Gs Nguyễn Văn Lục: Cái Ghế Của Thợ Uốn Tóc

17 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 10439)

Gs Nguyễn Văn Lục

Cái Ghế Của Thợ Uốn Tóc

image045
Bài Đọc Suy Gẫm: Nhân Lễ Giỗ 50 năm Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một đời vì nước vì dân được Người Việt Hải Ngoại tổ chức khắp nơi trên thế giới, blog Mười Sáu tuyển đăng bài “Cái Ghế Của Thợ Uốn Tóc” – câu chuyện tác giả Nguyễn Văn Lục mạn đàm với tác giả Vĩnh Phúc, nhân dịp cựu nhà báo BBC – Vĩnh Phúc cho tái bản cuốn: “Những Huyền Thoại Và Sự Thật Về Chế Độ Ngô Đình Diệm”). 
…..
Nguyễn Văn Lục (NVL): Nay thì xin đi vào chính nội dung cuốn sách của ông. So ra với lần xuất bản trước, 1998, lần này dày hơn đến 100 trang. Điều gì đã thêm vào như thế?
Vĩnh Phúc (VP):Thêm vào vì mình không hài lòng với lần xuất bản đầu tiên, thấy cần tìm kiếm thêm nhân chứng. Chẳng hạn tìm hiểu thêm con người của ông Ngô Đình Cẩn. Ông có cướp đoạt tài sản của người ta không, có cho bộ hạ khủng bố đối lập không? Những nhân chứng mới như Nguyễn Tường Bá, Nguyễn Tường Thiết, cháu và con trai Nhất Linh giúp soi sáng thêm về chủ tâm quyên sinh của ông Nhất Linh để phản đối chế độ? Ngoài ra còn những nhận xét, đánh giá quý báu của cụ Võ Như Nguyện, một nhân vật theo rất sát với ông Ngô Đình Khôi rồi ông Diệm. Cuộc phỏng vấn cụ Võ Như Nguyện quả thực hữu ích, vì nó củng cố thêm cho những điều tôi đã trình bày trong lần xuất bản đầu tiên. Nhưng thích thú không kém là những lời của nhân chứng cựu đại úy tùy viên Lê Châu Lộc. Nhờ Lê Châu Lộc ta hiểu thêm “ con người “ Ngô Đình Diệm như thế nào trong những hoàn cảnh cay nghiệt của vai trò một tổng thống, thấu hiểu được những cá tính con người ông ấy và nhất là cái cõi riêng tư, những nỗi niềm trăn trở và cô đơn của ông ấy.
Nhà văn, nhà viết sử làm sao đạt được cái cõi riêng ấy để hiểu được một con người?
NVL: Tôi cũng nhìn ra được điều ấy, khi đọc những phần nhận xét của Lê Châu Lộc. Đó là những thứ tư liệu ròng mà không dễ có được. Đỗ Thọ cũng viết về ông Diệm, nhưng để tình cảm lấn lướt nhiều quá. Người đọc bị ngộp. Cảm thấy không tự nhiên. Nhưng đâu là huyền thoại và sự thật về con người Ngô Đình Diệm?
VP: Theo tôi thì giá đọc được chính bài viết thì vẫn hơn là những điều tôi nói ra đây. Nhưng về cá nhân ông ấy, tôi nghĩ ông là người có đạo đức và về phương diện chính trị, ông là người có lòng với đất nước, với dân tộc, trước ông và sau ông, thật cũng khó có người sánh bì.
NVL: Ông có nghĩ rằng, những ý kiến của ông về ông Diệm sẽ có một số người phản đối, thậm chí coi ông Diệm là thứ độc tài ác ôn, gia đình trị, ba đời Gia tô bán nước, làm tay sai cho giặc?
VP: Chính vì còn có những người nghĩ như thế nên mới có vấn đề cần giải trừ những huyền thoại và những sự thật về con người ấy. Với lại không ai cấm họ nói viết ra như thế, với điều kiện họ đưa ra được bằng cớ khả tín. Vâng, vấn đề là nói sao cũng được, miễn là có bằng cớ khả tín.
NVL: Nói chuyện bằng cớ, thưa ông, đã có lần ông chủ bút báo ĐT gửi cho tôi một bức hình gia đình ông Diệm và hỏi xem tôi nghĩ gì? Hình ảnh một già đình quan lại thuộc hàng Thượng thư triều đình ba đời làm tay sai cho Pháp mà như thế sao?
VP: Vâng, bức hình mà ông nói chính là bức hình thứ nhất ở trang 305 trong sách của tôi, do cựu trung úy Nguyễn Minh Bảo lấy đựơc trong phòng ông Diệm trong cuộc đảo chính 1/11/63. Theo tôi, bức hình nói lên tất cả. Trông rõ cái cảnh nghèo khó, thanh bạch của gia đình ông ấy. Ông Diệm, ông Thục đi chân đất, quần áo nhếch nhác lôi thôi như bất cứ một gia đình nông dân nghèo túng nào.
Nhưng ông nói thật hay nói đùa đấy? Lấy đâu ra ba đời làm tay sai cho Pháp, mà ông Diệm làm tay sai cho Pháp hồi nào?
NVL: Có thể là tại vì ông Diệm có lý tưởng và nhờ ông sống độc thân, không bị ràng buộc vào gia đình nên ông mới hết lòng với dân, với nước.
VP: Có thể lắm và chắc cũng không thể không nghĩ tới điều đó. Có vợ con thì nó khác.
NVL: Ông có nghĩ rằng khi đọc sách của ông, sẽ có người nghĩ rằng, ôi cha Vĩnh Phúc này là tên Bắc kỳ, công giáo di cư, Hố Nai?
VP: Cười, cứ để họ hiểu lầm. Người như ông Diệm còn không thiếu kẻ hiểu lầm, thì phần tôi có nghĩa lý gì.
NVL: Phần tôi, tôi đặc biệt chú trọng đoạn Lê Châu Lộc, tùy viên của ông Diệm kể buổi sáng hôm ấy ông Diệm phải tiếp kiến đô đốc Felt tại Đàlạt. Ông có nhận xét gì về buổi gặp gỡ lịch sử này?
VP: Ông tinh ý lắm, nêu dẫn đoạn ông Diệm gặp đô đốc Felt là điểm thắt nút mối bang giao hợp tác giữa chính phủ Mỹ và ông Diệm trong suốt 9 năm. Buổi sáng hôm ấy, ông Diệm nôn nóng khác thường, tức giận đạp đổ ghế vì sĩ quan tùy viên tới chậm. Cái tức giận tùy viên chỉ là cái cớ thôi. Cái chính là lá bài sắp lật ngửa. Và tôi nghĩ rằng: Ván bài lương tâm và trả giá giữa người Mỹ và ông Diệm nằm ở buổi tiêp kiến hôm đó trước khi ông Diệm bị thảm sát. Đó là bản chúc thư giã từ sau 9 năm cầm quyền, một lần chót nói lên cái quan điểm khác biệt giữa người Mỹ và ông Diệm. Những kẻ viết sử sau này thường bác bỏ luận cứ này để biện hộ cho việc lật đổ ông ấy. Không có người Mỹ, cuộc đảo chánh đó không có cơ thành tựu.
VP: Vừa rồi, ông đang hỏi tôi về con người ông Diệm. Tôi chưa nói hết, thì đấy, con người ấy có thể khoan dung ngay cả đối với kẻ thù. Nhưng cũng con người đó có thể nóng như lửa, mặt đỏ gay, hầm hầm, giộng ba toong thình thình trên sàn máy bay vì thấy treo cờ Vatican, vứt hồ sơ vào mặt ông Nhu mà không cho tùy viên lượm lại. Nhưng chỉ trong chốc lát, ông tổng thống nguôi giận.
Nhưng ngược lại, ông lại tỏ ra rất bình tĩnh khi dinh độc lập bị ném bom. Lê Châu Lộc nhận thấy ông Diệm vẫn ngồi đọc sách một cách bình thản hỏi: “Cái chi đó ?” “ Dạ người ta bỏ bom mình”. “ Thế à, mà ai bỏ bom vậy? “.
Theo Lê Châu Lộc, Làm tùy viên cho ông Diệm là khổ lắm. Theo ông đi kinh lý tối ngày, bất kể thì giờ, bất kể ngày đêm. Bằng máy bay, bằng trực thăng, bẵng xe, bằng xuồng, “ thăm dân cho biết sự tình”. Có lần phải kê ghế bố mà ngủ trong khi bên dưới lõng bõng nước. Những chuyến đi vất vả và nguy hiểm như thế cũng không làm ông Tổng Thống nản lòng, vì ông muốn đến tận nơi hẻo lánh nhất, hoàn cảnh khó khăn nhất để đem lại nguồn an ủi cho binh sĩ. Thử hỏi sau này có anh lãnh đạo nào làm được như thế không?
NVL: Tôi cũng nghĩ như vậy. Có ông lãnh đạo nào bỏ ra vài lần thăm dân, thăm trường học trong suốt những năm về sau này? Chữ kinh lý, tôi nghĩ là chữ đặc quyền dùng cho ông Diệm. Sau này chữ đó không còn có trong tự điển nữa .. Vậy mà thời ông Diệm, ciné chỉ chiếu những chuyện gì đâu.
