Donetsk và Luhansk trưng cầu dân ý nhập Nga; Zelensky: trò giả hiệu; Biden: trừng phạt

24 Tháng Chín 20228:21 SA(Xem: 4471)

VĂN HÓA ONLINE – THẾ GIỚI HÔM NAY - THỨ BẨY 24 SEP 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Donetsk và Luhansk trưng cầu dân ý nhập Nga; Zelensky: trò giả hiệu; Biden: trừng phạt


Tổng thống Mỹ: Sẽ trừng phạt “nhanh chóng và nặng nề” nếu Nga sáp nhập các lãnh thổ Ukraina


RFI 24/09/2022


image003Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, Hoa Kỳ, ngày 21/09/2022. REUTERS - BRENDAN MCDERMID


Thanh Phương


Tối qua, 23/09/2022, tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Hoa Kỳ và các đồng minh của Washington sẽ ban hành các biện pháp trừng phạt kinh tế “nhanh chóng và nặng nề” đối với Nga, nếu Matxcơva sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraina thông qua các cuộc trưng cầu dân ý mà quốc tế không công nhận.


Từ hôm qua cho đến ngày 27/09, Nga đã cho tổ chức trưng cầu dân ý tại các vùng của Ukraina mà họ kiểm soát toàn bộ hoặc một phần. Đó là các vùng Donetsk và Luhansk ở miền đông, Kherson và Zaporijjia ở miền nam.


Ông Biden tố cáo : "Các cuộc trưng cầu dân ý của Nga là một trò giả vờ, một cái cớ xảo trá để cố sáp nhập bằng vũ lực các vùng lãnh thổ của Ukraina." 


Trước đó, trong một thông cáo chung, các quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới thuộc nhóm G7 ( Đức, Canada, Hoa Kỳ, Pháp, Ý, Nhật và Anh Quốc ) cũng đã ra một thông cáo chung lên án các cuộc trưng cầu dân ý đó. Nhóm G7 kêu gọi toàn bộ các quốc gia trên thế giới “thẳng thừng bác bỏ các cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu không có giá trị pháp lý và không chính đáng”. 


Hôm thứ năm, sau một cuộc họp bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, các ngoại trưởng của nhóm G7 đã lên án việc Matxcơva leo thang trong cuộc chiến Ukraina, nhất là qua việc tổng thống Putin huy động quân dự bị và dọa sử dụng vũ khí nguyên tử.


Về phần tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, trong bài phát biểu thường nhật qua video tối qua, ông cũng đã kêu gọi toàn thế giới lên án cuộc trưng cầu dân ý “giả hiệu” do Nga tổ chức ở các vùng lãnh thổ của Ukraina.


'Trưng cầu dân ý gia nhập Nga': Binh lính đi từng nhà để lấy phiếu bầu


  • James Waterhouse từ Ukraine, Paul Adams và Merlyn Thomas từ London
  • BBC News


24/9/2022


image006Nguồn hình ảnh, Reuters. Nga cho phép giới truyền thông vào một số điểm bỏ phiếu, bao gồm điểm này ở Luhansk


Người dân Ukraine cho biết các binh lính có vũ trang đến từng nhà ở những vùng bị chiếm đóng để lấy phiếu bầu cho các cuộc "trưng cầu dân ý" về việc sáp nhập Nga.


"Bạn phải nói ra câu trả lời, rồi người lính sẽ đánh dấu vào phiếu bầu và giữ tờ phiếu", một phụ nữ ở Enerhodar nói với BBC.


Ở phía nam Kherson, lính Nga đứng gác một thùng phiếu ở giữa thành phố để thu thập phiếu bầu của người dân.


Truyền thông nhà nước Nga đưa tin việc đến từng nhà lấy phiếu là để đảm bảo "an ninh".


"Việc bỏ phiếu trực tiếp sẽ diễn ra duy nhất trong ngày 27/9", hãng tin Tass đưa tin. "Vào những ngày khác, phiếu bầu sẽ được thu thập từ cộng đồng và theo cách thức đến từng nhà."


Một phụ nữ ở Melitopol nói với BBC rằng hai "cộng tác viên" địa phương cùng hai binh sĩ Nga đã đến căn hộ của cha mẹ cô và đưa cho họ một lá phiếu.


"Cha tôi điền 'không' [để gia nhập Nga]," người phụ nữ nói. "Mẹ tôi đứng gần đó và hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu điền "không". Họ nói: "Không có gì".


