Phan Quang Tuệ, Thẩm phán Tòa Di trú Liên bang San Francisco Ứng cử Dân biểu Liên bang, Đơn vị Calif., 11

05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 7202)

+++++++++++++++

image074-content
Thẩm phán Phan Quang Tuệ, Tòa Di trú Liên bang San Francisco

Ứng cử viên Dân biểu Liên bang, Đơn vị Calif., 11

 

THƯ NGỎ GỞI QÚY ĐỒNG HƯƠNG

 

Đầu năm tôi và gia đình xin gởi đến tất cả quý vị đồng hương một năm mới nhiều sức khoẻ, may mắn, thịnh vượng.

 

Tôi tên là Phan Quang Tuệ, Thẩm phán Tòa Di trú Liên bang San Francisco từ 1995 cho đến khi về hưu cuối năm 2012. Ngày 14 tháng Giêng 2014, tại Rotary Club, thành phố Walnut Creek, California, tôi công bố quyết định tranh cử vào Quốc hội Liên bang, Đơn vị 11 California. Ngày 23 tháng Giêng, chính thức nộp đơn tranh cử (Statement of Candidacy) với Ủy ban Bầu cử Liên bang (Federal Election Commission) tại Hoa Thịnh Đốn.

 

Tôi sinh ra tại thành phố Tam Kỳ. Thuở nhỏ học trường Pellerin, Huế và kế đến Taberd Saigon. Tiếp tục theo học Yersin, Đà Lạt, và Jean- Jacques Rousseau, Saigon, đậu Tú tài năm 1960, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Saigon năm 1965. Sau một thời gian ngắn tập sự luật sư, lần lượt làm việc tại Thông Tấn Xã, Ngân Hàng Quốc Gia. Tết Mậu Thân 1968 trình diện nhập ngũ khóa 2/68 Trường Bộ Binh Thủ Đức. Mãn khóa về trình diện Nha Quân Pháp. Sĩ Quan Quân Pháp cho đến khi biệt phái về Tối Cao Pháp Viện. Chức vụ cuối cùng ở Việt Nam là Công Cán Uỷ Viên, Văn Phòng Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện, Dinh Gia Long, Saigon.

 

Cùng với gia đình đặt chân lên nước Mỹ tháng Năm 1975. Việc làm đầu tiên là rửa chén, tiếp theo dạy Pháp văn tại trường Georgetown Preparatory High School, Montgomery County, Maryland. Sáng dạy học, chiều rửa chén. Sau đó làm thợ đánh giày ở Bethesda, thợ mài ở Gaithersburg, Maryland. Kế tiếp làm tùy phái cho Văn Phòng Luật sư Fried, Frank, Harris, Shriver & Kampelman ở Hoa Thịnh Đốn. Từ tùy phái leo dần lên làm lục sự, và cuối cùng phụ tá pháp luật cho văn phòng này.

 

Hè 1979 đưa gia đình về Des Moines, Iowa, sau khi được tuyển dụng vào làm việc cho Trung Tâm Định Cư ở thành phố này. Ngày bắt đầu, việc làm bị đình trệ vì chưa có ngân sách. Liền nhận ngay công việc đưa báo hàng ngày.

 

Miền Trung tây (Midwest) Hoa Kỳ, còn được gọi là Miền Đất Tâm điểm (Heartland), mùa Đông buốt giá, mùa Hè nóng bỏng. Để thêm lợi tức, đã lần lượt làm những công việc như corn detassling (nhặt râu bắp) ngoài đồng, đòi nợ (bill collection by telephone), giao yellow phone books. Vợ tôi mang thai nhưng nhận làm việc ca đêm cho Bưu Điện.