VP: Ông nhắc tôi mới nhớ. Tôi còn nhớ hồi đó, ciné hát xong bài chào cờ là hát bài suy tôn Ngô Thổng thống. Đáng nhẽ phải bỏ tù cái thằng cha nào đã nghĩ ra cái bài hát thối tha: Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng Thống. Bài đó giết ông Diệm từng ngày, từng giờ không cần gươm giáo đấy. Vứt bài hát đó vào cầu tiêu và chiếu lên hình ảnh ông Tổng Thống đi bốt, lội bùn, sắn quần lên tới đầu gối thì còn gì đẹp bằng nữa?.
NVL: Vâng, quả đúng như vậy.
VP: Nay thì đến lúc tôi hỏi ngược lại ông: Đọc lần tái bản này ông thấy thế nào ?
NVL: Phải nói bản cũ, tôi đọc nhiều lần, mỗi lần muốn viết điều gì về chế độ Ngô Đình Diệm, tôi đều dở ra tham khảo. Nhưng chê trước đã. Thật ra, không phải chê mà ấm ức.
Thứ nhất, cuốn sách không có cái nhìn tổng thể lớp lang về chế độ ấy. Nó thiếu văn mạch của những chuỗi sự kiện nối tiếp nhau. Nó nêu ra đó rồi để cho độc giả tùy ý chọn lựa thái độ. Quả là có rộng lượng và tôn trọng độc giả. Sự kiện từng mảnh của chế độ ấy như chính ông nói với tôi, như đống gạch. Có viên lành lặn, viên vỡ. Rồi ông bày hàng ra, ông đẩy cái trách nhiệm đánh giá cho các nhà sử học, cho người đọc. Mà như chúng ta biết đấy. Nhà sử học nào đã làm được công việc ấy? Trong khi đó, đáng nhẽ là trách nhiệm của ông phải làm?
Thứ hai, về phương pháp làm việc, ông đã chọn cách viết chỉ dựa trên nhân chứng, một thứ Oral History, rất khả tín, thời thượng. Phải chăng, đó là lối làm việc theo thói quen từ BBC của ông? Nhưng lối viết nêu dẫn nhân chứng lại rất áp đảo, trấn áp người đọc. Chẳng hạn khi chính Lê Châu Lộc nói rằng, ông Diệm nghe tin phi công Phạm Phú Quốc ở trong tù bị bọn công an hành hạ đến nơi đến chốn. Ông Diệm không an tâm sai Lê Châu Lộc đến nhà giam xem thử. Lê Châu Lộc bắt Phạm Phú Quốc dơ tay cho xem có bị thương tích không. Không có. Chỉ nêu sự việc: Một người đã ném bom tính giết mình, đã không bị đưa ra tòa, không bị cho đi mò tôm là may, lại còn thăm hỏi. Chuỗi sự kiện đó dẫn đưa tới việc phải thừa nhận: Ông Diệm là người tốt. Không lạ gì, sau đó, Phạm Phú Quốc đã viết thư xin lỗi ông Diệm.
Tôi chỉ nói, lối viết đó có tác dụng thuyết phục, vì nó vượt lý luận, bịt miệng những ai muốn nói khác, muốn bôi nhọ.
Ở trên, tôi nói ấm ức, vì ông không xử dụng tài liệu. Ông cũng đã nêu ra những lý do khi ông cho rằng những hồi ký, những sách viết về chế độ ấy do các nhà văn, nhà chính trị, nhà báo viết bố láo, bố lếu, bóp méo lịch sử cho dù dùng tài liệu ngoại quốc viết cũng tào lao, rất là bôi bác. Nói chung là như thế. Nhưng này, ông chê người ta viết bố láo, bố lếu. Vậy có thể nào ông cho biết đích danh một tác giả hay một cuốn sách viết bôi bảc?
VP: Cái này thì xin ông tha cho. Tôi chỉ nói được là nhiều lắm, tôi tránh nói ra. Độc giả đọc họ là biết rồi. Sau khi anh em ông Diệm bị giết, nhiều người đã viết quá sai sự thật chỉ nhằm mục đích câu độc giả. Sau 1975, cũng thế. Ngay cả những bầy tôi, sau này viết về chủ mình, cũng phản bội, viết bôi bác, nói trắng ra đen. Theo tôi, viết như thế không xứng đáng một người cầm bút. Chính vì vậy, tôi chọn lựa không xử dụng tài liệu của bất cứ ai.
NVL: Chọn lựa như thế, đúng ra là chọn lựa tư cách là một nhà báo hay nhà sử?
VP: Nhà báo thì cung cấp thông tin, dữ kiện. Còn nhà sử cung cấp kiến thức. Nói như thế thì ông biết tôi là nhà gì rồi?
NVL: Cũng đúng, nhưng tôi xin bổ túc, Trần Trọng Kim kiến thức sử đâu có bao nhiêu, nhưng sự trung thực thì lồng lộng mà kẻ hậu bối chỉ biết cúi đầu khâm phục.
VP: Tôi cũng không nghĩ gì khác ông. Chúng ta cùng nói chung một thứ ngôn ngữ: Sự can đảm và lòng trung thực. Đó là những đức tính cần có của một người cầm bút.
NVL: Khi ông dùng chữ bày tôi viết về chủ mình thì gián tiếp người đọc như tôi cũng hiểu bầy tôi là ai rồi ?
VP: Ấy chớ, xin ông đừng diễn dịch xa quá.
NVL: Trong biến cố Phật giáo, mặc dầu ông đã cố gắng phỏng vấn một số người như cụ Quách Tòng Đức, TT Thích Tâm Châu và ngay cả ông Đặng Sỹ v.v.. Phần trả lời của TT Tâm Châu chưa đầy đủ lắm. Phải nói về vai trò của TT ấy như thế nào, vai trò của TT Trí Quang có tính cách quyết định về đường lối đâu tranh chống chính quyền? Nguyên đo đưa đến sự đổ vỡ đến tách ra thành hai khối Phật giáo ? Phần ông Đặng Sỹ thì tránh né trả lời. Chính tôi cũng liên lạc với ông được hai lần, nhưng ông cứ khất lần. Rất tiếc nay người nhà ông báo cho tôi biết ông mới qua đời. Thế là một dấu mốc lịch sử bị đứt quãng. Nhưng tôi vẫn thấy còn cần đào sâu thêm nữa để có thể khai thông một số vấn đề chưa sáng tỏ như vụ nổ đài phát thanh Huế v.v… Những người như đại úy Minh, văn phòng cố vấn chỉ đạo của ông Cẩn có thể đóng góp cho rõ thêm vai trò ông Cẩn và đặc biệt TT Trí Quang, sau 1975, ông rút vào bóng tối một cách khó hiểu như có điều gì không tiện nói. Im lặng ở đây là vàng. Ông cần lên tiếng và nên lên tiếng. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
VP: Thật ra những người như ông Ngô Đình Nhu đáng nhẽ phải để lại những Mémoires thì đỡ cho chúng ta biết bao nhiêu. Hình như các người làm chính trị ở Việt Nam không có thói quen viết nhật ký. Tôi cũng nghĩ đến trường hợp TT Thích Trí Quang nhưng quá khó gặp. Cả TT Hộ Giác một khuôn mặt đấu tranh nổi bật thời đó hiện còn sống ở Mỹ, tôi cũng cố tìm cách tiếp xúc nhiều lần mà không đựơc. Tôi sẽ đặc biệt lưu tâm đến trường hợp này trong lần tái bản sau.
Tồng Thống Ngô Đình Diệm tiếp các tăng sư Phật Giáo tại Dinh Gia Long.
NVL: Tôi xin góp ý thêm về vấn đề tài liệu. Tôi được biết là TT Trí Quang có viết về biến cố Phật giáo 63, gần như không phổ biến. Cho dù có được phổ biến, với lối viết Oral History của ông, dĩ nhiên ông sẽ không xử dụng. Thật tiếc. Cũng vậy, tôi thấy có những tài liệu từ phía C.S như của cán bộ Cộng Sản Mười Hương chẳng hạn. Rất là hữu dụng, một cái nhìn từ phía bên kia, đưa ra một quan điểm đánh giá hoàn toàn trái ngược với phía VNCH. Mười Hương viết về thân phận những cán bộ nằm vùng bị chính quyền VNCH bắt, sau 1975 lại bị CS nghi ngờ không xử dụng. Mười Hương đã nhận xét về kẻ thù số 1, không đợi trời chung là ông Ngô Đình Cẩn như thế nào, trong đó đánh giá rất cao vai trò ông Cẩn trong việc tiễu trừ CS nằm vùng. Đọc Mười Hương để thấy rằng kể cả ông Diệm, ông Nhu cho đến người dân miền Nam, nhất là miền Trung đã đánh giá quá thấp con người Ngô Đình Cẩn. Một cán bộ Cộng Sản thứ gộc như Mười Hương đánh giá cao Ngô Đình Cẩn thì cũng là điều để chúng ta suy nghĩ chứ. Cũng như luật sư Quan rất khinh ghét ông Cẩn, nhưng lúc biện hộ cho Ngô Đình Cẩn, nhận ra con người ấy đáng nể, đáng kính, đáng thương và đã khóc khi nghe Ngô Đình Cẩn bị lên án Tử hình và đã viết hồi ký về vụ án này.
