ntngocdiem: "Mặt trời mùa đông"

10 Tháng Mười Hai 20197:21 SA(Xem: 5396)

VĂN HÓA ONLINE - VĂN HÓA - THỨ BA 10 DEC 2019


ntngocdiem: "Mặt trời mùa đông"


Bài và ảnh: Nguyễn Thị Ngọc Diễm

(Pháp quốc, bản quyền tư nhân)


Tùy bút cuối thu năm 2019


 

Hai hôm nay trời trở lạnh nơi thành phố dấu yêu mà tôi cư ngụ đã hàng chục năm qua. Ô, băng giá trắng tinh tuyệt đẹp lại xuất hiện như đã từng có mặt nơi đây mỗi khi nhiệt độ hoá âm. Tôi nhớ tới công thức toán tính từ độ C ra độ F ứng dụng khi trò chuyện với bạn bè bên Mỹ vì họ quen thân với chàng F hơn là nàng C.


Con số 32 đầu tiên, độ F lớn hơn độ C nên ta lấy nó mà cộng hay trừ tùy theo công thức. Hiện giờ bên Tây là trừ ba độ C. Ok, ta viết ra –3 x1,8 = - 5,4 xong ta cộng cho 32 ra là 27,6° F. Tính ngược lại để ra độ C như thế này : 27,6 - 32 = - 5,4 chia cho 1,8= -3°C. Tính chẵn trừ ba độ C là 28 độ F. Theo phiu-linh standard thì trực giác cho biết con số F càng thấp thì độ C càng lạnh và nhỏ lại qua âm, con số F càng cao thì độ C càng nóng dữ. Thí dụ 45°C sẽ là 45x1,8 # 81 + 32 = 113°F; ồ, nóng lắm rồi đó! Ngược lại thấy từ trăm độ F nghĩa là khoảng ba mươi độ C trở lên.


Để thuộc lòng công thức chỉ cần nhớ nhân trước rồi cộng sau còn lại là trừ trước và chia sau là xong cuộc không lẫn lộn hai thứ C và F. Tôi lại nhớ đến thầy K.T. ngày xưa dạy lớp luyện thi tú tài hai Toán Lý Hoá bảo đảm. Thầy bắt học thuộc lòng : xương cộng xương bằng hai xương cốt, cốt trừ cốt bằng hai cốt xương.


Đến giờ tôi còn thuộc là độc giả cũng thấy phê quá cho cách nhớ siêu đẳng đã dạy cho học trò ra thi không quên nó và thầy chơi chữ cho vui. Con số học sinh thi rớt Tú tài hai thầy phải hoàn trả tiền cả năm rất hiếm có, vì thế thầy đắt khách chạy chiếc xe mô tô lớn màu đen tuyền bóng lưỡng bảnh lắm thời đó. 


Xong chuyện nhiệt độ, tôi đi theo mặt trời cuối thu sắp sửa sang đông lạnh buốt giá con tim. Khoan khoan, cũng không nói về tình trạng hâm nóng của quả đất đang sục sôi ngấm ngầm với hậu quả trông thấy trước mắt. Chỉ biết trời Tây càng ngày càng ít tuyết hơn hàng chục năm trước và khí hậu trở nên ấm áp hơn vào mùa đông. Dân du học trở thành di cư bất đắc dĩ như chúng tôi đến từ vùng nhiệt đới thì thích lắm nhưng điều này cũng có hậu quả tương đối không tốt cho nông nghiệp nước Pháp.   


image049

Một thứ cỏ dại trong vườn nhà với lớp băng giá tinh sương trừ ba độ C.


Lá cây được viền trắng băng tuyết thật mỏng manh chung quanh phiến như ai đã thêu mũi feston lên đó. Ngày xửa ngày xưa, tôi học nữ công gia chánh với các giáo sư trung học. Học thêu may từng đường kim mũi chỉ, thỉnh thoảng phải nghe lời cô dặn ra chợ Đa Kao mua vải mua chỉ mua kim. Những cô em họ của tôi nhà nghèo là phải bỏ học ngang vì chi phí tuy không đắt lắm nhưng nhà nào cũng có từ sáu bảy em bé trở lên. Thật đáng tiếc cho trường nam sinh không cho con trai học môn này. Tôi thấy các ông khi có chuyện hữu dụng kim chỉ thì nhắm mắt đưa cho nàng tiên nội trợ hoá phép hô biến là lành lặn chỗ sút chỉ hay bị rách chút ít. Không biết may vá là gì dù có … hai bàn tay thần với mười ngón lãng du trời cho mà loài thú thua xa.    


image051

Quả châu trang hoàng Giáng Sinh rơi xuống và cũng mang băng giá lạnh lùng tô điểm đặc biệt cho mùa lạnh cuối thu.


