Reuters: “Sáu kịch bản Trung cộng đánh Đài Loan”; Quốc phòng Đài Loan báo cáo

10 Tháng Mười Một 20217:06 SA(Xem: 5893)

VĂN HÓA ONLINE – THẾ GIỚI HÔM NAY - THỨ TƯ 10 NOV 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Reuters: “Sáu kịch bản Trung cộng đánh  Đài Loan”; Quốc phòng Đài Loan báo cáo (*)

image002

BBC/REUTERS  8/11/2021


image003Nguồn hình ảnh, Getty Images. Thua trong cuộc nội chiến, ông Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng chạy sang Đài Loan vào năm 1949 với ý chí 'phục quốc', chiếm lại Hoa lục. Nhưng ngày nay, Đài Loan tiến dần về hướng dân chủ hóa và tự chủ văn hóa, khác với mô hình XHCN tư bản đỏ ở TQ


Cuộc nội chiến ở Trung Quốc kết thúc 62 năm trước, với kết quả là Tưởng Giới Thạch và Quốc dân Đảng chạy sang Đài Loan, trong lúc Mao Trạch Đông cùng Đảng Cộng sản giành quyền đối với Trung Hoa lục địa.


Kể từ đó, Trung Quốc vươn lên thành cường quốc trên thế giới, còn Đài Loan phát triển thành một nền dân chủ tự trị được Hoa Kỳ hậu thuẫn. Bắc Kinh luôn nung nấu ý định đưa vùng mà Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai của mình trở về với đại lục, kể cả bằng việc dùng vũ lực.


Với những dịch chuyển, biến động của chính trị thế giới trong những năm qua, nay, có vẻ như Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình đang sẵn sàng cho cuộc chiến lấy lại Đài Loan, theo tường thuật đặc biệt của Reuters, và việc này có thể xảy ra trong tình huống giả định với sáu giai đoạn khác nhau.


Hãng Reuters nói tình huống giả định này được đưa ra dựa trên các cuộc phỏng vấn các nhà chiến lược quân sự và 15 quan chức quân sự, cả đã nghỉ hưu lẫn đang đương chức, của Đài Loan, Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản, và dựa trên các thông tin thu thập từ báo chí, tài liệu công khai đăng trên các tạp chí quân sự và ấn phẩm chuyên ngành.


Tuy nhiên, Reuters trong tài liệu công bố 'Special Report T-Day: The Battle for Taiwan' vừa ra mắt đầu tháng 11/2021 cũng nhấn mạnh rằng đây hoàn toàn chỉ là tình huống giả định, và trên thực tế không nhất thiết sẽ xảy ra kịch bản tương tự.


Sáu kịch bản này cũng có thể hiểu là sáu giai đoạn với độ nóng tăng dần và 'scenario' cuối cùng sẽ dẫn tới chiến tranh toàn diện ở châu Á. Bất cứ kịch bản nào cũng dẫn tới xung đột Mỹ - Trung và làm rung động thị trường thế giới.


Kịch bản 1: Phong tỏa nhóm đảo Matsu (Mã Tổ)


Sau khi tiến hành chiến dịch 'vùng xám' tỏ dấu hiệu chiến tranh với Đài Loan - với các hoạt động tập trận, tuần tra, theo dõi diễn ra gần như hàng ngày, chỉ còn thiếu bước để xảy ra xung đột có vũ trang mà thôi - mà không buộc Đài Bắc ngồi xuống bàn đàm phán, ông Tập và đảng Cộng sản cầm quyền có vẻ như đang mất dần kiên nhẫn.


image004Nguồn hình ảnh, Getty Images. Quần đảo Matsu của Đài Loan ngăm sát với bờ biển của tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc


Bắc Kinh quyết định áp lệnh phong tỏa đối với Quần đảo Matsu - của Đài Loan nhưng nằm gần với bờ biển của tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc hơn là với đảo chính của Đài Loan - nhằm tăng áp lực, buộc Đài Bắc phải có các cuộc thảo luận về chủ đề thống nhất.


Nhóm đảo này có khoảng 13.500 dân sinh sống, và Bắc Kinh luôn coi đây là một phần của huyện Liên Giang (Lianjiang) của Trung Quốc. Nay họ sẽ xác quyết tuyên bố này.


image005Nguồn hình ảnh, Google Map


Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đưa tàu, tàu ngầm bao vây quân đảo, cùng các đội tàu cá, tàu nạo vét lòng biển. Chiến đấu cơ của PLA tuần tra ngày đêm trên vùng trời Eo biển Đài Loan.