Ông Cẩn không vô tích sự đến như thế, ông không ngu dốt đến như thế. Cách hành xử của ông có thể do lối dùng người không chính thống, không hành chánh, nhưng hiệu quả thì có. Miền Trung yên áng một phần nhờ ông Cẩn. Quét sạch bọn Cộng Sản nằm vùng do một tay ông.. Đối với Phật giáo, thử hỏi ai là người bao che ông Thích Trí Quang, ai tiến cử các TT Trí Quang, Thiện Minh gọi là “ đồng chí” Trí Quang, Thiện Minh như chính ông đã viết trong sách trang 76. Ai khuyến cáo các tướng vùng phải giúp đỡ các khuôn hội Phật Giáo, ai giúp đỡ tiền bạc sửa chữa Từ Đàm, ai đã ngăn chặn việc hạ cờ Phật giáo sau khi người dân Huế đã lỡ treo rồi mới có lệnh nhắc nhở từ Saigon ? Vâng ai?
Tôi phải nói rằng, Ngô Đình Cẩn nhạy bén chính trị, dù ít học đã làm chính trị theo bản năng. Chưa chắc gì ông đã thích Phật giáo, nhưng đã biết cách thức hành xử thế nào đối với cái nôi Phật giáo miền Trung mà công giáo chỉ vỏn vẹn có 4%.
Vậy mà con người ấy theo tôi đã bị đời khinh rẻ, bị oán hận, bị gán ghép nhiều thứ, bị chính những người mà mình hết lòng giúp đỡ hận oán nhất. Tôi thì không. Khẳng định là không, vì hiểu một con người không hẳn là dễ.
Lịch sử còn đó để thấy điều tôi nói cần được suy nghĩ lại. Có thể chính ông cũng không đồng ý, bởi vì ông chỉ chú ý nhiều đến ông Diệm, ông Nhu, nhất là ông Tuyến. (Cười). Dám ông cũng bất công lắm. Nay thì phải nói một điều. Cuốn sách của ông viết, tất cả giá trị nó nằm trong tinh thần muốn tôn trọng sự thật. Thấy trắng nói trắng, thấy đen nói đen. Đọc là thấy. Nhiều lần trong lúc nói chuyện, ông cũng nhấn mạnh tới điều này và chỉ điều này thôi. Như trong lời mở đầu, ông tặng vợ con và không quên tặng những người yêu sự thật. Hy vọng là tôi có trong số những người ấy. (Cùng cười).
NVL: Nay cuộc đàm đạo giữa tôi và ông có thể hướng vào nhân vật chính của cuốn sách: Con người ông Diệm với tất cả cái xấu, cái tốt, cái bất cập, cái sai trái khuyết điểm, cái bị vu oan, cái bị người đời oán ghét, nguyền rủa. Theo ông, ông nghĩ gì về ông Diệm?
VP: Trước hết, mình không phải là người ở cạnh ông Diệm để có thể đưa ra những nhận xét trực tiếp về ông ấy. Nhưng qua những người đã từng sát cánh với ông Diệm thì phải nhìn nhận như sau: Ông Diệm là một người đạo đức, sống như một nhà tu hành, không có tham vọng vật chất và thật sự có lòng yêu nước, thương dân. Ông tự tin vào lương tâm trong sáng của mình nên muốn bắt mọi người phải nghe theo. Cứ như Lê Châu Lộc, tùy viên của ông Diệm kể lại thì hằng ngày, ông xem lễ vào sáng sớm. Nếu không có lễ thì cầu nguyện. Ông quỳ gối giang hai tay ra, cầu nguyện. Sau đó, tắm rửa, thay đồ, rồi làm việc.
NVL: Thế thì đi tu cho rồi.
VP: Xưa nay người ta chỉ làm được một việc nếu muốn giỏi. Không thể vừa đi tu vừa làm chính trị.. Được việc này thì hỏng việc kia. Làm chính trị, mà đạo đức như nhà tu, không biết lừa lọc tráo trở thủ đoạn nên mới bị phản và mất mạng. Nhưng cũng phải nói anh em ông Diệm có óc “ tỵ quyền”, nghĩa là bảo vệ quyền thế của mình. Những Bùi Văn Thinh, Lê Quang Luật, Trần Văn Tuyên, Trần Văn Lý… đều không được dùng chỉ vì tỏ ra nổi quá. Năm 1996, ông Như Phong kể lại với tôi rằng, ông Lê Quang Luật đã đưa ra nhận xét:”anh em nhà ấy họ chỉ nghĩ tới họ trước “. Rồi nặng tình họ hàng quá. Thấy anh em làm bậy mà không dám ngăn cản vì quá nể nang. Ví dụ để cho ông Cẩn, bà Nhu lộng hành. Để ông Thục tổ chức lễ Ngân khánh linh đình, với ông Chủ tịch Quốc hội Trương Vĩnh Lễ làm chủ tịch ban tổ chức…
Riêng về buổi lễ tổ chức mừng Ngân khánh Tổng Giám mục Ngô Đình Thục, tôi xin nói rõ thêm. Có một chi tiết về ông Ngô Đình Nhu, xin nói ra đây. Thứ nhất, tôi được nghe kể lại từ một người bạn dạy đại học Huế cho biết rằng, theo cha Luận kể lại, khi được biết có việc tổ chức lễ Ngân khánh ông Ngô Đình Thục. Ông Nhu rất khó chịu và không dám nói thẳng ra, ông bèn kêu Linh Mục Cao Văn Luận, viện trưởng viện đại học Huế vào Sàigòn gấp. LM Luận vội vào và không biết có chuyện gì. Ông Nhu cho cha Luận hay nhờ cha Luận, nói với Đức cha hủy bỏ việc tổ chức lễ Ngân khánh, hoặc làm một cách khiêm tốn, nho nhỏ thôi. Dĩ nhiên chẳng ai nghe và bọn bầy tôi đã tổ chức rềnh rang buổi lễ ấy đến chướng mắt mọi người. Những kẻ nịnh thần chính là những kẻ giết chết gia đình họ Ngô. Ông Nhu là người chống giáo trị –anti –clérical– theo nghĩa đạo ra đạo, đời ra đời tách biệt nhau. Nhưng mình ông làm được gì?
NVL: Theo tôi thì chế độ Ngô Đình Diệm bị rất nhiều người thù hận. Sau cái chết của họ và cho đến bây giờ, qua sách vở, qua những hồi ký, qua những tiếp xúc với giới Phật tử.- Xin lỗi ông nhé – hình như sự oán hận đó vẫn còn. Theo ông, điều gì đã làm cho người ta oán hận đến như thế và về phần những người như ông Diệm, ông đối xử ra sao với Phật giáo? Có chính sách tiêu diệt người Phật giáo hay không? Có những sách vở tài liệu đưa ra con số 300 ngàn người bị tù đầy hoặc bị ám hại?
VP: Người nào đưa ra con số 300 ngàn người thì cứ đưa ra bằng cớ, nhưng người ở đâu mà lắm thế? Người nào còn nghi ngờ, xin làm ơn cho biết có bao nhiêu, mấy trăm, mấy ngàn? Có những trường hợp cấp dưới nó làm mà ông Tổng Thống, ông Nhu có thể không biết, xin cũng cứ nêu ra, cụ thể là những nhân vật đối lập như ông A hay ông B v.v…
Riêng tôi, với tư cách người cầm bút, tôn trọng sự thật, tôi biết có những người chủ tâm ám sát ông Diệm như cụ Hà Thúc Ký, phi công Phạm Phú Quốc và tên Cộng Sản Hà Minh Trí. Vậy mà họ được đối xử đàng hoàng. Ngay ở các nước dân chủ Tây Phương, tội ám sát người sẽ bị xử ra sao? Nhất là ám sát một Tổng thống?
Hà Minh Trí ám sát hụt ông Diệm ở Ban Mê Thuột, chỉ bị tù, sau 1975 được thả. Một mật vụ thời ấy cho tôi biết họ đề nghị đẩy tên Hà Minh Trí từ trên lầu xuống cho chết, rồi bảo là là tai nạn. Ông Nhu không cho, bảo cứ giam lại.
Cụ Hà Thúc Ký, nay ở bang Maryland. Chính tôi đã phỏng vấn cụ và cụ cười kể rằng:” Hồi xưa tôi định ám sát ông Diệm. Nhà tôi ở đường Công Lý, gần trường Quốc Anh, tôi chủ tâm đào một đường hầm ra đến đường Công Lý, cách khoảng 50 thước và chôn 20 kg chất nổ rồi chờ xe ông Diệm đi qua, sẽ giật mìn để ám sát ông Diệm”. Tôi hỏi rằng khi cụ bị bắt họ đối xử ra sao. Cụ trả lời :
- Lạ nhất là không bao giờ họ đánh đập.Tôi lúc nào cũng nghĩ rằng hễ bị ông Diệm bắt là bị giết liền chứ không thể sống được, vì tôi làm cho ổng mệt lắm.
