lãm « Angkor, sự khai sinh của một huyền thoại » (khai mạc hồi tháng 10/2013) đang bước vào tuần chót. Đây là cơ hội hiếm có cho những ai muốn tìm đến ngọn nguồn của một vẻ đẹp Angkor nổi tiếng, từng khiến thế giới phải bàng hoàng, sau giấc ngủ hơn nửa thiên niên kỷ. Ai là người đánh thức « người đẹp ngủ trong rừng » ? Ai là chàng hoàng tử trong câu chuyện cổ tích thời hiện đại ? Cuộc trưng bày đặc biệt với khoảng 250 hiện vật cho thấy những tiếp xúc đầu tiên của nước Pháp với nghệ thuật Angkor, thông qua nhà thám hiểm Louis Delaporte.

Ngây ngất trước quần thể kiến trúc Angkor, họa sĩ Louis Delaporte – có mặt trong đoàn thám hiểm sông Mêkông - đã ghi lại các bức phác họa chì và các bức tranh màu nước những đền đài vào thời điểm đó đang chìm trong rừng rậm. Tiếp theo đó, ông đã chụp ảnh và thực hiện hàng nghìn cuộc đúc với kích thước như thật, cho phép giữ nguyên vẹn nhiều mẫu vật quý giá, mà rất nhiều mẫu vật thật trong số đó ngày nay đã mất tích. Việc giới thiệu các khối đúc có kích thước như nguyên mẫu các di vật của nghệ thuật Angkor tại các cuộc triển lãm toàn cầu và thuộc địa để lại ấn tượng lớn và góp phần rất lớn cho sự ra đời của một « huyền thoại Angkor ».

Cuộc trưng bày « Angkor, sự khai sinh của một huyền thoại » cho thấy những cuộc phiêu lưu đầy đam mê và trắc trở để kho tàng nghệ thuật được coi là sản phẩm « đẹp nhất » do con người tạo ra trong cả một khu vực rộng lớn của Châu Á, đến được với công chúng Pháp và Châu Âu, vào thời điểm mà Châu Âu chỉ mới biết đến những đỉnh cao nghệ thuật Hy Lạp, La Mã hay Ai Cập cổ đại.

 Triển lãm tranh khắc gỗ Nhật

Tiếp theo cuộc trưng bày về nghệ thuật Angkor, bảo tàng Guimet sẽ dành hai tháng (từ 22/01/2014 đến 10/03/2014) để giới thiệu sự tiến hóa của nghệ thuật tranh khắc gỗ Nhật Bản thế kỷ 17 – 18, với các đại sư như Suzuki Harunobu… Phong trào nghệ thuật hội họa hướng đến đại chúng (ukiyo-e), bùng phát trong giai đoạn Mạc phủ Tokugawa, mang theo những tinh hoa của văn học hay huyền thoại Nhật Bản, thể hiện các vẻ mặt khác nhau của đời sống xã hội hàng ngày…

 Bộ sưu tập của Clémenceau và các triển lãm nghệ thuật Trung Quốc

Nối tiếp triển lãm về Nhật Bản, từ ngày 12/03 đến 16/06, Musée Guimet sẽ đưa công chúng đến với những di vật từ bộ sưu tập cá nhân của ông Georges Clémenceau, chính trị gia, đồng thời là một người vô cùng tha thiết với nghệ thuật vùng Viễn Đông, qua triển lãm « Clémenceau, con hổ và Châu Á » ("Con hổ" là một biệt danh của Georges Clémenceau).

Từ tháng 3 đến cuối năm, bảo tàng Guimet cũng chuẩn bị hai cuộc triển lãm giành cho Trung Quốc, nhân dịp 50 năm quan hệ ngoại giao Pháp-Trung. Cuộc thứ nhất giới thiệu các chất liệu căn bản (lụa, ngọc, đồng, sơn, giấy, mực, sứ…) đã làm nên 5000 năm nghệ thuật Trung Hoa (từ 18/03 đến 02/06/2014). Cuộc thứ hai giới thiệu về sự trỗi dậy của nghệ thuật thời Hán (dự kiến từ tháng 10/2014 đến tháng 1/2015, hiện chưa có ngày chính xác).

image086

 

Georges Clémenceau bên tượng Phật nằm, Sri Lanka

 

23 Tháng Tám 2016(Xem: 14396)