Trong vườn nhà nho nhỏ phía trước, từ những trái châu dùng qua vài mùa Giáng Sinh là đã mất dây con treo nó lên cành, tôi đính thẳng vào bức tường cây luôn thể. Đó là nhờ cắt tỉa hàng rào kiểng trồng sẵn mang tên “troène” lúc trỗ hoa nhỏ từng chùm màu trắng hình chuông thơm hương nồng đậm cục bộ khi ta ghé mũi đến gần. Loại cây kiểng đặc biệt này lại không rụng lá vào mùa lạnh, vẫn giữ màu xanh lá cây nên được ưa chuộng nhiều. Những cành cây nhỏ xíu đưa đầu thân nhọn trụi bớt lá vào cuối thu biến thành cái giá móc cho quả châu hay món đồ hình quà Nô-En.


Có một hôm, tôi và ông nhà vừa về tới đang sắp cho xe vào ga-ra thì ngừng lại vì có người tụ họp xem trang hoàng giáng sinh vườn riêng. Thì ra, một gia đình nào đó trong xóm tôi đi ngang qua thấy lạ họ vào xem thưởng thức cách làm lười biếng của tôi. “Bonjour”, chúng tôi chào sơ và họ mỉm cười rồi tránh đi cho xe vào. Hân hạnh quá, tôi thầm nghĩ. Ông xã cũng thấy bà nhà lên “cốt” nhiều tuy anh chằng tinh này chẳng biết tôi làm ký gì mà có người đến ngắm. Nào có đèn đuốc chớp nhoáng rực rỡ chi đâu, mà suy tính nhờ ánh sáng mặt trời ban ngày và những tia sáng đèn đường ban đêm rọi soi làm các quả châu tự nó óng ánh lên thật dễ thương.


image053

Ảnh chụp cho thấy những gai nhọn băng giá mọc đều trên thân lá thật ngộ nghĩnh.


Hai hôm đó, mặt trời lên cao không có mây che nên cho ánh sáng tuyệt hảo để chụp ảnh. Thế nhưng “Mặt trời lên, nhưng lạnh quá. Mặt trời lên, nhưng không đủ ấm, nơi xứ người buốt giá con tim ! Những buối sáng mùa đông, nơi xứ lạ quê người, hai bên lề sương giá đóng thành băng trong đêm.”


image055

Băng giá hai bên lề.


Chúng ta đã thấy hình rồi. Tôi ghi lại biến số thời gian trong đoạn kế của bài hát mang tên Mặt Trời Mùa Đông mà nữ bác sĩ tài ba Bích Liên kiêm ca sĩ tài tử từng hát lên năm 1992 tại “thủ đô”  Sài Gòn phố nhỏ bang Cali. Đây là một câu chuyện vui vẻ tôi sẽ kể thêm về sau có liên quan đến ca đoàn Ngàn Khơi hiện đang vững mạnh và danh tiếng nơi đây từ lâu lắm rồi. Có thể trong một bài viết khác…


“Ôi, mười mấy năm qua rồi không ngờ. Ôi, thời gian trôi như một giấc mơ. Đời đã đưa ta đi thật xa, ngày tháng theo nhau lạnh lùng qua…”.    


image057

“Tiếng thời gian” :  tên tôi đặt cho bức ảnh chụp hoá tranh từ vài ba ép-phê hội hoạ.