Còn ông Phạm Phú Quốc thì theo lời tôi phỏng vấn ông Lê Châu Lộc, ông cho biết như sau. Một đêm Tổng Thống Diệm gọi Lê Châu Lộc hỏi:. “Anh có nghe cái đó không? (Nghe Quốc bị tra tấn dã man không)
- Dạ không
- Thấy báo cáo vậy. Xuống thăm nó nghe. Coi có vậy không, về cho tôi biết.
Lê Châu Lộc đi gặp Phạm Phú Quốc theo lệnh Tổng Thống:
- Tổng thống sai tôi tới, hỏi xem anh có bị hành hạ không .
- Không có.
- Anh dơ tay tôi coi, anh có bị rút móng tay không?
- Không, nhưng tôi có viết một lá thư, nhờ anh đem về được không?
- Tôi không có nhiệm vụ đó. Anh để mấy người điều tra họ lo chuyện đó.
Cũng theo Lê Châu Lộc, chính ông Võ Văn Hải là người đưa ông Nguyễn Chánh Thi ra máy bay để trốn sang Nam vang. Nếu không có lệnh của ông Diệm, liệu ông Hải có dám làm chuyện này không?
NVL: Nhưng còn những trường hợp các ông Tạ Chí Diệp, Nguyễn Bảo Toàn, Hồ Hán Sơn, Vũ Tam Anh thì sao? Họ bị giết, bị thủ tiêu ?
VP: Phải nhìn nhận, đây là vết đen của chế độ Ngô Đình Diệm. Ông Hà Thúc Ký kể rằng đảng viên Đại việt bị tra tấn hay bị thủ tiêu. Nhưng cần lưu ý là những vụ này đều xảy ra vào cuối triều Ngô Đình Diệm, năm 1963, lúc mà ông Tuyến đã bị cho ra rìa và do đó đám mật vụ công an lộng hành dưới quyền Đại tá Nguyễn Văn Y, Tổng giám đốc Cảnh sát công an, và Nguyễn Văn Hay, Dương Văn Hiếu làm phó tổng giám đốc. Theo ông Cao Xuân Vỹ , ông có hỏi Đại tá Nguyễn Văn Hay khi ông này vào trình hồ sơ cho ông Diệm. Ông Diệm phê:”Thanh toán cho xong.” Tụi bộ hạ là Khưu Văn Hai và đàn em hiểu thanh toán là đem giết. Thế là Nguyễn Bảo Toàn và Tạ Chí Diệp bị giết oan. Còn Hồ Hán Sơn thì Trần Kim Tuyến cho là các phe của Cao Đài diệt nhau. Ông Cao Xuân Vỹ cũng có lần hỏi thẳng ông Ngô Đình Nhu về vụ Tạ Chí Diệp, ông Nhu bảo Accident.
NVL: Xin ngắt lời ông một chút. Tôi nhận thấy chế độ hành chánh thời ông Diệm quá tập trung về dinh Độc Lập. Chẳng hạn một chuyện treo cờ Phật giáo cũng phải trình TT, đáng nhẽ tỉnh trưởng phải lo chuyện này. Nhất nhất chuyện gì từ tướng vùng đến các bộ trưởng đều đợi lệnh TT. Ông Nhu trở thành thứ Thủ tướng bất đắc dĩ.
VP: Nhận xét của ông, nhiều người cũng nghĩ như thế.
NVL: Lại còn những tiếng đồn về lãnh chúa miền Trung với những vụ thủ tiêu người nữa .
VP: Cái này tôi chỉ có thể viết lại theo lời cụ Võ Như Nguyện thôi. Theo cụ Nguyện, ông Cẩn là người có máu tham lam, tham nhỏ thì rồi đến lúc tham lớn. Chẳng hạn như việc mua lại khách sạn Morin? Mua bằng gì ? Khách sạn này do ông Nguyễn Văn Yến làm chủ. Ông bị bắt giam đến nỗi chết trong tù Phần tôi — Vĩnh Phúc — tôi vẫn còn thắc mắc là có phải ông Yến chết là do mật vụ ông Cẩn đánh cho chết không? Rồi đến nhà thầu khoán Phương cũng bị chết. Tiền đâu mà ông Cẩn mua khách sạn Thuận Hóa? Chủ Hotel Embassy trong Sàigòn để tên Lê Văn Hiệp. Cái Hotel Maxim ở Paris cũng để tên Lê Văn Hiệp nhưng thực sự là của ông. Còn đất đai ngoài miền Trung thì để tên Lê Trọng Quát.
NVL: Trong vụ xử Phan Quang Đông ngày 26/3/64, tòa án cách mạng họp ở Huế đã xét xử Phan Quang Đông về các tội cố sát, bắt giam trái phép, sách thủ tiền bạc và lũng đoạn kinh tế. Các tội đó liên hệ đến 19 nạn nhân từ 26/10/55 – 1/11/63. Vào Năm 1963, gia đình ông Yến đã đệ đơn TT Diệm cứu xét. Ông Diệm giao cho ông Đỗ Mậu, cục trưởng an ninh quân đội. Ông này sợ liên lụy lại trao cho đại úy Phạm Bá Thích ở Huế. Cuộc điều tra kết quả ra sao thì không ai được biết. Nhưng chắc chắn đã đưa đến cái chết của Phan Quang Đông. Ở Sàigòn thì vào ngày 25/6/64, Dương Văn Hiếu Nguyễn Thiện Dzai và Nguyễn Tư Thái bị kết án khổ sai chung thân và Phan Khanh 10 năm khổ sai.
VP: Người ta bảo Phan Quang Đông phải chết, cũng như Đặng Sỹ phải lãnh án tù, vì các tướng đảo chính muốn làm vừa lòng một số nhà lãnh đạo Phật giáo quá khích.
Các tướng lãnh dưới thời Tổng Thống Diệm, đa số là Phật Tử, chỉ có 2 người theo đạo Công Giáo là ông Huỳnh Văn Cao và Đề Đốc Hồ Tấn Quyền, như vậy TT. Diêm kỳ thị Phật Giáo ở chỗ nào?
NVL: Đây là câu hỏi mấu chốt, câu hỏi có thể còn gây tranh luận, là đầu mối cho việc lật đổ ông Diệm hay ít ra là cái cớ cho việc lật đổ ông: ông Diệm, ông Nhu có kỳ thị Phật giáo hay không?
VP: Câu hỏi coi vậy không khó để trả lời. Nếu tôi làm chính trị thì ngay cho dù tôi có đố kỵ với Phật giáo, tôi vẫn tỏ ra thân thiện với Phật giáo. Ông Diệm, ông Nhu đủ khôn ngoan để làm việc đó. Vấn đề là cấp dưới như tỉnh trưởng, quận trưởng làm bậy mà ông Tổng thống không thể kiểm soát hết được, theo như nhận xét của Hòa thượng Thích Tâm Châu. Nhưng, Ông Diệm không phải là loại người đóng kịch giỏi đến như thế?
NVL: Đóng kịch hay chắc phải dành cho ông Nguyễn Khánh, Trần Văn Đôn?
VP: Không, ông Hồ đóng hay hơn chứ. Khánh, Đôn sao bì được. Khánh phải gọi là diễu dở.
Theo lời kể của Lê Châu Lộc, chính TT Quảng Liên, Hiệu trưởng trường Bồ Đề gần chợ Cầu Muối đã được ông Diệm cho xuất ngoại du học, và chính ông Diệm đã tặng Đức Đạt Lai Lạt Ma 10 ngàn đô-la để giúp người tỵ nạn Tây Tạng.
Phần cụ Võ Như Nguyện, lúc còn làm Chủ tịch Uỷ ban Nội vụ Quốc Hội, đã đưa các TT Trí Thủ, Thiện Minh, Trí Quang vào gặp Tổng thống Diệm để xin đổi tên Hội Phật giáo Thừa Thiên thành Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Ngày hôm sau ông Diệm ký liền.
Còn chuyện này không kém quan trọng: Xưa nay, người ta thường bảo các ông Diệm Nhu ra lệnh tấn công chùa, gọi là kế hoạch “nước lũ”. Việc đem lực lượng cảnh sát tấn công chùa là một quyết định vụng về của chế độ. Đã đành có nhiều tướng lãnh mà đứng đầu là Tôn Thất Đính, đề nghị tấn công chùa. Nhưng trách nhiệm người lãnh đạo vẫn là ông Tổng Thống. Sự sáng suốt, sự khôn ngoan của người lãnh đạo để đâu? Hay cũng bảo rằng đằng sau chuyện này có bàn tay người Mỹ?
Tôi đã hỏi ba người, ở 3 tư thế khác nhau:
NVL: Xin cắt ngang ông một lần nữa về cách thức của ông khi chọn người để phỏng vấn. Sự chọn lựa có chủ đích của ông giúp nâng mức độ khả tín của cuốn sách. Ngoài ông Trần Kim Tuyến là điều cần thiết cho sự hình thành cuốn sách này không tránh được. Những tên tuổi khác đã không có mặt như Lâm Lễ Trinh, Đỗ Mậu là một sự không có mặt có ý nghĩa? Tuy nhiên, có một người mà tôi nghĩ rằng nên được phỏng vấn lắm. Đó là cụ Đoàn Thêm. Tôi biết chút ít về con người cụ Đoàn Thêm. Cụ là người làm việc bên cạnh ông Diệm, nhưng không ưa tính nết ông Diệm, nếu không nói là ghét và đố kỵ. Nhưng qua những ghi chép trong: Việc Từng Ngày, người ta thấy cụ nhận xét chi li, tỉ mỉ và khá là CÔNG BẰNG đối với ông Diệm. Thật sự không cần ca tụng hay nịnh ông Diệm như một số sách đã viết. Theo tôi, chỉ cần viết công bằng, viết trung thực cũng đủ rồi. Rất tiếc là nay cụ Đoàn Thêm cũng đã mất rồi.