"Mẹ tôi đang lo lắng rằng Nga sẽ đàn áp họ".


Người phụ nữ này cũng cho biết chỉ có một lá phiếu cho cả hộ gia đình, thay vì cho mỗi người.


Sự hiện diện của những binh lính có vũ trang khi tiến hành bỏ phiếu mâu thuẫn với sự khăng khăng của Moscow rằng đây là một quá trình tự do hoặc công bằng.


Các chuyên gia cho rằng các cuộc trưng cầu dân ý diễn ra trong 5 ngày này sẽ cho phép Moscow tuyên bố chủ quyền - bất hợp pháp - 4 khu vực bị chiếm đóng hoặc bị chiếm đóng một phần của Ukraine là của Nga.


Việc "sáp nhập" sẽ không được quốc tế công nhận, nhưng có thể dẫn đến việc Nga tuyên bố rằng lãnh thổ của họ đang bị tấn công bởi các vũ khí mà phương Tây cung cấp cho Ukraine, điều có thể khiến chiến tranh leo thang hơn nữa.


Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả các cuộc trưng cầu dân ý là "một trò giả tạo", nói rằng đây là "cái cớ giả" để cố gắng sáp nhập các vùng của Ukraine bằng vũ lực, vi phạm luật pháp quốc tế.


"Mỹ sẽ không bao giờ công nhận lãnh thổ Ukraine là bất cứ điều gì khác ngoài một phần của Ukraine", ông Biden tuyên bố.


Bộ trưởng Ngoại giao Anh, James Cleverly, cho biết Vương quốc Anh có bằng chứng cho thấy các quan chức Nga đã đặt ra các mục tiêu về "tỷ lệ người đi bầu được phát minh ra và tỷ lệ chấp thuận cho các cuộc trưng cầu giả tạo này".


Ông Cleverly cho biết Nga có kế hoạch chính thức hóa việc sáp nhập bốn khu vực - Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia - vào cuối tháng.


image007Nguồn hình ảnh, Reuters. Thùng phiếu được bảo vệ bởi những người lính có vũ trang ở Luhansk


Một nguồn tin ở Kherson nói với BBC rằng không có nỗ lực công khai nào nhằm khuyến khích việc bỏ phiếu, ngoài một thông báo trên hãng thông tấn của Nga rằng mọi người có thể bỏ phiếu tại một tòa nhà đã không được sử dụng 10 năm nay.


Một phụ nữ khác ở Kherson cho biết cô đã nhìn thấy "các binh lính có vũ trang" bên ngoài tòa nhà dường như đang diễn ra bỏ phiếu. Cô giả vờ quên hộ chiếu nên không phải bỏ phiếu.


Người phụ nữ cho biết tất cả bạn bè và gia đình cô đều phản đối cuộc trưng cầu dân ý. "Chúng tôi không biết cuộc sống của mình sẽ ra sao sau cuộc trưng cầu dân ý này. "Rất khó để hiểu họ muốn làm gì."


Kyiv nói rằng các cuộc trưng cầu dân ý sẽ không thay đổi điều gì, quân đội Ukraine sẽ tiếp tục phản công để giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ.


Trong khi đó, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin động viên thêm ít nhất 300.000 quân gần đây đã khiến nhiều người đàn ông Nga trong độ tuổi chiến đấu phải bỏ chạy.


Một thanh niên người Nga rời St Petersburg đến Kazakhstan để tránh nhập ngũ nói với chương trình Outside Source của BBC World Service rằng hầu hết bạn bè của anh ta cũng đang rời khỏi đất nước.


"Hiện giờ, tôi cảm thấy như thể hoàn toàn sụp đổ. Tôi biết chỉ có một hoặc hai người không nghĩ đến việc lưu vong lúc này", anh nói.


Người đàn ông cho biết một số người, giống như anh, đang chạy qua biên giới, trong khi những người khác đã đến những ngôi làng nhỏ của Nga để ẩn náu.


"Vấn đề lớn của Nga là chúng tôi không nghĩ về cuộc chiến ở Ukraine hồi tháng Hai như chúng tôi nghĩ về nó lúc này".


Hanna Chornous và Daria Sipigina đưa tin bổ sung từ Ukraine.
14 Tháng Mười Một 2022(Xem: 3587)
05 Tháng Mười Một 2022(Xem: 3376)