Trung Quốc ra cảnh báo rằng bất kỳ chiến đấu cơ, máy bay do thám hay tàu chiến nào của Đài Loan vượt qua đường ranh giới trên biển sẽ đều bị tấn công, các chuyến bay thương mại và quân sự, tàu bè vận tải chở khách, chở hàng đều không được từ Đài Loan ra vào quần đảo này. Lực lượng tuần duyên và quân đội Đài Loan ở quần đảo này vốn ít ỏi nay bị cô lập, không có khả năng chống cự.


Đài Loan phản ứng bằng việc các chỉ huy quân sự Đài Bắc đưa tàu chiến và chiến đấu cơ ra tấn công các lực lượng PLA. Bằng sức mạnh áp đảo, PLA xóa sổ lực lượng Đài Loan cử ra trước khi họ đến được Matsu.


Đài Loan kêu gọi sự hỗ trợ khẩn cấp về quân sự và ngoại giao từ Hoa Kỳ và các đồng minh, còn Bắc Kinh kêu gọi Đài Bắc ngay lập tức thảo luận về thời biểu thống nhất, trở về với Trung Quốc.


Đài Loan bác bỏ đòi hỏi của Bắc Kinh và quyết tâm dùng toàn lực về quân sự để phá vỡ vòng phong tỏa. Quần đảo Matsu trên thực tế nằm trong sự kiểm soát của Trung Quốc cộng sản. Căng thẳng dâng cao nghiêm trọng trên trường quốc tế do Hoa Kỳ và các đồng minh phối hợp áp lệnh trừng phạt về kinh tế, thương mại lên Bắc Kinh.


Kịch bản 2: Chiếm Kinmen (Kim Môn)


Chính phủ Đài Loan khước từ đàm phán sau vụ Bắc Kinh phong tỏa cụm đảo Matsu. Người dân Đài Loan tiếp tục cứng rắn phản đối việc thống nhất với Trung Quốc dù dưới bất kỳ hình thức nào. Dựa vào Hoa Kỳ, Đài Bắc đẩy nhanh việc tăng cường sức mạnh quân sự.


Chủ tịch Tập Cận Bình cùng các tướng lĩnh cao cấp quyết định sẽ chiếm đảo Kinmen của Đài Loan, hòn đảo có khoảng 140.000 dân, nằm cách thành phố cảng Hạ Môn (Xiamen) của tỉnh Phúc Kiến chỉ 6km.


image006Nguồn hình ảnh, Google Map. Đảo Kinmen nằm cách thành phố Hạ Môn, Phúc Kiến chỉ 6km


Bất ngờ tấn công bằng đạn pháo, tên lửa, chiến đấu cơ, máy bay ném bom, PLA đưa lính đổ bộ xuống bãi biển Kinmen, tiến chiếm các vị trí chiến lược trọng yếu trên đảo, rồi bắt đầu tăng cường hoạt động nhằm chặn nỗ lực của Đài Loan trong việc tới gần hòn đảo đã bị chiếm.


Các chỉ huy quân sự Đài Loan ra một loạt các vụ tấn công bằng tên lửa nhắm vào các cảng dọc bờ biển Trung Quốc và các tàu chiến Trung Quốc ở gần họn đảo, đồng thời tấn công các chiến đấu cơ Trung Quốc.


image007Nguồn hình ảnh, Getty Images. Trên đảo Kinmen có bức tường loa Bắc Sơn Thành nổi tiếng


Trong lúc các lực lượng hải quân Hoa Kỳ và Nhật Bản chưa kịp phản ứng trước những lời kêu gọi khẩn cấp của Đài Loan, Bắc Kinh ra cảnh báo các nước chớ can thiệp và kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức để dân thường có thể được đưa đi sơ tán, chữa trị tại các bệnh viện Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đòi Đài Bắc phải đàm phán về khả năng thống nhất với Trung Quốc theo công thức "một quốc gia hai chế độ"


Về mặt quốc tế, Trung Quốc chặn việc Liên Hiệp Quốc ra tuyên bố lên án vụ xâm chiếm Kinmen, và tính toán rằng Washington cùng các đồng minh sẽ không dám đánh đổi bằng một cuộc chiến lớn để cứu một vùng lãnh thổ nhỏ như Đài Loan.