VP: Cám ơn hảo ý của ông trong những nhận xét về các nhân vật được phỏng vấn, ông đã nói trúng ý tôi. Riêng cụ Đoàn Thêm tôi đã cố thử xin phỏng vấn nhưng khó lắm, vì cụ dè dặt. Nay rất tiếc cụ dã qua đời. Bây giờ xin trưng dẫn ý kiến của ba người đó.
Ông Cao Xuân Vỹ: “Việc tấn công chùa là do đề nghị của các tướng. Ông Nhu nói với tôi thế này: Phải giải quyết vụ Phật giáo cho xong, không thì anh em binh sĩ ngoài tiền tuyến không an tâm. Sau đó, tôi có hỏi các tướng, các ông chối hết. Nhưng mấy anh em ấy họp nói rằng, chính Tôn Thất Đính chủ trì phiên họp. Nhưng đứng ra hành động là Lực lượng đặc biệt và Cảnh sát.”. Ông Cao Xuân Vỹ cũng có mặt ở chùa Xá Lợi, lúc chùa bị tấn công. Chắc hẳn những điều ông nói là đúng.
Cụ Quách Tòng Đức: Có lẽ với vai trò của cụ là Đổng lý văn phòng phủ Tổng thống, cụ cũng có thể biết được tường tận vụ khủng hoảng Phật giáo. Nhà cụ lại ở ngay cạnh chùa Xá Lợi nên cũng thấy cuộc tấn công chùa. Đây là những câu tôi hỏi cụ: “Có đàn áp Phật giáo hay không?” “ Không có đàn áp Phật giáo. Chính phủ giúp xây chùa Xá Lợi và nhiều chùa khác. Ông Diệm vốn biết nhược điểm của mình là người Thiên Chúa, ông cố giữ quân bình. “ Ai ra lệnh tấn công chùa?” “ Lúc đó ra lệnh miệng thôi à. Tấn công chùa là Cảnh sát, không phải quân đội. Tôi ở ngay bên, các chùa cũng để loa rầm rộ lắm. Nghe họ hô những khẩu hiệu ghê lắm. Xem thường chính phủ lắm”. “ Có vài tướng đề nghị đánh chùa?” “ Chắc là các tướng như tướng Đính có ý kiến đánh vào các chùa. Tôi thấy khi có vụ Phật giáo rồi, cụ Diệm buồn. Tôi đoán thấy ông hơi chán nản. Phật giáo làm quá rồi, ổng không muốn làm việc nữa. Một số công việc tôi trình lên. Ổng nói đưa cho ông Nhu. Tôi không thấy ông Nhu có tham vọng thay ông Diệm. Không thấy gì “.
Hòa Thượng Tâm Châu: Theo Ông Cao Xuân Vỹ :” Ông Tâm Châu không biết gì cả, vừa là nạn nhân, vừa là anh hùng”.Tôi đã hỏi Hòa thượng Tâm Châu như sau:
- Theo Hòa Thượng, Tổng thống Diệm và ông Nhu có kỳ thị Phật giáo không?
- Thực ra đối với TT Diệm khi đó tôi có gặp thì biết, ngài là người nho học. Ngài có tinh thần dân chủ hơn. Còn vấn đề kỳ thị, thì tôi không dám nói có hay không có. Chắc chắn thì tôi nói thẳng thắn ở cấp trên thì đương nhiên hiểu biết rộng hơn cấp thừa hành dưới, hoặc là chẳng hạn bị ảnh hưởng của Tổng giám mục Ngô Đình Thục là người vẫn muốn làm sao tôn giáo mình phát triển, nên tìm phương thức.. Có thể người dưới làm những cái nó sinh ra chuyện không tốt. Tôi tin tưởng là cấp trên không đến nỗi nào.
- Hồi đó sự phát triển Phật giáo nói chung, mà điển hình là sự phát triển các chùa chiền, có gì trở ngại không?
- Thực ra không có gì trở ngại. Nó chỉ có vấn đề trong sự bình thường chỗ nào làm chùa mà xin phép thì được xét thôi. Chung chung không có gì cả.
- Không bị trở ngại?
- Chỗ nào thì tôi không biết chứ trong Sàigòn thì tôi không thấy.Tôi thực sự không thấy.
- Hôm cảnh sát tấn công chùa, Thầy đang ở đâu?
- Tôi đang ở chùa Xá Lợi. Tôi cũng bị bắt, bị giam, nhưng không biết là giam ở đâu. Giam cho đến ngày 2/11/1963 mới được về.
- Thầy có bị hành hung không?
- Đánh đập thì không có.
- Phong trào tranh đấu Phật giáo có bị ảnh hưởng của Cộng Sản không?
- Dạ không. Không có. Ở miền Trung thì tôi không biết, nhưng trong Nam thì tôi không thấy có vấn đề Cộng Sản. Về sau mới có chứ lúc ấy không có gì .
- Riêng thầy, Cộng sản có cho người liên lạc không?
- Tôi không bao giờ có, tôi chống Cộng từ Bắc.
- Thầy nghĩ sao về thầy Trí Quang? Người ta nói thầy Trí Quang thiên Cộng?
- Tôi không được gặp thầy Trí Quang nhiều. Ngài ở ngoài Trung. ChỈ nói thẳng thắn cái cao vọng của cụ ấy nặng hơn, chứ còn Cộng Sản thì không biết sao cả.
VP: Cần nói thêm là ngoài một số viên chức chính phủ làm bậy để lấy điểm, còn một số cha di cư lợi dụng tên tuổi ông Diệm để trục lợi.
NVL: Có thể ông cho biết một vài trường hợp cụ thể.
VP: Thì như ông Cha Khai, đi đâu cũng lấy danh nghĩa người của Tổng Thống . Ông Diệm đã gọi vào và từ đấy, ông không còn được héo lánh đến dinh Độc Lập như trước nữa.
NVL: Còn một người nữa không thể không nói đến. Bà Ngô Đình Nhu. Nếu Thượng Tọa Trí Quang có thể làm rung chuyển nước Mỹ thì Bà Nhu có thể làm lung lay chế độ? Ông đồng ý chứ?
VP: Đồng ý một nửa. Câu hỏi của ông có tính gài bẫy, trả lời cũng chết, không trả lời cũng chết
NVL: Tôi có cảm tưởng ông có vẻ ghét, khinh thường bà Nhu về những ngôn ngữ, cử chỉ xấc xược của bà ấy. Mặt khác, tôi lại có cảm tưởng ông biện hộ, bênh vực bà ấy. Chẳng hạn, trong sách ông cố tình chứng minh rằng bà ấy không kinh tài, không tham nhũng, hối lộ? Điều đó có mâu thuẫn không?
VP: Không có gì là mâu thuẫn cả. Ghét là một chuyện. Ghét tính nết, không ưa. Nhưng ông cho phép tôi dùng lại chữ của ông đã dùng, tôi phải CÔNG BẰNG với bà ấy. Theo tôi, bà là nạn nhân bị bôi nhọ một cách thô bỉ nhất thời ông Diệm.
NVL: Xin cho vài tỉ dụ cụ thể.
VP: Nó hạ cấp đến chả muốn nói ra đây như ghế khoái lạc, phòng bà Nhu bốn phía lắp gương, ngủ với ông Diệm, giữa thanh thiên bạch nhật ngồi trên lòng ông Diệm, ỏn ẻn bá vai bá cổ.
NVL: Tôi nghĩ rằng, đối với Hà nội khi họ bôi bẩn bà Nhu, nó không còn chỉ nhằm vào cá nhân bà Nhu và chế độ ấy nữa, nó vượt lên trên những bôi nhọ cá nhân. Nó trở thành chính sách, đường lối của nhà cầm quyền Hà nội bấy giờ nhằm bôi xấu miền Nam. Họ dùng những sách báo bôi bẩn chế độ miền Nam để tuyên truyền chống lại miền Nam. Miền Nam đã để sơ hở về điều này. Ở miền Nam thì Cộng Sản khuynh đảo, thổi phồng bịa đặt để gây rối loạn. Ở ngoài Bắc thì ngược lại bưng bít, ém nhẹm và xuyên tạc miền Nam. Điều đó cho thấy Cộng Sản chỉ có thể tồn tại bằng sự che đậy, gian trá và lừa đảo. Đồng thời, nó cảnh báo chúng ta phải cảnh giác một số những cây viết ngoài nước, một số diễn đàn điện tử đang tuyên truyền cổ võ làm tay sai cho Cộng Sản. Tôi cũng xin được phép bạch hóa một vài tác giả mà ông vẫn muốn né tránh, không tiện hài tên họ ra. Đã đến cái thời điểm phải đưa tên họ ra rồi. Đó là những tác giả như ông Mặc Thu, Lê Trọng Văn (cán bộ Cộng Sản ) Nguyễn Đắc Xuân (cán bộ Cộng sản) Hoàng Trọng Miên.