 

Năm 1982 trở lại học luật tại Drake University Law School, Des Moines, và hoàn tất chương trình năm 1985, vừa làm, vừa học. Đậu Luật sư Đoàn tiểu bang Iowa năm 1986, được bổ nhiệm làm Thẩm phán Bộ Lao Động và kế đó Tùy viên Công tố (Assistant Attorney General) Bộ Tư Pháp tiểu bang Iowa. Nhà tôi trở lại đại học và tốt nghiệp Drake University với bằng Cử nhân quản trị kinh doanh, vừa đi học, vừa đi làm, vừa lo công việc nội trợ.

 

Năm 1988, được tuyển dụng làm luật sư công tố (trial attorney) cho Sở Di trú ( Immigration and Naturalization Service) ở San Francisco. Từ 1993 đến 1995, Thẩm phán hành chánh tại Ban Kháng cáo trợ cấp thất nghiệp (California Unemployment Insurance Appeals Board), Sacramento. Năm 1995 được Tổng Trưởng Tư Pháp Janet Reno bổ nhiệm làmThẩm phán Toà Di trú Liên bang tại San Francisco.

 

Có 4 con trai và 8 cháu nội. Cư ngụ tại thành phố Danville từ 1995. Tự túc và tự lập từ khi đặt chân lên miền Đất Hứa vì quan niệm mỗi cá nhân có trách nhiệm phải lo lấy cho bản thân và gia đình. Chưa hề trở lại Việt Nam vì khi 38 năm trước đây đã rời bỏ quê hương do thảm họa cộng sản thì sẽ không trở về một khi chế độ cộng sản còn tồn tại.

 

Tôi quyết định về hưu nhằm mục đích tranh cử vào Quốc Hội Liên Bang. Ý định này được ấp ủ từ lâu vì nghĩ rằng người Việt Tự Do, và dân tộc Việt Nam cần một tiếng nói có tư cách và thẩm quyền tại một diễn đàn quốc tế, và thời điểm này là Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ.

 

Trong suốt 20 năm chiến tranh Nam Bắc, hoạt động ngoại giao cả hai miền chỉ nhằm củng cố địa vị của những người đang nắm quyền lực trong tay. Số phận của đất nước trở thành vật tế thần cho các cường quốc và thế lực quốc tế. Trong các cuộc mặc cả người dân Việt bị gạt ra ngoài. Chết chóc, tàn phá, chia ly xảy ra trên đất nước chúng ta. Nhưng tiếp xúc, thương thuyết lại được tiến hành sau lưng và trên đầu, trên cổ dân tộc.

 

Là một công dân Hoa Kỳ, gốc Việt, tôi thấy có bổn phận đóng góp cho sự phú cường của quốc gia vĩ đại này, đồng thời làm tiếng nói của những người Việt muốn thấy tự do, dân chủ, độc lập thực sự, tôn trọng nhân quyền, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, sớm thực hiện trên đất nước Việt Nam. Ra ứng cử với tư cách ứng cử viên Đảng Cộng Hòa, tôi chủ trương một chính quyền giới hạn (limited government), một trật tự xã hội (social order) trong đó mỗi cá nhân mang trách nhiệm với bản thân và gia đình, một chính sách ngọai giao dựa vào quyền lực quân sự hùng mạnh của Hoa Kỳ được hướng dẫn bởi những giá trị về nhân quyền, bình đẳng, tự do, nguyên tắc trọng pháp của Hiến Pháp và Bản Tuyên Ngôn Độc Lập.

 

Tôi tin tưởng mãnh liệt Hoa Kỳ cần duy trì vị thế lãnh đạo không những vì quyền lợi của Hoa Kỳ mà còn nhằm duy trì hòa bình bằng cách tạo nên cán cân thăng bằng trên thế giới. Tin vào tính cách thiêng liêng của đời sống, tôi không ủng hộ phá thai. Tuy nhiên nghĩ rằng chính quyền không nên xen vào quyền quyết định giữa người phụ nữ mang thai và vị y sĩ của họ. Tôi ủng hộ quyền mang súng quy định trong tu chính án thứ hai nhưng phải được kiểm soát để bảo vệ an toàn chung cho cộng đồng.