Các lực lượng Nhật Bản và Hoa Kỳ quả là tránh tấn công vào các lực lượng Trung Quốc, nhưng cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục, với việc Washington đưa thêm các lực lượng không quân, hải quân và bộ binh tới châu Á, và bắt đầu chiến dịch ngoại giao toàn cầu nhằm áp lệnh cấm vận công nghệ đối với Trung Quốc.


Kịch bản 3: Khóa hàng rào hải quan


Căng thẳng tiếp tục dâng cao, Trung Quốc tiếp tục phong tỏa nhóm đảo Matsu, và Đài Loan tiếp tục khước từ đàm phán. Người dân Đài Loan tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ quyết định của chính phủ.


Hoa Kỳ đẩy mạnh việc giao nhận vũ khí tối tân cho Đài Loan còn Nhật Bản sau khi công khai xác nhận hỗ trợ Hoa Kỳ trong việc trợ giúp Đài Loan, đã đưa các đơn vị bộ binh và hải quân tới các hòn đảo phía nam của Nhật để tập luyện việc đổ bộ từ biển vào.


Cảm thấy báo động về sự chuẩn bị của Đài Loan, ông Tập quyết định áp lệnh kiểm soát hải quan đối với Đài Loan để buộc giới lãnh đạo hòn đảo phải đồng ý đàm phán.


Bắc Kinh đòi các đối tác thương mại của Đài Loan phải công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hòn đảo tự trị này, đồng thời tuyên bố với quốc tế rằng Bắc Kinh sẽ áp dụng quyền tài phán đối với lĩnh vực hải quan, hàng hải và hàng không đối với Đài Loan.


Bắc Kinh cũng thiết lập vùng định dạng phòng không (ADIZ) chồng lấn lên vùng không phận vốn đang thuộc quyền kiểm soát của Đài Loan. Các tàu bè, máy bay quốc tế muốn ra vào khu vực đều cần được Bắc Kinh cho phép.


Trong vòng 24 giờ, PLA triển khai đội tàu hùng hậu quanh Đài Loan để thực thi tuyên bố trên.


Các tàu thuyền nước ngoài tới Đài Loan đều bị kiểm tra, lục soát để tìm vũ khí, công nghệ quân sự hoặc các mặt hàng khác có thể phục vụ công tác quốc phòng của Đài Loan. Chỉ các tàu chở hàng thiết yếu như lương thực, năng lượng được phép đi vào. Các tàu hàng cỡ lớn bị yêu cầu chuyển hướng, đi về phía các cảng của Trung Quốc để kiểm tra.


image008Nguồn hình ảnh, Getty Images. Trên cụm đảo Matsu, Đài Loan có một đơn vị quân đội nhỏ


Bắc Kinh cảnh báo quân đội nước ngoài sẽ bị tấn công nếu định tiếp cận đảo Đài Loan, và quốc tế chớ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, và tiếp tục yêu cầu Đài Bắc đàm phán việc thống nhất.


Đài Bắc bác bỏ đòi hỏi của Bắc Kinh, đưa tàu chiến và chiến đấu cơ ra nhằm nỗ lực phá vỡ vòng kiểm dịch, kêu gọi Hoa Kỳ trợ giúp, và phóng tên lửa tấn công máy bay, tàu chiến của PLA.


PLA bị một số tổn thất, nhưng nỗ lực phá vỡ vòng vây của Đài Loan bất thành.


Bất ngờ bị ngưng toàn bộ hàng xuất nhập khẩu, Đài Loan rơi vào cảnh thiếu thốn ngay lập tức các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là nhiên liệu, và bị tách rời khỏi thế giới bên ngoài.


Trong lúc Hoa Kỳ và các đồng minh đang quyết định xem nên phản ứng thế nào, Bắc Kinh đề nghị sẽ cho phép nối lại cung ứng hàng thiết yếu với điều kiện Đài Bắc ngay lập tức đồng ý đàm phán về chuyện thống nhất.