VP: Trước đây, tôi đã không thể nào mường tượng nổi ảnh hưởng tai hại của những cuốn sách do họ viết. Bởi vì, miền Nam có tự do viết, ngay cả bôi nhọ. Người đọc tự mình phải biết chọn lựa đọc và chọn thế đứng của mình.
Nhưng nay thì tôi đau xót nhìn nhận rằng, ảnh hưởng đó xâm nhập vào tim óc, lục phủ ngũ tạng của một số người một cách vô thức rồi. Chẳng hạn, sau biến cố 1/11/63, đợi đến năm 1964, chính quyền của mấy ông Tướng đã mang trưng bầy tại phòng Thông Tin Đô Thành một chiếc ghế được mênh danh là Ghế Khoái Lạc, biểu tượng sự sạ đọa của chính quyền Ngô Đình Diệm. Mà thực ra đó chỉ là cái ghế của thợ uốn tóc, có thể bấm cho lên xuống, ngả ra, xoay qua xoay lại, mà bà Nhu cho đem vào dinh Độc lập, vì bà không muốn ra ngoài làm tóc. Không biết khi bà Nhu ngồi trên ghế đó thì có cảm giác khoái lạc như có sóng trong bụng em không? Và cũng không biết rằng có ai đó, một phụ nữ, bất kể là ai đã ngồi thử để biết thực hư thế nào? Ghế khoái lạc thì có. Bà Nhu đã ngồi, đã khoái lạc. Chỉ rất tiếc sau đó đã không ai ngồi thử để minh chứng cho lời cáo buộc bà Nhu là sự thật?
NVL: Nhưng điều chắc chắn là nó thỏa mãn và đem lại sảng khoái cho hàng ngàn, hàng vạn người đọc cuốn sách Đệ Nhất phu nhân của Hoàng Trọng Miên mà trong thư viện VN chỗ tôi ở cũng bày ra vài cuốn. Đến lượt ông Nguyễn Đắc Xuân viết một bài đăng trên Giao Điểm, theo ông Nguyễn Đắc Xuân, phái đoàn sinh viên của ông được các sĩ quan hướng dẫn cho biết, muốn vào phòng bà Nhu bắt buộc đi qua phòng ông Diệm. Ở đây ám chỉ sự thông đồng giữa bà Nhu và ông Diệm. Trong phòng bà Nhu thì chung quanh đều có lát gương bốn phía và được giải thích công dụng của chúng để làm gì? Một ám chỉ rất vô giáo dục?
VP: Tôi nghĩ, một cái dinh của một Tổng Thống không thể * lụi xụi *, phòng nọ sát phòng kia như cái tâm * lụi xụi * của Nguyễn Đắc Xuân được. Không biết dinh Gia Long thế nào, cho dù nó bằng nửa dinh Độc Lập đi, tôi xin mạn phép nói về sự bài trí trong dinh Độc Lập để độc giả tiện so sánh. Theo cụ Quách Tòng Đức, dinh Độc Lập có hai tầng, tầng dưới có hai phòng khánh tiết tráng lệ và có văn phòng cố vấn Ngô Đình Nhu, văn phòng Bộ trưởng phủ tổng thống, văn phòng đổng lý, văn phòng Tổng thơ ký phủ tổng thống và nhân viên. Tầng trên chia ra ba phần: phần giữa là hai phòng khánh tiết lớn, phía trái của hai phòng khánh tiết dành làm văn phòng và phòng ngủ của tổng thống, rồi phòng sĩ quan tùy viên. Phòng tổng thống Diệm trang trí sơ sài với cái giường nhỏ bằng gỗ, một bàn tròn và ba ghế da. Nơi đây, ông Diệm thường dùng cơm và tiếp bộ trưởng, tướng lãnh. Phía phải phòng khánh tiết là nơi cư ngụ của gia đình bà Nhu. Sự bài trí như thế có quy củ, có sự trang trọng đúng cái *protocole* của một dinh tổng thống. Có lẽ nào nó lùi xùi, lẹo tẹo, phòng bà Nhu dính sát phòng ông Diệm?
Phải khinh mình và khinh người đọc lắm mới dám viết như vậy.
Tôi nghĩ thêm rằng, trong đám sinh viên hơn hai chục người còn lại, rất có thể có những người khác đọc bài này sẽ không ngần ngại lên tiếng. Tôi hy vọng là như thế ? Có gì ghê gớm lắm đâu? Nếu quả thực bà Nhu là như thế thì bà chỉ là một thứ đàn bà dâm đãng? Trong thiên hạ, thiếu gì những người đàn bà như thế? Nếu có cũng chỉ là chuyện bình thường. Còn nếu quả thực bà không như thế thì những người còn có chút công tâm cần trả lại danh dự cho bà. Vả lại, một người không cần thông minh cũng có thể thấy rằng nếu là người dâm đãng thì bà Nhu phải tìm những người đàn ông khoẻ mạnh, đẹp trai, có vô số trong hàng sĩ quan hay công chức cao cấp. Cớ gì bà lại chọn ông anh chồng gần như một nhà tu, lùn tì, bụng phệ, buổi sáng chỉ thích ăn điểm tâm cháo trắng với cá kho?
NVL: Việc ông Nguyễn Đắc Xuân viết chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng nó trở thành đại sự khi mới đây, tôi sửng sốt đến sợ hãi qua bài viết ngắn của ông Bùi Tín: Kết thúc cuộc đối thoại vô bổ, đăng trên Talawas, ra ngày 3/1/07 và lá thư của ông Nguyễn Trung Lương, cũng trên Talawas, đề ngày 10/1/97.
Chỉ trong vài dòng của ông Bùi Tín, tôi khám phá ra được sự tàn bạo, sự đê tiện, sự khốn nạn và bất hạnh cho những ai phải sống trong chế độ Cộng sản. Ông Bùi Tín viết như thế này:” Tôi đã tìm hiểu và suy nghĩ rất kỹ.. Không có chuyện ông Diệm tằng tịu với bà Lệ Xuân, ông Diệm không có vợ thật sự cũng không có con riêng, con hoang ..”
VP: Theo tôi, phải chăng kể từ cuối những năm 1950, ông Bùi Tín cũng như nhiều người khác ngoài Bắc đều tin là thật chuyện hủ hóa của bà Nhu với ông Diệm? Và ông Bùi Tín phải mất nhiều năm tháng, nhiều ám ảnh mới truy ra điều vu cáo ông Diệm là chuyện gian dối? Thì ra, trong suốt những năm tháng ấy, ông tin chuyện ông Diệm tằng tịu với bà em dâu là có thật?
NVL: Tôi tự hỏi đã có bao nhiêu người được như ông Bùi Tín, còn biết tra vấn, cất công tìm hiểu và sau đó có cái may mắn để truy tìm ra được sự thật? Trong khi đó, người trong Nam chỉ coi truyện đó như loại chuyện tiếu lâm tào lao xích đế?
Phải chăng người dân miền Bắc đã bị nhiễm độc, tuyên truyền đến nỗi có thể tin được một câu chuyện như thế?