Mười mấy năm từ khi bài hát ra đời nay đã thành ra mấy chục năm rồi. Thời gian trôi nhanh hơn vận tốc ánh sáng. Ai dám cãi lại điều này với tôi ? Không phải tác giả chuyên gia về môn Vật Lý Không Gian tên họ Trịnh Xuân Thuận được anh chằng tinh Shrek da vàng xóm cây xanh mua cả đống sách của ông về cho vào kho sưu tầm đâu. Chỉ có trực giác phái nữ bảo thế một cách hợp thời nhất hiện giờ bởi ai nấy đều cúi gầm mặt vào cái điện thoại thông minh khi ra đường thì còn thấy cái gì nữa? Quay qua quay lại : ủa! sao tóc đã bạc, da đã nhăn. Đôi khi tay chân lóng ngóng, đầu óc mù mờ không nhanh nhạy như trước. Vậy thì thời gian là biến số bí ẩn nhất không ai biết tại sao có nó. Vừa là bạn, vừa là thù ; vừa là tiên vừa là ác quỷ. Không biết đặt tên cho Thời Gian là gì nữa.


image059

Cũng chiếc lá cùng loại cỏ dại nói trên nhưng có màu đỏ bất ngờ.


image061-

Một chiếc lá bàng rụng xuống từ lâu phủ băng trắng trên nền bờ đường đi.


image063

Mặt trên của cây cọc lớn làm từ thân gỗ sồi dùng làm hàng rào chắn nơi sân nhà tác giả.


image065

Một cành kiểng không biết tên có lá đôi mọc đối xứng vẫn giữ màu xanh. 


image067

Dây trang hoàng nhân tạo cũng bị phủ giá băng thành tranh nghệ thuật. 


“Ôi mười mấy năm rồi, mà sao chẳng hề quên những ngày nơi xứ mẹ những bạn bè thuở xưa. Thì đành rồi em ơi, làm sao mà quên được, làm sao mà quên được, vì em là Việt Nam … “


Đoạn cuối của bản nhạc có vẻ buồn thê thiết tuy hợp lý lắm. Cung ứng dụng là Si thứ (Bm) từ hai dấu thăng trên các nốt Fa (F) và Rê (D) mở đầu với Si và chấm dứt với Fa. Tôi rất thích cung Rê trưởng (D) dễ viết bài hát, cũng không ngờ ngẫu hứng thành ra cung thứ yếu là cung thứ tương ứng. Cũng không sao, bởi tình cảm ướt át và lãng mạn thế này dành cho … nữ hay cung thứ cũng phải thôi trừ trường hợp đặc biệt ngoại lệ. Nam nhạc sĩ nhiều vị còn đi xa hơn nữa trên cung bậc lệ rơi mù mịt để trở thành nhạc phẩm bất hủ khi bị phụ tình. Cám ơn sự … bạc bẽo của các bà các cô ngoài ý muốn của họ. Éo le, lâm ly bi đát … khổ ơi là khổ gọi là đoạn trường ai có qua cầu mới hay không sai chút nào.


Bạn đọc thân ái, nếu yêu nhạc và tò mò muốn khám phá như tôi ngày còn nhỏ sau khi được cô giáo dạy biết nốt nhạc rồi thì xin cứ mang ghi-ta ra dò từng nốt coi bản nhạc có hay không. Còn những tay chơi sành sõi thì khỏi nói, nào dương cầm vĩ cầm v.v… hay những quý vị có tài hát thẳng lời từ nốt nhạc trực tiếp không sai tông sẽ biết ngay nhạc vàng hậu bối hay dở thế nào.


Bài hát này tôi dự tính đưa vào an-bom thứ ba, sự chọn lựa rất tỷ mỷ bởi tôn trọng khán giả và chính tôi cũng yêu thích bài này. Cái lạnh nơi xứ người đã khó chịu dù có quen đi nữa, cộng thêm thứ tình cảm thương nhớ quê hương không hề ủy mị vì đó là dấu ấn gốc gác con người; làm nghệ sĩ viết ra bản nhạc là do bị … khổ ải tới hai lần! Mong rằng bài viết đã mang đến những phút giây giải trí lành mạnh cho quý độc giả theo dõi báo điện tử công phu của đại huynh Lý Kiến Trúc mà tôi rất hân hạnh được dịp cộng tác cùng.


image069

Hình bìa tập nhạc Mặt Trời Mùa Đông do (cố) thi sĩ Nguyên Sa phát hành năm 1992, nhà xb Đời.


image071image073image075

bản nhạc tùy nghi sử dụng trừ khai thác thương mại xin liên lạc với toà soạn.


 NTND, Thứ ba 9 Tháng 12 Năm 2019
19 Tháng Hai 2024(Xem: 245)
20 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 490)
19 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 424)