Kịch bản 4: Phong tỏa toàn diện


Bị kiểm soát chặt về mặt hải quan, nhưng chính quyền Đài Bắc vẫn tiếp tục bác bỏ yêu cầu đàm phán để thống nhất của Bắc Kinh, và kêu gọi Hoa Kỳ cùng các đồng minh giúp đỡ để phá vỡ thế kìm kẹp. Cổ phiếu toàn cầu sập mạnh do có lo sợ về nguy cơ đụng độ quân sự diện rộng và do tình trạng thiếu thốn các mặt hàng bán dẫn quan trọng cùng các sản phẩm công nghệ cao quan trọng của Đài Loan.


Washington cảnh báo Bắc Kinh nếu không dỡ bỏ việc áp lệnh kiểm định hải quan thì sẽ phải đối diện với tình trạng can thiệp quân sự. Bắc Kinh quyết dịnh phong tỏa toàn diện nhằm tăng áp lực bên trong đối với Đài Bắc.


Bắc Kinh cấm toàn bộ tàu thuyền nước ngoài không được vào vùng biển quanh Đài Loan. Tàu thuyền Đài Loan được kêu gọi đầu hàng, những tàu nào từ chối sẽ bị tấn công, đánh chìm. Đường cáp ngầm quan trọng dưới biển nối Đài Loan với thế giới bên ngoài bị cắt đứt.


Máy bay, tàu chiến của PLA được triển khai để chặn các lực lượng Nhật Bản, Hoa Kỳ tiếp cận Đài Loan. Hòn đảo hoàn toàn bị cô lập, đồ dùng, thực phẩm trở nên khan hiếm. Bắc Kinh đòi Đài Bắc đàm phán về việc thống nhất.


Nhận được lời hứa giúp đỡ từ phía Hoa Kỳ và các đồng minh, Đài Loan tiến hành các cuộc tấn công trên không và bằng tên lửa nhắm vào các tàu chiến, tàu thuyền bán quân sự của Trung Quốc đang bao vây Đài Loan.


Hoa Kỳ và các đồng minh trong đó có Nhật triển khai tàu chiến và tàu ngầm tới khu vực quanh Đài Loan để phá vỡ tình trạng phong tỏa. Máy bay ném bom tầm xa của Mỹ cũng được triển khai tới Guam và Úc.


Tàu ngầm của Mỹ và Nhật bắt đầu đánh chìm tàu chiến của PLA đang phong tỏa Đài Loan và máy bay ném bom cũng gây những tổn thất lớn cho đội tàu của PLA.


Tuy nhiên, hệ thống phòng không và tên lửa chống hạm hùng mạnh của Trung Quốc khiến Mỹ và đồng minh không thể mở được các tuyến vận tải và các cảng của Đài Loan.


Bắc Kinh cũng tấn công vào các căn cứ của Mỹ đặt tại Nhật Bản. Các cuộc đụng độ gây ra tổn thất to lớn về tàu chiến và sinh mạng con người.


Bắc Kinh kêu gọi ngưng bắn ngay lập tức và đề nghị cho phép hàng cung ứng được vào Đài Loan, đồng thời mời Washington đàm phán nhằm tránh một cuộc chiến toàn diện.


Mỹ và đồng minh quyết định thay vì tấn công quân sự thì đe dọa tấn công kinh tế, với việc sẽ áp lệnh phong tỏa đối với việc nhập khẩu năng lượng và nguyên liệu thô của Bắc Kinh bằng đường biển trên Ấn Độ Dương.


Kịch bản 5: Chiến dịch trên không và hỏa tiễn


Cảm thấy báo động về thái độ ngày càng hung hăng của Bắc Kinh qua chiến thuật 'vùng xám', Hoa Kỳ và đồng minh đẩy mạnh việc giúp Đài Loan tăng sức mạnh phòng thủ. Hoa Kỳ cũng tăng sức mạnh hỏa lực cho các lực lượng của mình ở châu Á trong lúc Nhật cam kết sẽ hỗ trợ Mỹ bảo vệ Đài Loan.


Ông Tập cùng các chỉ huy cấp cao quyết định rằng không có khả năng thực tế trong việc chiếm được quyền kiểm soát Đài Loan mà không xảy ra xung đột.