VP: Tôi có đọc lá thư của ông Nguyễn Trung Lương gửi cho ông Bùi Tín. Ông Lương cho biết, vào cuối những năm 50, khi còn ngồi ghế nhà trường Hà nội, ông đã nghe và tin chắc thế: Ông Diệm ngủ với bà Nhu. Ông Lương còn cho biết thêm Hoài Thanh đã có lần tiết lộ bà Thụy An, dính líu đến Nhân Văn giai phẩm, thường ăn chơi với bọn trong Ủy Ban kiểm soát đình chiến như bọn Gia Nã Đại và bọn NVGP đã dùng Thụy An làm Mỹ nhân kế với những văn nghệ sĩ trẻ dại dột như Phùng Quán, Lê Đạt .. Hiện nay, ông Lê Đạt hay có mặt ở tòa báo Tia Sáng của Văn Thành chắc có thể lên tiếng cải chính? Câu chuyện về những hệ thống tuyên truyền rỉ tai, đầu độc dư luân, ngụy tạo, chụp mũ, bôi bẩn của chính quyền Cộng Sản còn tinh vi hơn thế nữa: đến cái độ mà người dân mất cảnh giác đến không phân biệt đâu là thật, đâu là giả nữa NVL: Nay đã đến lúc chúng ta phải tạm ngưng hai buổi trọn mạn đàm với ông. Tôi phải thú thực là trong suốt hai buổi mạn đàm đó, chúng ta có dịp trao đổi nhiều điều bổ ích. Còn quá nhiều chi tiết mặc dầu tôi đã thu vào băng, tôi cũng không tiện ghi hết ra đây. Có một số điều tôi đã ghi chú riêng về cảm tưởng của tôi về buổi mạn đàm này, tôi đã nói ở phần đầu xin khai triển thêm, xin được thưa với ông: – Thứ nhất, ông có một trí nhớ tuyệt vời. Trong hai ngày mạn đàm, tôi là người phần lớn ngồi nghe, ông là người nói. Ông đã nói liên miên trong suốt hai ngày làm việc, nói không ngưng nghỉ. Không một tờ giấy trước mặt. – Thứ hai, mặc dầu có cảm tưởng ông biện giải cho những sự thật về ông Diệm, tôi không tìm thấy nơi ông một chút xíu nào về một cảm tình quá độ, một partie-prise, ông vẫn gây cho tôi một cảm tưởng, biện hộ hẳn là có, nhưng vẫn thong dong thoải mái, vẫn có một thái độ khách quan chừng mực, trí thức và cẩn trọng. – Thứ ba, và đây có thể là điều quan trọng nhất, ông bằng mọi cách mọi giá tôn trọng sự thật như thái độ chọn lựa cân bằng các người được phỏng vấn. Chọn người được phỏng vấn ở nhiều góc độ khác nhau khiến cho sự kiện được nêu ra đạt được độ khả tín cao. Ông không có thói quen cường điệu hóa một sự việc, một biến cố, chủ quan cho rằng mình nắm được sự thật. Có những điều tôi đặt ra cho ông mà ông không nắm rõ, ông thẳng thắn thú nhận là điều này ông không biết rõ. – Thái độ lương thiện trí thức đó của một người cầm bút như ông với cuốn sách này: Cuốn Những Huyền Thoại Và Sự Thật Về Chế Độ Ngô Đình Diệm sẽ giúp bạch hóa một số điều đã bị ngộ nhận theo tin đồn hoặc theo những luận điệu bôi bẩn, chụp mũ của một số người. Chẳng hạn hai ông Diệm Nhu không kỳ thị tôn giáo, không đàn áp, giết, hay giam cầm hằng vạn người đối lập. Ông Nhu không hút thuốc phiện. Ông Diệm không ăn cắp nghiên mực của vua Tự Đức theo lời tố cáo của Nguyễn Đắc Xuân, không giết Trịnh Minh Thế như lời tố cáo của Lê Trọng Văn. Nhất là ông Diệm không có chính sách đàn áp, giết hại người Phật Tử như biến cố Đài phát thanh. Và theo như lời nhận xét của ông Tuyến:” Mọi chuyện diễn ra như một định mệnh đã được an bài”. – Nói đúng ra, ông có lòng can đảm và sự trung thực. Cuốn sách của ông sau này sẽ là tài liệu tham khảo cho bất cứ ai muốn biết một số sự thật về chế Ngô Đình Diệm. Mong là cuốn sách sẽ được nhiều bạn đọc để biết sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm. Đặc biệt nhất là giới trẻ sau này.

(2) Ngô Kinh Luân/Cand.com
Cái chết của anh em nhà họ Ngô: Ngô Đình Diệm - Bước đường từ Tri huyện lên Tổng thống

Giai đoạn lịch sử đầy biến động tại miền Nam từ năm 1945 đến năm 1975 gắn liền với tên tuổi Ngô Đình Diệm - Tổng thống đầu tiên của chính quyền Sài Gòn.
Khi tôi bắt đầu thực hiện loạt bài viết này, cũng là đúng 50 năm ngày hai anh em ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị nhóm đảo chính quân sự bắn chết, 1/11/1963 - 1/11/2013.
Ngô Đình Diệm sinh ngày 3/1/1901, tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Cha ông là Ngô Đình Khả, từng làm quan dưới triều Nguyễn. Sau khi Vua Thành Thái bị Pháp đày sang châu Phi, ông Khả trả ấn từ quan về quê làm ruộng. Một thuyết khác cho rằng, vì ông Khả không chịu ký vào đơn yêu cầu Thành Thái thoái vị, nên bị thực dân Pháp cách chức.
Ngô Đình Diệm bẩm sinh thông minh, đường học vấn lẫn chốn quan trường đạt nhiều thuận lợi. Năm 1921, khi mới 20 tuổi, ông tốt nghiệp Trường Hậu Bổ tại Hà Nội, được phong chức Tri huyện Hương Trà, sau đó chuyển sang làm Tri huyện Hương Thủy, Quảng Điền (Thừa Thiên Huế). Năm năm sau, năm 1926, ông được bổ nhiệm làm Tri phủ Hải Lăng (Quảng Trị).
Năm 1929, ông nhậm chức Tuần vũ tỉnh Phan Thiết (Bình Thuận). Bốn năm sau, ông được bổ nhiệm làm Thượng thư Bộ lại dưới triều Vua Bảo Đại. Đó là năm 1933, khi Ngô Đình Diệm 32 tuổi, ông là Thượng thư trẻ nhất trong triều Nguyễn lúc bấy giờ.
Ngay khi nhậm chức, ông Diệm đề trình việc thành lập Viện Dân biểu với quyền hành pháp, nhưng chính phủ bảo hộ không thừa nhận. Tháng 7/1933, Ngô Đình Diệm từ quan để phản ứng lại sự phủ nhận Viện Dân biểu của Pháp.
Rời quan trường
Sau khi rời khỏi quan trường, Ngô Đình Diệm lui về ở ẩn, nhưng vẫn ngấm ngầm ủng hộ Hoàng thân Cường Để đang sống lưu vong tại Nhật với ý định thực hiện một cuộc cách mạng lật đổ Pháp hoàn toàn.
Suốt từ năm 1933 cho đến năm 1940, ông Diệm được coi là một nhân vật quá khích, xếp chung với Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam.
Có hai nhận định về ông Ngô Đình Diệm rất đáng lưu ý, nhận định này được đưa ra từ người Mỹ, những người vốn được xem là dựng lên Ngô Đình Diệm. "Ông ấy (tức Ngô Đình Diệm) là một con người luôn muốn được tất cả, hoặc không có gì", đây là tính cách nhất quán của ông Diệm từ khi ông làm quan cho đến lúc ông bị bắn chết, đúng nghĩa "được ăn cả, ngã về không". Và, "ông Ngô Đình Diệm là một con rối. Nhưng con rối ấy tự giật dây mình và giật dây luôn cả chúng ta". Điều này cho thấy, người Mỹ không xem ông Diệm là một kẻ bù nhìn, như bấy lâu nhiều người nhầm tưởng.
Khuya ngày 9/3/1945, người Nhật âm thầm thay thế vị trí của người Pháp tại An Nam. Thời điểm này, ông Diệm đang hoạt động tại Sài Gòn. Người Nhật thế chỗ người Pháp, ông Diệm rất hy vọng người Nhật sẽ đưa Hoàng thân Cường Để về để nắm giữ chính quyền, nhưng trái ngược với hy vọng của ông, người Nhật quay ngoắt sang ủng hộ Vua Bảo Đại. Bảo Đại mời ông Diệm làm Thủ tướng, nhưng ông từ chối. Sau cuộc thương lượng với người Nhật, ông Trần Trọng Kim ngồi vào vị trí này.
Ngày 17/4/1945, Chính phủ Trần Trọng Kim ra mắt nhân dân với dàn nội các toàn là những bậc trí sĩ, thức giả đầy uy tín. Chính phủ do Thủ tướng Trần Trọng Kim đứng đầu, thừa về tinh thần dân tộc, khát vọng tự do, chính sách đổi mới nhưng lại thiếu nghiêm trọng về thực quyền.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Vua Bảo Đại thoái vị, Chính phủ Trần Trọng Kim tan rã theo. Rồi Pháp lại nhanh chóng tái chiếm Việt Nam, Bảo Đại tiếp tục được biến thành con cờ trong tay người Pháp.
Năm 1949, Hiệp định Élysée được ký kết, Bảo Đại thêm lần nữa mời ông Diệm đứng ra làm Thủ tướng thành lập nội các. Ông Diệm lại từ chối: "Tôi không tin người Pháp, lại càng không tin vào nền độc lập nửa vời mà người Pháp vẽ ra".
Sau lần từ chối này, ông Diệm cùng Giám mục Ngô Đình Thục và người em ruột là Ngô Đình Nhu thành lập đảng Xã hội Thiên Chúa giáo. Ông Diệm muốn xây dựng đảng này thành một đảng độc lập với tất cả các thế lực khác trong nước. Thời điểm này, ông trông chờ vào sự giúp sức của Mỹ.
Năm 1950, ông Diệm cùng ông Thục sang Nhật, tìm cơ hội xin diện kiến Thống tướng Douglas MacArthur, tuy nhiên Thống tướng Douglas MacArthur tiếp kiến ông Diệm, ông Thục rất lạnh nhạt và tỏ ý khiên cưỡng, hoàn toàn không có động thái cho thấy sẽ ủng hộ.
Thất bại trong cuộc vận động Thống tướng Douglas MacArthur, nghe theo lời khuyên của Wesley Fishel, giáo sư chính trị Đại học Michigan, ông Diệm sang Hoa Kỳ, dùng đủ mọi cách để tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền Eisenhower nhưng cũng không thành công vì hai lẽ. Thứ nhất, Mỹ đang bận tham chiến tại Triều Tiên. Thứ hai, người Mỹ không muốn làm mất lòng người Pháp.