 

Tôi tin một nền kinh tế dựạ trên kinh doanh tự do sẽ tạo công ăn việc làm cho mọi ngưòi, đưa đến thịnh vượng.

 

Tôi có nhiều hy vọng đắc cử. Ghế dân biểu đơn vị 11 bỏ trống sau khi Dân biểu đương nhiệm tuyên bố không tái tranh cử. Sau 40 năm đại diện bởi một Dân biểu thuộc Đảng Dân Chủ, cần phải có thay đổi với một Dân Biểu Cộng Hòa. Tuy còn là thiểu số trong đơn vị 11, tỷ lệ Đảng viên Cộng hòa đi bầu ở vòng sơ bộ luôn luôn cao hơn đảng viên Đảng Dân chủ.

 

Theo thể thức bầu cử mới tại California, ở vòng sơ bộ (primary election), đảng viên có quyền bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng đối lập. Cho đến nay, phía Dân Chủ chỉ có một ứng cử viên và phía Cộng Hòa chỉ có tôi. Hy vọng vào vòng sơ bộ vì thế rất cao để từ đó vào vòng bầu cử sau cùng tháng 11, 2014. Tôi đắc cử, người Việt Tự do sẽ có tiếng nói tại Hạ Viện ở Hoa Thịnh Đốn.

 

Tranh cử cần phải vận động cử tri. Vận động cử tri cần có tổ chức, chương trình, và tài chánh. Quý đồng hương nào không cư ngụ trong đơn vị 11 hẳn nhiên không bỏ phiếu cho tôi được. Nhưng tất cả công dân Mỹ, và cả những thường trú nhân, nghĩa là những người có “thẻ xanh”, ở trên toàn nước Mỹ, đều có thể đóng góp tài chánh. Và tôi cần sự đóng góp của quý vị.

 

Đóng góp có thể bằng tiền mặt, hoặc chi phiếu ghi tên: tuephanquang4uscongress, gởi về địa chỉ bưu điện: tuephanquang4uscongress, PO Box 1687, Danville, CA 94526. Quý vị có thể liên lạc với tôi qua điện thư: tuephanquang4uscongress@gmail.com.

 

Một lần nưã, nhân dịp đầu năm, xin chúc đồng hương và gia quyến một năm Giáp Ngọ an khang, thịnh vượng.

 

Trân trọng kính chào quý vị,

 

Danville, ngày 30-1-2014

 

Phan Quang Tuệ, Ứng cử Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Đơn vị California 11

21 Tháng Tư 2013(Xem: 9532)
Sân làng là bãi đất trống khô khốc khá rộng, đỏ quánh, bao bọc bởi những mái tranh nứa nghèo nàn mái thấp mái cao; khi phá cánh rừng đồi này người ta chừa một gốc sao thật to mọc trên gò đất cao nhất. Cây sao trở thành nhân chứng cho các buổi hội làng lễ lạc. Đống củi rừng được đốt lên dưới tàn cây, dân ở ven sân làng lũ lượt tụm năm tụm ba kéo đến ngồi tụ quanh đống lửa, ánh sáng từ lửa soi rực lên những khuôn mặt lạ, họ độ bốn năm người, mặc toàn bà ba đen, họ mang theo mấy cây đàn lớn nhỏ, một cái trống cũng nhỏ. Chỉ có thế thôi.
19 Tháng Tư 2013(Xem: 6826)
Một ngày sau khi được tin ông mất, một số người thuộc thế hệ con cháu đã gọi nhau, text nhau trên máy: "sao không cùng hát với nhau cho nhau những ca khúc Phạm Duy?" Có cái gì đó thôi thúc mọi người cùng bắt tay vào việc. Kết quả là một buổi họp mặt nghệ sĩ và thân hữu với tiếng ca hát chen tiếng cười mà chan hòa nước mắt.