Với những tính toán về khả năng PLA có thể chiếm ưu thế trong thời gian ngắn hạn, trong lúc kinh tế Trung Quốc có nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản, dẫn tới việc khó có thể duy trì mức tăng ngân sách quốc phòng lớn, giới lãnh đạo Trung Quốc cân nhắc nhưng rồi bác bỏ khả năng dùng các biện pháp hạn chế như chiếm các đảo nhỏ bên ngoài Đài Loan hay áp lệnh phong tỏa.


image009Nguồn hình ảnh, Getty Images. Quân đội Đài Loan nhận được sự hậu thuẫn mạnh từ Hoa Kỳ về vũ khí, khí tài


image010Nguồn hình ảnh, Getty Images


Tuy nhiên, ông Tập và giới lãnh đạo cũng đánh giá rằng việc tiến hành xâm chiếm bằng cách đổ bộ quy mô lớn là vượt quá khả năng của PLA.


Do vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết định tấn công bằng đường không và bằng tên lửa vào hệ thống phòng thủ của hòn đảo, nhằm hủy diệt quân đội, làm mất tinh thần người dân Đài Loan, và buộc Đài Bắc phải đàm phán trước khi Mỹ và đồng minh kịp can thiệp.


Bị tấn công dữ dội bằng các trận không kích và bằng tên lửa, Đài Loan vội vã chuyển giới lãnh đạo quân sự và chính trị xuống các trung tâm chỉ huy ngầm dưới lòng đất và triển khai quân đội, sẵn sàng chờ đón một cuộc xâm chiếm toàn diện. Lực lượng dự bị được huy động.


Quân đội Đài Loan bị tổn thất nặng, các cơ sở hạ tầng then chốt bị phá hủy. Bắc Kinh kêu gọi dừng bắn ngay lập tức trước khi Mỹ và đồng minh kịp can thiệp, và đòi Đài Bắc phải đồng ý đàm phán về các điều kiện thống nhất.


Đài Loan cương quyết khước từ, huy động lực lượng dự bị và sử dụng số vũ khí còn lại của mình, chuẩn bị đối phó với tình huống quân PLA đổ bộ lên đảo Đài Loan. Hoa Kỳ và các đồng minh bắt đầu triển khai lực lượng để bảo vệ hòn đảo.


Kịch bản 6: Tấn công toàn diện - đổ bộ xâm lăng


Ông Tập và các chỉ huy cao cấp của ông tin rằng họ đã cạn thời gian. Sau khi cân nhắc nhiều khía cạnh lợi hại, họ quyết định tiến hành chiến dịch đổ bộ bằng đường không và đường biển với quy mô lớn chưa từng có, nhằm chiếm thế áp đảo trước khi Mỹ và các đồng minh kịp phản ứng.


PLA bất ngờ tấn công bằng đường không, tên lửa và tấn công mạng vào các mục tiêu quân sự, dân sự then chốt trên toàn Đài Loan, đồng thời tấn công vào các căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản và Guam bằng đường không và bằng tên lửa, nhằm làm tê liệt, làm chậm khả năng can thiệp của Mỹ vào Đài Loan.


Các tàu lội nước, tàu đổ bộ và các tàu dân sự rời cảng ở Trung Quốc, cách Đài Loan khoảng 120 km ở điểm gần nhất, mang theo hàng trăm ngàn lính PLA được trang bị vũ khí đầy đủ, tiến tới Đài Loan. Máy bay của PLA cũng đem thả lực lượng đặc nhiệm xuống, với nhiệm vụ bắt giữ hoặc giết chết các nhà lãnh đạo chính trị, quân sự Đài Loan.


Cạnh đó là cuộc chiến tâm lý, được Trung Quốc thực hiện qua các cuộc tấn công mạng và các chiến dịch loan tin sai trên mạng và trên các hệ thống điện thoại di động.


Giới lãnh đạo Đài Loan trú ẩn dưới các trung tâm chỉ huy ngầm dưới lòng đất đã được chuẩn bị sẵn, kêu gọi sự hỗ trợ khẩn cấp từ Hoa Kỳ và các đồng minh. Hòn đảo huy động tổng lực về quân sự, binh lính để đối phó với cuộc đổ bộ của Trung Quốc.


Quân đội Đài Loan tấn công bằng tên lửa tầm xa vào lực lượng xâm chiếm và các cảng của Trung Quốc. Mỹ, với sự tham gia của quân đội Nhật Bản và Úc, bắt đầu tấn công vào quân PLA đang xâm chiếm Đài Loan.