Điều may mắn nhất của ông Diệm vào thời điểm tuyệt vọng này, chính là vị Hồng y Spellman nảy sinh hảo cảm với ông Thục và đồng ý nhận lời làm trung gian giúp ông Diệm có cơ hội diện kiến với những nhân vật quan trọng trong chính quyền Hoa Kỳ. Từ sự giúp đỡ của Hồng Y Spellman, ông Diệm đã tranh thủ được tình cảm của dân biểu Walter H. Judd, Thượng nghị sĩ Mike Mansfield. Đặc biệt là Thượng nghị sĩ John F. Kennydy rất nhiệt tình với ông Diệm.
Suốt trong những năm dài ở Mỹ, thi thoảng ông Diệm sang các nước châu Âu, như Bỉ, Ý, Pháp... nên ông có thêm nhiều kinh nghiệm hoạt động chính trị./


(Báo CongAnNhanDan, 6-11-13). (Source: http://antg.cand.com.vn/vi-VN/tulieu/2013/11/81958.cand)

12 Tháng Hai 2015(Xem: 7578)
TTO - Ngày 12-2, phóng viên chiến trường huyền thoại Bob Simon đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông tại thành phố New York (Mỹ).
29 Tháng Giêng 2015(Xem: 67150)
Trên FB tôi thấy đại đa số thường chọn hình mình hoặc hình con mình để làm avatar, ít hơn một chút thì lấy hình của người yêu, vợ hoặc chồng, hoặc một hình gì đó mà mình yêu thích.
02 Tháng Mười 2014(Xem: 15104)
Bác sĩ Nguyễn Vũ Thanh Sơn, chạy vội lên cầu thang, nhảy từng ba bậc một để lên lầu 4. Không dùng thang máy vì phải đợi quá lâu, bác sĩ Sơn vừa chạy vừa nói vào điện thoại cầm tay, ra lệnh cho y tá chích thuốc giải cơn động kinh ngay cho người bệnh nhân nằm trong phòng 412.
14 Tháng Chín 2014(Xem: 12080)
Ở Nam Cali tôi được gặp mấy nhóm thân hữu, toàn những người có tấm lòng son sắt với quê hương và dân tộc. Tôi còn nhớ một chị thổ lộ rằng nghe Trung Cộng kéo giàn khoan vào Biển Đông mà lòng đau quặn, có đi chơi cũng không thấy vui, có đi ăn cũng chẳng thấy ngon.
02 Tháng Chín 2014(Xem: 14988)
* Vừa qua có ý kiến so sánh sự phát triển của ta với Hàn Quốc. Cụ thể là “cách đây bốn, năm mươi năm, Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, rà lại tư liệu thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại Việt Nam và Việt Nam cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, làm quản lý, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc chủ yếu làm thuê”. Ông nghĩ sao về sự so sánh này?
21 Tháng Tám 2014(Xem: 17017)
Văn Hóa Magazine Online nhận được E-mail từ bạn đọc và từ Viet Art Center vietartcenter@aol.com, một thư ngỏ của Ô. Phan Kỳ Nhơn, Chủ tịch Liên Ủy Ban Chống CS & Tay Sai, một của Đức Cha Dominic Mai Thanh Lương, Giám mục Phụ tá Giáo phận Orange và một của Giáo sư John Tsuchida. Để rộng đường dư luận, tòa soạn Văn Hóa đăng nguyên văn ba Thư ngỏ dưới đây:
13 Tháng Tám 2014(Xem: 16167)
“It’s so sad, it’s so sad”(Thật là buồn, thật là buồn), tôi nghe thấy Pat lẩm bẩm nói bâng quơ... Không ai nói năng gì nữa. Cũng chẳng còn hạt nước mắt nào để mà khóc. Tôi ngả đầu vào lưng ghế và nhắm mắt lại,” Tổng thống (TT) Richard Nixon viết để kết thúc cuốn Hồi Ký đài 1,120 trang.
10 Tháng Tám 2014(Xem: 8409)
VnExpress hỏi: Để phát triển hợp tác Việt Nam và Mỹ, theo Ngài Đại sứ hai nước cần đạt được những đồng thuận và nhượng bộ gì để giải quyết một số vấn đề hạn chế còn tồn tại giữa hai quốc gia? Trân trọng cảm ơn Ngài Đại sứ và Quý báo! (Nguyen Truong An, 37 tuổi, Dai Ang, Thanh Tri, Ha Noi)
29 Tháng Bảy 2014(Xem: 8328)
Thân phụ là Nguyễn Phước Ưng Quả, hiệu Vân Hán (1905-1951), cháu nội Tuy Lý Vương Miên Trinh - tự Khôn Chương, hiệu Tĩnh Phố, người con thứ 11 của vua Minh Mạng và em vua Thiệu Trị. Nhà giáo Ưng Quả là học giả uyên bác được giới khảo cứu Việt học của Pháp kính trọng và là bậc thầy của một thế hệ giáo sư, sau này có nhiều khoa trưởng của các Đại học thời độc lập.
22 Tháng Bảy 2014(Xem: 12030)
Ông Phạm Quang Vinh là nhà ngoại giao chuyên nghiệp với thâm niên hoạt động trên 30 năm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa bổ nhiệm ông Phạm Quang Vinh làm đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, thay ông Nguyễn Quốc Cường sắp hết nhiệm kỳ.
10 Tháng Bảy 2014(Xem: 19355)
Tôi là Huỳnh Tấn Mẫm, không mang một danh phận nào trong guồng máy công quyền hay một địa vị xã hội, tôi chỉ là một thanh niên – nếu các bạn cho tội dùng từ này – một thanh niên nhiều tuổi, và hơn thế, là một công dân có ý thức trách nhiệm về tình hình đất nước hiện nay. Tôi tiếc là không còn nhiều thời gian và sinh lực như các bạn, để có thể cống hiến một cách xứng đáng và trọn vẹn cho một vận hội mới đang đến với dân tộc.
03 Tháng Bảy 2014(Xem: 12667)
Lần đầu tiên trong lịch sử 236 năm của hải quân Hoa Kỳ, một phụ nữ được đề cử vào vị trí cao thứ 2 trong lực lượng này. Thông tín viên VOA Zlatica Hoke tường thuật rằng bà Michelle Howard được thăng chức hôm thứ ba lên làm đô đốc 4-sao và nhận trọng trách mới là phó trưởng lực lượng hải quân. Bà Howard đã làm nên lịch sử qua sự nghiệp quân đội của mình.
01 Tháng Bảy 2014(Xem: 11658)
Hơn 50 năm sưu tầm, ông Huệ đang sở hữu nhiều tem quý, trong đó có bộ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
29 Tháng Sáu 2014(Xem: 7662)
Phụ trang kinh tế của nhật báo Le Monde hôm nay có bài viết mang tựa đề « Chúc Hoàng, nhà triệu phú của tháp Eiffel » với giòng giới thiệu : « Ở tuổi 70, người kỹ sư Pháp gốc Việt kín tiếng ra khỏi bóng tối khi đưa ra đề nghị OPA đầu tiên » : Ông muốn mua lại cổ phiếu của Công ty quản lý tháp Eiffel.
26 Tháng Sáu 2014(Xem: 7666)
Thủ hiến tiểu bang Nam Úc, ông Jay Weatherill, loan báo bổ nhiệm ông Lê Văn Hiếu (trái) làm toàn quyền tiểu bang. Một chính khách gốc Việt từng là dân tỵ nạn sẽ trở thành toàn quyền kế tiếp của bang Nam Úc của nước Úc.
05 Tháng Sáu 2014(Xem: 13183)
Nói chung, sau khi chúng ta đánh bại Mỹ, không đế quốc nào dám đánh chúng ta nữa. Chỉ có những người nghĩ rằng họ vẫn có thể đánh chúng ta và dám đánh chúng ta chính là những kẻ phản động Trung Quốc.
14 Tháng Năm 2014(Xem: 12812)
Tác giả Song Vũ, trong bút ký Sau Cơn Binh Lửa, xin độc giả tha thứ nếu ông không phải là nhà văn — trong ý nghĩa một người viết văn.
27 Tháng Ba 2014(Xem: 8236)
Ông Vũ Ánh gắn bó cả đời với báo chí, khi còn ở trong nước lẫn khi ra hải ngoại. Một cây đại thụ đáng kính của ngành báo chí, phát thanh Việt Nam từ trong nước ra đến hải ngoại, nhà báo Vũ Ánh (1941-2014), qua đời đột ngột tại Quận Cam ngày 14/3.
17 Tháng Ba 2014(Xem: 13905)
Cháu gái của tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Cầu vừa gửi đơn tới chủ tịch nước CSVN xin đi tù thay cho ông nội hiện bị tù đã 39 năm với nhiều thứ bệnh nghiêm trọng. Ông Nguyễn Hữu Cầu, tù nhân lương tâm bị kết tù chung thân từ năm 1982 chỉ vì tố cáo quan chức Kiên Giang làm bậy.
06 Tháng Ba 2014(Xem: 7625)
Ông Trương Duy Nhất từng được Ban Tuyên giáo tuyên dương Tòa án Nhân dân TP Đà Nẵng vừa tuyên án nhà báo Trương Duy Nhất 2 năm tù giam trong phiên xử ngắn ngủi vào sáng thứ Ba ngày 4/3.