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++


Báo cáo của bộ Quốc Phòng Đài Loan


Bắc Kinh có thể « phong tỏa các cảng biển và sân bay chính » của Đài Loan


RFI 09/11/2021


image012Một máy bay quân sự của Mỹ chở một phái đoàn thượng nghị sĩ Mỹ đáp xuống sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc, Đài Loan, ngày 06/06/2021. AP


Trọng Thành


Trung Quốc có thể phong tỏa các cảng biển và sân bay chính của Đài Loan nhằm cắt đứt các mối liên hệ chính của hòn đảo với thế giới bên ngoài. Đó là cảnh báo của bộ Quốc Phòng Đài Loan trong bản báo cáo quốc phòng, ra hai năm một lần, được công bố hôm nay, 09/11/2021. 


Hãng tin Pháp AFP dẫn lại nhận định của báo cáo quốc phòng Đài Loan, lên án việc Bắc Kinh « tăng cường khả năng tấn công bằng đường không, đường biển và trên bộ nhắm vào hòn đảo ». Bản báo cáo cho biết rõ việc « phong tỏa các cảng biển, sân bay, và các chuyến bay chiều đi (xuất phát từ Đài Loan), cũng như cắt đứt các tuyến thông tin liên lạc trên không và trên biển » là một phần của chiến lược tăng cường khả năng tấn công nói trên.


Báo cáo của bộ Quốc Phòng Đài Loan cũng nhấn mạnh đến việc Trung Quốc có khả năng tấn công hòn đảo với các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, và cho biết Bắc Kinh đang tăng cường lực lượng để có thể tiến hành tấn công đổ bộ. 


Bộ Quốc Phòng Đài Loan cũng cảnh báo, ngoài việc sẵn sàng cho các cuộc can thiệp vũ trang, Trung Quốc đang ngày càng sử dụng nhiều hơn các hành động gây hấn tại những « vùng xám », thuật ngữ mà giới chuyên gia quân sự thường sử dụng chủ yếu để nói về các hoạt động chiến tranh mạng và « chiến tranh tâm lý », bao gồm việc gieo rắc tin giả.


Chiến lược tại các « vùng xám » cũng bao gồm việc đưa chiến đấu cơ liên tục thâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, tổng cộng hơn 554 lần, tính từ tháng 9/2020 đến tháng 8/2021. Các chiến thuật gây hấn tại « vùng xám » có mục tiêu khiến hòn đảo suy yếu từ bên trong, và « Trung Quốc có thể chiếm được Đài Loan » mà không cần nổ súng, theo báo cáo của bộ Quốc Phòng Đài Loan. 


Báo cáo nhấn mạnh là chính quyền Trung Quốc đã cố gắng « đơn phương thay đổi trật tự quốc tế tự do và rộng mở, với các hoạt động thao túng tại vùng xám » trong bối cảnh thế giới đang bận đối phó với đại dịch Covid-19, và « Các hoạt động chuẩn bị về quân sự, huấn luyện và tập trận trên thực địa của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, cũng như các hành động và đe dọa nhắm vào Đài Loan dự kiến sẽ tiếp tục được tăng cường, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh ở khu vực eo biển Đài Loan ».


Để đáp trả các đe dọa từ Trung Quốc, quân đội Đài Loan dự kiến nhiều biện pháp, trong đó có việc tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, với việc mua thêm các hệ thống vũ khí mới từ nước ngoài và phát triển các vũ khí tự chế trong nước.


Hãng tin Đài Loan CNA đặc biệt chú ý đến việc bản báo cáo quốc phòng lần đầu tiên công bố cùng lúc hai bản tiếng Hoa và tiếng Anh (có nhan đề « Resilience: ROC Armed Forces »). Trong gần 30 năm qua, bản dịch tiếng Anh chỉ xuất hiện nhiều tuần lễ sau khi báo cáo bằng Hoa ngữ được công bố. Theo CNA, mục đích của việc công bố sớm bản Anh ngữ là nhằm thúc đẩy phổ biến thông tin giữa các nước ngoài và Đài Loan, trong bối cảnh quốc tế cần thêm nhiều nỗ lực chung chống lại mối đe dọa quân sự gia tăng từ Trung Quốc.

21 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1229)
16 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1383)
BIDEN – TẬP ‘BÀN’ VỚI NHAU NHỮNG GÌ?